Thứ Tư, 16/03/2011, 07:37 [GMT+7]
.
.

Hà Nội sẽ mạnh tay với cụ rùa hồ Gươm!

(Phunudoisong) – Theo kế hoạch, nhóm vây bắt sẽ vây ráp, dồn cụ rùa vào trong túi, sau đó, cho cụ vào lồng sắt. Khi đến “bệnh viện” thì dùng đòn đưa cụ vào bể.


Trống dong cờ mở bắt... cụ rùa
 
Khoảng 10h sáng 15/3, tại hồ Văn Quán, quận Hà Đông - Hà Nội đã diễn ra cuộc tập dượt vây bắt cụ rùa lần thứ hai với quy mô lớn hơn lần 1. 

Lần diễn tập này có sự tham gia của 20 lính đặc công nước thuộc Quân khu Thủ đô và thêm 10 thợ lặn thuộc tập đoàn KAT. Hai lực lượng này luyện tập để có thể kết hợp ăn ý với nhau, tránh trường hợp cụ rùa trốn thoát như lần trước.

Mô tả ảnh.
Rầm rộ tập dượt bắt rùa sáng 15/3 (Ảnh Tiền Phong)

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thương mại KAT, Đội trưởng Đội lai dẫn rùa hồ Gươm cho biết gần 1.000 m2 lưới đã được thi công hoàn tất.

Nguyên liệu làm lưới lần này được nhập từ Nhật Bản (thay vì Trung Quốc như lần 1) sợi to gấp 5 lần đợt 1. Lưới dài 200 m, rộng 5 m, nặng gần 1 tấn.

Theo ông Khôi, kích thước, trọng lượng của lưới như vậy sẽ đảm bảo cho cụ rùa không thể vượt ra ngoài, đồng thời cũng không quá khó khăn cho lực lượng lai dắt.

Theo kế hoạch, nhóm vây bắt sẽ vây ráp, dồn cụ rùa vào trong túi, sau đó, cho cụ vào lồng sắt. Khi đến “bệnh viện” thì dùng đòn đưa cụ vào bể.
 
Trao đổi với phóng viên Phụ nữ & Đời sống, nhà báo Hà Hồng, Phó ban Khoa giáo báo Nhân dân, thành viên của Ban tổ chức lại đưa ra những quan ngại về việc lai dắt cụ rùa bằng lưới. “Rùa là loài động vật cực khỏe, không trừ trường hợp cụ có thể tấn công người khi bị “dồn vào đường cùng”.
 
Cùng quan điểm với ông Hà Hồng, Viện trưởng Viện công nghệ sinh học Việt Nam, ông Lê Trần Bình cũng cho hay: “Tôi không ủng hộ cách làm ầm ĩ, rầm rộ này. Đừng bao giờ tỏ ra hung dữ với cụ rùa, vì rùa là loài cực khỏe, khi bị vây bắt sẽ vùng vẫy, chạy trốn. Nếu làm quá mạnh tay thì sẽ gây tổn thương cho cụ, hoặc cũng có thể cụ sẽ làm bị thương người vây bắt để tự vệ”.

Trong khi những cuộc tập dượt, chuẩn bị diễn ra rầm rộ, thì nhiều chuyên gia đã lại băn khoăn rằng, bất kỳ một kế hoạch bắt cưỡng bức nào tới đây mà có sự tham gia của nhiều người, nhiều lực lượng, sẽ không tỷ lệ thuận với khả năng thành công. Thậm chí kết quả còn ngược lại.

Khó bắt bằng lưới, đánh bằng thuốc mê?

Các chuyên gia nước ngoài từng có khuyến cáo, khi vây bắt cưỡng bức, không được bắt lên ngay; thay vào đó, phải thực hiện từ từ, phải kéo dài thời gian vây vài chục tiếng, thậm chí, vài ngày hoặc một tuần.

Vì thế, việc huy động cùng một lúc hơn 30 người xuống hồ hôm 8/3 vừa rồi là không cần thiết. Lẽ ra cần chia thành các nhóm nhỏ, đổi ca cho nhau, để trường kỳ vây trước khi chính thức bắt.

Mô tả ảnh.
Nhốn nháo cảnh bắt rùa hôm 8/3: Chúng ta quá vội vàng?

TS Nimal Fernando, người trực tiếp chữa cho hai cá thể rùa lớn (được cho là cùng loài với Rùa Hoàn Kiếm) ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc, cho hay, thủy vực ở đó chỉ bằng 1/10 so với hồ Hoàn Kiếm, thế mà việc vây bắt diễn ra vài ngày trời.

Trong bản khuyến cáo gửi đến Việt Nam mới đây, 40 nhà khoa học nước ngoài đã đề xuất một hệ thống vây bắt khác, từng được áp dụng thành công trên thế giới. Hệ thống vây bắt này hoạt động theo nguyên lý đón lõng rùa rồi đưa vào một lồng giữ đảm bảo các chỉ tiêu an toàn như không gây cọ sát lên da, không gây ngộp thở cho rùa khi vùng vẫy.

Bản thân các nhà khoa học này là những chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu động vật hoang dã, nhất là lưỡng cư, bò sát, về các loài rùa mai mềm lớn.

Bên cạnh phương án dùng lưới bắt, còn có một luồng ý kiến khác về việc bắt cụ rùa, đó là bắn thuốc mê. Phương pháp này tỏ ra hữu hiệu để bắt những động vật hoang dã cỡ lớn như voi rừng, tê giác. Còn đối với rùa thì việc này chưa có tiền lệ, đối với rùa Hồ Gươm thì lại càng không.

Chính vì thế mà các chuyên gia vẫn còn thận trọng với phương án này, vì tính rủi ro của nó cũng khá cao. Trong khi chúng ta chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về phương án này.

Nhà báo Hà Hồng cũng thừa nhận phương án bắn thuốc mê có phần khả thi, nhưng vẫn quan  ngại: “Nếu làm như vậy, chúng ta phải mất vài tháng nữa nghiên cứu loại thuốc, liều lượng. Không thể làm qua loa, bắn quá liều thì cụ sẽ …ngủ luôn chứ chẳng chơi!”.

Phương án nào khả thi nhất trong hoàn cảnh hiện tại? Không ai có thể đưa ra câu trả lời, chỉ có thể nói như ông Lê Trần Bình: Đành phải chờ hồi sau mới rõ!
  • Đỗ Văn

 

 

;
;
.