sgtt.vn, 27.02.2011  

img Đọc báo theo ngày:

Ngày 26.02.2011, 10:47 (GMT+7)

Bát phở 750.000 đồng và mơ một bữa ăn có thịt!

SGTT.VN - Không ít người nhẹ nhàng chi 10 triệu đồng cho một bữa sáng, 750.000 đồng cho một tô phở, vài chục tỷ đồng mua xe siêu sang… Đối lập là những người còng lưng, dãi nắng dầm mưa suốt ngày mới kiếm được vài ba chục ngàn.

Đó là bức tranh tương phản mà bạn đọc chia sẻ với SGTT sau khi đọc bài “Người Việt tiêu xài lạc quan nhất thế giới”. Trong số rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi đến SGTT, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

Bữa ăn sáng 10 triệu

Những hình ảnh tương phản như này ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội chúng ta. Ảnh: minh họa


Nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng, dễ dàng bằng những cách không bình thường, không minh bạch. Vì kiếm tiền quá dễ nên họ tiêu xài phung phí, chỉ quen dùng hàng hiệu, trong khi đó, những đồng ngoại tệ của ta được chắt chiu từ xuất khẩu gạo, cà phê, thuỷ sản… lại đang phải dùng để chi trả cho những món hàng hạng sang đó.

Chúng ta nói năm 2010 nhập siêu 12,6 tỷ USD nhưng thực chất những chiếc ô tô siêu sang, điện thoại, laptop “khủng”… đã chiếm số lượng tiền không hề nhỏ trong tổng số 12,6 tỷ USD đó.

Đối với người nghèo, được ăn một bữa thịt đã là xa xỉ. Nhưng đối với người giàu thì họ coi đó là điều bình thường. Một bát phở 650.000 đồng (thậm chi 750.000 đồng, BT), hay trả 10 triệu đồng cho một bữa ăn sáng. Một người giàu kiếm tiền quá dễ nếu không chi tiền cho những việc đó họ sẽ không biết dùng tiền để làm gì!? Cho nên xa xỉ chỉ là một khái niệm tương đối.

Nhiều mặt hàng ngoại nhập là thành tựu của khoa học kỹ thuật nên đương nhiên nếu được tiếp cận, sử dụng thì không ai là không mê. Nhưng cạnh đó còn có tâm lý thích thể hiện đẳng cấp, thích chơi trội. Người Việt Nam có nhược điểm là thích đua tranh, hãnh tiến. Người khác dùng hàng hiệu mà mình chưa dùng là cảm thấy thua kém, “quê một cục” nên phải cố cho bằng được.

Trong xã hội hiện nay, nhóm người giàu mới nổi tuy thực lực chưa mạnh nhưng cũng sẵn sàng bỏ tiền mua xe xịn, thậm chí vay nợ để mua. Chủ doanh nghiệp mặc dù nợ đầm đìa vẫn “diện” xe sang như thường. Căn bệnh hình thức này mọi người đều biết nhưng không phải ai cũng tránh được.

Nguyễn Hoài Nam

Thu nhập thấp, lấy tiền ở đâu ra mà nhiều thế?

Chỉ những người kiếm ra tiền nhiều thì mới dám ăn nhậu mệt mỏi và xài sang. Có những người kiếm tiền một cách chân chính, nhưng liệu có ai dám khẳng định rằng 100% người giàu là kiếm tiền một cách chân chính không.

Đôi khi tôi tự hỏi tại sao không ít cán bộ công chức nhà nước lại giàu đến thế, trong khi lương họ không vượt quá con số 10 triệu đồng mỗi tháng... Phần đông còn lại là tầng lớp làm thuê hay làm công ăn lương thì đa phần không dám xài sang và đua đòi. Họ phải tiết kiệm từng đồng, từng hào để trang trải cuộc sống, để bù đắp tất cả các chi phí như: chi phí thuê nhà, ăn uống, cho con cái học hành, bệnh viện và nhiều thứ khác.

