Bệnh sốt rét ngày càng tỏ ra phức tạp hơn trong khi vắc-xin phòng bệnh vẫn đang được thử nghiệm.
Trong khi vắc-xin phòng sốt rét vẫn còn đang thử nghiệm, một chủng muỗi mới dễ lây bệnh cho người hơn đã được phát hiện. Còn các nhà sản xuất dược phẩm thì vẫn đang cân nhắc đến "hiệu quả kinh tế" của vắc-xin...
Joe Cohen, nhà khoa học 67 tuổi đã dành 23 năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, và đồng nghiệp là tác giả của vắc-xin phòng sốt rét. Ông nói rằng công việc thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin sốt rét gần như đã thành công.
Đó là sự kiện mang tính đột phá, có thể cứu hàng trăm nghìn mạng người trên thế giới, nhưng khi nào nó sẽ được đưa tới người dân ở những nước nghèo thì chưa thể biết, vì công việc nghiên cứu khoa học mới chỉ là một nửa hành trình.
|
Tiêm phòng vắc-xin thử nghiệm ở châu Phi. (Nguồn ảnh: Time) |
Thử nghiệm khả quan
Hãng dược Anh GlaxoSmithKline (GSK), nơi Cohen đang làm việc, đang tiêm thử vắc-xin sốt rét tại bệnh viện của quận Kilifi, miền đông Kenya. Đây là chương trình thử nghiệm lớn nhất từ trước tới nay. Họ cung cấp vắc-xin cho những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của loại vắc-xin này. Ở châu Phi, khoảng 90% nạn nhân của bệnh sốt rét sống ở khu vực cận Sahara. Phần lớn bệnh nhân sốt rét đều dưới 5 tuổi.
Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng trú ngụ trong nước bọt của muỗi gây ra. Loại vắc-xin sốt rét đang được thử nghiệm kích thích hệ miễn dịch hoạt động, ngăn ký sinh trùng lớn và sinh sôi trong gan. Nếu không có gì ngăn chặn, ký sinh trùng đi vào mạch máu, tấn công tế bào hồng cầu, khiến cơ thể bị sốt, người bệnh bị đau, có thể dẫn tới tử vong.
Vắc-xin do Cohen và đồng nghiệp tạo ra kết hợp công nghệ tạo ra vắc-xin viêm gan B, một số phần của ký sinh trùng sốt rét, và một hoá chất để tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể. Trong giai thử nghiệm thứ hai, vắc-xin này giảm 53% số trường hợp nhiễm sốt rét trong 8 tháng. Trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, khoảng 16.000 trẻ em châu Phi sẽ được tiêm vắc-xin vào tháng 2. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, loại vắc-xin này sẽ được cấp phép và đưa vào sử dụng từ năm 2015.
Các nhà khoa học và chuyên gia hy vọng tỷ lệ thành công của loại vắc-xin này ít nhất sẽ là 80% trước khi nó được chấp nhận sử dụng rộng rãi. GSK nói rằng giá của loại vắc-xin này sẽ rẻ vì hãng chỉ thu 5% lãi cận biên trên giá thành sản phẩm để tái đầu tư vào những loại vắc-xin mới cho bệnh sốt rét và những bệnh lâu nay ít được quan tâm.
Tuy nhiên, GSK chưa đưa ra con số chính xác để so sánh chi phí sử dụng vắc-xin với các biện pháp khác như sử dụng màn chống muỗi để xem biện pháp này có mang lại hiệu quả kinh tế không.
Bài toán kinh tế
Sử dụng vắc-xin có kinh tế hơn các biện pháp khác như màn chống muỗi hay thuốc diệt côn trùng không? Đã có bằng chứng nào chứng tỏ loại vắc-xin đó sẽ làm giảm sự lây truyền của bệnh sốt rét nói chung, nhằm giúp những người chưa được tiêm vắc-xin? Một mũi tiêm có tác dụng trong bao nhiêu lâu? Tiêm vắc-xin có gây rủi ro gì không?
Giới nghiên cứu và các nhà làm luật tuy rất hào hứng với loại vắc-xin sốt rét do Cohen tạo ra, nhưng vẫn băn khoăn nhiều vấn đề. Câu hỏi lớn nhất là: liệu vắc-xin nhằm giúp thế giới xóa bỏ căn bệnh cứ 45 giây lại cướp đi mạng sống của một đứa trẻ này có thực sự đáng đồng tiền?
