Hàng nhập khẩu rục rịch 'té nước theo đôla'
Ôtô, điện thoại, máy tính... cùng nhiều nhóm mặt hàng nhập khẩu khác đang rục rịch tăng giá bán, trước sức ép điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng và sự nhích giá của đồng đôla trên thị trường tự do.
Chưa đầy một ngày quyết định điều chỉnh tỷ giá USD liên ngân hàng được ban hành, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh hàng hóa, thiết bị tại Hà Nội và TP HCM đứng ngồi không yên. Doanh nghiệp cho biết, đây thực sự là một sức ép khiến họ buộc phải tăng giá các sản phẩm, bắt đầu từ 12/2.
“Giá USD lên chắc chắn là ảnh hưởng tới kinh doanh. Mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ khoảng 100-200 chiếc iPad, lô hàng lúc trước mua khi giá USD là 21.000 đồng, giờ thị trường tự do khoảng 21.600 đồng một USD”, anh Phong, chủ chuỗi cửa hàng Phongee cho biết.
|
Hàng nhập khẩu rục rịch tăng giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo anh Phong, với giá đôla như hiện nay, các sản phẩm có giá trị từ 1.000 USD trở lên sẽ tăng ít nhất 200.000 đồng trong thời gian tới. Riêng với iPhone 4, do nhập từ Hong Kong (không dùng USD) và các nước sử dụng đồng Euro nên thiệt hại không đáng kể. “Điều quan trọng là thời gian tới sức mua sẽ giảm do giá cao, còn các cửa hàng thì hạn chế nhập hàng để thăm dò thị trường”, anh Phong phân tích.
Tương tự, cửa hàng Râu Vàng, TP HCM cũng khẳng định sẽ tăng giá bán thêm 100.000-200.000 đồng, tùy loại sản phẩm trong ít ngày tới. “Giá USD hiện nay là quá cao. Ngay hôm qua (11/2), chúng tôi nhập về 20 cái iPad và iPhone, với tỷ giá 21.600 đồng mỗi đôla”, anh Nguyễn Hải Quân, chủ cửa hàng Râu Vàng nói. Hiện iPhone 4 phiên bản 16GB được Râu vàng rao bán với giá 19,5 triệu đồng, còn loại 32GB, giá 21,5 triệu đồng. Các mặt hàng này sắp được niêm yết giá bán mới "té theo đồng đôla".
Không chỉ các mặt hàng của Apple mà một số sản phẩm smartphone khác cũng bị ành hưởng bởi đợt điều chỉnh tỷ giá. Duy chỉ có những mẫu điện thoại dùng Windows phone 7 thì sử dụng tiền Việt để giao dịch nên không bị tác động nhiều.
Đại diện Siêu thị điện máy Ideas cho biết khi giá USD biến động thì hàng điện máy “không thể ngồi yên”. “Đây là điều tất yếu, vì kim khí điện máy đa số đều phải nhập khẩu: LCD, máy ảnh, tủ lạnh… đều sẽ tăng giá”, vị đại diện này chia sẻ.
Trong năm qua, hầu hết các mặt hàng điện máy đã nhiều lần lên giá theo đôla Mỹ, và lần này cũng không ngoại lệ. “Các lô hàng mới chắc chắn chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp”, đại diện siêu thị điện máy Ideas khẳng định.
Theo kế hoạch, khoảng 15 ngày nữa, lô hàng 2.500 chiếc iPhone 4 của VinaPhone sẽ nhập về thị trường. Hãng viễn thông này cũng đang căng đầu lo chuyện tỷ giá đồng đôla biến động khi lô hàng này chính thức về Việt Nam. Nguồn tin của hãng cho biết nếu thời điểm iPhone 4 về Việt Nam, đôla vẫn giữ mức 21.000 đồng một USD thì các sản phẩm bán ra sẽ không tăng giá. Ngược lại nếu vượt mức 21.000 đồng, hãng sẽ phải xem xét điều chỉnh giá bán ra.
Ông Phan Đình Sơn, Giám đốc Công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm máy tính, máy ảnh, điện thoại di động - Bảo An cho biết tỷ giá đôla tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ nhà nhập khẩu mà cả các đơn vị phân phối. "Lâu nay, chúng tôi luôn giữ giá bán ra thấp hơn so với nhiều sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, trong những ngày tới nếu tỷ giá tăng quá cao, việc tăng giá bán tăng là khó tránh khỏi", ông Sơn nói.
Khảo sát của VnExpress.net cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm ôtô, xe máy, điều hòa, máy giặt, đồ điện tử nhập khẩu... cũng đang đau đầu với vấn đề tỷ giá. Chủ một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có tiếng tại TP HCM cho biết tỷ giá đôla tăng, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán. Nhưng bán với giá cao, khách không mua hàng.
Trong khi đó, nguồn tin từ nhiều ngân hàng thương mại cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu qua đường chính thức nói tỷ giá biến động mạnh nên điều chỉnh giá bán ra là lợi dụng "té nước theo mưa", chứ không bị tác động thực chất. Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần lớn cho biết, trong 2-3 tháng gần đây, tỷ giá giao dịch thực tế giữa doanh nghiệp và ngân hàng là 20.800-20.900 đồng một đôla. Sau khi điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng thì mức bán ra của ngân hàng vẫn ở mức này.
"Trước đây, doanh nghiệp trả tỷ giá 20.900 đồng với 19.500 đồng ở hợp đồng mua bán ngoại tệ, còn lại thì thông qua các khoản phí khác. Còn bây giờ, tất cả đều gộp ở việc mua bán ngoại tệ nên bản chất không có gì khác nhau. Nói giá tăng vì đôla chỉ là để lợi dụng mà thôi, chứ trước đây có ai mua được đôla Mỹ giá 19.500 đồng đâu", vị tổng giám đốc này nói.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần khác thì bình luận: "Làm kinh doanh thì việc mượn cớ để tăng giá kiếm thêm lợi nhuận cũng là bình thường. Vấn đề là cơ quan quản lý cần phải có biện pháp để tránh việc 'té nước theo mưa', bảo vệ người tiêu dùng".
Hồng Anh - Kiên Cường