Đương nhiên xã hội cũng có những cá nhân giỏi thì việc họ kiếm tiền chân chính và chi tiêu thì cũng là dễ hiểu. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ thôi, vì nếu Việt Nam mà nhiều người giỏi quá thì xã hội ta đã không chậm phát triển như vậy.

Có đi thật nhiều nơi thì chúng ta mới thấy đất nước Việt Nam mình còn nghèo lắm. Nếu chỉ thấy Hà Nội và Sài Gòn thì cuộc sống không được phản ánh thực chất đâu thưa các bạn. Phải đi nhiều, nhiều nữa để chiêm nghiệm cuộc sống này, xã hội này.

Dương Quang Huy

Dù giàu nhưng người Nhật, người Hàn… vẫn tiết kiệm

Ai cũng biết người Nhật Bản, người Hàn Quốc, cùng một khởi điểm như đất nước mình, nghèo, đi lên từ đống tro tàn sau chiến tranh, nhưng ngày nay họ phát triển như thế, giàu có là thế, họ vẫn tiết kiệm, vẫn sống giản dị, vẫn xài hàng nội, người Hàn Quốc gần như chỉ dùng xe do Hàn Quốc sản xuất. Người Nhật cũng thế.

Còn ở nước ta, một tô phở 35USD vì trong đó có thịt bò nhập khẩu; quần áo, giày dép, nón mũ Trung Quốc, Hàn Quốc ,Tây , Mỹ tràn lan. Các quan chức không là tấm gương tiết kiệm cho dân chúng.

Hiếu Hạnh

Dòng xe siêu sang liên tục được nhập về

Giữa một thế giới tiêu xài hoang phí là một thế giới cần lao mưu sinh. Ảnh: minh họa


Đừng nói người Việt tiêu xài lạc quan. Chỉ những người không phải đổ mồ hôi xương máu làm ra đồng tiền nên người ta mới tiêu xài hoang phí thôi. Những con người đó chắc ai cũng biết.

Nếu ai đã từng đến những quán bar, vũ trường, massage, nhà hàng, quán nhậu thì sẽ thấy hình ảnh của sự vô độ và trác táng như thế nào. Trong khi bên ngoài của những cuộc chơi trác táng đó là hình ảnh của những cụ già, em nhỏ phải đi bán vé số, lượm ve chai kiếm từng đồng. Những gia đình có người thân bệnh nặng đang trông chờ lòng hảo tâm.

Công ty tôi có chị bạn làm việc đã mười năm, hai vợ chồng phải đi vay tiền để mua một căn nhà. Rồi mỗi tháng tiện tặn, không dám tiêu xài, để trả tiền vay. Tôi hỏi chị có biết hàng hiệu NineWest, Gucci, D&G, Armani, Versace... ngay cả hàng hiệu của nước ta, chị cũng không dám mơ. Vậy mà những người như chị chiếm hơn phân nửa trong công ty tôi.

Công ty tôi là công ty của nước ngoài, mức thu nhập cũng tương đối so với những công ty khác. Ấy vậy mà cũng hiếm người mơ tới những món đồ hiệu xa xỉ. Đối lập lại là những dòng xe siêu sang đang liên tục nhập về nước ta.

Red-eyes

Chỉ lo đầu tư cho khoản “oai” trước mắt

Ở nước ngoài, các công dân của họ đi làm cũng mệt mỏi, nặng nề hơn công dân Việt Nam nhiều. Tuy nhiên những thành phần “mạt hạng” nhất của các nước châu Âu vẫn có thể có quỹ thời gian và tiền bạc để chu du khắp thế giới hàng tháng trời, nhằm giải tỏa căng thẳng, và chẳng sợ ảnh hưởng gì đến công việc lẫn cuộc sống.

Được như thế thì sự phát triển kinh tế chỉ là một phần, phần còn lại là họ biết cách chi tiêu hợp lý, dùng những thứ công nghệ vừa đủ để phục vụ cho cuộc sống của mình, còn những thứ siêu công nghệ thì dùng để xuất khẩu sang những nước “đam mê công nghệ", “chuộng hàng ngoại” như Việt Nam.

