Cảnh báo động đất: Việt Nam nghèo nên chưa đầu tư nhiều

18/03/2011 07:35:02

- Trận động đất kèm theo sóng thần, các vụ nổ tại nhà máy hạt nhân của Nhật Bản đã làm rung chuyển thế giới. Tại Việt Nam, nguy cơ xảy ra các thảm họa tương tự không phải không có. Vậy chúng ta đã làm gì để chuẩn bị cho thảm họa này ? Nếu nó xảy ra trong tương lai gần thì mức độ thiệt hại sẽ đến đâu? KH&ĐS đã trò chuyện với TS Lê Huy Minh. 

Với Nhật Bản thì so làm sao được

Tôi xin được đi thẳng vào vấn đề luôn. Anh thấy đầu tư cho các trạm cảnh báo sóng thần của Việt Nam so với Nhật Bản thì như thế nào anh?

Úi giời. So với Nhật Bản thì so làm sao được! Họ có khoảng 1.000 trạm dự báo động đất trong khi đó Việt Nam mới đang có kế hoạch xây dựng 30 trạm và thực tế mới chỉ xây được 10 trạm. Cái đề án xây dựng 30 trạm sẽ cố gắng hoàn thiện vào năm 2013.

Nhật Bản có 1.000 trạm trong khi đó Việt Nam chỉ có 10 trạm! Theo anh khả năng dự báo và thiệt hại của mình có tương quan với sự thua kém đó không?

Không. Đó là hai vấn đề khác nhau. Các trạm dự báo động đất nhiều không đồng nghĩa với việc tránh được thảm họa  động đất. Số lượng trạm chỉ cần làm sao đủ để dự báo được động đất xảy ra ở đâu. Để cảnh báo sóng thần thì phải xây dựng được các kịch bản.

f
 

Nếu nói về bản đồ động đất và sóng thần thì Việt Nam đứng ở  chỗ mức độ nguy hiểm nào?

Cường độ động đất ở Việt Nam thuộc dạng trung bình. Mặc dù không phải mạnh nhưng cũng không phải không có như nhiều người chủ quan. 

Thiếu văn hóa "đón tiếp" động đất

Vậy trận động đất đã ghi nhận mạnh nhất trên lãnh thổ Việt Nam là bao nhiêu?

Nếu trong sổ sách còn ghi chép thì Việt Nam đã có 2 trận động đất mạnh nhất đều là 6,8 độ richter ở khu vực Tây Bắc. Khi đó, Hà Nội chịu rung chấn là 6 độ richter. Người dân đã hoảng sợ, tường nhà đã nứt và nhiều mái ngói đã rơi, đổ.

Hiện nay cả nước mới chỉ  có 3 nơi có bản đồ vi phân vùng động đất là Hà Nội, Sài Gòn và Vũng Tàu. Bản đồ vi phân vùng cung cấp những thông tin chi tiết hơn về nguy cơ xảy ra động đất cũng như mức độ động đất để từ đó có kể hoạch xây dựng, sơ tán dân cư khi xảy ra động đất hợp lý hơn. Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam nằm ở khu vực có động đất cực đại dự báo khoảng 7 độ richter. 

Anh thấy tâm lý chuẩn bị "đón tiếp" động đất của người dân Việt Nam như thế nào?

Cái văn hóa ứng xử với động đất của mình còn nhiều điều "thiếu hợp lý" vì không quen.

Vậy thì trách nhiệm của cái sự "không quen", thiếu văn hóa ứng xử của người dân trước các thảm họa thiên tai đó thuộc về ai?

Tôi nghĩ cái này thuộc về  trách nhiệm đa ngành trong đó có lĩnh vực của tôi, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Giáo dục & Đào tạo...

Thực ra chuyện người dân của mình "chưa có văn hóa ứng xử" với động đất sóng thần thì cũng hợp lý nhưng ngay cả các nhà quản lý cũng thờ ơ thì có vẻ hơi bất cập?

