Có nên bầu chọn quốc tửu?
Thứ Tư, 16.3.2011 | 09:09 (GMT + 7)
quốc tửu, quốc hoa, bầu chọn,(LĐ) - Tháng 12.2010, khi cuộc bình chọn quốc hoa VN vào giai đoạn sôi nổi thì cũng là lúc Bộ VHTTDL giao cho Cục Văn hoá cơ sở chuẩn bị đề án bầu chọn quốc tửu VN. Thế nhưng...
GS.TS Tô Ngọc Thanh: "Tôi đề cử rượu nếp cái hoa vàng"
Gian giới thiệu rượu Quảng Nam trong “Tuần văn hoá Quảng Nam tại Hà Nội” diễn ra trong năm 2010. Ảnh: Bích Hường |
Không giống như việc bình chọn quốc hoa VN vốn nhận được sự tán thưởng, hào hứng ngay từ đầu của dư luận xã hội, thông tin về việc VN quyết định bầu chọn quốc tửu không chỉ gây sự băn khoăn trong dư luận công chúng, mà ngay cả các nhà văn hoá, các chuyên gia, các nhà ngoại giao... cũng thấy lúng túng trước suy nghĩ: Nên chăng bình chọn quốc tửu lúc này...? Điều đáng nói là những ý kiến băn khoăn đó đang nhận được sự chia sẻ ngày càng nhiều của dư luận xã hội và đến nay – đã giữa tháng 3. 2011, Cục Văn hoá cơ sở cũng khá lúng túng, chưa thể bắt đầu khởi động đề án.
Thực tế không phải ta không muốn có một thương hiệu rượu VN mang đậm bản sắc dân tộc, để dâng lên tổ tiên nhân ngày cúng giỗ hay để giới thiệu và tiếp đãi bạn bè, khách quốc tế, nhất là đối với người Việt ở nước ngoài vào dịp lễ, tết dân tộc... thật quý lắm chứ! VN với những loại rượu ngon được chưng cất bằng bí quyết, kinh nghiệm cổ truyền trong dân gian, như rượu Làng Vân (Bắc Ninh), Gò Đen (Long An), Bắc Hà (Lào Cai), rượu Mơ (Hương Tích)..., vốn nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn được ưa chuộng cả ở bên ngoài biên giới quốc gia, thật đáng tự hào!
Thế nhưng, có nên bầu chọn một loại, hay một vài loại trong số rượu ngon đáng tự hào của ta kể trên để tôn vinh thành quốc tửu VN? Với câu hỏi này, khá nhiều ý kiến cho rằng: Không nên, chưa nên! Vì sao vậy?
Như đã biết, trên thế giới ở nhiều quốc gia, hay có thể nói mỗi quốc gia đều có những loại rượu ngon nổi tiếng, như: Trung Quốc có mao đài, Nhật Bản có sake, Pháp có rượu vang, Nga có vodka..., nhưng cho đến nay trên thế giới chưa có một quốc gia nào có quốc tửu cả. Hơn nữa, việc bình chọn quốc tửu không như quốc hoa. Hoa là loài thực vật, sản phẩm của tự nhiên, tồn tại vĩnh cửu (về màu sắc, hương vị, hình hài...) trong thiên nhiên, trong khi rượu là loại thực phẩm, sản phẩm nhân tạo có thể thay đổi theo thời gian, tập quán, sở thích...
Ngay yếu tố này cũng đã không thuận cho việc tôn vinh rượu làm đại diện có tính trường tồn. Xét về mặt xã hội, tôn vinh rượu lúc này cũng là bất lợi, nhất là khi Chính phủ vừa giao Bộ Y tế chủ trì tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia giai đoạn 2011- 2020. Ai cũng rõ, sở dĩ Chính phủ phải tiến tới ban hành chính sách này, bởi trong xã hội tình trạng lạm dụng rượu bia đang gia tăng gần đây ở các vùng nông thôn, trong cả giới trẻ, đang gây nhiều lãng phí, thiệt hại về người và của cải, làm tan nát bao gia đình, băng hoại đạo đức con người và khắc sâu thêm nhiều tệ nạn xã hội... Rõ ràng trong bối cảnh đó thì việc tôn vinh rượu lúc này cùng các lễ hội đi kèm với nó, là rất không nên. Hiện dư luận tán thành phương án nên chọn một số các thương hiệu rượu Việt nổi tiếng, để quảng bá văn hoá ẩm thực dân tộc và giao đãi bạn bè, cũng như nhiều quốc gia khác đã làm.
Bài viết này, với vai trò phản biện xã hội của báo chí, chúng tôi nêu lên một luồng dư luận xã hội “không thuận” về việc bầu chọn quốc tửu VN với mong muốn bạn đọc nói chung và các cơ quan có trách nhiệm nói riêng có thể tham khảo.
Linh Tâm
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG
Clip bài hát ý nghĩa hướng về đất nước Nhật Bản