Tôi đã từng chứng kiến một anh bạn sẵn sàng đi vay mượn tiền ở nhiều chỗ với giá 1/2 giá trị iPhone để mua cho được. Hoặc là một người đi làm hai năm trời chỉ để dành đủ tiền mua một chiếc Air Blade sang trọng thay thế cho chiếc Dream "cùi", còn lại thì ở nhà thuê thì mặc nhà thuê, không tính toán, không đầu tư cho tương lai dài hạn, các anh chàng này chỉ chăm chăm đầu tư ngắn hạn cho cái oai phong nhất thời của mình: rằng được cầm chiếc điện thoại siêu công nghệ để phe phẩy hay được cưỡi một chiếc xe thật oách. Còn đằng sau đó, họ có những cái gì thì họ không nghĩ tới.

Các nước phát triển xài sang thì không kể tới, nhưng nước Việt Nam vẫn đang có thu nhập trung bình thấp, thì việc chơi sang của một bộ phận người dân, và ăn trong máu cả ở những người ở hạng trung lưu, dẫn đến nhiều thứ đắt đỏ tại Việt Nam là một điều thật khó chấp nhận.

Nguyễn Đức Trọng

Lên chức mới là đổi xe

Thiết nghĩ cũng cần nói thêm rằng người Việt mình vì bệnh sĩ nên đôi khi quá lãng phí. Những cuộc nhậu bia rượu tràn trề, thịt cá ê hề, thừa mứa… Kiểu "xài xả láng" không ít.

Quan chức đổi ghế đổi xe mỗi khi lên chức mới. Cả xã hội đang xài quá tích luỹ của nền kinh tế huống hồ cá nhân. Tiết kiệm là ngôn từ xa lạ trong đời sống bây giờ.

Tâm Khả

Nhà nước phải làm gương, đừng hô hào

Vào thời điểm nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, thâm hụt thương mại cao, ngân sách thiếu hụt, lạm phat ngất ngưỡng, giá cả leo thang, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng giãn ra xa, thiết nghĩ nhà nước cần thực hiện một cách nghiêm túc nhất, không phải hô hào suông để làm gương tiết kiệm cho dân chúng.

Tại sao khi nhà nước cấm đốt pháo, dân chúng đồng loạt hưởng ứng rầm rầm, bây giờ chúng ta không làm một cuộc cách mạng trong việc chống lãng phí? Nếu nhà nước giảm chi tiêu công, không xài hoang phí, huỷ bỏ những dự án chưa thiết thực, những lễ hội triền miên mùa này tháng nọ với tiền tỉ tỉ đổ ra mà không đem lại ích lợi gì, khai thác tốt nhất tài nguyên thiên nhiên của nước ta chắc tình hình không đến nỗi khó khăn như bây giờ.

Muộn còn hơn không, cần chấm dứt những màn pháo bông triệu đô trong những ngày lễ hội. Hãy tích luỹ để phát triển. Hãy tiết kiệm cho mục tiêu ngẩng cao đầu của người Việt Nam.

Cẩm Hồng

Tin bài liên quan:

Print
Yahoo Facebook Bookmark Email
Đánh giá bài viết:  

(44 điểm,11 lần)

Các ý kiến (9)

Trần Thành Trí

Chăc mọi người vẫn còn nhớ, Thuỵ Điển là nước mà Trung Quốc ngay từ thời Đặng Tiểu Bình đã xác định là mô hình mà Trung Quốc noi theo để xây dựng và phát triển cả hiện tại va tương lai. Nơi đó, theo quy định của luật pháp chỉ có 4 nhân vật được đi xe công + lái xe: Thủ tướng, 2 bộ trưởng: Ngoai giao, Quốc phòng và chủ tịch Quốc hội, những quan chức khác có thể tự lái xe đi làm, nếu không có thể tự đi bằng phương tiện công cộng, đất nước mà 35 năm không có quan chức tham nhũng, thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 36.800USD. Đặc biệt, phong cách sống của người Thuỵ Điển là: không một lá cỏ nào có thể vượt cao hơn những lá cỏ khác, vì lá cỏ ấy sẽ bị cắt trước tiên. Theo đó cơ hội của người dân Thuỵ Điển là đồng đều như nhau. Thủ đô Stockholm không có phố đền đỏ, không có các điểm ăn chơi truỵ lạc,... Trông xứ người mà thèm thuồng. Ở nước ta, xe công vẫn đi chùa, đi nghỉ,.. Và có ai tính được số xe công là bao nhiêu?

