Tiếng gọi nào đưa Calisto rời xa bóng đá Việt Nam?
Với việc thanh lý hợp đồng trước thời hạn với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), huấn luyện viên (HLV) Henrique Calisto không còn bị ràng buộc về mặt pháp lý và tự do tìm đến bến đỗ mới: Câu lạc bộ (CLB) Muang Thong United, một đội bóng giàu tham vọng ở giải vô địch quốc gia Thái Lan. Dù giải thích với giới truyền thông thế nào đi chăng nữa thì ông Calisto cũng không giấu được nguyên nhân chính của cuộc chia tay với bóng đá Việt Nam: Chung quy cũng vì một chữ tiền.
Trong 2 lần dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, lần đầu vào năm 2002 và lần thứ hai từ năm 2008, ông Calisto đã có những đóng góp không nhỏ cho bóng đá Việt Nam, với tấm huy chương đồng Tiger Cup 2002, huy chương đồng AFF Suzuki Cup 2010, huy chương bạc SEA Games 2009 và đỉnh điểm vinh quang là chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Nhưng khi tiếng gọi của đồng tiền từ nơi khác mạnh hơn thì việc ông Calisto khăn gói ra đi là điều gần như tất yếu.
Áp lực dư luận quá lớn?
Với những gì đã mang lại cho bóng đá Việt Nam, ông Calisto xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ nhiều phía, VFF, giới truyền thông cũng như người hâm mộ. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông Calisto được phong "Thánh" và nghiễm nhiên được bỏ qua bất cứ sai lầm nào mà ông đã phạm phải. Giữa công và tội, mọi chuyện cần phải rạch ròi. Truyền thông và cả nhà nước Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp của ông bằng rất nhiều lời tán thưởng và cả tấm huy chương Lao động hạng Ba cao quý.
Nhưng khi đội tuyển Việt Nam thất bại trong chiến dịch bảo vệ chức vô địch tại AFF Suzuki Cup 2010, với nguyên nhân chính xuất phát từ những thiếu sót chuyên môn của ông Calisto, thì giới truyền thông có quyền đặt ra những câu hỏi không mấy dễ chịu. Đó là quy luật tự nhiên và một khi đã dấn thân vào nghề thì bất cứ HLV cũng mặc nhiên chấp nhận đương đầu với áp lực. Bóng đá là môn thể thao được công chúng hết sức quan tâm và càng đặc biệt hơn khi ông Calisto dẫn dắt đội tuyển quốc gia của một đất nước hơn 85 triệu dân.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm hành nghề HLV, và hơn 10 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam - từ CLB Đồng Tâm Long An cho đến đội tuyển quốc gia, ông Calisto có thừa sự khôn khéo trong việc xử lý tình huống chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Ông đã đổ lỗi cho giới truyền thông để qua đó che đậy cho những nguyên nhân đằng sau sự ra đi của mình. Ông Calisto vốn là người thông minh và có tài hùng biện, nên khi ra đi, ông vẫn giữ cho mình hình ảnh của một con người đạo mạo, không phải là kẻ thích đứng núi này trông núi nọ.
Henrique Calisto ra đi vì không chịu nổi áp lực của dư luận? Ảnh: TT |
Nhưng giả sử nếu không có bản hợp đồng "nặng ký" từ Muang Thong United, một đội bóng thuộc hàng đại gia mới nổi của Thái Lan, liệu ông Calisto có rời bỏ bóng đá Việt Nam vào lúc này? Cần phải nhắc lại rằng không lâu sau khi đem về chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 cho bóng đá Việt Nam, ông Calisto đã "đòi" được "làm thêm", dẫt dắt CLB Hà Nội T&T song song với đội tuyển Việt Nam. Chỉ đến khi VFF chìa ra bản hợp đồng mới với mức lương kỷ lục trong lịch sử bóng đá Việt Nam, lên đến 24.000 USD/tháng, ông Calisto mới từ bỏ yêu sách này.
48.000 USD Đây là số tiền mà ông Calisto phải đền bù cho VFF về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, tương đương với 02 tháng lương của HLV người Bồ Đào Nha theo điều khoản mà ông đã ký với VFF. |
Trên thực tế, sự ra đi của ông Calisto là kết quả của một toan tính được cân nhắc trong thời gian khá dài. Lẽ bình thường, với danh dự của một HLV, ông sẽ từ chức sau thất bại nặng nề của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2010, nhưng huấn luyện viên người Bồ Đào Nha đã không làm vậy. Ông về nước nghỉ ngơi và cùng với cậu con trai Tiago Calisto, vốn là một tay cò môi giới cầu thủ, bàn tính kế hoạch và cân nhắc những lời đề nghị được một số CLB đưa ra.
Về phần mình, VFF dường như đã không lường trước được sự việc này. Bằng chứng là VFF không những không sa thải ông Calisto sau thất bại của đội tuyển Việt Nam ở AFF Suzkuki Cup 2010 mà còn dành cho nhà cầm quân người Bồ Đào Nha sự ủng hộ tối đa. Cuối tháng 1/2011, VFF còn cùng ông Calisto họp rút kinh nghiệm từ thất bại ở AFF Suzuki Cup 2010 và đưa ra mục tiêu phấn đấu tại SEA Games 26 diễn ra ở Indonesia vào tháng 11/2011 tới.
