Việt Nam sẽ học gì từ sự cố hạt nhân Nhật Bản?

16/03/2011 17:00:38

- "Chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nên cần theo dõi sát thông tin từ Nhật và quốc tế. Từ đó, có định hướng đúng đắn cho phát triển điện nguyên tử ở Việt Nam" - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết tại buổi họp báo sáng 16/3.

tan-2.jpg
Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Đơn vị ứng phó của Nhật Bản đã mất chủ động

Ngay sau trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản ngày 11/3, đã gây ra sự cố cháy nổ liên tiếp 4 lò phản ứng hạt nhân (gồm lò số 1, 2, 3, 4), tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi (còn gọi là Fukushima 1).

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, khi lò phản ứng số 4 của Fukushima  1 gặp sự cố, đơn vị ứng cứu đã mất chủ động.

"Có lẽ, họ chỉ tập trung ứng cứu cho 3 lò gặp sự cố trước đó, không quan tâm tới lò số 4. Chúng ta cần lưu tâm điều này. Nếu có sự cố, cần tập trung cả những điểm khác nữa" - ông Tấn nhận định.

Tuy nhiên, ông Tấn cho rằng, Việt Nam cần học hỏi ở Nhật Bản cách điều hành, ứng phó với sự cố. 

"Phải nhận thấy rằng, hệ thống điều hành của họ rất bài bản, từ Thủ tướng tới người dân. Và họ liên tục cung cấp những thông tin chính thống đến dư luận, người dân để tránh xảy ra tình tạng hoang mang trong dân. Cái này Việt Nam phải học" - ông Tấn nói.

Theo ông Tấn, nhà máy Fukushima 1 áp dụng công nghệ thuộc thế hệ thứ 2. Hiện nay, thế giới đã áp dụng đến thế hệ 3, 3+.  Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam khuyến cáo nên dùng thế hệ thứ 3 hoặc 3+.

Việt Nam phải có đội ngũ chuyên gia vận hành giỏi

Ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và ông Vương Hữu Tấn đều khẳng đinh, Việt Nam khó có khả năng xảy ra động đất mạnh như Nhật Bản. Về vấn đề nước biển dâng, các đơn vị liên quan đang cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu.

Ông Nhân nói rõ hơn về việc đảm bảo an toàn. Theo ông Nhân, vấn đề con người rất cần được lưu tâm.

 

"Phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia vận hành giỏi, nếu có sự cố mới xử lý được. Đồng thời, phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể cho vấn đề xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, để những người tham gia đều phải tự động thực hiện. Có vậy mới đảm bảo an toàn" - ông Nhân nhấn mạnh.

Hiện nay, để đảm bảo chủ động ứng phó với sự cố hạt nhân không chỉ xảy ra trong nước và có thể chịu sự tác động từ các dự án hạt nhân nước ngoài, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang hướng dẫn các tỉnh lên phương án ứng phó sự cố. Một số tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa... đã xây dựng được các phương án này.

IAEA: Phóng xạ không ảnh hưởng tới các quốc gia gần Nhật

IAEA khẳng định các quốc gia láng giềng của Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi các chất phóng xạ rò rỉ.

Ông Denis Flory, Cục trưởng Cục An ninh và An toàn Hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ngày 16/3 khẳng định các quốc gia láng giềng của Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi những vụ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Fukushima-1.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức ở Vienna, ông Flory khẳng định: “Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra mức độ phóng xạ ở Nhật Bản trong những ngày qua. Thông tin tốt là các quốc gia láng giềng của Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi những chất phóng xạ rò rỉ”.

Cũng theo ông Flory, IAEA sẽ cử một đội hỗ trợ kỹ thuật tới khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1. Đội này sẽ dựa trên những số liệu thống kê rồi đưa ra các ý kiến tham khảo để Chính phủ Nhật Bản quyết định. Ông Flory cho biết thêm rằng IAEA đặt niềm tin vào khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng của chính phủ Nhật Bản.

Hiện có khá nhiều quốc gia thành viên của IAEA đã ngỏ ý giúp đỡ Nhật Bản và có những quốc gia đã cử các đội chuyên gia tới quốc gia ở Đông Bắc Á. Theo Tổng thư ký IAEA, ông Yukiya Amano, cơ quan hàng đầu về nguyên tử này sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho Nhật Bản nếu Tokyo yêu cầu.

Trà My (tổng hợp)

Lê Việt

TIN LIÊN QUAN

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.