Sốt rét đe dọa hơn nửa dân số trên hành tinh này và giết chết khoảng 800.000 người mỗi năm, trong đó có rất nhiều trẻ nhỏ. Tỷ lệ tử vong do bệnh này giảm trong thập kỷ qua, nhưng việc loại bỏ sốt rét trên toàn thế giới sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và làm giảm nguồn đầu tư để điều trị những bệnh khác. Giá cả vắc-xin chưa được quyết định là một trong những lý do khiến cuộc tranh cãi về cách thức, địa điểm và phạm vi áp dụng loại vắc-xin mới cho trẻ em ở châu Phi vẫn tiếp diễn.
Các nhà tài trợ thường tính xem họ nên sử dụng tiền vào chỗ nào để còn dành tiền cho những căn bệnh khác như bại liệt và đậu mùa. Đối với những bệnh này, vắc-xin gần như có thể đảm bảo người được tiêm vắc-xin không bao giờ bị bệnh nữa. Nhưng đối với sốt rét thì mọi chuyện phức tạp hơn nhiều vì nó còn phụ thuộc vào chu kỳ truyền bệnh qua muỗi và những hành động cụ thể để giảm lây nhiễm.
Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng cho biết, họ đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 40 triệu trẻ em mỗi năm. Và với bất kỳ loại vắc-xin mới nào được đưa vào sử dụng, liên minh này kỳ vọng chi phí cho mỗi ca chỉ dưới 10 USD.
“Chúng tôi rất nhiệt tình với vắc-xin này và đang chuẩn bị đưa nó vào kế hoạch tài chính. Nhưng loại vắc-xin này sẽ không được sử dụng bằng bất kỳ giá nào mà phải mang lại bài toán kinh tế hiệu quả”, Nina Schwalbe, giám đốc điều hành chính sách và thực hiện của Liên minh, nói.
Khó loại bỏ triệt để
Trong khi loại vắc-xin phòng sốt rét vẫn trong giai đoạn thử nghiệm thì các nhà khoa học Pháp lại vừa phát hiện ở châu Phi một chủng muỗi mới dễ nhiễm ký sinh trùng sốt rét và truyền bệnh hơn, khiến tình hình càng thêm phức tạp. Loài muỗi mang tên Goundry được thu thập từ một số ao làng ở Burkina Faso được xác định là một phân nhánh của muỗi a-nô-phen. Loại muỗi này thích sống bên ngoài hơn trong nhà nên các biện pháp kiểm soát muỗi trong nhà hiện nay không hiệu quả. |
Christian Loucq, giám đốc của Sáng kiến vắc-xin của PATH, nói rằng, ngay cả khi vắc-xin mới được đưa vào sử dụng từ năm 2015, việc loại bỏ hoàn toàn căn bệnh sốt rét là cực kỳ khó khăn và tốn kém.
Vấn đề loại bỏ sốt rét hoàn toàn khỏi thế giới này còn được cho là nguy hiểm và ngây thơ. Chương trình loại bỏ sốt rét toàn cầu kết thúc vào năm 1969, nhưng chỉ thành công trong việc loại bỏ sốt rét ở châu Âu, Bắc Mỹ, khu vực Caribbean, một phần của châu Á và Trung Mỹ, nhưng chưa bao giờ đạt tới phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, một số người quan ngại rằng, khi vắc-xin sốt rét được sử dụng rộng rãi sẽ khiến mọi người chủ quan mà lơ là những biện pháp như sử dụng màn chống muỗi.
Ngoài loại vắc-xin đang được thử nghiệm, Quỹ sáng kiến vắc-xin sốt rét của tổ chức phi chính phủ PATH đã tài trợ 200 triệu USD cho vắc-xin của hãng GSK với mục tiêu dài hạn là phát triển loại vắc-xin có hiệu quả tối thiểu 80% vào năm 2025.
GSK cũng đã bắt đầu hợp tác với công ty công nghệ sinh học Crucell của Hà Lan để sản xuất vắc-xin dựa trên virus gây cúm thông thường nhằm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Nhưng phải mất nhiều năm nữa thì loại vắc-xin này mới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. PATH cũng đã ký thỏa thuận với hãng Merck & Co để phát triển dự án vắc-xin ngăn chặn ký sinh trùng sốt rét không đi vào gan. Nhưng kinh nghiệm cho thấy công việc này không đơn giản. Sanaria, hãng dược được nhận tiền tài trợ của PATH, gần đây thử nghiệm loại vắc-xin phòng sốt rét, nhưng vắc-xin chỉ bảo vệ được 5 trong số 80 tình nguyện viên.
Ngoài ra còn có một số cách tiếp cận khác để ngăn sốt rét như không tiêm cho người mà tiêm phòng cho muỗi. Vắc-xin này vẫn được tiêm vào người để ngăn muỗi cắn không thể truyền ký sinh trùng sốt rét.
Trúc Quỳnh (Theo Reuters)