Chúc mừng năm mới Tân Mão

Kinh hoàng đua “ngựa sắt” siêu tốc

Thứ Hai, 14.2.2011 | 10:29 (GMT + 7)

Mặc dù là xe tay ga nhưng chỉ có hai phần chính là khung xe và cục máy, vặn nhẹ ga trong tích tắc đã đạt vận tốc trên 160 km/giờ. Loại “ngựa sắt” siêu tốc này đang là mốt trên đường đua của các quái xế.

Một chiếc “ngựa sắt” vừa được độ đang được giới thiệu tại lò P.A - Ảnh: Đức Thanh

Một chiếc “ngựa sắt” vừa được độ đang được giới thiệu tại lò P.A - Ảnh: Đức Thanh

Một chiếc “ngựa sắt” siêu tốc đang được chạy thử trên đường - Ảnh: Ngọc Khải

Một chiếc “ngựa sắt” siêu tốc đang được chạy thử trên đường - Ảnh: Ngọc Khải

“Ngựa sắt” dùng để đua siêu tốc trong những trận đi “bão” này ra đời khi những chiếc Suzuki Sport, Dream II “độ”, Wave “độ”... đã không còn thỏa mãn được cơn khát tốc độ của các quái xế. Vì vậy, dù ra đời sau, nhưng tốc độ kinh hoàng của loại tay ga tự chế này đang là thách thức lớn đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trong việc phòng chống đua xe.

Náo loạn đường phố

Chuyên án xử lý đua “ngựa sắt” siêu tốc

Tình hình đua xe tay ga tự chế hay còn gọi là “ngựa sắt” siêu tốc không còn nhỏ lẻ mà đã đến mức báo động khi vào tháng 9-2010, đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm PC45 (Công an TP.HCM) thành lập chuyên án phối hợp với đội CSGT Rạch Chiếc và đội cảnh sát hình sự Q.Thủ Đức đã ngăn chặn và phá vụ án tổ chức đua xe tay ga “độ” (ngựa sắt siêu tốc) từ Vũng Tàu - TP.HCM. Sau cuộc đua, các đối tượng đã đến một cây xăng trên đường 3-2, Q.11, để chung tiền, thì bị tổ chuyên án ập vào bắt quả tang. Số tiền chung độ trong cuộc đua lên đến cả trăm triệu đồng. Chuyên án này, cơ quan công an đã đã bắt giữ 13 đối tượng liên quan để điều tra, xử lý.

Đêm 12-2, chúng tôi bám theo một nhóm gần chục thanh niên choai choai mắt nhìn dáo dác (cảnh giác CSGT) đang nài những con “ngựa sắt” siêu tốc lao vun vút dẫn đầu một đoàn xe đi bão đêm chạy qua các tuyến Đại lộ Đông Tây, vòng về đường Nguyễn Văn Cừ... hướng ra khu vực trung tâm TP.HCM.

Đến đoạn Đại lộ Đông Tây, cắt ngang là gầm cầu vượt Nguyễn Văn Cừ, nhóm dẫn đầu đoán thấy tình hình khá “ổn” nên chia thành hai tốp: Tốp chạy xe Dream II “độ”, Wave “độ”... tấp vào đậu hai bên Đại lộ Đông Tây, dài hơn một cây số để cổ vũ. Còn những chiếc “ngựa sắt” siêu tốc thì tập trung tại khu vực chân cầu vượt chuẩn bị đua. Khi hai hàng xe cổ vũ đã nép gọn sát lề, tốp “ngựa sắt” tay ga đồng loạt nhấn ga lao điên cuồng về phía trước.

Hơn chục chiếc tay ga bằng sắt đen bóng, hình dạng kỳ dị, người xem không thể nhận ra thuộc loại xe gì, chỉ như một sườn sắt di động và chỉ có thể phân biệt được qua màu áo của các “tay đua”, đa số xe không gắn biển số kiểm soát. Trong tích tắc hàng loạt đầu xe đua đã nhấc bổng bánh trước khỏi mặt đất, khói mù mịt, hòa lẫn tiếng bô nổ chát chúa... náo loạn cả con đường về đêm.

