Thứ Bẩy, 05/03/2011 - 12:52

Chuyện cứu “cụ” rùa Hoàn Kiếm trên báo Mỹ
(Dân trí) - “Hàng trăm người hiện đang khẩn trương chạy đua với thời gian để làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô Hà Nội, Việt Nam, nhằm cứu “cụ” rùa khổng lồ quý hiếm đang bị ốm, “cụ” rùa được xem là biểu tượng linh thiêng của người Hà Nội.”
 
Hình ảnh cụ rùa với những vết sưng tấy đỏ ở chân và đầu khiến công chúng vô cùng lo ngại.

Đó là ghi nhận của phóng viên hãng thông tấn AP, Mỹ, về công cuộc giải cứu “cụ” rùa Hoàn Kiếm, đang thu hút được sự quan tâm lớn của người dân khắp cả nước.

 

Theo tờ báo này, một số chuyên gia lo ngại nước bị ô nhiễm tại hồ Hoàn Kiếm là nguyên nhân khiến “cụ” rùa nước ngọt khổng lồ, có mai mềm, lớn bằng cả tấm bàn, trở nên ốm yếu. Đây là một trong những loài rùa quý hiếm nhất thế giới và trên khắp thế giới, người ta mới chỉ biết có 4 con còn sống.

 

Nhiều nhóm hiện đang phân công nhau, khẩn trương dọn sạch rác bẩn, bơm nước sạch vào hồ và dùng các túi cát để mở rộng ốc đảo nhỏ giữa hồ, được dùng làm “bệnh viện” cho “cụ” rùa. Những người tham gia công tác cứu rùa thậm chí còn cố gắng giăng lưới quây rùa vào một khu vực.

 

Hồ Hoàn Kiếm có từ trong văn hóa dân gian Việt Nam và nhiều người thậm chí còn tin rằng “cụ” rùa sống trong hồ ngày nay chính là “cụ” rùa trong truyền thuyết, đã giúp một vị vua của Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược phương bắc 6 thế kỷ trước.

 

“Cụ” bơi một mình trong hồ và trước đây, rất hiếm khi “cụ” nổi lên trên mặt nước. Song gần đây, cụ thường xuyên nổi lên, khiến công chúng lo ngại, nhất là khi họ có thể nhìn thấy rõ những vết thương mở trên đầu, chân và mai cụ.

 

Nhiều hội thảo đã được tổ chức và một hội đồng đã được thành lập cùng 10 cơ quan nhà nước được chỉ đạo tham gia cứu “cụ” rùa.

 

Và đây cũng là lần đầu tiên người ta nỗ lực bắt “cụ”. Vì vậy nhiều người dân đã đổ về hồ, với hi vọng được mục sở thị “cụ”, như một dấu hiệu may mắn. Trong khi đó, báo chí trong nước hầu như ngày nào cũng có bài viết cập nhật tình hình của “cụ”.

 

“Đối với người Việt Nam, “cụ” rùa hồ Hoàn Kiếm vô cùng linh thiêng”, bà Nguyễn Thị Xuân, 63 tuổi, một công chức đã về hưu cho biết. Bà đi từ quận ngoại ô thành phố tới hồ Hoàn Kiếm để mong có cơ hội nhìn thấy bóng dáng “cụ” rùa. “Cụ” đã giúp người Việt Nam đánh bại quân xâm lược nước ngoài và cũng đã giúp đất nước có hòa bình. Tôi hi vọng cụ sẽ bất tử”.
 
 
Một "bệnh viện rùa" được dựng lên ở đảo nhỏ giữa hồ nhằm tìm cách cứu "cụ" rùa.
 

“Tôi đã cầu nguyện tại đền sáng nay để được thấy “cụ””, Vũ Thị Dung, một nông dân 58 tuổi lặn lội hàng trăm cây số tới hồ Hoàn Kiếm để mong được thấy “cụ” rùa cho biết. “Tôi đã được thấy “cụ” 3 lần. Tôi rất vui. Cần phải gấp rút chữa trị cho cụ và làm sạch nước hồ”.

