Vụ cô Lượm – nhà báo không có trách nhiệm ư?

10/03/2011 10:01:16
- Tôi không biết nhưng hơi nghi.

Báo chí ồn ào về vụ cô Lượm giả trong chương trình Người xây tổ ấm của VTV đã lừa hàng triệu khán giả. Cô Lượm giả, Trần Thùy Dương, trong thư gửi báo giới đã xin lỗi.
 
Hàng triệu khán giả mong ngóng xem những người làm chương trình nói sao trong chương trình được phát sóng tối ngày 8/3/2011. Một người có trách nhiệm làm chương trình này nói tác nhân gây ra lỗi chính là cô Lượm giả và cho rằng “đây cũng là hành động không thể chấp nhận được và đáng lên án mạnh mẽ”.

Thế nhưng, về phần mình những người làm chương trình chỉ “lấy làm tiếc” vì sơ suất! Người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm chính lại lên án đối tác của mình. Chỉ thế là có thể biết họ là ai.

Bà Phạm Kim Ngân nói vụ việc “cô Lượm” đang tiếp tục được làm rõ (Ảnh chụp qua màn hình)
Bà Phạm Kim Ngân nói vụ việc “cô Lượm” đang tiếp tục được làm rõ (Ảnh chụp qua màn hình)

Tôi nghĩ chúng ta đụng vào một căn bệnh trầm kha của báo chí Việt Nam hiện nay. Chỉ nêu vài thí dụ mà tôi nghe các bạn làm báo kể lại cũng như những chuyện ai cũng biết.

Tôi nghe một anh bạn bên TV kể chuyện có “một ông” khi đi giám sát lụt bão hễ cứ thấy phóng viên đưa camera lên thì ông xuống xe, xắn quần lội xuống ruộng. Có bạn khác còn kể có ông khác còn bắt anh em TV quay đi quay lại cảnh ông lội nước tay mang thùng mỳ tôm (hay quà gì đó) đến cứu trợ cho bà con vùng lụt. Tôi bảo nghệ sỹ nhân dân Trần Tiến rằng anh thua mấy ông ấy xa, họ mới là các siêu nghệ sỹ.

Khốn khổ cho dân Việt vì có quá nhiều siêu siêu nghệ sỹ như vậy. Ở đây người làm báo có thể do ý muốn của quan trên mà đành phải chấp nhận cảnh “dàn dựng” khá thô thiển như vậy.

Chuyện 2 nhà báo bị kết án tù liên quan đến vụ PMU 18. Khi đó tôi bảo họ đã phạm tội rất to, đã quá tin vào thông tin được cung cấp mà chẳng kiểm chứng, kiểm tra chéo lại thông tin và phải trả giá đắt.

Và còn có thể kể ra vô vàn chuyện tương tự với các báo.

Chuyện cô Lượm còn nghiêm trọng hơn. Cô Lượm giả dẫu tài giỏi đến đâu cũng chẳng có quyền lực gì để ép những người làm chương trình làm như họ đã làm. Họ tin “hoàn toàn” vào lời của cô Lượm giả?

Có đúng thế không?

Tôi không biết nhưng hơi nghi.

Thứ nhất, bên truyền hình có quay và đưa lên chương trình cảnh được dàn dựng 100% là cảnh cô “Lượm”  và bà dì của cô cùng nhau làm việc ở ngoài đồng. Tất cả các cảnh quay bên ngoài lẫn chương trình đều có “kịch bản” cả.

Thứ hai, tôi cũng buộc phải hỏi mình rằng liệu có ai “đạo diễn” việc cô Lượm giả gửi 7 trang cho báo chí để họ có cớ đổ lỗi hay không? Tôi không biết, nhưng câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu và buộc phải ghi ra.

Kiểu làm báo theo “kịch bản” dàn dựng 100%  này không thể “chỉ là sơ suất”. Theo tôi, đó là sự kém cỏi về nghiệp vụ, thậm chí có thể nói vi phạm đạo đức làm báo, nếu không phải nặng hơn.

Trong mọi trường hợp, căn bệnh trầm kha này của nền báo chí Việt Nam chỉ có thể giải quyết được nếu các nhà báo và các cơ quan báo chí thực sự tôn trọng tiêu chí cơ bản của báo chí quốc tế.

Nguyễn Quang A
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.