Khi chạy được chừng một trăm mét, một vài tay đua trong nhóm biểu diễn với đủ tư thế, người nằm rạp trên yên xe, kẻ thì ngồi bệt trên phần khung hai chân đưa về phía trước... đánh đố với tử thần. Tầm mắt của chúng tôi dường như không kịp đuổi theo những con “ngựa sắt” khi chỉ trong thời gian ngắn “ngựa sắt” đã nuốt trọn quãng đường hơn cây số. Theo một dân bão đêm, thời điểm đó ước chừng những chiếc tay ga siêu tốc đã đạt vận tốc trên 120 km/giờ. Vào cao điểm cuộc đua, những sườn sắt di động này đạt vận tốc 160 km/h.

Những kiểu xe tay ga siêu tốc “trần truồng” như trên, còn là nỗi ám ảnh của người dân sống hai bên đường khu Rạch Miễu, Miễu Nổi... quận Phú Nhuận. Anh Tám một chủ quán nhậu ở khu Miếu Nổi, cho hay đoạn đường khu này không phẳng phiu, không đủ rộng để những tay đua xe chọn làm đường đua, nhưng lại là nơi khá an toàn để tập hoặc thử xe vì theo dân đua là cả ngày không thấy có “hugo” (CSGT) đứng gác.

Anh Tám kể, đã có lần 2 chiếc tay ga “trần truồng” rú ga ầm ĩ, bốc đầu cao hơn nửa mét, chạy đến gần quán, bất ngờ đụng vào xe ba gác máy chở gạch từ hẻm chạy ra, hai tay đua nằm bất động, một lát sau mới được dân đưa đi cấp cứu. Đối với người dân khu vực này, những tay thử xe “siêu tốc” luôn gây sợ hãi kinh hoàng với họ mỗi khi ra đường.

“Trước đây, tình trạng đua các loại xe gắn máy thông thường đã hãi hùng. Nay lại xuất hiện thêm loại xe độ kỳ dị chạy với tốc độ kinh hoàng làm người dân chúng tôi không dám ra đường vào ban đêm. Những chiếc xe này vút đi như viên đạn, lại không có biển số nên nếu xảy ra tai nạn thì thật khó lường”, bà Lê Thị Thu Hà, người dân ngụ trên đường Phan Xích Long, Q. Phú Nhuận, bức xúc.

Vào các “lò” độ xe


Tài, một tay chuyên đi bão đêm đang nài chiếc “ngựa sắt” Mio sử dụng máy có trái (piston) 70, dên chích 3,5 ly, IC BLT... cho hay từng độ xe ở nhiều nơi nhưng chưa nơi nào làm xe bốc bằng “lò” của một tay đua nổi tiếng về độ xe Honda 67 từ những thập niên 80, 90 là M.K, hiện đang hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5. Trước đây, lò này nằm trên đường Hòa Hảo nhưng theo nhiều dân độ xe, do bị các cơ quan chức năng “hỏi thăm” vài lần nên chuyển qua đường Nguyễn Chí Thanh.

Gặp chúng tôi, ông M.K, chủ tiệm độ xe, khẳng định dân đua, bão đêm hiện nay rất chuộng xe chạy tay ga độ hay còn gọi là “ngựa sắt” siêu tốc, vì tốc độ ra xe (xuất phát) rất nhanh, chạy nước rút ở cự ly đường ngắn, xe tay ga độ là vô đối thủ. Giá để độ một chiếc tay ga siêu tốc, theo ông này là khoảng hơn 10 triệu đồng. Ông M.K giải thích, những bộ phận quan trọng như trái (piston), dên lớn, IC, bình xăng bông mai vàng... hầu hết là phụ tùng chuyên chế cho xe độ nhập từ Thái Lan, Nhật. Nhiều “lò” khác độ xe giá rẻ hơn, nhưng phụ tùng đa số là của Trung Quốc, xe dễ đứng máy khi chạy ở tốc độ cao trong thời gian lâu.

Đình đám không kém trong việc chuyên độ những chiếc “ngựa sắt” siêu tốc là lò của ông P.A trên đường Phó Cơ Điều, Q.5. Chủ lò P.A được biết tiếng như một tay kiệt xuất trên các đường đua, bão đêm trong TP. Ông A cho biết, do có sở thích đua xe, nên tự mày mò tìm hiểu và rồi chuyên nhận “độ” loại xe siêu tốc này. Ban ngày, ông A kiếm tiền thêm bằng việc độ xe cho dân mê tốc độ còn ban đêm tham gia đua, bão.

