Quảng cáo sai, ai xử lý?

Thứ Sáu, 18.3.2011 | 08:40 (GMT + 7)

quảng cáoxử lýthông tinphương tiệnquảng cáo sai, ai xử lý?thoi su

(LĐ) - Không ít người tiêu dùng (NTD) vẫn có thói quen mua sản phẩm mà tin tưởng chất lượng qua những lời quảng cáo. Trong khi đó, tình trạng quảng cáo, giới thiệu chất lượng sai sự thật, gây thiệt hại đối với NTD lại diễn ra khá tràn lan trên các phương tiện thông tin trong thời gian gần đây. Thiệt hại cuối cùng vẫn do NTD gánh chịu.

  Quá tin vào quảng cáo

Quảng cáo sai ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng

Bà Hà Lê – tổ 28 phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai – Hà Nội) đã mua hai hộp gel thực phẩm chức năng hết gần 3.200.000 đồng mà cứ nghĩ đó là thuốc đặc trị. Theo lời quảng cáo trên mạng Internet thì căn bệnh đau khớp của bà Lê chỉ cần sử dụng mỗi ngày từ 1- 2 gói gel, xương khớp sẽ được cải thiện, các cơn đau nhanh chóng biến mất. Đặc biệt những gói gel này rất dễ uống, dễ hấp thụ do có mùi vị hoa quả rất ngon... Đây có thể là loại thuốc rất phù hợp và trị khỏi được chứng bệnh thấp khớp của bà Lê. Không ngần ngại, bà Lê đã uống đến hộp thứ 8 nhưng chứng thấp khớp vẫn không thuyên giảm. Khi hỏi bác sĩ bà Lê mới biết các gói gel này thực chất là thực phẩm chức năng giúp nâng cao sức đề kháng, bổ sung vitamin cho cơ thể, không phải là thuốc chữa bệnh.

Cuối năm 2010, theo phản ánh của NTD, Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT TP.Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện một DN kinh doanh thực phẩm chức năng nhưng có thông tin quảng cáo sai sự thật, loại thực phẩm chức năng này đã được “thổi” lên thành thuốc chữa bách bệnh, gây nhầm lẫn cho NTD.

Theo Sở Y tế TPHCM, thời gian qua trên thị trường đã từng xuất hiện một loại thực phẩm chức năng quảng cáo chữa được bệnh gout, nhãn hiệu Senzation Double Joint Care do một Cty tại quận 9, TPHCM phân phối có giá bán 980.000đ/hộp. Sản phẩm này được giới thiệu có công thức pha chế từ nhiều loại thảo mộc quý chuyên trị giảm đau khớp và bệnh gout, tăng cường tuần hoàn máu, hiệu quả ngay sau 2 ngày sử dụng. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm nghiệm thành phần sản phẩm cho thấy, loại thực phẩm chức năng này chứa tân dược Piroxicam và Betamethason – là biệt dược thuộc nhóm độc B, nếu tự ý sử dụng hoặc dùng quá liều sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Tại TPHCM đã từng xảy ra vụ mũ bảo hiểm chỉ đủ tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho người đi xe đạp, nhưng được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông là “mũ bảo hiểm bảo vệ người đi xe máy”. Dù Chi cục QLTT TPHCM đã phạt Cty Vi Thy 27,5 triệu đồng cho hành vi quảng cáo sai sự thật, sai với chất lượng hàng hóa đã đăng ký, nhưng về phía NTD đã lỡ mua sản phẩm này hầu như vẫn lãnh phần thiệt về mình.

Nói về vấn đề quảng cáo sai sự thật, bà Phan Thị Việt Thu – Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM - cho biết: “Thời gian gần đây và hiện nay, các thông tin quảng cáo sản phẩm, dịch vụ xuất hiện khắp nơi. Điều đáng nói là nhiều thông tin quảng cáo, nhất là các chương trình phát sóng của truyền hình được thực hiện một cách vô tội vạ, không cần kiểm chứng chức năng, chất lượng có đúng như những lời quảng cáo không. Nhiều NTD lại rất tin vào các thông tin quảng cáo này tin nên họ chỉ phát hiện ra sản phẩm, dịch vụ quảng cáo không đúng sự thật khi đã mua và dùng thử”.

