Giãi bày của đại gia ăn bát phở 750.000 đồng
Kể cũng kỳ khôi, một bát phở giá 750.000 đồng đã gây xôn xao dư luận, kẻ cho là nói xạo, người cho là một chiêu tiếp thị độc, có người còn khẳng định đây là sự cợt nhạo giới bình dân...tóm lại là rất nhiều ý kiến trái chiều!
Để rộng đường dư luận, xin đăng toàn văn bức thư của một vị đại gia về bát phở giá 750.000 đồng như một lời khẳng định hơn là trần tình.
Dưới đây là toàn văn bức thư: Giãi bày của đại gia ăn bát phở 750.000 đồng
Kính gửi các quý ông quý bà
Trước tiên tôi phải nói là tôi nghĩ tôi không có nghĩa vụ phải giải thích về việc tôi bỏ ra 750.000 đồng để ăn một bát phở. Nhưng kể từ khi báo chí viết bài về bát phở này, tôi thấy mọi người xung quanh mình bàn tán xôn xao. Có người trước đó biết tôi thi thoảng vẫn ăn sáng với phở bò Kobe nhưng họ không nói gì. Song từ khi biết giá của nó thì có vẻ ánh mắt họ nhìn tôi khác đi. Có lẽ họ nghĩ tôi giàu hơn mức họ tưởng.
|
Bát phở có giá 750.000 đồng |
Tôi toàn thấy những người không ăn phở bàn tán, bình luận và phân tích giá bát phở ở đầy đủ các góc độ: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, vv… nhưng tôi chưa thấy người ăn bát phở nói gì nên tôi có vài lời.
Thực ra, giá một bát phở 750.000 đồng thì có gì quá to tát đến mức gây bàn tán xôn xao đâu nhỉ? Món đồ hàng hiệu cơ mà! Có thể có nhiều động cơ trong việc chi tiêu này (như mọi người đã mổ xẻ: thích oai, thích thể hiện đẳng cấp, vv…) nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ chi trả được bằng tiền của mình mà không phải băn khoăn gì nhiều.
Còn tiền ở đâu ra để ăn bát phở đó thì có nhất thiết phải là chuyện quan trọng không? Tôi thấy có nhiều người làm công chức Nhà nước đi ăn phở đó thật. Họ là lãnh đạo các cơ quan, công ty lớn, vv… Nhưng cũng không quá quan trọng việc một bát phở có giá bằng một tháng lương. Có nhiều người làm công chức, không làm lãnh đạo nhưng vẫn giàu cơ mà. Nếu gia đình họ giàu sẵn rồi thì sao?
Còn với các doanh nhân thì chuyện đó lại càng không quan trọng. Nhiều doanh nhân giàu có đã nếm trải những bát phở dưới 1 USD ở thời kỳ khó khăn và điều đó nhất thiết không phải rào cản để họ tiếp cận những dịch vụ đắt tiền khi họ trở nên giàu có. Việc này không nói lên được chuyện khi họ giàu sang là quên lúc nghèo hèn để vung tiền phung phí.
Việc ăn uống như thế này ngoài thỏa mãn nhu cầu ăn uống vật chất có thể thỏa mãn được cả tinh thần của người ăn. Khi tinh thần đã thoải mái thì có thể sẽ làm việc những việc to tát hơn nhiều. Biết đâu trong những khi ăn bát phở dưới 1 USD đó, họ nảy ra một ý tưởng gì để làm giàu như ngày nay.
Cũng như vậy, biết đâu khi ăn một bát phở 750.000 đồng, họ lại có thể nghĩ ra hoặc tìm kiếm được một điều gì đó mới mẻ, độc đáo. Mọi thứ khác biệt (như bát phở có giá khủng thế này) đều có thể tạo nên ý tưởng.
Khi có tiền, người giàu có quyền sử dụng đồng tiền của mình, miễn sao là sử dụng một cách hợp lý. Tôi cũng nghe nhiều ý kiến nói rằng: sao những người ăn phở 750.000 đồng/bát không nghĩ đến những người nghèo và làm từ thiện. Họ cho rằng tiêu tiền như thế là vô lý, là không đúng chỗ đúng cách, vv… Nhưng tôi không nghĩ vậy. Làm từ thiện để làm gì ngoài mục đích chung cuối cùng là để cộng đồng, xã hội tốt đẹp lên? Vậy thì ăn một bát phở đắt đỏ có làm cộng đồng, xã hội tốt đẹp lên không nhỉ?
Mỗi người sẽ có một câu trả lời cho câu hỏi này. Với cá nhân mình, tôi nghĩ việc ăn bát phở 750.000 đồngbằng tiền của mình không ảnh hưởng đến ai và có thể làm cho nhiều người khác giàu thêm lên (ví dụ chủ quán phở, người phục vụ, người nuôi bò, người nhập khẩu thịt bò, vv…
Có thể những người làm thuê này cũng chỉ có thu nhập trung bình). Tạo ra việc làm và làm nhiều người quanh mình giàu thêm có tốt không? Có ai đo được tác động của việc này so với việc làm từ thiện trực tiếp với người nghèo không?
Nói thế không có nghĩa làm từ thiện trực tiếp với người nghèo là không cần thiết và tạo điều kiện để gia tăng cách biệt giàu nghèo trong xã hội. Người kiếm ra tiền chân chính luôn tìm được cách chi tiêu để đồng tiền của mình phát huy hiệu quả tốt nhất. Người giàu thật sự (tôi không nói đến người tập làm giàu) luôn làm từ thiện dưới nhiều hình thức bởi trách nhiệm xã hội của người giàu lớn hơn, thậm chí họ còn liên kết với nhau để thực hiện việc này. Khi làm, họ có nhất thiết phải nói họ đã làm không?
Tôi không biết mình giàu đến đâu so với mọi người xung quanh nhưng thi thoảng tôi vẫn ăn phở 750.000 đồng, thậm chí ngày nghỉ đưa cả gia đình đi. Tôi không ăn thường xuyên không phải vì tôi chỉ đủ tiền cho vài lần ăn trước đó mà vì tôi có nhiều lựa chọn khác để thay đổi. Những lựa chọn này cũng đắt đỏ ngang họặc kém chút ít so với bát phở 750.000 đồng này. Những lựa chọn này khiến tôi cảm thấy thoải mái vì tiền của tôi đang được dùng để phục vụ tốt nhất cho tôi.
Xét cho cùng, có thể người ăn bát phở này là một người bình thường nhưng tò mò muốn thử cảm giác lạ. Đừng gán ghép cho bát phở và người ăn phở những gì không thuộc về nó. Việc phán xét một điều gì đó (theo hướng tiêu cực) chỉ qua việc ăn một bát phở có nên không? Tất nhiên việc đó là khó tránh khỏi vì giá bát phở này đúng là có thể “gây sốc” cho nhiều người.
Dù những người giàu ăn bát phở này không có nhiều thời gian để xem phản ứng của người xung quanh về việc ăn uống của họ nhưng cũng không nên làm thái quá để khiến người ăn bát phở cảm thấy mình đang làm việc có lỗi. Giàu chính đáng có phải cái tội đâu?
Kính thư
Nam Châm
Theo phunudoisong.vn