Bị AIC "luận tội", cô Lượm đối mặt án tù?

17-03-2011 | 14:36

(Nguoiduatin.vn) - Để làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của bà Trần Thị Thùy Dương (cô Lượm), Văn Phòng Luật Sư AIC đã đưa ra một số phân tích và chứng cứ cụ thể và chi tiết dựa trên các yếu tố cấu thành tội phạm của bà Trần Thị Thùy Dương.

Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định những phân tích sau chỉ đúng khi đơn trình bày của bà Đặng Thị Thanh Hương – trưởng ban chuyên trang Tin tức Online báo Vietnamnet, công văn của Công ty Cổ phần Truyền thông Vietnamnet, đơn đề nghị của bà Phạm Kim Ngân – biên tập viên – chương trình VTV3 Đài THVN cùng các văn bản, tài liệu chứng cứ do các bên cung cấp là chính xác và đúng sự thật.

1. Về mặt khách quan:

1.1. Hành vi phạm tội: Bà Trần Thị Thùy Dương đã có hành vi lừa dối, cố ý đưa ra các thông tin giả, sai sự thật và nhằm mục đích làm cho người khác tin đó là sự thật, hành vi lừa dối của bà Dương được thực hiện thông qua những việc làm cụ thể như sau:

*Thứ nhất, bà Trần Thị Thùy Dương đã mạo nhận mình là nhân vật Lượm trong câu chuyện "Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời".

Bà Trần Thị Thùy Dương đã cố tình mạo nhận là Lượm và cung cấp các thông tin sai sự thật đến các cơ quan báo chí. Cụ thể, mặc dù bà Trần Thị Thùy Dương biết rất rõ mình không phải là Lượm, không phải là nhân vật trong câu chuyện mà bà tự đưa ra nhưng bà Dương đã cố tình lừa dối nhóm biên tập chương trình “Người xây tổ ấm” khi khẳng định mình chính là nhân vật Lượm trong tác phẩm của mình. Bà Trần Thị Thùy Dương là người có gia đình đàng hoàng, có cha, mẹ, chồng, con nhưng lại tự nhận mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi, không có họ, không nhà cửa và người thân thích, được một người xin ăn cưu mang, sống trong đau khổ, khi lớn lên phải đơn thân nuôi đứa con bị bệnh tim. Để thực hiện hoàn thành hành vi này, bà Dương đã gửi về báo điện tử TTOL có nội dung "Cháu là Lượm, nhân vật trong bài Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời. Trước tiên cháu xin được nói ngàn lời cám ơn đến chương trình, đã 28 năm qua cháu sống mà rất ít có người thân và ít ai chia sẻ mẹ con cháu về mặt tinh thần vì mẹ con cháu sống nay đây mai đó, chẳng có một nơi nào là nhà"...

Theo các tài liệu mà AIC được cung cấp thì tất cả những email gửi cho báo điện tử Tin Tức Online và ban biên tập chương trình “Người xây tổ ấm”, bà Trần Thị Thùy Dương đều ký tên mình là Lượm ở phần cuối.

*Thứ hai, bà Trần Thị Thùy Dương đã nhờ một số người hỗ trợ để cố tình thực hiện hành vi gian dối đến cùng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Căn cứ  vào các tài liệu được cung cấp chúng tôi nhận thấy rằng bà Trần Thị Thùy Dương không chỉ tự mình mạo danh Lượm mà còn nhờ thêm một số người có thêm những hành động khác để tạo ra một kịch bản hoàn hảo chứng minh mình là Lượm. Để tạo lòng tin đối với những phóng viên, bà Dương đã nhờ dì ruột (em ruột bà Liễu là mẹ của bà Dương) là bà Huê đóng giả vai một người phụ nữ tốt bụng. Cụ thể, khi chị Hoàng Lệ Dung - phóng viên của Trung tâm THVN tại Huế đến để quay phim mẹ con Lượm tại Huế, bà Dương đã lừa phóng viên, đưa dì ruột là bà Huê ra, đóng giả vai một người phụ nữ tốt bụng, cưu mang mẹ con Lượm tại thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế ). Sau đó, khi trả lời phóng viên Trần Viết Long - báo VTCnews, Bà Huê đã thú nhận rằng "Lượm thật ra là cháu Dương của tui, Tôi và mẹ nó là hai chị em ruột. Vì con nó bị mổ tim thiếu tiền nên nó nói tui giúp nó là Lượm. Nó dặn nếu truyền hình vào quay thì đừng nói nó là cháu ruột kẻo lộ chuyện".