Đúng là như thế. Về mặt chuyên môn tôi cũng đã cảnh báo về vấn đề này rất nhiều. Mới chỉ có một số công trình trọng điểm khi được xây dựng người ta mới quan tâm đến mức độ an toàn khi xảy ra động đất còn đa số là bỏ qua. Điều này là rất nguy hiểm nhất là đối với các công trình thủy điện lớn, các nhà máy hạt nhân. 

Mọi cảnh báo đều không có tác dụng

Theo tính toán của các anh thì Việt Nam có nguy cơ xảy ra sóng thần ở mức độ nào và thời gian để sóng thần "cập bến" Việt Nam là bao lâu?

Theo kịch bản của chúng tôi thì đới đứt gãy nguy hiểm nhất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ đến từ vùng biển Philippines. Nếu xảy ra thì thời gian sóng thần di chuyển từ  đó về đến Việt Nam khoảng 2 tiếng với kịch bản tồi tệ nhất là sóng cao khoảng 10m.

Vậy nếu xảy ra thực thì trong khoảng bao lâu sau Việt Nam có thể đưa ra cảnh báo cho người dân cũng như các cơ quan chức năng liên quan?

Khoảng mươi mười lăm phút, chậm lắm thì cũng chỉ khoảng nửa tiếng để còn thời gian khoảng 1,5 tiếng để sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

h
 Hiện nay cả nước mới chỉ  có 3 nơi có bản đồ vi phân vùng động đất là Hà Nội, Vũng Tàu, TP.HCM

Thế nhưng, tôi cứ đặt giả sử là các anh có thể cảnh báo ngay sau 5 phút thì cái việc đồng bộ hóa trong việc triển khai xuống các cấp bên dưới sẽ thế  nào, liệu khi nó đến được với dân để thực hiện sơ tán thì có còn tí thời gian nào không?

Nhiệm vụ của chúng tôi là  gửi ngay bản tin cảnh báo đến các phương tiện thông tin đại chúng và các trạm cảnh báo ven biển. Hiện tại thì chỉ có cách đó là ngắn nhất thôi. Hệ thống còi báo động hiện nay mới đang được xây dựng tại các bờ biển.

Với tốc độ cảnh báo tới người dân "nhanh" như vậy thì anh nghĩ sao khi Việt Nam hứng chịu trực tiếp trận động đất sóng thần như ở Nhật Bản vừa rồi?

Tôi nghĩ là nếu nó  xảy ra và di chuyển với tốc độ 900km/giờ  thì chỉ 10 phút sau nó đã đến nơi và  mọi cảnh báo đều không có tác dụng.

Mất bò mới lo làm chuồng

Hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần của Việt Nam thôi thì như  anh nói là không so được với Nhật Bản vì họ quá mạnh. Vậy so với các nước trong khu vực thì  thế nào?

Ối giời! Trong khu vực á! Bây giờ các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hiện đại chả kém gì Nhật Bản. Sau trận động đất sóng thần năm 2004 thì những nước này rất tích cực trong việc nâng cao hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần.

Như anh nói thì sau vụ  2004 họ mới lo làm hệ thống cảnh báo sóng thần, động đất. Dân mình có câu "Mất bò mời lo làm chuồng". Phải chăng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang chờ có một trận động đất, sóng thần "ghé thăm" thì mới đầu tư đúng mức cho hệ thống cảnh báo?

Nước mình nghèo quá cho nên không thể nào mà đầu tư nhiều như họ được. Nhưng thực tế thì ngay sau thảm họa sóng thần 2004 thì Việt Nam cũng đã quan tâm đầu tư nhiều hơn trước cho lĩnh vực này.

Vâng. Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện bổ ích này.

Trước yêu cầu thực tế  về việc báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho đất nước, ngày 4/9/2007, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (trực thuộc Viện Vật lý địa cầu) đã được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam. Trung tâm đã thực hiện việc cảnh báo sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam theo 25 kịch bản và có khả năng dự báo tất cả các trận động đất có cường độ từ 3,5 độ richter trở lên.

Nguyên Thủy (thực hiện)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.