Từ hàng ghế khán giả

Sợ... đọc phụ đề

TT - Thảm họa Los Angeles sẽ khó lòng khiến người xem cảm thấy sợ hãi, âu lo hay bất an - cảm xúc mà các nhà làm phim mong muốn có được từ khán giả với một bộ phim giả tưởng về người ngoài hành tinh và ngày tận thế.

Nhưng Thảm họa Los Angeles vẫn là quán quân tại thị trường Bắc Mỹ trong tuần công chiếu đầu tiên (11-3) với 36 triệu USD. Có lẽ nhờ vào hình ảnh, kỹ xảo đẹp mắt với nhiều cảnh quay được dàn dựng công phu, những pha hành động tới tấp và diễn xuất tạm ổn của dàn diễn viên trong phim.

Cảnh trong phim Thảm họa Los Angeles, công chiếu tại VN từ ngày 25-3 - Ảnh: imdb

Tuy nhiên những yếu tố tạo nên sự ăn khách ở thị trường Mỹ đó khó cứu vãn nổi bộ phim với những lỗi dịch thuật khi được chiếu tại thị trường Việt Nam. Người xem đã nhiều phen "mắc xương" khi phụ đề phim thường xuyên "lạc lối".

Những người lính thủy đánh bộ, hay còn gọi là thủy quân lục chiến (marine), trong phim lúc được dịch là lính thủy (navy), lúc thì được dịch là lính thủy đánh bộ. Khi các anh lính thủy đánh bộ đó xác định được kẻ địch của mình là "alien" (người ngoài hành tinh) thì phụ đề tiếng Việt lại hiện lên dòng chữ "kẻ xa lạ", "người lạ". Trong lúc chiến đấu với người ngoài hành tinh, những người lính thường xuyên yêu cầu tiếp viện các băng đạn (magazine) thì bản dịch cứ vô tư dịch nghĩa magazine là "tạp chí".

Người xem liên tục được đọc phần phụ đề khó hiểu: "Ðưa cho tôi tạp chí" hay "Tôi cần thêm tạp chí" ở các cảnh phim những người lính cần thêm đạn dược. Với những cảnh quăng lựu đạn vào người ngoài hành tinh, họ thường hô to: "Fire in the hole", hàm ý "Ðã kích nổ, mọi người hãy tránh xa". Vậy mà khi chuyển ngữ, người dịch cứ vô tư dịch từng chữ: "Có lửa trong cái lỗ"!

Ngay cả đoạn phim một người lính hôn tạm biệt đứa con còn trong bụng vợ và thầm thì "Con của ba" rất tình cảm cũng bị làm hỏng bởi phần dịch vô cùng máy móc "Con của tôi". Và phần trao đổi ngắn ngủi nhưng thân thiết của đôi vợ chồng trẻ trước giờ người chồng lên đường ra trận cũng bị "đơ" hoàn toàn khi phần phụ đề tiếng Việt cứ "phang" những chữ như "tôi", "cô", "ông" cho phần xưng hô giữa hai vợ chồng.

Sau tất cả những chia ly, mất mát vừa diễn ra trên màn bạc, người xem vẫn không quá lo sợ về cái ngày bị người ngoài hành tinh xâm chiếm. Nhưng lại quá khiếp sợ với kiểu dịch và làm phụ đề phim hời hợt, ẩu tả triền miên sau nhiều năm ta đã có những cụm rạp chiếu phim đạt chuẩn quốc tế với đặc quyền được thưởng thức phim mới gần như cùng lúc với bạn bè thế giới.

NGUYỄN NGỌC

Dòng thác phim người ngoài hành tinh xâm lăng Trái đất

Có lẽ nhan đề tiếng Việt Thảm họa Los Angeles khiến không ít người lầm tưởng đây là một tác phẩm thuộc dòng phim thảm họa và so sánh nó với 2012 hay The day after tomorrow (Ngày kinh hoàng). Thực tế đây là một bộ phim chiến tranh - khoa học viễn tưởng, chịu ảnh hưởng lớn từ phim chiến tranh Black hawk down của đạo diễn Ridley Scott và các phim giả tưởng như District 9 (Quận 9), War of the worlds (Thế giới đại chiến) hay Alien (Quái vật ngoài hành tinh).

Tên gốc của bộ phim là World invasion: Battle Los Angeles (Cuộc xâm lăng toàn cầu: Ðại chiến Los Angeles). Lấy cảm hứng chuyện có thật là vụ thành phố Los Angeles (Mỹ) xả súng chống máy bay lên bầu trời ngày 25-2-1942 do tin đồn có máy bay địch tấn công, phim kể về cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh trên khắp toàn cầu và tập trung vào chiến trường Los Angeles.

Battle Los Angeles nằm trong dòng thác phim người ngoài hành tinh xâm lăng Trái đất, xuất phát từ lý do thương mại sau thành công của District 9Avatar (Thế thân) năm 2009. Khởi đầu cho dòng thác này là Skyline (Ðường chân trời) và Monsters (Quái vật) năm 2010, sau đó là I am number four (Tôi là người số 4) đầu năm 2011. Và sau Battle Los Angeles Paul, Super 8 (Bộ 8 siêu đẳng), Cowboys & alien (Cao bồi và người ngoài hành tinh), hai phần Alien (Quái vật không gian) mới của Ridley Scott hay EDF (Lực lượng bảo vệ Trái đất) của đạo diễn phim Người nhện Sam Raimi.

HIẾU TRUNG

 

(1)

Bóng núi và Trịnh Công Sơn

TT - Đêm 18-3, Bóng núi (đạo diễn Phạm Hoàng Nam), chương trình ca nhạc kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1-4-2001 - 1-4-2011), đã diễn ra tại Nhà hát TP.HCM, bắt đầu cho loạt hoạt động khá quy mô dành cho sự kiện này (do gia đình cố nhạc sĩ phối hợp tổ chức cùng Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và Công ty BHD). Xem tiếp »