(VnMedia) - Ngoài các vết lở loét, rùa Hoàn Kiếm có thể còn bị viêm phổi do vi khuẩn cho nên không ở dưới nước được lâu, vì thế nên dùng thảo dược để chữa vết thương. Đó là quan điểm của Tiến sỹ Bùi Quang Tề, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 về thuốc chữa bệnh cho rùa Hoàn Kiếm. Tiến sỹ Tề cho biết, hiện nay, ngoài các vết lở loét, rùa Hoàn Kiếm có thể còn bị viêm phổi do vi khuẩn cho nên không ở dưới nước được lâu, vì thế nên dùng thuốc trị bệnh nhiễm trùng bằng thảo dược có kháng sinh có trong tỏi, sài đất và nhọ nồi. Ngoài ra, cần kết hợp với các loại thuốc khử trùng ngoài da: nước oxy già, cồn I ốt hoặc thuốc tím để rửa vết thương… Theo phác đồ điều trị đã được phê duyệt, quá trình chữa bệnh cho cụ rùa sẽ phải trải qua 9 bước: Chuẩn bị điều kiện kỹ thuật cần thiết để chữa bệnh, đánh bắt rùa lên cạn, đưa rùa vào bể xử lý bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm để chuẩn đoán tìm tác nhân gây bệnh, xử lý vết thương cho rùa, phân tích tác nhân gây bệnh, quyết định chủng loại thuốc, đưa rùa ra bể nuôi dưỡng và trả lại về hồ khi đã khỏi. Theo phác đồ trên, giai đoạn đưa rùa ra bể nuôi dưỡng sẽ mất nhiều thời gian nhất, trong khoảng từ 2 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ chuyển biến của bệnh. Bể dùng để nuôi dưỡng, chăm sóc rùa có đường kính khoảng 15m với môi trường nước sạch, không gian rộng và nguồn thức ăn: tôm, cá cho rùa. Kết hợp bãi tắm nắng ở chân Tháp Rùa để bảo đảm cuộc sống tự nhiên cho loài này.
| Một số nhà khoa học cho rằng nên dùng thảo dược để chữa bệnh cho cụ Rùa. |
Cuối tháng 2, lo ngại trước vết thương ảnh hưởng đến tuổi thọ của cụ Rùa, Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Giải pháp tổng thể bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm”. Tại hội thảo, hàng loạt những nguyên nhân gây thương tích cho cụ rùa hồ Gươm đã được các nhà khoa học đưa ra “mổ xẻ”. Tuy chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng hầu hết các nhà khoa học trong và ngoài nước đều có chung quan điểm, cần sớm đưa cụ rùa lên bờ để chữa trị vết thương.
Vài ngày sau đó, UBND Hà Nội đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ cụ rùa hồ Gươm. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố được chọn làm Trưởng ban; ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó ban cùng 7 thành viên thuộc các cơ quan đơn vị khác. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách chữa trị, chăm sóc và bảo vệ cụ rùa hồ Gươm. Sáng 8/3, mặc dù ban đầu dự kiến việc bắt cụ rùa lên bờ chữa bệnh sẽ được thực hiện vào cuối tuần này, nhưng Hà Nội đột ngột thay đổi kế hoạch, tiến hành vây bắt cụ rùa ngay khi nổi sát bờ phía Lê Thái Tổ. Hàng nghìn người dân Thủ đô đã ngồi hàng giờ bên Bờ Hồ, chen lấn nhau theo dõi công việc bắt cụ rùa. Mỗi lần cụ rùa ngoi đầu lên thở, hàng nghìn người hò reo, vui sướng. Sau nửa ngày bị giam trong lưới, đến gần 1h chiều cùng ngày, cụ Rùa đã cắn rách lưới chui ra ngoài, trước sự bất lực của cơ quan chức năng. Hiện việc bắt cụ Rùa bị đình lại. Hàng nghìn người dân ra về trong thất vọng. Sau cuộc vây bắt không thành, chiều 8/3, lãnh đạo Hà Nội và các nhà khoa học có cuộc họp rút kinh nghiệm. Tại cuộc họp này, bên làm lưới đã nhận khuyết điểm, việc để rùa cắn rách lưới ra ngoài là do họ đã mua lưới ở chợ, là "hàng phế phẩm". Hiện các nhà chức trách thành phố vẫn đang loay hoay tìm giải pháp đưa cụ rùa lên bờ chữa bệnh, biện pháp thiên về việc dùng một chiếc lưới chụp to như kiểu lồng bàn để úp và dẫn cụ Rùa lên bờ. Tùng Nguyễn |