Giáo sư Greg Laughlin đã đưa ra con số này bằng cách tính toán tổng độ tuổi của Trái đất, kích thước, nhiệt độ, khối lượng và số liệu thống kê quan trọng khác. Và theo đó, Trái đất được xem là đắt nhất trong vũ trụ.
Trái đất được định giá 3 ngàn tỷ tỷ bảng Anh
Theo công thức trên thì sao Hỏa chỉ có giá trị 10.000 bảng Anh, còn sao Kim không đáng 1 xu. Có khoảng 1.235 hành tinh khác trong vũ trụ, hầu hết trong số đó không có giá cao do khí hậu khắc nghiệt.
Giáo sư Laughlin đến từ Đại học California, Santa Cruz đã phát minh ra phương trình toán học mà ông đã sử dụng để định giá những phát hiện của Cơ quan Vũ trụ Hàng không Hoa Kỳ NASA do con tàu vũ trụ Kepler, có giá 600 triệu bảng Anh, thực hiện.
Con tàu vũ trụ này đã bay vào không gian cách đây 2 năm để tìm kiếm hành tinh mới. Và 1 năm sau đó, Laughlin đã quyết định tạo ra công thức tính giá trị các hành tinh mà Kepler phát hiện ra.
Hành tinh Gilese 581, được xem là giống Trái đất nhất mà các nhà khoa học biết đến, chỉ có giá trị 100 bảng Anh, trong khi hành tinh KOI 326.01 được định giá 150.000 bảng Anh.
Trả lời phỏng vấn của Lee Billings tuần trước, Laughlin cho biết: “Tôi nghĩ rằng, khái niệm “hành tinh giống với Trái đất mà con người có thể ở được” là rất mơ hồ. Và tôi muốn tạo ra một cơ sở xác định giá trị những hành tinh để xem nó đáng đầu tư hay không. Đây chỉ là một cách để tôi có thể định lượng về một hành tinh bất kỳ trong vũ trụ”.
Có khoảng 1.235 hành tinh khác trong vũ trụ, hầu hết đều không có giá cao do khí hậu quá khắc nghiệt.
Những hành tinh có niên đại lâu đời hơn thường có giá trị lớn hơn, bởi lẽ kích thước và quá trình phát triển của chúng tương tự với Trái đất. Giáo sư Laughlin cũng đã tính đến năng lượng tạo ra từ chúng.
Giáo sư kết luận rằng các hành tinh có giá trị 60.000.000 bảng Anh trở lên có giá trị nghiên cứu, còn những giá trị thấp thì không. Ông cũng cho biết: "Công thức này làm cho mọi người nhận ra Trái đất rất quý giá, và tôi hy vọng nó sẽ giúp tất cả chúng ta ra sức bảo vệ Trái đất, bảo vệ những gì chúng ta có".