Thích Thiện Nhân

Trong cuộc mưu sinh mỗi người phải tìm cho mình một nghề để kiếm sống. Có vô vàn nghề nghiệp hay việc làm trên đời, trong đó có không ít những công việc kiếm tiền dễ dàng nhưng hàm chứa sự bất chính, lợi mình mà hại người. Người xưa, khi thấy con cái hoặc người thân trở nên giàu có, khá giả một cách bất thường thì phải truy nguyên xem phương cách làm ăn của họ có trong sáng không, sau đó mới thọ nhận. Nếu phát hiện những đồng tiền hay vật phẩm có được không thật sự trong sạch hoặc có vấn đề thì cương quyết chối từ. Cách hành xử như thế có tác dụng giáo dục đến những người xung quanh rất hiệu quả, tích cực. Hiện nay, có không ít người vui mừng với khả năng kiếm tiền tài tình của người thân mà không một mảy may ưu tư về nó. Trong khi ai cũng thừa biết rằng mức lương hoặc thù lao, thu nhập của người lao động bình thường chỉ vừa đủ cho một đời sống chật vật. Đo là chưa nói đến một số người không những không biết quý trọng mà còn ta thán về sự trung thực, lương thiện, xem đó như là một sự ngờ nghệch, không lanh lợi, không biết tận dụng cơ hội để làm giàu như những người khác. Thực ra, những người ấy chỉ nhìn thấy trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả ở tương lai. Nếu đồng tiền kiếm được từ những việc làm bất chính thì người thọ hưởng chắc chắn phải bị liên lụy. Đôi khi, người hưởng thụ những đồng tiền oan nghiệt ấy không trực tiếp nhúng tay vào tội lỗi nhưng không vì thế mà không bị ảnh hưởng. Những ai suy xét và thấu hiểu điều này thì sẽ tự vấn lương tâm về nhân quả trong mai hậu. Bởi lẽ, người làm giàu bất chính, không lương thiện thì mang quả báo đã đành. Người thọ hưởng và tiêu pha phung phí những đồng tiền oan nghiệt ấy cũng bị ảnh hưởng theo và chịu quả báo nặng nề.

Võ Thị Ngọc Trinh

Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay là có một số bạn trẻ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã đua đòi, chơi ngông, tiêu tiền phí phạm. Mình từng thấy một cậu học sinh học lớp 10 ở một trường phổ thông ở TP.HCM sài con Vertu có giá đến 5.000 đô và thường xuyên khoe khoang trước mặt bạn bè. Rồi những chiếc máy nghe nhạc hàng hiệu, những chiếc laptop thời trang đến những bộ áo quần đắt tiền vẫn nằm trong tầm tay mua sắm của không ít bạn có gia đình khá giả. Đó không phải lãng phí là gì? Độ tuổi các bạn có cần thiết phải xài nhưng món đồ đắt tiền như vậy không? Ngày xưa, lúc ông bà mình xài cái gì cũng hết sức tiết kiệm và không bao giờ lãng phí. Cái áo, cái quần mặc rách thì vá lại, đôi khi vá đắp lên không biết bao nhiêu miếng vải mà nói. Cách tiết kiệm đó vẫn được ông bà mình giữ cho đến bây giờ và luôn dạy con cháu sống phải biết tiết kiệm, đừng tiêu sài lãng phí. Trong cách ăn uống cũng tiết kiệm từng đồng, từng cắc, cái gì đáng mua thì mới mua. Còn bây giờ nhìn cái cách mà các bạn trẻ ăn mặc người già phải lắc đầu ngao ngán. Quần áo chưa rách, chưa cũ vứt bỏ, cho người khác. Mới thấy trên tivi trình diễn bộ thời trang mới ra thì cách vài ngày sau là thấy xuất hiện. Còn dế thì trên thị trường có mẫu gì thì cũng có mẫu đó, thay dế như thay áo. Không chỉ những người còn đang học, những người bạn trẻ ra trường đi làm cũng rơi vào trong số đó. Đồng ý gia đình của các bạn khá giả thích gì thì ba mẹ đáp ứng cho cái đó, tiền bạc không thành vấn đề. Tuy nhiên những bậc làm cha mẹ quên rằng việc làm đó vô tình đẩy con em mình đến chỗ sa đà, bị lôi kéo và dụ dỗ vào những loại hình giải trí không lành mạnh khác và tạo thói quen thích hưởng thụ từ đó dẫn đến bỏ bê việc học.

