Ra Tết, dân văn phòng vật vã tìm bữa trưa
Vào nhà hàng gọi cơm cả tiếng đồng hồ vẫn chưa được phục vụ, chị Phương (quận 10, TP HCM) giận dữ: "Tôi không thể chờ được nữa, sắp tới giờ làm việc rồi đây này...", và đòi bỏ về.
Trưa mùng 6 Tết, trước cơn thịnh nộ của thực khách vì phải ngồi chờ lâu, các quản lý và nhân viên quán ăn ở quận 10 này chỉ biết xin lỗi: "Vì hôm nay khách đến đông quá nên đầu bếp không làm đồ ăn kịp, trong khi nhân viên chưa đi làm đủ...". Mặc dù vậy hơn 20 phút sau vẫn chưa thấy nhân viên đưa thức ăn lên càng làm cho vị khách kia nổi nóng hơn. Trong khi đó ở các bàn khác, một số thực khách khác không đủ kiên nhẫn để chờ nữa nên lần lượt bỏ về.
|
Đầu năm chỉ một vài quán ăn mở cửa nên lúc nào cũng đông ngẹt người. Thực khách đến phải chờ cả tiếng mới có thức ăn. Ảnh: HM. |
Chị Phương cho biết, vào những ngày bình thường, sau giờ làm việc, chị và các đồng nghiệp chỉ cần đi bộ vài bước là đến ngay quán bình dân trước cổng công ty ăn một bữa cơm ngon mà vẫn còn thời gian ngủ nghỉ buổi trưa. Tuy nhiên dịp Tết này các chủ quán ăn ở đây thông báo sẽ nghỉ hết "mùng" mới bắt đầu bán trở lại, khiến mỗi buổi trưa đến lại là nỗi ám ảnh tất tưởi đi tìm địa điểm ăn cơm.
Sau một hồi ngần ngại đắn đo, nhóm nhân viên hạ quyết tâm lội bộ đến một quán cơm văn phòng cách công ty cả cây số trong cái nắng cháy da buổi trưa Sài Gòn. Cuối cùng các chị cũng tìm được nhà hàng khá sang trọng trên đường 3 tháng 2 khi mọi người ai cũng đói và mệt mỏi. Thế nhưng mất hơn một tiếng đồng hồ mới có bữa cơm ăn 15 phút là xong, báo hại cả nhóm không có giờ nghỉ trưa, làm việc buổi chiều mà ai cũng mệt mỏi ngáp ngắn ngáp dài.
Tình cảnh công ty làm việc sớm trong khi các nhà hàng, quán ăn vẫn chưa mở cửa bán, nhiều nhân viên văn phòng tại TP HCM cũng than trời vì phải lặn lội đi tìm quán ăn hoặc chịu cảnh bị "chặt chém" thê thảm mấy ngày đầu năm này.
Tân, 27 tuổi, làm việc cho một công ty marketing trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP HCM) cho biết, mấy ngày này ở chốn trung tâm thành phố tình hình cơm nước còn ảm đạm hơn. Cả khu vực chỉ có độc một quán cà phê - cơm văn phòng mở cửa phục vụ, trong khi hét giá "trên trời" từ 80.000 đến 100.000 đồng một suất cơm trưa hoặc một tô phở (bao gồm tráng miệng và trà đá).
"Trong khi thịt và đồ ăn thì lèo tèo vài miếng mà cũng chẳng ngon lành gì. Thôi thì ăn để qua cái tuần Tết này chứ đi xa lại mất thời gian. Quý ông trong công ty chọn giải pháp uống cà phê thay cơm, còn một số bạn nữ thì mang cơm nấu sẵn ở nhà lên ăn cho đỡ tốn", Tân nói.
Còn Lệ, nhân viên trực tổng đài ở công ty này cho hay, do tính chất công việc của chị lúc nào cũng phải ở văn phòng nghe điện thoại nên chị thường đặt cơm hộp ăn tại chỗ cho tiện. “Chỉ cần nhấc máy ‘a lô’ vài phút là nhân viên nhà hàng sẽ đưa thức ăn đến ngay, tiện lắm. Vậy mà mấy ngày đầu năm này gọi cả chục quán đều báo đến qua 'mùng' mới mở cửa nên mình đang không biết tính toán ăn gì nguyên tuần này đây”, chị ngao ngán.
Tính toán mãi, cuối cùng Lệ đành phải nhào ra công viên Nhà thờ Đức bà mua tạm bọc bánh tráng trộn 10.000 đồng, ngồi nhai ngồm ngoàm cho đỡ đói. Chị chống cằm tự an ủi: “Mấy ngày Tết này cứ thịt cá hoài cũng ngán nên ăn mấy món này lại thấy hay hay, dùng tạm vậy để đến chiều về nhà ăn bù lại cũng được”.
Trong khi đó, nhờ đã rút kinh nghiệm những năm trước nên Hương, nhân viên thu ngân một ngân hàng có trụ sở tại quận Bình Thạnh cho biết, mấy ngày nay chị thủ sẵn bánh tét và trái cây ở quê mang lên công ty ăn. Mặc dù ăn hoài đồ nếp cũng ngán nhưng trước tình hình này thì đây là giải pháp "tối ưu" vừa giúp chị tiết kiệm tiền, vừa không phải đi xa nên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
"Tớ thấy như vậy là hay nhất. Mặc dù ăn hoài cũng hơi ngán nhưng cố gắng qua mấy bữa này đi, hy vọng tuần sau mọi thứ sẽ trở lại như cũ", Hương bộc bạch.
Thi Trân