Thứ Bẩy, 05/03/2011 - 10:19
Việt Nam đang thực hiện chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) thông báo, tính đến 19h ngày 4/3 đã có 4.606 lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn.
Hiện, còn gần 1.000 lao động Việt Nam kẹt lại trong lãnh thổ Libya; trong đó gần 200 lao động nằm sâu trong lãnh thổ, số còn lại đã được đưa ra biên giới để sang các nước láng giềng của Libya như Tunisia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì, Malta…
Hàng không VN tăng chuyến đón lao động về nước. (Ảnh Cục QLLĐNN)
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tất cả số lao động đang ở Ai Cập, Hy Lạp, Malta, Síp và khoảng 1.000 lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt vé máy bay để về Việt Nam. Về số lao động vẫn mắc kẹt trong nội địa của Libya, bà Ngân cho biết vẫn giữ được liên lạc thường xuyên và Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với Văn phòng đại diện Nhà nước Libya tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ số lao động này về nước trong thời gian sớm nhất. Phía Libya cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tất cả lao động Việt Nam rời khỏi Libya trong một vài ngày tới. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cũng đang tích cực giúp Việt Nam khẩn trương đưa nốt số lao động ở các nước thứ 3 và tại Libya về nước một cách an toàn và hiệu quả.
Bà Ngân cho rằng, đây là chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Đáng mừng là đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về trường hợp công dân của nước ta bị thương vong do sự mất ổn định về chính trị và xã hội ở Libya.
Trong cuộc họp với liên bộ về tình hình đưa lao động từ Libya về nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo bằng mọi biệu pháp phải đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người lao động Việt Nam tại Libya đồng thời khẩn trương đưa lao động về nước trong thời gian sớm nhất nhiều cách và bằng mọi phương tiện như: tiếp tục cử chuyên cơ của Hàng không Việt Nam, thuê máy bay của các hãng hàng không nước ngoài, vận động đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế mua vé máy bay cho người lao động về nước…
Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ Libya về nước, đặc biệt đối với số lao động ở các huyện nghèo và số lao động mới sang Libya. Trước mắt, mỗi lao động về nước được nhận ngay 1 triệu đồng/người, nhằm hỗ trợ, đi lại, ăn uống…
P. Thanh