Hoàng Xuân

Đồng ý khi đất nước phát triển thì nhu cầu cuộc sống của con người ngày càng nâng cao. Tuy nhiên cách xài như thế nào cho hợp lý thì chưa được nhiều người quan tâm cho lắm. Nhiều bạn trẻ có gia đình kinh tế không khá giả nhưng vẫn cứ a dua, đua đòi chạy theo thời đại, bạn bè. Điển hình như tôi có con em con của ông chú mới 16 tuổi, gia đình nghèo khổ, cha mẹ đều làm nông. Khi thấy mấy đứa bạn trong xóm ai cũng sắm cho mình một chú dế để nghe nhạc và nhắn tin cho bạn bè, liền về bảo ông chú tôi phải mua cho bằng được, nếu không dọa sẽ bỏ nhà ra đi. Vì là con một được cưng chiều nên chú tôi căn răng bán vài bao lúa để “bắt” cho con em mình một chú dế để cho nó ngang hàng với bạn bè. Sau đó, nhà thiếu ăn đi mượn gạo khắp xóm. Còn con bé thì mua về chẳng thấy ai gọi tới, suốt ngày nhắn tin vài hôm sau thì bỏ nhà theo trai làm chú thím tôi khóc mấy ngày trời. Nếu nói ai cũng thế thì suy ra “quơ đũa cả nắm”. Cũng có nhiều người giàu có biết sống tiết kiệm từ những đồng tiền chính đáng do công sức của mình làm ra nhưng đó chỉ là một con số ít thôi. Phần đông còn lại là tiêu dùng quá đà.

Nguyễn Ngọc Tuyên

Tôi có cơ hội tiếp xúc với một số người làm giàu chân chính bằng mồ hôi nước mắt thì họ tiêu xài rất căn cơ, họ không bao giờ bỏ ra hàng tỷ đồng để mua xe sang. Còn những người bỏ hàng tỷ đồng mua xe sang trọng, mà tôi biết, thì đều là làm ăn không chân chính. Tiền có dễ quá nên họ tiêu xài vô tội vạ là phải

Lan

Nhưng nói gì thì nói, ai có tiền thì họ vẫn tiêu thôi. Điều cốt lõi là tìm cách thu hút nguồn tiền từ người giầu đó tránh nó chảy ra nước ngoài. Ví dụ xây các trường học thật sang trọng và đắt đỏ để thu hút con cái những người giầu. Xây dựng các trang trại rau/ thịt sạch kiểu organic giá đắt gấp 2-3 lần phục vụ người giầu... Khi ấy, tiền tiêu xài của giới giầu có không bị chảy ra nước ngoài mà còn là một động lực cho sự phát triển của kinh tế trong nước.

