Quả ngọt sáng tạo

Kinh tế sáng tạo: Việt Nam có gì?

(VEF.VN) - Làm sao để Việt Nam thoát ra khỏi hình bóng một nước gia công, lắp ráp thuê và xuất khẩu thô? Trong bể mênh mông của sự sáng tạo, công nghệ cao vẫn được coi là chìa khóa thành công và đó cũng là niềm đau đáu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Nỗi lo tụt hậu

Một vị Tổng giám đốc trẻ trong ngành tự động hóa đã nói với Diễn đàn kinh tế Việt Nam rằng, có 4 dạng doanh nghiệp cơ bản cho một nền kinh tế hiện nay. Dạng thứ nhất là các công ty phát triển dựa trên khai thác tài nguyên; dạng thứ 2 là các công ty dựa trên việc làm ăn đầu cơ và chộp giật; dạng thứ 3 là các công ty dựa lên nguồn lực lao động giá rẻ và dạng thứ 4 là các công ty phát triển dựa trên sự sáng tạo.

Ở thế kỷ 21, mọi quốc gia muốn bứt phá và thịnh vượng buộc phải hướng tới nền tảng dựa trên những công ty sáng tạo. Trong đó, một thứ sáng tạo nhất thiết phải có cho kinh tế bền vững, đó là công nghệ cao! Đây vẫn đang là chìa khóa chiến lược cho tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia sở hữu công nghệ nguồn như Mỹ, Nhật, Nga, EU...

Việt Nam là nước đi sau, đã có hơn 20 năm đổi mới theo khẩu hiệu "đi tắt, đón đầu" nhưng đến nay, nền tảng công nghệ cao này hãy còn quá mong manh!

Nền kinh tế VN không thể dừng lại ở gia công. (Ảnh: Phạm Huyền)

Dựng lại toàn cảnh về trình độ công nghệ ở Việt Nam để báo cáo Chính phủ các đề án phát triển công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải thẳng thẳn nhìn nhận rằng, Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với các nước.

Việt Nam có hơn 90% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, nhưng đa số đều là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ. Nhiều ngành sản xuất chủ yếu vẫn là gia công, giá trị gia tăng không cao. Điều đáng buồn là hầu hết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đang sử dụng loại công nghệ lạc hậu từ 3-4 thế hệ so với công nghệ mới hiện nay. Rà soát trình độ của 11 ngành công nghiệp Việt Nam, bộ KHCN kết luận, trình độ chung của các ngành đều ở mức trung bình, trung bình thấp và thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển, đang tồn tại một khoảng cách chênh lệch rất lớn về năng lực công nghệ. Theo bộ KHCN báo cáo Chính phủ, năng suất công nghiệp phần mềm của Việt Nam khoảng 10.000USD/người/năm, ở Trung Quốc vào khoảng 14-18.000USD và ở Mỹ, là 140.000USD/người/năm, đủ thấy sự tụt hậu của Việt Nam sau các nước đến cỡ nào.

Trong công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nhóm sản phẩm công nghệ thấp chiếm 60%, công nghệ cao chỉ chiếm trên 20%. Đóng góp GDP của nhóm sản phẩm công nghệ cao chỉ bằng 5,73% GDP và của dịch vụ công nghệ cao ở Việt Nam chỉ bằng 2,12%. Đây là tỷ lệ rất thấp.

Kinh tế Việt Nam đã có gì đột phá?

Có vị chuyên gia đã băn khoăn rằng, Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới với đặc sản phở 24, chè, cà phê, gạo,... nhưng nếu nói tới nền tảng kinh tế sáng tạo, Việt Nam đã có gì? Một thời cách đây 2-3 năm, giới công nghệ điện tử rầm rộ quảng bá về những chiếc máy tính "made in Vietnam" như CMC, Sing PC, Mêkông Green, Vincaom, T&H, Robo, Elead, nhưng rốt cục, số này hoặc chết yểu, hoặc thị phần quá bé nhỏ để người tiêu dùng Việt Nam ngày nay nhớ tới.

Có thể, chưa dám mơ rằng, một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có những nhà sáng chế tài ba như Bill Gates hay Mark Zuckerberg khiến thay đổi cả thế giới, nhưng chí ít, cũng cần có một thị trường giao dịch công nghệ phát triển sôi động để làm nền tảng bứt phá.

Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới với đặc sản phở 24, chè, cà phê, gạo,... nhưng nếu nói tới nền tảng kinh tế sáng tạo, Việt Nam đã có gì?

Kinh nghiệm từ các nước trong giai đoạn công nghiêp hóa, từ một nền kinh tế có thu nhập thấp dưới 1000USD/người/năm cho thấy, tăng trưởng giao dịch trên thị trường công nghệ phải lớn hơn tăng trưởng GDP. Điển hình là Trung Quốc, 20 năm qua, giá trị giao dịch thị trường công nghệ luôn gấp đôi GDP.

