Thứ hai, 21/03/2011, 07:28(GMT+7)

Bí mật người đàn ông… 5300 tuổi

GiadinhNet - Nước da trắng, ngực đầy lông, râu ria xồm xoàm, cơ bắp rắn chắc, Oetzi là người châu Âu “xịn”.

Từ cuối năm 1991, tên gọi “người băng Oetzi” bắt đầu xuất hiện từ dãy Alps – gần Hauslabjoch, trên biên giới giữa Áo và Italia. Thung lũng Otztal (hay Otz) sau đó đã trở thành “nickname” của người đàn ông đặc biệt này, phiên âm sang tiếng Anh là Oetzi. Đến nay, “anh ấy” đã khoảng 5.300 tuổi!
 

Người băng Oetzi khi được phát hiện tại hiện trường năm 1991. Ảnh: AFP

Dung nhan mới

Trong ảnh là hình hài và khuôn mặt của người băng Oetzi mà tờ DailyMail (Anh) đăng tải ngày 1/3/2011. Nếu ai chưa từng biết đến Oetzi, chắc hẳn sẽ cho rằng người đàn ông này đích thị đến từ một bộ lạc xa xôi nào đó, hoặc là một sản phẩm hóa trang tài nghệ. Nước da trắng, ngực đầy lông, râu ria xồm xoàm, cơ bắp rắn chắc, Oetzi là người châu Âu “xịn”. Nhưng thực sự là, Oetzi đã đi vào thiên cổ từ hơn 5.300 năm trước đây. Vẻ mặt, da thịt và mọi thứ trên cơ thể người băng này hoàn toàn là đồ giả do 2 họa sĩ người Hà Lan tạo ra nhằm phần nào giải mã hình hài thực sự của Oetzi trước khi bị chôn vùi dưới đống băng tuyết trong hàng ngàn năm trời.

Sử dụng hình ảnh 3D để dựng lại chân dung người băng.

Từ khi được phát hiện bởi 2 khách du lịch người Đức vào tháng 9/1991, người băng Oetzi đã đem đến bao nhiêu bí ẩn về danh tính, chân dung và cái chết của mình đối với con người hiện đại. Toàn bộ xương thịt của Oetzi đều nguyên vẹn nhưng đã tóp hẳn lại như những xác ướp Ai Cập, chỉ có điều hơi “tươi” hơn một chút. Giới khảo cổ và các nhà nghiên cứu nhân loại học đều tìm đủ mọi cách dựng lại khuôn mặt của Oetzi để xem con người cách đây hơn 5.000 năm nhìn ra sao. Một số “tác phẩm” đã ra đời, tuy nhiên rất thiếu thuyết phục và bị cho là đã thay hình đổi dạng so với nguyên bản.

Đến khi 2 họa sĩ Hà Lan là Alfons và Adrie Kennis sử dụng những hình ảnh 3D để tỉ mẩn đắp, vẽ từng chi tiết nhỏ thì chân dung xác ướp tự nhiên nổi tiếng nhất thế giới này mới thực sự lộ diện. Tất cả đều bất ngờ. Người băng Oetzi không khác quá nhiều so với đàn ông phương Tây thời hiện đại, nếu không muốn nói là... nam tính hơn. Điều khó khăn nhất mà 2 họa sĩ Hà Lan lẫn các nhà khoa học chưa thể làm trọn vẹn khi dựng lại thể xác Oetzi là đôi mắt. Họ không biết được người băng 5.300 tuổi mắt màu gì nên tạm làm màu nâu.
 

Hai họa sĩ Hà Lan bên chân dung người băng Oetzi do họ kỳ công tạo nên. Ảnh: AFP

Hiện hình hài mới của người băng Oetzi đang được trưng bày tại Bảo tàng khảo cổ học South Tyrol ở Bolzano (Italia), bên cạnh phần thi hài thực sự bảo quản cực kỳ cẩn thận trong lồng kính chân không.

Bí mật xưa

Ngày 19/9/1991, hai khách du lịch người Đức là Helmut và Erika Simon đang lang thang trên dòng sông băng ở thung lũng Otz trên biên giới Áo – Italia thì bất ngờ nhìn thấy một xác chết lộ ra dưới đống băng tuyết lở vỡ. Thoáng giật mình, hai vị khách này tưởng đây là thi thể của một đàn ông nào đó quanh vùng. Giới chuyên môn sau đó cũng chỉ dám nghĩ rằng xác ướp kia cùng lắm chỉ chục năm sau khi nạn nhân không được tìm thấy trong một vụ tai nạn nào đó.

Sau khi được kiểm tra, chụp X-quang, đo đạc kích thước cơ thể, xác định niên đại, thậm chí soi phần thức ăn còn sót lại trong ruột, giới khoa học đưa ra một thông báo gây chấn động: Đây là thi thể của một người đàn ông đã chết từ hơn 5.300 năm trước! Cái tên “người băng Oetzi” hình thành.