*Thứ ba, bà Dương đã tự lập ra những email khác nhau để gửi thư đến báo điện tử TTOL và nhờ những người khác đưa ra những bức thư điện tử từ Mỹ gửi về, những email gửi về cho báo TTOL và chương trình Người xây tổ ấm - đài truyền hình Việt Nam mạo nhận là biết Lượm, đã từng chữa bệnh cho con trai Lượm, bạn của người yêu Lượm... để sử dụng báo TTOL và đài THVN như một phương tiện nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của những người hảo tâm. Do vậy, cần thiết phải kiểm tra về việc nếu như những email này được tạo ra từ những con người thật thì chứng tỏ kịch bản lừa đảo của bà Trần Thị Thùy Dương có sự tham gia của nhiều người và có thể họ tham gia với vai trò là đồng phạm giúp sức cho hành vi phạm tội của bà Dương.

Trong đó, một người có email là [email protected] - Phan Hữu Thường Nhân tự gửi email đến TTOL với nội dung: "Tôi là Thường Nhân, bạn thân của Tiến (tức người yêu Lượm) trong câu chuyện Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời. Tiến là một người đàn ông rất tốt, sống vì người khác và rất có ý thức, học giỏi, thông minh. Khi quen Lượm, Tiến đang theo học cao học ở trường Khoa học Huế.... Sau khi qua Mỹ được hai ngày Tiến đã bị tai nạn, bị hôn mê và mới chết cách đây 6 tháng, tôi muốn thay cho Tiến chăm sóc mẹ con Lượm và muốn giúp đỡ Lượm thông qua báo điện tử Tin Tức Online"....

Một email của người đàn ông đã từng biết Lượm lúc bé khi bà cô chết trong trận lụt năm 1999.

Một y tá gửi comment sau khi bài "Mối tình đầu của cô bé bụi đời" được đăng cho biết đã chăm sóc con Lượm lúc mổ ở bệnh viện Trung ương Huế. Bức thư của y tá này đã được đăng trên mục phản hồi của độc giả về bài viết dự thi của bà Trần Thị Thùy Dương trên báo Tintuconline.

Một người tự nhận bác sỹ mổ cho con trai của Lượm tên là Phú (tên do bà Dương cung cấp cho các phóng viên qua email), đã mổ tim cho bé Khiêm (con trai của Lượm) tại bệnh viện Trung ương Huế.

Một người có nick name là Cathy (do bà Dương cung cấp email cho phóng viên) ở bên Mỹ nói là mẹ của Tiến gửi về cho Lượm muốn nhận lại đứa bé, vì sợ quá nên Lượm muốn nhờ báo can thiệp để bà mẹ không bắt con của Lượm mang đi... và còn rất nhiều các thông tin sai sự thật được bà Dương đưa ra.

Toàn bộ  nội dung nêu trên cho thấy rằng để làm cho các phóng viên, biên tập viên và những người thực hiện chương trình tin vào vai diễn của mình, bà Dương đã sử dụng cả những người thân như bà Huê và tạo ra những nhân vật ảo khác như Phan Hữu Thường Nhân, một y tá, ông Tiến người yêu của mình... để làm cho không chỉ các phóng viên và hàng triệu độc giả và khán giả cả nước tin rằng bà Dương chính là nhân vật Lượm. Thủ đoạn gian dối này của bà Dương là nhằm mục đích vụ lợi mà chúng tôi xin được phân tích ở phần dưới đây:

Ngay tại buổi giao lưu tại trường quay của đài THVN - VTV3, trước mặt khán giả có mặt tại trường quay S10, đài truyền hình Việt Nam, mặc dù biết rằng mình không phải là nhân vật Lượm, nhưng bà Dương vẫn trắng trợn thể hiện những hành vi, lời nói khi trả lời các câu hỏi của người dẫn chương trình để khẳng định mình là nhân vật Lượm trong câu chuyện để được nhận tiền từ các nhà hảo tâm.

Hành vi chiếm đoạt đã hoàn thành ngay tại thời điểm Dương nhận mình là Lượm rồi nhận tiền của những người ủng hộ Lượm.

Từ các chi tiết trên có cơ sở để khẳng định bà Trần Thị Thùy Dương có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, tổ chức.


1.2. Hậu quả của hành vi lừa đảo:

Hành vi trái pháp luật của bà Trần Thị Thùy Dương đã làm tổn hại rất lớn đến uy tín của báo điện tử Tin tức Online, đài truyền hình Việt Nam nói riêng và các phương tiện truyền thông nói chung. Hành vi lừa đảo của bà Dương đã gây ra những thiệt hại đáng kể về vật chất khi nhiều nhà hảo tâm đã tặng, cho bà Dương tiền, quà tặng.

