Chúc mừng năm mới Tân Mão

“Ngồi trên đống lửa” những ngày cụ rùa ốm

Thứ Bảy, 26.2.2011 | 08:51 (GMT + 7)

Chuyện “cụ” rùa hồ Gươm - một cá thể không chỉ gắn với truyền thuyết lịch sử, văn hoá đất nước mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh - bị ốm, đang được dư luận rất quan tâm.

Hiện các cơ quan chức năng TP.Hà Nội cùng các nhà khoa học đang khẩn trương tìm biện pháp cứu chữa cho cụ rùa. GS Hà Đình Đức - người đã có gần 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm - rất bận rộn trong những ngày này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông vào thời gian rảnh hiếm hoi, sau nhiều giờ (ngày 23.2) ông ngồi chờ cụ rùa nổi lên để xem diễn biến vết thương của cụ.

Nguyên nhân đầu tiên là do rùa tai đỏ?

Hẹn gặp được GS Hà Đình Đức những ngày này quả là khó. Đã gần tháng nay, từ khi cụ rùa hồ Gươm bị ốm, GS Đức cứ sôi lên sùng sục, tuổi cao, trời lạnh ấy vậy mà sáng nào ông cũng đến hiện trường hồ Gươm ngồi chờ cụ rùa nổi lên để xem các vết lở, loét của cụ rùa diễn biến đến đâu? Rồi ông còn phải tham gia các cuộc họp khẩn cấp của UBND TP.Hà Nội với các chuyên gia, cũng đang hết sức khẩn trương tìm phương án cứu chữa cho cụ rùa.

Ông là một thành viên trong Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa được UBND TP.Hà Nội thành lập hôm 17.2 vừa qua để tìm biện pháp cứu chữa cho cụ rùa đang bị nhiều vết lở loét, ngày càng lan rộng trên thân thể. Thế rồi, được có chút rảnh là ông bị cánh báo chí quây bám... Cũng dễ hiểu thôi, ở nước ta khó tìm được người nào khác hiểu biết về cụ rùa hồ Gươm như GS Hà Đình Đức, chả thế mà người ta còn gọi ông là “Đức rùa”.

Điện thoại tới ông không biết bao nhiêu lần, cuối cùng chúng tôi cũng có được cuộc hẹn gặp tại nhà ông - ngôi nhà tít trong con hẻm sâu ở phố Kim Ngưu, tìm đến được khá vất vả. Ấy vậy mà, chỉ vừa trò chuyện được vài câu ông đã lại phải xin phép vì hết điện thoại di động lại đến điện thoại cố định của ông réo lên và cứ thế cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng suốt cả buổi... tất cả đều là các thông tin sốt dẻo việc cụ rùa đang ốm! GS Đức tỏ ra rất bức xúc vì đã nhiều cuộc họp và cả Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa được thành lập rồi, thế mà nhiều ngày qua vẫn chưa có được một giải pháp cụ thể nào, trong khi đó cụ rùa bệnh ngày càng nặng.

GS cho biết: “Trong những ngày tháng giêng, có tới 19 ngày cụ rùa nổi lên mặt nước, trong đó có ngày nổi lên nhiều lần - điều chưa từng xảy ra bao giờ. Đặc biệt, như ngày 20.2.2011 cụ rùa nổi lên tới 5 lần, chứng tỏ cụ đã rất mệt”. Lo lắng như cho chính người thân của mình, GS Đức bức xúc: Có khác nào cảnh: “Đau đẻ chờ trăng mọc”!

Để làm dịu bầu không khí căng thẳng, chúng tôi đứng về phía UBND TP, phân trần: Một cá thể gắn với giá trị văn hoá, lịch sử đất nước, lại có ý nghĩa lớn về tâm linh như vậy, thì việc cứu chữa phải cần rất thận trọng bởi nếu cụ rùa có mệnh hệ gì thì...? Hơn nữa đã có thông tin chính thức cho biết là UBND TP chỉ đạo tới ngày 25.2 sẽ chốt phương án chữa trị rùa.

Hiện nay, theo TS Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ HN, Phó ban Chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa - thì người ta đang tập trung vào thẩm định 2 phương án cách ly rùa hồ Gươm ra khỏi môi trường hồ để chữa trị... “GS ở trong Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa chắc đã có các thông tin này rồi chứ, hẳn là GS quá lo lắng cho cụ rùa mà sốt ruột thế thôi?” - nghe chúng tôi nói, ông lắc lắc đầu xem chừng vẫn không hài lòng về tinh thần và cách thức thực thi công việc của thành phố.

Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, GS Đức rất ít khi rời tay khỏi chiếc bàn làm việc, trên đó đầy sách báo, tranh ảnh và một chiếc máy tính với một kho tư liệu về rùa hồ Gươm đang sáng đèn. Chúng tôi hỏi: “Đợt này cụ rùa bị bệnh được phát hiện khi nào và ai là người phát hiện đầu tiên, thưa GS?”. Như chỉ chờ có thế, GS Đức lập tức mở to một file ảnh, ngay lập tức trên máy tính hiện lên cá thể rùa hồ Gươm nổi nửa người trên mặt nước, một bên sườn của rùa bị một chùm lưỡi câu găm vào rõ mồn một.

