Chúc mừng năm mới Tân Mão

Bắt rùa tai đỏ - chưa tìm ra phương án khả thi

Thứ Ba, 22.2.2011 | 17:15 (GMT + 7)

(LĐO) – Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội đang tiến hành thử nghiệm một số loại bẫy để bắt rùa tai đỏ, tuy nhiên phương án nào cũng gặp trở ngại và khó khăn.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Khoa học- Công nghệ tiến hành gấp rút các biện pháp bắt rùa tai đỏ, tuy nhiên, 2 loại bẫy mà Sở Khoa học công nghệ đang áp dụng thử nghiệm đều chưa có được kết quả như mong muốn. Loại bẫy thứ nhất dùng để bắt dưới mặt nước. Theo thiết kế, cửa lồng đón rùa tai đỏ có kích thước 30cm, cao 18cm, bên trong đặt thịt thối và có điều khiển từ xa. Hàng ngày, nhân viên theo dõi bấm điều khiển theo giờ nhất định, các cửa lồng sẽ tự động sập lại. Tuy nhiên, với kích thước lớn như vậy, nhiều chuyên gia lo ngại “cụ” rùa có thể chui được đầu vào và khi bẫy sập sẽ rất nguy hiểm cho “cụ”.

Rùa tai đỏ tại hồ Gươm

Rùa tai đỏ tại hồ Gươm.

Loại bẫy thứ hai được thiết kế để bắt rùa tai đỏ trên cạn, khi chúng lên bờ phơi nắng theo thói quen. Chiếc bẫy này có cấu trúc giống như chiếc ô lộn ngược. Khi rùa lên phơi nắng, chỉ cần ấn điều khiển từ xa để lưới tự động trùm lên, không để rùa thoát ra ngoài.

Theo một số ý kiến  của ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng ban thường trực Hội bảo tồn sinh thái TP Hà Nội hay ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Cty TNHH Kỹ thuật công nghệ, thức ăn “khoái khẩu” của rùa tai đỏ là thịt thối rữa, tuy nhiên, trong quá trình nuôi thử nghiệm rùa tai đỏ tại bể, cán bộ Sở Khoa học công nghệ cho biết, loại rùa tai đỏ dài từ 10-20cm không ăn cá, đặc biệt không ăn thịt thối, bởi vậy, đặt bẫy với thịt thối sẽ không hiệu quả.

Với loại bẫy trên bờ, rùa tai đỏ là loài rất tinh mắt và nhanh nhạy, tẩu thoát rất nhanh khi có động nên loại bẫy này được đánh giá là chưa hiệu quả.

Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, rùa tai đỏ có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới của Hiệp hội quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên. GS Huỳnh cũng đưa ra phương án bắt rùa tai đỏ bằng bẫy, phản đối quyết liệt việc sử dụng hóa chất và nêu ý kiến cần có đề tài nghiên cứu sâu hơn về tập tính sinh sống của rùa tai đỏ để có biện pháp giải quyết tận gốc.

Bạch Dương

  • CAPTCHA