Cẩn thận! nếu không chúng ta sẽ trở nên lẩn thẩn
Chúng ta đang bàn về Quốc hoa, Quốc phục, rồi nghĩ đến Quốc tửu, bây giờ là Quốc đăng, ngày mai sẽ là Quốc thực, ngày mốt sẽ là Quốc thơ, Quốc họa, Quốc vũ… rồi Quốc sơn, Quốc thảo… Nếu không cẩn thận, đến một ngày chúng sẽ đòi có một Quốc vu quy…
Ngay việc chọn hoa sen là Quốc hoa cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau. Bởi đã có quốc gia trên thế giới chọn hoa sen là Quốc hoa của họ rồi. Một nguyên tắc chọn là không được trùng với bất cứ quốc gia nào khác. Chúng đã đặt ra rất nhiều câu hỏi và đã tranh luận rất nhiều về việc chọn Quốc hoa. Nhưng có một câu hỏi mà tại sao chúng ta không đặt ra là: Liệu chúng ta cứ bắt buộc phải có Quốc hoa hay Quốc tửu không ?
Câu trả lời là không. Nếu chúng ta cứ cố cho có được Quốc hoa hoặc một số Quốc... gì gì đó thì chúng ta đang sa vào một công việc gượng ép và không có ý nghĩa. Hơn nữa, chúng ta đang có xu hướng rơi vào sự "háo danh hài hước" ở một hình thức nào đó như báo chí đã từng phê phán những thứ dài nhất, to nhất, cao nhất...
Cách đây mấy năm, Chính phủ Nhật đã tặng cho Việt Nam khoảng 400 cây Anh đào. Chúng ta đã trồng loại hoa đẹp ấy ở Sapa và Đà Lạt. Nhưng vì thổ nhưỡng, khí hậu và những điều kiện khác không phù hợp mà vẻ đẹp lộng lẫy của hoa Anh xứ Phù tang đào đã không thể hiện được ở xứ ta. Nhưng trong lúc đó, ở nước ta có một loài hoa cũng vô cùng đẹp mà chúng ta không hề có một chiến lược để tôn vinh nó. Đó chính là hoa đào. Chúng ta đã từng chứng kiến những cây đào bích ở Nhật Tân đẹp mê hồn. Và ai đã từng chứng kiến những cây đào trắng ở Lạng Sơn và một vài tỉnh biên giới phía Bắc sẽ thấy vẻ đẹp ấy huyền ảo của nó như thế nào.
Nếu chúng ta có một chiến lược về cây thì Hà Nội sẽ hút hồn khách thập phương ra sao. Cho đến tận bây giờ, tôi không hiểu ai đã khởi xướng ra việc kéo những cái cây xà cừ về trồng ở Hà Nội. Một loại cây không phù hợp với những khu phố nhỏ ở Hà Nội và nó phát triển quá to, hay đổ trong mùa mưa bão nữa. Đấy là chưa nói đến loại cây này hình dáng và tán lá không đẹp.
Hà Nội có lẽ chưa bao giờ có một chiến lược cho cây xanh hay một chiến lược văn hóa hơn là cho những cây đẹp. Năm nào tôi cũng ngây ngất ngắm nhìn những cây sưa phủ trắng hoa. Phải nói là đẹp mê hồn. Và lúc nào tôi cũng đặt mãi một câu hỏi: Tại sao Hà Nội lại không có một con phố dài có thể gọi là phố hoa sưa. Tất nhiên không chỉ là hoa sưa mà tôi muốn nói đến tư duy văn hóa chỉ cho cây xanh khi quy hoạch thành phố. Trong khi đó, một quy hoạch cây xanh cho thành phố là một quy hoạch bắt buộc đối với hầu hết các thành phố trên thế giới.
Việc chọn hoa sen là Quốc hoa cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau |
Khi chúng ta đi dọc một con phố dài chừng 1 hay 2 km ngợp trắng hoa sưa, chúng ta mới thấy được rõ ràng vẻ đẹp của nó như thế nào. Tôi đã nhờ một người bạn chụp ảnh một cây sưa nở hoa rồi dựng lên một con đường hoa sưa 3D và sửng sốt vì vẻ đẹp của nó. Tương tự như vậy, một con đường hay một khu vườn đào trắng (hàng chục ha) nếu được quy hoạch thì vẻ đẹp của nó sẽ được tôn lên đến nhường nào. Và hàng năm vào mùa xuân, chúng ta sẽ tổ chức lễ hội đào trắng với những hoạt động văn hóa thật Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra được một sự kiện văn hóa sang trọng, thi vị và ấn tượng.
Nhưng chúng ta đã không làm điều đó, mà ngược lại chúng ta đang trực tiếp và gián tiếp, chủ ý và vô ý phá hoại những vẻ đẹp vốn có trên mảnh đất này. Tôi nói đến đào trắng không phải là gợi ý đến Quốc hoa. Vì tôi thực sự thấy Quốc hoa không phải là sự bắt buộc chúng ta phải có. Nhưng việc làm cho đời sống này thật văn hóa và thật thi vị thì những người có trách nhiệm phải làm.