GS Đức giọng xót xa, chỉ tận nơi vào bức ảnh cho chúng tôi xem chỗ rùa bị găm chùm lưỡi câu, nói: “Ảnh này chụp ngày 1.8.2010, do một người chuyển đến cho tôi, ngay lúc đó tôi gọi điện báo cáo cho thành phố, nhưng khi đó đang là thời điểm chuẩn bị đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội nên sự việc không được quan tâm. Rồi đây nữa, ngày 15.9.2010, mạng Xã hội đăng ảnh này – rùa nổi lên và lại có một chùm lưỡi câu găm vào, ở vị trí khác so với lần trước” - chúng tôi cùng nhìn bức ảnh. “Rồi đây nữa, bức ảnh nhiều người biết: Cụ rùa nổi lên với ống caosu ngậm trong miệng, đó là ngày 20.11.2010”.

GS Đức mở tiếp: “Bức ảnh cụ rùa nổi, trên lưng có một con rùa tai đỏ đang ngồi chễm chệ! Đây là ảnh của mạng VNexpress đăng ngày 18.12.2010- GS nói không rời mắt khỏi màn hình. GS mở tiếp bức ảnh ngày 30.12.2010, trên ảnh chụp được cho thấy rõ những vết loét trên lưng, trên sống mai và trên cổ cụ rùa. Rồi đây nữa - ông xót xa chỉ vào bức ảnh vừa mở tiếp với hình ảnh các vết loét màu hồng đỏ nham nhở như tứa máu đã lan rộng và sâu ở nhiều vị trí trên người cụ rùa. Bức ảnh này là của Hải Lê chụp vào mùng 2 Tết Tân Mão, được Đoàn Đức Thành đăng trong bài viết đăng trên tờ Văn hoá - Thể thao - vừa nói GS vừa căng to bức ảnh rùa lở loét.

Chúng tôi hỏi ông: Theo GS thì cụ rùa bị lở loét như vậy là do nguyên nhân nào? Câu trả lời như đã thường trực trong đầu, GS nói ngay: Tôi nghĩ là do rùa tai đỏ. Rồi ông giải thích tiếp, rùa tai đỏ xuất hiện ở hồ Hoàn Kiếm từ năm 2004, người ta đã chụp được những bức ảnh rùa tai đỏ khi nó xuất hiện ở chân đền Ngọc Sơn. Khi đó truyền hình VN đã có một phóng sự về rùa tai đỏ ở hồ Hoàn Kiếm và ông Nguyễn Quốc Triệu - khi đó là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - cũng đã mời phóng viên truyền hình làm phóng sự này tới dự một cuộc họp của quận Hoàn Kiếm bàn về vấn đề diệt rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm. Nhưng rùa tai đỏ xuất hiện từ 2004 mà nay cụ rùa mới bị lở loét là sao? - chúng tôi nhìn nhau thắc mắc.

“Tôi cho rằng, khi cụ rùa khỏe mạnh thì rùa tai đỏ không làm gì được cụ, nhưng môi trường nước hồ ô nhiễm, lòng hồ lại có nhiều chướng ngại vật nguy hiểm như sắt, thép phế thải, móc câu... khiến cho cụ rùa bị thương, bị yếu nên đã bị rùa tai đỏ tấn công, khi mình mẩy bị sứt sẹo lại ngâm trong nước bẩn thì lở loét lan rộng là điều tất nhiên thôi!” - vừa giải thích, GS vừa day đi day lại bức ảnh với những vết loét trông giống như củ khoai lang sống bị chuột gặm trên thân cụ rùa.

Mỗi lần cụ rùa nổi lên đều ứng với một sự kiện nào đó

Để câu chuyện bớt căng thẳng, chúng tôi chuyển sang hỏi GS “Đức rùa” về những vấn đề tâm linh liên quan đến rùa Hoàn Kiếm. Như chạm đúng vào đề tài tâm huyết, nét mặt Thần rùa hồ Gươm vừa là huyền thoại vừa là thực tế. Ở hồ Gươm, thần rùa là nhân chứng “bằng xương bằng thịt”. Rùa hồ Gươm là nhân chứng cho truyền thuyết hoàn gươm, nhưng đồng thời lại là một sinh vật thật. Trong gần 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, mỗi lần cụ rùa xuất hiện tôi đều có ghi chép cẩn thận.