Lan

Tôi đọc một số nhận xét trên VEF thấy cũng có người nói dân Việt Nam giờ cũng giầu lắm. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Đúng là những năm gần đây đời sống phần lớn dân cư mình tốt lên nhiều. Nhưng có đi tới các nước phát triển mới cảm nhận được sự nghèo của dân mình. Dân mình có tiền mua xe bạc triệu nhưng liệu có đường xa lộ 8 làn xe để chạy không? Dân mình có tiền đi ăn nhậu cả triệu nhưng cho con đi học ở trường học phí đáng bao nhiêu phần trăm thu nhập? Ngẫm ra mới thấy mình nghèo vô cùng. Sao có xe xịn nhưng không đóng thuế để xây đường xá? Sao chi tiền ăn nhậu nhưng không mua nổi một nền giáo dục đáng tiền?

Phan Thục Ngân

Theo thông tin, đến cuối năm 2010, nước ta còn hàng chục triệu người nghèo. Nhưng cũng trong năm này, nước ta đã chi tới 10 tỉ USD để nhập hàng xa xỉ. Nếu những nhà quản lý thực sự thực hành tiết kiệm theo tấm gương Hồ Chí Minh (chứ không phải nói tiết kiệm) thì con số nhập siêu năm 2010 chỉ là 2,6 tỉ USD chứ không phải 12,6 tỉ USD. Sau bại trận năm 1945, dân nước Nhật đã thực sự sống tiết kiệm, cộng với ý thức phấn đấu vươn lên nên họ đã trở thành cường quốc sau hai mươi mấy năm. Còn nước ta, cho đến nay, sau 36 năm thống nhất vẫn là nước trung bình, nghèo đói. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện đó là do nước ta vẫn bỏ ra 10 tỉ USD nhập xa xí phẩm, tương đương 10% GDP, vẫn còn người chi 10 triệu đồng cho một bữa ăn sáng, chi 35 USD cho một tô phở, vẫn còn tình trạng "chỉ lo đầu tư cho khoản “oai” trước mắt ", " Lên chức mới là đổi xe" ...như SGTT nêu trên. Chừng nào "Nhà nước phải làm gương, đừng hô hào" như SGTT nêu? Những nhà quản lý đất nước nếu thực sự "do dân, vì dân" thì hãy hứa cụ thể bao lâu, chừng nào thì tình trạng nói và làm không đi đôi chấm dứt?

Nguoi nhan roi

Đây là một bài viết hay và tế nhị. VN chúng ta nên học thế giới hiện nay thắt lưng buộc bụng để dự trữ cho tương lai.

ý kiến bạn đọc

Nội dung

Kiểu gõ:

Họ và tên

Địa chỉ email

Nhập mã bảo vệ:

Tài liệu đính kèm: (.doc, .jpg, .gif, .zip, .rar, .pdf)

 Thông báo cho tôi qua email khi có phản hồi mới

 Xu hướng không tình dục ở Mỹ, Nhật

SGTT.VN - Do bị áp lực trong lao động và trong đời sống hàng ngày nên không còn ham muốn, do các phim ảnh kích dâm làm cho có mặc cảm về khả năng đạt được “thành tích tính dục cao của mình ngay khi còn thơ ấu (theo nhiều nghiên cứu, đến 80% trẻ em 10 – 11 tuổi ở Pháp đã xem loại phim ảnh này!), do sự lôi cuốn của công nghệ tính dục…, ngày càng có nhiều người trên thế giới không thích làm tình, nhất là ở Mỹ và ở Nhật. Hiện tượng này lại đặc biệt nghiêm trọng trong giới trẻ, đến mức đáng lo âu!

Xem thêm »

15:24 ngày 24.01.2011

SGTT.VN - “Ngày 20.11. Học sinh nào cũng hớn hở tung tăng cầm trong tay những bó hoa tươi thắm dâng tặng thầy cô. Chợt ánh mắt tôi bắt gặp một hình ảnh quen, rất quen… Rụt rè, ở sát gốc me tây già, một em nhỏ cầm gói ô mai vụng về gói trong tờ giấy báo và tặng tôi. Hình ảnh ngày xưa chợt hiện về…”