Ông A chỉ cho chúng tôi xem một chiếc Mio vừa được làm máy độ khá cứng, tổng chi phí lên đến 16 triệu đồng. Máy đã được độ lại và toàn bộ phụ tùng làm bằng nhôm nhập từ Thái Lan, chạy 1,6 km chỉ mất 40 giây (gần 145km/ giờ). Ông A cho hay nếu nài cầm tài không cứng chỉ vặn nửa ga là bị hất tung xuống đường. Đề chứng minh, ông A ngồi lên con “ngựa sắt” siêu tốc thử vặn ga chừng 1/3 thì chiếc Mio đã nhẹ nhàng bốc đầu lên cao hơn 60cm. Lập tức, ông A chồm cả thân người về phía trước, lấy lực ép phần đầu xe xuống đường, chiếc xe lao như chớp về phía ngã tư đường. Xe lao tới đâu thì người đi đường dạt cả vào lề để tránh.

Dù vậy, chiếc siêu tốc đó, theo ông A là chưa thể đua ăn “tiền” được. Nếu muốn đua ăn tiền thì phải làm máy xe giá chót tầm 30 triệu đồng, tốc độ của xe lúc này sẽ chạy 1,6 km trong vòng 30 giây (tức gần 200km/giờ). “Nếu bị CSGT bắt kịp là sẽ trả lại tiền luôn”, ông A đảm bảo. Ông ta còn cho biết, hiện còn có chiếc siêu tốc giá tầm 130 triệu đồng mà dân độ xe nào cũng kính nể. Chỉ riêng bộ niềng nhôm của Thái Lan sản xuất là 800 USD, cây bô độ 2 Brother, ông A mua lại của một tay nhập phụ tùng xe độ từ Campuchia là 1000 USD.

Một lò khác cũng rất nổi tiếng chuyên độ “ngựa sắt” siêu tốc là lò B trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình). Ông B, chủ lò, khẳng định: “Khả năng độ loại xe siêu tốc hết mức tại lò của tôi làm là trái 70, dên to, IC Nhật... đảm bảo chạy 1,2 km chỉ 30 giây”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số “ngựa sắt” siêu tốc được độ tại các lò đều là xe biển số tỉnh hoặc xe không rõ nguồn gốc, không có biển số. Nam, một tay chuyên đua độ, giải thích: “Dân đua loại xe này không cần sang tên mua bán. Loại xe siêu tốc này khi đã độ máy, đi bão nếu bị CSGT túm coi như chấp nhận mất luôn. Việc sang tay xe cho nhau giữa dân đua thì chỉ cần viết giấy tay, xác nhận tại UBND phường là đủ”.

Đại úy NGUYỄN VĂN THÚY (đội phó đội tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM):

Rất nguy hiểm

Thời gian gần đây, các đối tượng đi bão trên đường phố thường sử dụng thịnh hành một số loại xe tay ga được độ lại khá phổ biến như Mio, Airblack, Nouvo đã được thay đổi cấu trúc. Các loại xe này có thể đạt tốc độ hơn 100 km/giờ, thậm chí tốc độ tối đa lên đến 145 - 170 km/giờ mà những xe chuyên dụng chống đua của đơn vị (như xe 750 cc) cũng chưa chắc đã truy đuổi kịp. Trong các cuộc chống đua thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy số lượng loại xe này chiếm tỉ lệ khá phổ biến và gây kinh hoàng trên đường phố.

Theo quy định, việc thay đổi cấu trúc xe sẽ bị phạt 750.000 đồng. Số tiền phạt này chẳng thấm vào đâu so với số tiền “độ” xe. Bởi hầu hết các đối tượng đua xe thường đầu tư số tiền rất lớn để nâng đời xe, có khi mất mười mấy, hai chục triệu đồng. Tuy nhiên, lực lượng CSGT sẽ kiên quyết đấu tranh và xử lý thật nghiêm các vi phạm này.

Theo Tuoitre

  • CAPTCHA