Những phân tích khoa học cho thấy, vào thời điểm chôn mình dưới lớp băng dày, Oetzi tầm 46 tuổi, nặng chừng 50kg, cao khoảng 159cm. Phần thi thể khi được phát hiện có cân nặng 38kg. Từ phấn hoa, phấn ngũ cốc trong các vật dụng được tìm thấy bên người Oetzi và thành phần đồng vị của lớp men răng, các nhà khảo cổ đánh giá, người đàn ông này hồi trẻ sống gần làng Feldthurns hiện nay, phía bắc Bolzano. Các nhà phân tích của Đại học Camerino (Italia) thì phát hiện ra rằng cấu trúc AND thuộc phân cụm K nhưng không rõ thuộc nhánh nào của loài người hiện đại ((K1a, K1b or K1c).

Cụ thể hơn, Oetzi còn được cho là đã ăn 2 bữa, bữa cuối cùng vào khoảng 8 tiếng trước khi chết. “Thực đơn” gồm thịt sơn dương, thịt nai đỏ kèm với một số loại ngũ cốc, rễ cây và hoa quả. Phấn hoa trong bữa ăn đầu tiên cho thấy rằng nó là của một loại cây hình nón mọc ở độ cao trung bình, các loại phấn hoa khác thì chứng tỏ sự hiện diện của lúa mì và các loại rau, có thể đã được canh tác. Tương tự, các phấn hoa ngũ cốc của cây thiết mộc cũng được tìm thấy. Các phấn hoa được bảo quản rất tốt thậm chí các nhân bên trong vẫn còn nguyên vẹn, cho thấy độ tươi của chúng ở thời điểm Oetzi chết. Những khám phá này cho thấy thời gian xảy ra sự kiện là vào mùa xuân.
 

Xác ướp tự nhiên của Oetzi hiện đang được bảo quản tại bảo tàng ở Bolzano, Italia. Ảnh: Wikipedia

Thời trang và cái chết

Trang phục mà người băng này mặc cũng tương đối phức tạp. Khi được phát hiện, bên mình Oetzi có một chiếc áo choàng không tay dệt từ cỏ, áo khoác da, một thắt lưng, quần, giày. Tất cả đều có tác dụng chống rét, chống nước khá tốt, làm chủ yếu từ da động vật và rất bền. Cỏ được nhét quanh chân và trong giầy để giữ ấm cơ thể.

Ngoài ra, một số đồ vật khác cũng được tìm thấy như đá đánh lửa, rìu đồng với cán gỗ bằng cây thủy tùng, con dao bằng đá mài với tay cầm bằng gỗ tần bì, một thùng đựng 14 mũi tên và một cây gậy gỗ khá dài. Lạ lùng là, có 2 mũi tên đã được bịt đầu, số còn lại cùng một cây cung dài 1,82m đều chưa hoàn thành.
 

Hình hài người băng Oetzi được dựng lại sau 5.300 năm (trái) và một phiên bản dựng lại khác của người băng Oetzi tại bảo tàng Belesta, Ariege, Pháp (phải). Ảnh: Wikipedia

Nhưng điều khiến người ta quan tâm hơn cả là Oetzi đã chết như thế nào, tại sao ông ta lại bỏ xác ở một nơi hoang vu như vậy, để ngàn đời sau mới được phát hiện ra. Ban đầu, Oetzi được tin là chết trong cơn bão tuyết, rồi sau đó có ý kiến lại khẳng định người băng là nạn nhân của một lễ tế thần tàn bạo mà người đứng đầu bộ lạc nào đó đặt ra. Lý thuyết này dựa trên những thi thể người Tollund và người Lindow được tìm thấy trong than bùn từ thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên.

Trong khi đó, kết quả chụp X-quang lại cho thấy, Oetzi có thể đã bị một mũi tên bắn vào vai trước khi chết sau đó được rút ra. Có nghĩa, có một người nữa đi cùng Oetzi. Thậm chí, giới nghiên cứu còn tin rằng Oetzi bị những vết thâm tím, vết cắn trên tay và ngực, có vết máu của 4 người khác trên đồ dùng của Oetzi. Thông tin mới đây trên báo chí Anh lại cho biết, sau khi dính mũi tên, người băng này còn bị một cú trời giáng vào giữa mặt dẫn đến tử vong. Dù bị chết như thế nào thì người băng Oetzi cũng đã đem lại cái nhìn tương đối về xã hội loài người thời kỳ đồ đồng. Bỏ mạng giữa băng tuyết từ hơn 5.300 năm trước, nhưng đến nay người băng này vẫn được xem là xác ướp tự nhiên hoàn hảo nhất thế giới, đến độ tài tử điện ảnh Brad Pitt còn khắc hình ảnh của Oetzi lên cánh tay mình.
 
Việt Nguyễn

Xem ý kiến bạn đọc

Danh sách comment