4 "vị vua" của làng giải trí Sài Gòn

24-02-2011 11:00:24

Duy Khánh

Trong làng nghệ thuật, họ có một vị trí mà ít ai sánh bằng...

Vì sao bốn vị này lên ngôi ư? Đơn giản lắm vì thành quả của họ đạt được trên con đường nghệ thuật của mình.

Thành Lộc – Vua kịch nói

 




Thành Lộc là hai từ không cần phân tích nhiều mà hết thảy đều hiểu rõ ngọn nguồn về con người này và vì sao anh lại được trân trọng và yêu mến đến vậy.

Nếu không có kịch nói, chắc chắn một điều Thành Lộc sẽ chẳng là gì. Nhưng khi kịch nói là một bộ môn nghệ thuật thì anh lại chính là một nghệ sỹ. Một nghệ sỹ đúng chất chứ không phải là một mỹ từ mà bất cứ ai đi làm nghệ thuật cũng muốn gắn vào trước tên mình.

Xuất thân trong gia đình có gốc về nghệ thuật truyền thống dân tộc. Chính điều này đã giúp anh có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển sự nghiệp của bản thân. Điều kiện thứ nhất là yếu tố bẩm sinh, sự di truyền ở dòng máu đam mê nghệ thuật. Hay nói dân giã, Thành Lộc là “con nhà nòi”.

Ánh đèn sân khấu, trang phục biểu diễn, những lớp phấn son muôn sắc màu và đặc biệt là sự hóa thân vào muôn hình vạn trạng tính cách nhân vật luôn là điểm thu hút người nghệ sỹ này.

Ít ai hình dung rõ con người ngoài đời của Thành Lộc ra sao, bởi dường như tất cả thời gian anh đều dành cho niềm đam mê của mình. Nhắc đến anh người ta nhớ đến những vai diễn trong Lôi Vũ, 12 bà mụ, Ngàn năm tình sử,  Trái tim nhảy múa, Công chúa chích chòe...

 

Và ngay cả chính anh cũng yêu “mặt nạ”, bộ mặt khi đã trang điểm của mình hơn là dung nhan thật. Vì sao ư? Bởi lúc đó anh được sống trong một con người khác, được trải nghiệm và được chạm đến những cảm xúc mà vốn dĩ cuộc sống đời thường mình không bắt gặp.

Nhiều người coi sân khấy là nơi để giao lưu gặp gỡ khán giả, nơi để kiếm tiền rau cháo, nơi để phát tài và đổi đời, nơi để biến mình thành nghệ sỹ. Riêng với Thành Lộc, sân khấu lại là thánh đường. Đơn giản thế thôi, nhưng thói đời thường phức tạp ở những điều được xem là đơn giản.

Nếu nói anh ấy là một vị thánh thì dễ bị bề trên trách phạt, nhưng nói Thành Lộc là ông vua của sân khấu kịch nói thì tính chuẩn xác khó mà bàn cãi.

Thanh Bạch – Vua MC

 


Một trong những MC thành công nhất của “làng nói"  là Thanh Bạch. Anh hội đủ yếu tố của một người dẫn dắt chương trình thực thụ. Vốn hiểu biết sâu rộng, tài ăn nói lưu loát, đặc biệt là sự ứng phó nhanh nhạy với những tình huống “bất trắc” ở nhiều chương trình.

Các sự kiện lớn như: Hoa hậu Việt Nam, Duyên dáng Việt Nam, các chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình đều có sự xuất hiện của Thanh Bạch. Khi chương trình mà có tên Thanh Bạch thì đã đảm bảo 60% thành công.

Điều đặc biệt ở người MC này là tài năng biến hóa. Nhiều người dẫn chương trình chỉ đóng khung với một thể loại sân khấu truyền hình. Ví dụ như MC thời tiết thì khó mà đọc tin thời sự, MC ca nhạc thì khó làm chương trình chính luận, MC chính luận thì lại khó “tung tẩy” trong các chương trình cần sự hoạt náo và vui tươi…

 

Với Thanh Bạch thì “sân” nào anh cũng tung hứng tốt và tạo nên những nét tính cách riêng mỗi khi thực thi nhiệm vụ. Chính vì thế mà tần số xuất hiện của anh ở các chương trình truyền hình thuộc vào hàng cao nhất.

 

 

Ca sĩ, diễn viên, người mẫu có người hâm mộ là chuyện quá bình thường. Riêng MC Thanh Bạch cũng có một lượng fan hùng hậu. Điều đặc biệt là lứa tuổi fan của anh rất “đa dạng” và ở nhiều tình thành khác nhau.

 

Các bé teen mến chú Bạch, các anh chị thanh niên thích anh Bạch, các cô các dì cũng thích cậu Bạch và ngay cả các cụ lớn tuổi cũng có cảm tình với chú Thanh Bạch.

Có thể nói như đinh đóng cột là tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy một “bóng dáng” nào có thể lấn lướt và lấy đi “ngai vàng” trong lĩnh vực Mc của Thanh Bạch.

Lê Hoàng – Ông vua đanh đá

 

 

Trước đây, thời kỳ của Chiếc chìa khóa vàng, Lưỡi dao, Gái nhảy rồi thì Trai nhảy (thời gian sau thì không biết còn ai nhảy nữa không?) người ta quen gọi người đàn ông Bắc kỳ, có giọng nói hơi chua chua này là đạo diễn.

