"Cụ cá" ở giếng Ngọc làng Diềm

09/03/2011 09:59:26
- Ở Yên Phong, Bắc Ninh mọi người trong vùng vẫn thường kể về ngôi đền Cùng, suối Ngọc gắn liền với những câu chuyện huyền bí. Nước giếng nơi đây quanh năm trong vắt, dùng để ăn uống sinh hoạt cho dân làng. Có cả ý kiến cho rằng giọng hát mượt mà các đàn anh đàn chị trong làng đang có được là nhờ uống nước giếng Ngọc…

Những ngày cấm phụ nữ đến gần giếng

Ông Nguyễn Văn Dai, năm nay gần 70 tuổi là người được dân làng Diềm tin tưởng giao trọng trách cai quản giếng Ngọc, đền Cùng.

Cụ Dai kể: ông nội tôi bảo giếng Ngọc đã có từ thời vua Lý Thái Tông, giếng nước mang nhiều điều linh thiếng lắm. Dân làng Diềm vẫn đồn đại 2 cụ cá dưới giếng là do Ngọc Dung công chúa và Thủy Tiên công chúa mất đi hóa thành.

a
Giếng Ngọc mang nhiều truyền thuyết

Hồi đó dân làng Diềm bị giặc thảo khấu đến ức hiếp, thú dữ ùa xuống phá làng. Hai nàng công chúa xin với vua cha về hỗ trợ dân làng dẹp giặc và giết thú dữ. Sau này hai nàng ở lại giúp dân làm ăn, thâm canh đồng ruộng. Nhiều người cho rằng chính đôi cá vàng sống trong giếng là sự hóa thân của hai nàng công chúa. Nước giếng luôn trong vắt, màu xanh long lanh như ngọc cũng nhờ vào dòng dõi hoàng tộc của hai cô công chúa.

Hằng năm, cứ vào dịp 3/3 là dân làng Diềm tổ chức nạo vét giếng Ngọc. Không phải ai cũng được tham gia. Phải lựa chọn những trai thanh nữ tú trong làng để tham gia nạo vét. Việc vớt cụ cá lên khi nạo vét giếng đã trở  thành lễ nghi quan trọng nhất. Hai cụ cá sẽ được vớt lên và đặt vào chiếc cối xanh, người ta tắm rửa cho cụ sạch sẽ rồi mới thả cụ về giếng Ngọc.

Dân làng Diềm vẫn thường kể  cho nhau nghe về câu chuyện kỳ lạ liên quan đến cụ cá thần. Năm 1971, cơn đại hồng thủy nhấn chìm cả làng trong biển  nước. Nước lụt lên tận mái nhà người dân, nhiều nhà cửa bị lũ cuốn trôi. Dân làng lũ lượt đưa người và đồ vật lên núi Kim Lĩnh.

Khi cơn lũ đi qua, người dân tổ chức lại lễ hội giếng, nạo vét dọn dẹp vệ sinh cho giếng. Mọi người thấy thật kỳ lạ hai cụ cá vẫn ẩn mình dưới dòng đáy giếng. Do đó, ai cũng đều có thể lấy nước giếng về dùng, nhưng đàn bà đến thời kỳ kinh nguyệt không dám đến gần giếng mà chỉ dám nhờ người khác lấy nước. Nhiều người kể rằng ngày trước có một số cô gái "đến tháng" ra lấy nước ở giếng thì bị ốm, đi khám không biết bị bệnh gì.

Hát hay nhờ uống nước giếng Ngọc

Theo người dân ở đây, giếng Ngọc có nguồn nước từ các lớp đá ong chân núi Kim Lĩnh chảy ra. Chính nhờ nguồn nước trong xanh và sự linh thiêng của nó nên nhiều du khách đến lấy nước giếng Ngọc về để thờ cúng tổ tiên. Người dân quan niệm, mang nước về thờ cúng họ cầu được ước thấy, gặp được sự may mắn.
 

u
Ngày nào cụ Hồng cũng ra giếng lấy nước về ăn.

Xưa kia các cụ trong làng thường có câu ca ngợi về nguồn nước nơi đây: Muốn có giọng hát hay, phải uống nước giếng Ngọc. Nước giếng Ngọc pha trà Tân Cương/ Như tình Kim Trọng bén duyên Thúy Kiều. Làng Diềm là cái nôi của quan họ Bắc Ninh, là nơi sản sinh ra nhiều thế hệ có giọng hát quan họ mượt mà, sâu lắng.

Hiện tại đền Cùng có đền thờ vua bà, "bà chúa" quan họ Bắc Ninh. Ông Nguyễn Xuân Ký là anh hai hát quan họ ngọt ngào cho biết: Từ bé đi chăn trâu, cắt cỏ qua đây đều uống nước giếng, ngày nào tôi cũng lấy vài can về uống.
 
Ông Ký nói rằng, giọng hát của dân làng ông có thể hay, nhấn nhá luyến giọng trong trẻo như thế là nhờ uống nước giếng Ngọc. Nếu đi làm đồng về bị cảm chỉ cần uống vài ngụm nước giếng về nhà ắt khỏi. Các con gái ở xa đến đây khi lấy chồng về làng, nếu hơi xấu một tý thì uống nước giếng xinh ra, ăn nói dịu dàng dễ nghe....

Ở đền Cùng có một cái cầu để cho tất cả những người xuống suối vàng có cuộc sống an lành. Nên khi có người mất, dù làm tang lễ trong làng nhưng khi đi qua đó thì phải dừng lại, nghỉ ở đền Giếng và rải tiền đò như khi qua con sông.

Lợi Dương

TIN LIÊN QUAN

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.