 

Hồ Hoàn Kiếm, trải dài khoảng 1,6km, là địa điểm nổi tiếng của thủ đô, với chiếc cầu Thê Húc đỏ cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn, ngự trên một đảo nhỏ. Hàng liễu rủ và những tán cây xum xuê che mát lối đi bộ bao quanh hồ đã trở thành những hình ảnh nổi tiếng đối với người dân Hà Nội, khách du lịch.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây hồ bị những người thiếu ý thức vứt đủ mọi thứ xuống từ gạch, vữa tới túi nilong và cả nước thải chưa qua xử lý. Cũng không có gì quá lạ lẫm khi một số đấng nam nhi thản nhiên “giải quyết nỗi buồn” trực tiếp xuống hồ.

 

Một nhà sinh vật học Việt Nam đã cảnh báo, tình trạng ô nhiễm sẽ dần dần khiến rùa Hòa Kiếm không thể sống nổi. “Tôi tin rằng những vết thương là do những vật sắc nhọn từ những thứ thải xuống hồ gây ra”, nhà khoa học Hà Đình Đức, người đã nghiên cứu “cụ” rùa Hoàn Kiếm suốt 20 năm qua cho biết. Ông cũng tự xưng mình là người chăm sóc “cụ” rùa. “Chất lượng nước hồ kém cũng khiến “cụ” không thể chịu đựng được”.
 
 
Công nhân chuẩn bị bè với cây để làm sạch nước hồ.
 

Nhóm tham gia cứu “cụ” rùa hi vọng có thể đưa “cụ” lên bờ để họ chữa trị vết thương cho “cụ”. Những túi cát đã được đắp thêm để mở rộng đảo nhỏ cho cụ nổi lên. Nhưng trong trường hợp “cụ” không tự bò lên, người ta sẽ dùng lưới để bắt.

 

Sau đó, các bác sỹ thú y sẽ làm việc ở “bệnh viện rùa”, lấy mẫu da, mai phân tích, để đưa ra cách chữa trị cho “cụ”. Các bức ảnh được công bố cho thấy những vết sẹo và những vết sưng tấy trên đầu và chân “cụ”. Trên chiếc mai lớn bị tổn thương của “cụ” còn xuất hiện vùng giống như là bị nhiễm nấm trắng.

 

Một chuyên gia về rùa người Mỹ, đã sống ở Việt Nam 14 năm, cho hay, ông không tin những vết thương trên người “cụ” rùa nguy hiểm đến tính mạng, vì cách “cư xử” của cụ nhìn chung không thay đổi nhiều. “Cụ” nổi lên vào ngày ấm áp, như vẫn thường thấy, và có vẻ như bơi rất tự do, tìm thức ăn.

 

“Mấy năm trở lại đây tại Hà Nội mọi người bắt đầu nói “cụ” rùa Hoàn Kiếm bị ốm”, Douglas Hendrie cho hay. Douglas Hendrie là cố vấn kỹ thuật cho tổ chức phi lợi nhuận Giáo dục tự nhiên Việt Nam và là nhà sáng lập của Chương trình rùa châu Á. “Tôi sẽ chưa hoảng đâu”.

 

Không ai biết chính xác tuổi, giới tính của rùa Hòa Kiếm, nhưng theo Hendrie, các chuyên gia ước tính “cụ” có thể 80-100 tuổi. Họ cũng tin rằng đây có thể là loài rùa nước ngọt quý hiếm nhất thế giới. Rùa nặng 200kg và chiếc mai lớn trải dài 1,8m, rộng tới 1,2m. Trên thế giới, các nhà khoa học mới biết một con rùa khác cùng loài, có tên khoa học là Rafeteus swinhoei, ở Việt Nam và 2 con khác ở một vườn bách thú tại Trung Quốc.

 

Truyền thuyết kể rằng vào giữa thế kỷ 15, Vua Lê Lợi đã đánh bại quân xâm lược phương bắc bằng một thanh kiếm thần do các vị thần trao cho ngài. Sau chiến thắng, khi Vua đang du thuyền trên hồ thì một con rùa vàng khổng lồ nổi lên trên mặt nước, ngậm lấy thanh kiếm, rồi lặn sâu xuống nước, trả lại thanh kiếm cho các vị thần.

 

Kể từ đó, hồ được đặt tên lại là “Hồ Hoàn Kiếm” tức “Hồ trả lại kiếm” và câu chuyện trở thành một phần vô cùng quan trọng trong văn hóa Việt Nam, vẫn tiếp tục được dạy tại trường học và được kể lại qua những màn biểu diễn rối nước.

 

 

Phan Anh

Theo AP