 

Mà đúng thật anh là đạo diễn, đạo diễn có tiếng tăm và có những sản phẩm được đông đảo công chúng đón nhận. Cũng nhờ phim của anh mà nhiều bậc “vô danh tiểu tốt” bỗng trở thành sao. Một cô diễn viên múa trở thành sao, một cậu sinh viên trở thành sao, một cựu người mẫu cũng thành sao.

Thời gian gần đây, mọi người vẫn gọi anh là đạo diễn mặc dù anh chả còn mặn mà với công việc quát tháo ở trường quay.

Lê Hoàng của phim điện ảnh là sự đột phá, là sự trăn trở của cuộc sống đương đại là cái dám làm cái chưa ai từng làm, dám phản ánh cái chưa ai phản ánh. Còn Lê Hoàng của các trang báo lại có vị đanh đanh và chua chát.

Nhiều người đùa, khi mang thai anh, mẹ anh ốm nghén chắc chắn cụ thèm mận tam hoa chứ không phải món nào khác. Thứ quả tròn tròn, da bóng bẩy, vị của nó vừa chua, vừa chát lại có chút ngọt khi trái chín mềm. Vị của thứ quả này giống như ngôn ngữ mà anh thể hiện trong các bài viết.

Nhiều người bảo anh đanh đá, nhưng càng đanh đá bao nhiêu độc giả lại càng hào hứng bấy nhiêu. Những đoạn miêu tả đầy trào phúng của anh mang đến phong vị mới trong hình thức giải trí bằng báo giấy. Thay vì những mỹ từ trong danh mục tụng ca và hô hào cho nhân vật, anh lại chọn một phong cách riêng. Gọi nôm na là phong cách “chua chát”, nhưng cái chua của anh không gắt và nó khiến người ta luôn thèm. Thèm chua mà không phải ốm nghén mới lý thú chứ!

Điều hơi băn khoăn là không hiểu sao đôi mắt nhìn có vẻ "nhỏ xíu" của anh lại mang đến những cái nhìn, sự nhận định bao quát và sâu sắc đến thế. Có lẽ cách nhìn nhận vấn đề của anh khác, góc nhìn khác. Quan trọng trong nghề viết là góc nhìn, bởi câu từ chẳng qua là sự “dàn xếp” các ký tự mà thôi.

Chính góc nhìn của anh đã giúp anh trở thành vị vua trong lĩnh vực này.

 

Đàm Vĩnh Hưng – Vua nhạc nhẹ

 



Năm 2001, một chiều vô tình nghe trong băng casset bài hát Bình minh sẽ mang em đi. Một giọng ca lạ hoắc, mà đúng là lạ thật, cái lạ này phải định nghĩa rạch ròi là giọng ca hiếm hoi, không đụng hàng và lôi cuốn đến lạ kỳ. Nghe câu đầu thì phải nghe tiếp câu sau và nghe câu sau thì sẽ nghe đến hết bài.

 

Và sau đó chẳng bao lâu, người thể hiện ca khúc này trở thành một cái tên hot của làng nhạc Việt.

Sự xuất hiện của anh vào thời ấy như một cơn gió lạ. Chính sự lạ này đã khiến anh khá “chông chênh” khi mới bước vào nghề. Trượt lên trượt xuống ở các cuộc thi giọng hát hay. Vì anh quá lạ, công chúng chưa kịp “hấp thụ” giọng hát của anh nên anh “ế” show dài dài. Trong khi chàng bạn thân Vũ Hà chạy show đều đều thì Đàm Vĩnh Hưng “ngồi mốc mép”.

Nhưng mọi chuyện đã sang một trang mới khi mọi nỗ lực của Đàm Vĩnh Hưng đã được đền đáp xứng đáng. Say tình, Tình yêu không lời, Vùng trời bình yên, Giới hạn nào cho chúng ta, Lối nhỏ vào đời, Qua cơn mê…. ,những bài hát dù cũ hay mới cũng đều được anh đưa lên hạng hit và luôn “nóng sốt” trên các kệ đĩa. Khắc khoải, tâm trạng đôi khi hơi “thảm thiết” là cái tình anh thể hiện được mỗi khi cất giọng. Chính lối đi riêng và sự phá cách trong lối hát đã giúp Đàm Vĩnh Hưng có được thành công trên con đường nghệ thuật.

Mỗi khi nói về nghề, người ta hay dùng từ đam mê. Nhưng thử hỏi, nếu không dùng từ này thì biết dùng từ nào để thay thế cho sự hơn cả yêu thích.

Chính đam mê âm nhạc đã giúp một chàng thợ cắt tóc trở thành cái tên đình đám của làng nhạc Việt. Có thể nói thành quả lao động mà  Đàm Vĩnh Hưng đã đạt được là điều mà nhiều ca sĩ khát khao, ước ao.(Không riêng gì Phi Thanh Vân).

Bốn “vị vua” với bốn đế chế của riêng mình. Mỗi người có một phong cách riêng và con đường nghệ thuật hoàn toàn không giống nhau. Nhưng điểm chung ở họ là cả bốn đều đứng được trên đỉnh sự nghiệp của mình. Và công thức chung cho con đường đến “đỉnh” chính là tài năng cộng với lòng đam mê, sự cống hiến và xen vào đó là một chút tham vọng. Chính những điều đó đã giúp cho họ trở thành những “vị vua” của lĩnh vực nghệ thuật mình đang theo đuổi.

0

Chia sẻ bài viết cho bạn bè qua:

Chia sẻ lên LinkHay.com