Nơi đăng quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm

Để được đăng tải thông tin quảng cáo trên các phương tiện thông tin, Internet... thủ tục rất đơn giản. Nơi nhận đăng quảng cáo chỉ yêu cầu đơn vị quảng cáo xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép lưu hành sản phẩm, nội dung quảng cáo không nằm trong những quy định cấm của pháp luật và nộp tiền phí quảng cáo.

Hầu hết các đơn vị đăng quảng cáo không mấy quan tâm hoặc kiểm chứng nội dung quảng cáo có đúng sự thật hay không. Trong khi đó, để tìm được cơ quan chức năng nào kiểm chứng, xử lý quảng cáo sai sự thật không phải là dễ.

Theo Chi cục QLTT TP.Hà Nội thì hiện nay, lĩnh vực quảng cáo do lực lượng văn hóa truyền thông và du lịch kiểm duyệt. Có nhiều vụ việc phản ánh của NTD đến Hội Tiêu chuẩn bảo vệ NTD đã được chuyển đến lực lượng QLTT TP.Hà Nội, nhưng không phải vụ việc nào cũng giải quyết được, có nhiều vụ việc QLTT TP.Hà Nội phải chuyển qua thanh tra của Sở VHTTDL để giải quyết. Theo ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội QLTT 14 (Chi cục QLTT TP.Hà Nội): “Đối với thông tin quảng cáo về sản phẩm sai sự thật, trách nhiệm đầu tiên thuộc về DN sản xuất, phân phối thuê đăng thông tin sai. Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi NTD, đơn vị đăng tải thông tin quảng cáo cần phải có quy định kiểm duyệt nội dung quảng cáo có đúng sự thật không, tránh tình trạng uy tín của đơn vị đăng quảng cáo bị ảnh hưởng khi nội dung quảng cáo sai”.

Ông Bạch Văn Mừng – Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương - cho biết: “Với những trường hợp quảng cáo, giới thiệu chất lượng sản phẩm hàng hóa sai sự thật, gây thiệt hại cho NTD, không chỉ nhà sản xuất có liên quan mà bên thứ ba giữ vai trò cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm. Các trường hợp quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý, chế tài nghiêm khắc hơn. Những quy định về phạt mạnh quảng cáo sai sự thật sẽ phát huy tác dụng khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực từ ngày 1.7.2011”.

Đồng tình với quan điểm này, luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó văn phòng Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM - cho rằng: “Để NTD không bị lừa trước các thông tin quảng cáo sai sự thật cũng như dẹp được tình trạng tràn lan quảng cáo sai sự thật, vấn đề cốt lõi ngay từ đầu là cần rà soát kỹ, dè dặt với các thông tin quảng cáo đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Muốn như vậy, cần có quy định rõ là các cơ quan thông tin đại chúng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu quảng cáo mình phát, đăng tải sai sự thật. Có như vậy, các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ tự động yêu cầu và kiểm tra các giấy chứng nhận về chất lượng, cấp phép của sản phẩm, đối chiếu với nội dung quảng cáo đăng tải”.

Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng: Thực trạng hiện nay các nơi sản xuất, phân phối sản phẩm chỉ tự công bố và đăng ký về tiêu chuẩn, thành phần sản phẩm của mình. Trong khi đó, sản phẩm thì rất đa dạng nên nhiều lúc những tiêu chuẩn, quy định về chất lượng sản phẩm lại không theo kịp tình hình thị trường với các lý do thường được đưa ra như không đủ nhân sự, kinh phí... Đây chính là lỗ hổng để hàng hóa kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật vẫn ngang nhiên tuồn ra thị trường lừa NTD.

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào hàng hóa có sự cố, bùng phát thông tin thì các cơ quan chức năng mới “nhảy vào” xử lý. Do đó, để chấn chỉnh “chuyện dài” khó giải quyết này, cần các cơ quan chức năng, quản lý chuyên ngành thường xuyên kiểm tra từ chất lượng sản phẩm, thành phần chỉ tiêu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đến nội dung quảng cáo.

Mộng Thoa - Thu Hà

(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. Báo Lao động điện tử có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Những bài viết này sẽ không được trả nhuận bút)