Ở Việt Nam, ngoài kiếm tiền từ công việc của một HLV, ông Calisto còn biết cách khai thác hình ảnh của mình để "tận thu", giống như rất nhiều ngôi sao thể thao bên Tây vẫn làm. Ông là đại diện quảng cáo độc quyền của hãng bia Zorok, vốn chỉ tập trung phân phối tại thị trường Việt Nam. Trường hợp này tương tự việc cựu HLV Alfred Riedl từng tham gia quảng cáo... nồi cơm điện. Hợp đồng với Zorok cũng vừa đáo hạn, ông Calisto vừa có thêm một lý do nữa để cất bước ra đi.
Không ít cầu thủ và huấn luyện viên ngoại đã đặt chân đến Việt Nam thông qua sự giới thiệu của ông Calisto, mà thực chất là một hình thức môi giới. Nhưng giờ đây, có lẽ thị trường Việt Nam đã trở nên nhỏ bé so với tham vọng của ông Calisto và con trai. Ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam thì Thái Lan chính là thị trường đầy tiềm năng. Không ai cấm ông Calisto đưa ra những quyết định có lợi cho riêng mình, nhưng tất cả chỉ buồn vì cách ông làm bàn đạp để ra đi. Chia tay với mảnh đất đã gắn bó hơn 10 năm qua, tại sao ông Calisto lại không một lần dám nói thẳng?
Ai sẽ thay ông Calisto?
Đó thực sự là một câu hỏi lớn và không dễ tìm lời giải đáp trong một sớm một chiều với VFF. Năm 2008, để đi đến quyết định chọn ông Calisto, VFF đã mất xấp xỉ 5 tháng cân nhắc từ hàng trăm hồ sơ của các ứng viên, người tự ứng cử, người được tiến cử. Giờ đây, tiến trình đó sẽ lặp lại, nhưng sức ép sẽ gia tăng với VFF, bởi đội tuyển U23 Việt Nam cần có thời gian đủ dài để chuẩn bị cho SEA Games 2011.
Tiêu chí của các ứng viên mà VFF nhắm đến vẫn là những nhà cầm quân có "hồ sơ đẹp" và ưu tiên những người có am hiểu về bóng đá Đông Nam Á nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng. Không khẳng định một cách chính thức nhưng có vẻ VFF tiếp tục nghiêng về giải pháp sử dụng HLV ngoại, bất chấp một thực tế là các HLV nội của bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong vài năm qua, khi họ được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt của V-League.
Chia tay Henrique Calisto, bóng đá Việt Nam đứng trước cơ hội làm mới mình. Ảnh: TT |
Việc ông Calisto ra đi là điều đáng tiếc, song đó cũng là một cơ hội tốt để bóng đá Việt Nam làm mới mình. Dù đã nắm trong tay mọi lợi thế song cuối cùng, đội tuyển U23 Việt Nam vẫn để thua U23 Malaysia trong trận chung kết tranh huy chương vàng SEA Games 2009 tại Lào. Khi đó, sự tiếc nuối của người hâm mộ Việt Nam lên đến đỉnh điểm bởi chưa bao giờ mà bóng đá nước nhà lại ở gần tấm huy chương vàng SEA Games đến thế.
Ông Calisto đã có tất cả trong tay, một thế hệ cầu thủ giỏi cùng sự ủng hộ tối đa từ phía VFF trong mọi kế hoạch, nhưng vinh quang chỉ đến với bóng đá Việt Nam một lần duy nhất, ở AFF Suzuki Cup 2008 mà dấu ấn của may mắn rõ ràng hơn yếu tố đẳng cấp. Malaysia vừa trở thành ông vua mới của bóng đá Đông Nam Á, thống trị ở SEA Games cũng như AFF Suzuki Cup. Giờ chính là lúc mà bóng đá Việt Nam tìm cho mình một nhà cầm quân mới, đủ tâm và đủ tầm, để hiện thực hóa giấc mơ màu vàng. Từ SEA Games 2011, và sau đó là AFF Suzuki Cup 2012.
7 HLV ngoại của đội tuyển Việt Nam Kể từ khi hội nhập trở lại với bóng đá khu vực và thế giới vào năm 1995 đến nay, đội tuyển Việt Nam đã trải qua tổng cộng 7 đời HLV ngoại quốc, với nhiều nhiệm kỳ khác nhau. Kỷ lục đang thuộc về HLV Alfred Riedl, người đã có 3 lần dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, tiếp đến là HLV Edson Tavares và Henrique Calisto. 1995-1995: Edson Tavares (lần thứ nhất), không có thành tích cụ thể. 1995-1997: Karl Heinz Weigang, giành huy chương bạc SEA Games 1995, huy chương đồng Tiger Cup 1996. 1997-1997: Colin Murphy, giành huy chương đồng SEA Games 1997. 1998-2000: Alfred Riedl (lần thứ nhất), giành huy chương bạc Tiger Cup 1998, huy chương bạc SEA Games 1999. 2001-2001: Edson Silva Dido, bị loại sau vòng bảng SEA Games 2001. 2002-2002: Christian Letard, không có thành tích cụ thể. 2002-2002: Henrique Calisto (lần thứ nhất), giành huy chương đồng Tiger Cup 2002. 2003-2003: Alfred Riedl (lần thứ hai), giành huy chương bạc SEA Games 2003. 2004: Edson Tavares (lần thứ hai), bị loại sau vòng bảng Tiger Cup 2004. 2005-2007: Alfred Riedl (lần thứ ba), giành huy chương bạc SEA Games 2005, vào tứ kết Asian Cup 2007. 2008-2011: Henrique Calisto (lần thứ hai), vô địch AFF Suzuki Cup 2008, huy chương bạc SEA Games 2009, huy chương đồng AFF Suzkuki Cup 2010. |