Trước đây, cụ rùa ít nổi lên và mỗi lần như vậy đều ứng với một sự kiện nào đó của đất nước, gần đây cụ nổi lên nhiều còn là do bị đau yếu. Tôi còn nhớ khi khánh thành tượng Vua Lê - ngày 27.9.2000, lúc 9h sáng khánh thành thì 8h20 sáng “cụ” bò lên nằm ở chân đảo Ngọc của đền Ngọc Sơn. Rồi hôm hội nghị bàn về nạo vét hồ Gươm, rùa cũng nổi lên mặt nước. Thường thì khi nguyên thủ các quốc gia sang thăm nước ta, rùa hồ Gươm cũng nổi. Đại hội Đảng X, ngày khai mạc và ngày bế mạc đại hội, cụ rùa cũng xuất hiện...

Sau cái chết của cụ rùa hồ Gươm năm 1968, có một số thông tin nói ở hồ Gươm hiện còn có 3 thậm chí tới 5 cụ rùa, trong khi đó GS Đức “rùa” thì khẳng định chỉ còn duy nhất một “cụ” (hiện đang ốm này); vậy cơ sở nào GS khẳng định như vậy? “Trong nhiều năm nghiên cứu rùa hồ Gươm, tôi có hàng trăm bức ảnh rùa, mỗi lần rùa nổi lên tôi đều bơi ra xem và chụp ảnh ở các góc độ khác nhau và tất cả cho thấy đó chỉ là một “cụ” mà thôi.

Nhưng rồi từ chuyện cụ “rùa bà” hay “rùa ông”, câu chuyện giữa chúng tôi lại hướng tới việc làm sao phải duy trì được nòi giống rùa hồ Gươm, bởi thật là buồn và không thể tưởng tượng được nếu một ngày nào đó ở hồ Hoàn Kiếm sẽ không còn rùa nữa! Có thông tin là hiện nay giống rùa mai nềm có kích thước lớn (nặng khoảng 200kg) như rùa hồ Gươm hiện còn 4 con (2 con ở Đồng Mô - Ba Vì, 1 con ở Trung Quốc). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của GS Hà Đình Đức thì rùa ở Trung Quốc và Đồng Mô là loại khác, giống rùa hồ Gươm chỉ còn một cá thể hiện nay. Và có lẽ vì thế mà chúng tôi được biết GS Đức đã có lần đưa ra dự án bảo vệ nguồn gene rùa hồ Gươm mà nhiều người cho là “một dự án kỳ quái”.

Câu chuyện với GS Hà Đình Đức về rùa hồ Gươm càng nói càng thấy nhiều vấn đề như người ta lạc vào khu rừng vậy, nhưng thấy rõ là GS cũng đã rất mệt sau nhiều ngày lo cho “cụ” rùa ốm, chúng tôi xin phép ra về. Trước khi về chúng tôi không thể không nán lại ít phút - theo yêu cầu của GS - xem mấy dòng trong 3 cuốn sách đỏ của VN (xuất bản 3 lần khác nhau), trong đó cả 3 cuốn không có một dòng chữ nào viết về rùa hồ Gươm - điều mà tất cả chúng tôi đều không hiểu vì sao và rất đáng tiếc!

Về cụ rùa hồ Gươm mất năm 1968

Vào khoảng 10h ngày 28.4.1968, một người dân tới trụ sở công an khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội (số 2 phố Tràng Thi - 50 phố Lê Thái Tổ), báo tin có rất nhiều người đang tập trung gần nhà Thủy Tạ xem rùa nổi, sợ máy bay Mỹ đến bắn phá sẽ có thương vong lớn. Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Trần Phương chỉ huy trực ban đã cùng anh Thuận - một trinh sát trẻ - ra hiện trường.

Ngay sát mép hồ là một cụ rùa rất to. Trên mai là một đám bọt màu hồng to như cái mũ nổi sùi lên. Đội trưởng Trần Phương và trinh sát Thuận dùng đòn gánh đẩy rùa ra xa bờ. Nhưng không hiểu sao, cụ rùa chẳng tỏ ra sợ hãi, lại cứ từ từ bơi vào bờ như không cần biết đến sự “giúp đỡ” của con người. Lúc này, hai chiến sĩ công an mới nhìn rõ đám bọt trên mai rùa là máu, chứng tỏ rùa bị thương có thể do mảnh đạn từ hai ngày hôm trước khi máy bay Mỹ ném bom bãi Phúc Tân (Hà Nội). Đội trưởng Phương cử ngay anh Thuận về báo cáo cấp trên.

Theo chỉ thị của thành phố, cụ rùa được nhanh chóng chuyển về căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm để bác sĩ thú y chữa trị vết thương. Nhưng đến 14h cùng ngày 28.4.1968, cụ rùa chết. Lãnh đạo thành phố giao cho ngành công an làm rõ nguyên nhân và giao cho Cty công viên thực hiện bảo quản giữ gìn tiêu bản rùa hồ Gươm để trưng bày cho nhân dân (hiện cụ rùa vẫn được đặt trong tủ kính tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội).

Linh Tâm - Phạm Ngọc

  • CAPTCHA