Căn cứ vào các tài liệu do bà Đặng Thị Thanh Hương, trưởng ban chuyên trang Tin Tức Online – Công ty Cổ Phần Truyền Thông Vietnamet cung cấp cho AIC (email ngày 13/3/2011) thì bà Dương đã nhận tiền và quà tặng lên đến 11.750.000 đồng, 100 đôla Mỹ và một số vật dụng, quần áo. Dưới đây là nguyên văn danh sách các nhà hảo tâm đã gửi cho Lượm (tức bà Trần Thị Thùy Dương) số tiền và quà tặng cụ thể như sau:

1. Trang Tintuconline: 3.000.000 đồng (trích từ nguồn tiền từ thiện của báo) có ký nhận của cô Lượm;

2. Bà Bùi Thị Hương - Giám đốc Nhà Xuất Bản Dân Trí: 2.000.000 đồng và hai bộ quần áo trẻ con cho cu Khiêm (con trai Lượm);

3. Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng - Giám đốc Công ty Điện tử Hiệp Hưng: 100 đôla Mỹ và nhận tài trợ mổ tim lần hai cho con trai Lượm;

4. Bà Đặng Thị Như Hoa - Giám đốc Bệnh viện Y học tỉnh Yên Bái: 500 nghìn đồng;

5. Một khán giả tên Trường: 2.000.000 đồng (cho tại Trường quay S10, Đài THVN);

6. Một khán giả dự tại trường quay: 200.000 đồng;

7. Độc giả tên Diệu Thu: quần áo và đồ chơi cho con trai của Lượm;

8. Một độc giả tên Ngọc Điệp - Việt kiều ở Đức, sau khi đã phát sóng chương trình “Người xây tổ ấm” có sự tham gia của Lượm, chị Điệp đã gửi cho Lượm: 2.000.000 đồng (vào địa chỉ Lê Thị Liễu: thôn Minh Hải - thị trấn Thuận An - huyện Phú Vang - tỉnh Thừa Thiên - Huế);

9. Bà Đặng Thị Thanh Hương: Trưởng ban Tintuconline: 300.000 đồng cho vào ví + một điện thoại di động Nokia cũ trị giá 500.000 đồng + một sim điện thoại mới + 2 áo khoác cho hai mẹ con giá 1.084.000 đồng + 2 quần + giày + túi xách + vali và các đồ dùng cá nhân khác nữa + tiền ăn uống của cả hai mẹ con bà Dương những ngày sống ở Hà Nội;

10. Ông Phùng Anh Đôn: Chủ khách sạn Sunzie Hotel – Hàng Bè: ủng hộ tiền lưu trú tại khách sạn cho hai mẹ con Dương trong ba ngày trị giá 750.000 đồng;

11. Một khán giả của Đài Truyền hình Việt Nam: 1.000.000 đồng qua số tài khoản (sau khi phát sóng chương trình): 0161000641321 - Trần Thị Thùy Dương – Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Huế.

2. Về mặt chủ quan

Lỗi của bà Trần Thị Thùy Dương là lỗi cố ý trực tiếp: Bà Trần Thị Thùy Dương biết rất rõ mình không phải là Lượm, không phải là nhân vât trong câu chuyện nhưng bà Dương đã cố tình lừa dối độc giả, khán giả và nhóm biên tập chương trình “Người xây tổ ấm” một cách chủ động, cố ý lợi dụng tình thương, lòng tin của khán giả đài THVN và độc giả của báo nhằm chiếm đoạt tiền của họ. Bà Dương biết rõ độc giả, khán giả ủng hộ tiền là ủng hộ cho Lượm chứ không phải cho mình, trong khi bà Dương không phải là Lượm nhưng vẫn cố tình nhận tiền của khán giả ủng hộ Lượm. Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội của Bà Dương ở đây thể hiện rõ mục đích tư lợi.

3. Về mặt chủ thể

Theo những chứng cứ mà chúng tôi được cung cấp thì bà Trần Thị Thùy Dương tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đã 28 tuổi, là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt điều kiện về độ tuổi theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật hình sự.

4. Về mặt khách thể:

Quan hệ xã hội được coi là khách thể trực tiếp của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là quan hệ về sở hữu. Hành vi chiếm đoạt của bà Dương đã xâm phạm đến quyền sở hữu của các cá nhân được luật hình sự bảo vệ, đó là những người bị hại, những người hảo tâm đã ủng hộ Lượm, những người vì tin bà Dương là Lượm nên đã giao nhầm tài sản cho bà Dương.

Như vậy, các căn cứ nêu trên đã chỉ ra rằng hành vi gian dối của bà Trần Thị Thùy Dương đã đủ các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

Ngoài vấn đề trách nhiệm hình sự, bà Trần Thị Thùy Dương còn phải chịu trách nhiệm dân sự đối với những hành vi chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm là người bị hại và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với hành vi sử dụng các phương tiện truyền thông mà cụ thể trong vụ việc này là báo điện tử TintucOnline của Công ty cổ phần truyền thông Vietnamnet và Chương trình “Người xây tổ ấm” của đài truyền hình Việt Nam làm phương tiện để phạm tội.

Phạm Lý