Mới đây, một số người có lẽ là nhà thơ đề nghị thơ Lục bát trở thành Quốc thơ của Việt Nam. Tôi thấy việc này cần suy nghĩ cẩn trọng. Cách đây mười mấy năm, tôi đã nghe một nhà sử học nói thể loại thơ 6-8 đã xuất hiện trong cung đình Thái Lan khoảng 7 đến 9 thế kỷ trước. Tất nhiên, việc nói trên không quan trọng khi mà cho đến nay chỉ còn lại hay chỉ có người Việt Nam là vẫn sử dụng thể loại thơ 6-8 này. Nhưng liệu có cần thiết và có đủ lý do, đủ yếu tố để biến thể loại thơ 6-8 thành Quốc thơ không. Và khi Lục bát trở thành Quốc thơ rồi thì nó có tác dụng và ý nghĩa gì đối với xã hội.
Nhân đây, tôi có một ý kiến với Ngày thơ Việt Nam. Thực sự, cho đến nay, Ngày thơ đã trở thành một lễ hội trong mùa xuân ở nước ta cùng với nhiều lễ hội khác. Có những ý kiến đòi hỏi Ngày thơ hàng năm phải mới, mới và mới. Nhưng tôi lại nghĩ thành công lớn nhất của những người làm ra Ngày thơ là việc biến nó thành một lễ hội cho xã hội nói chung chứ không chỉ cho riêng những nhà thơ. Với tôi, mục đích duy nhất của Ngày thơ là nơi để nhà thơ và bạn đọc giao lưu thông qua nhiều hình thức. Cứ thế, hàng năm, vào đúng ngày đó là những người yêu thơ tìm đến với những cảm xúc riêng của mình, nghe nhà thơ đọc thơ, nói chuyện với nhà thơ, mua một tập thơ nào đó mà họ thích. Bản chất của lễ hội thơ là như vậy chứ không phải năm nào cũng cách tân nó. Xin các nhà thơ hãy cách tân thơ ca trong những bài thơ cụ thể của mình. Thời gian một buổi sáng của Ngày thơ không phải nơi chốn để thể hiện những cách tân của nhà thơ mà chỉ để thể hiện thái độ văn hóa của nhà thơ và bạn đọc đối với một trong những vẻ đẹp của đời sống mà thôi.
Ngọn đèn Hoa Kỳ trong tranh hoại sĩ Bùi Xuân Phái |
Đèn lồng trong các lễ hội đang bị phê phán gay gắt. Liệu vấn đề có đến mức phải như thế không ? Tôi đồng ý với ý kiến của tác giả CH.E khi bàn về một chiếc đèn thuần Việt. Nếu chúng ta quá máy móc mà chì chiết quá mức cần thiết những chiếc đèn lồng màu đỏ có chữ Tàu thì chúng ta sẽ làm gì với các chữ viết trên hoành phi, câu đối vv... ở ban thờ nhà ta, ở đình, chùa, miếu thờ trên dọc dài đất nước ta... và với những chữ tây, đèn tây, kiến trúc tây, xe máy, xe hơi tây, quần áo, giày tây, bia, ruợu, thuốc lá tây, thịt bò và cá hồi tây, tiền tây, trường học tây... Chúng ta sẽ phải mất biết bao năm để tẩy chay những thứ Tàu, Tây kia đi. Và liệu tẩy chay tất cả những thứ đó chúng ta có lớn mạnh lên thực sự hay không? Hay đó chỉ là tư duy hết sức giáo điều và phong kiến của chúng ta.
Có một loại đèn vô cùng gắn bó với người Việt Nam trong một thời gian rất dài. Đó là đèn Hoa Kỳ. Nguồn gốc của chiếc đèn này thì ai cũng biết rồi. Người Việt Nam đã dùng chiếc đèn này trong những năm tháng chiến tranh chống lại quân đội Mỹ để bảo vệ đất nước. Chiếc đèn này đã hiện lên trong thơ, trong nhạc, trong họa của các văn nghệ sỹ Việt Nam như một hình ảnh đẹp và như một biểu tượng sống mãnh liệt của dân tộc. Đúng là như thế. Ví dụ này tôi đưa ra là một ví dụ khá thô thiển nhưng là một ví dụ không mấy dễ phản biện.
Thay vào những Quốc này Quốc nọ chưa hẳn là cần thiết và thay vào những thứ của ngoại mà chúng ta đang phê phán thì chúng ta hãy có một chiến lược tôn vinh và phát triển những gì thực sự thuộc về chúng ta. Chúng ta có thể không có Quốc hoa như rất nhiều dân tộc trên thế giới cũng không làm việc đó. Nhưng chúng ta phải làm đẹp đất nước mình bằng chính những hoa trái chúng ta có. Còn nếu chọn được một Quốc hoa hay Quốc tửu nào đó mà chỉ thấy những thứ Quốc đó trên báo chí như một cái danh hão còn trên thực tế đời sống cây thì héo hon, dặt dẹo... rượu thì nấu rởm uống vào cháy cả họng cả ruột... thì Quốc hoa, Quốc tửu mà làm chi.
Những thứ mà chúng ta chì chiết, bêu riếu như nói ở trên không phải là những yếu tố làm mất nước hay kìm hãm sự phát triển xã hội. Tất cả chúng ta, cả người phê phán, người chì chiết, cả người bị phê phán và chì chiết hãy bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo hơn. Nếu không chúng ta sẽ trở thành những người cực đoan và ít nhiều lẩm cẩm.