Tại Việt Nam, thị trường này thật sơ khai. Nguồn cung ứng công nghệ cho Việt Nam chủ yếu là nhập ngoại. Mỗi năm, chúng ta bỏ ra trên 10-15 tỷ USD mua máy móc, thiết bị, phụ tùng, chiếm 15% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước nhưng, hàm lượng công nghệ trong những máy móc này lại không cao.

Các chuyên gia làm đề án phát triển thị trường công nghệ cho rằng, gọi là nhập khẩu công nghệ nhưng thực chất, chúng ta mới chỉ nhập trang thiết bị, dây chuyền công nghệ toàn bộ mà chưa chú ý nhập và khai thác tài sản trí tuệ. Khoảng 90% công nghệ nhập từ nước ngoài có trình độ ở mức trung bình và lạc hậu. Trong khi đó, mức đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,2- 0,3% doanh thu của doanh nghiệp. Tỷ lệ này ở Ấn Độ là khoảng 5%, Hàn Quốc là 10%.

Trong chiến lược thu hút FDI, kỳ vọng Việt Nam sẽ được tiếp nhận công nghệ cao, công nghệ nguồn cũng rất xa vời. Công nghệ ở các doanh nghiệp FDI hiện chủ yếu là đã qua sử dụng ở bản quốc. Số lượng chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ và công ty con chính thức đăng ký thấp hơn nhiều so với lượng doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Ở một số dự án FDI của Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, việc chuyển giao công nghệ vào Việt Nam là từ chi nhánh trong khu vực, như từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Và trong đó, chỉ có một số lĩnh vực công nghệ nhập về là tiên tiến so với khu vực.

Ngay cả bản thân các doanh nghiệp FDI này cũng thường là doanh nghiệp sản xuất gia công, lắp ráp và dựa trên thiết kế sản phẩm đã có, công nghệ phổ biến. Đáng chú ý là, rất hiếm có doanh nghiệp FDI nào lại đặt tổ chức nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam.

Một nguồn cung ứng khác, đó là từ các tổ chức nghiên cứu R&D trong nước. Nhưng ở Việt Nam, khoản đầu tư cho lĩnh vực này quá khiêm tốn, chiếm 0,1- 0,2% GDP. Thẳng thắn và khách quan, chính các tổ chức này cũng chưa tạo được công nghệ đột phá và nhiều kết quả nghiên cứu không áp dụng đại trà được vì... chưa hòan chỉnh. Số lượng sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Tổ chức Trí tuệ thế giới cấp chỉ bằng 1/1000 Trung Quốc và 1/5000 của Nhật Bản.

Những nhân tố mới nổi cho nền kinh tế sáng tạo Việt Nam

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu 4 lĩnh vực công nghệ cao trọng tâm là công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới và tự động hóa. Khi đó, mục tiêu được đặt ra là phải tạo được năng lực công nghệ đủ mạnh để đảm bảo tính cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, làm nòng cốt cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, nhìn lại trên cả 4 lĩnh vực trên,  số doanh nghiệp Việt Nam được coi là thành công mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ví dụ như công ty Dolsofl đã bán được sản phẩm nhận dạng lỗi sản xuất vi mạch điện tử, sử dụng trong các cơ sở sản xuất vi mạch điện tử nổi tiến của Intel, Texas, Instrunment, hệ thống nhận dạng biển xe tội phạm và theo dõi tội phạm tại sân bay Mỹ.

Bkis, vốn xuất thân từ Trung tâm an ninh mạng của Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã phát hiện được lỗi phần mềm an ninh mạng của các hãng máy tính nổi tiếng như Toshiba, Google, tìm ra dấu vết của cuộc tấn công các hệ thống máy tính quan trọng của Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc. Đến nay, phần mềm Bkav của Bkis cũng đã chiếm lĩnh được thị trường nội địa.

Cty TOSY dự kiến dây chuyền robot này có giá rẻ bằng 1/4 so với thế giới. (Ảnh: Trọng Trường)

Công ty Naiscorp với năng lực làm chủ công nghệ lõi về tìm kiếm tiếng Việt, đến nay đã làm chủ được thị trường tìm kiếm tiếng Việt trên điện thoại di động, thay thế cho công cụ tìm kiếm của hãng Yahoo. Doanh nghiệp này cũng đang đặt mục tiêu chiếm đa phần thị trường tìm kiếm tiếng Việt trên máy tính để bàn, tuyên bố sẽ vượt mặt Google.

Mới nổi gần đây và gây sự chú ý nhất của giới các nhà khoa học công nghệ là công ty robot TOSY. Sau thành công lớn trong việc xuất khẩu đồ chơi đĩa bay sang Nhật, Mỹ, và châu Âu dựa trên sáng chế riêng của mình, hiện doanh nghiệp này đang đẩy mạnh kế hoạch sản xuất robot công nghiệp hàng loạt với mục tiêu đến năm 2015, sẽ xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1-2 tỷ USD.

Trong chuyến đến làm việc với công ty Robot TOSY để nghe về đề án phát triển robot công nghiệp, thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KHCN trăn trở: "Việt Nam là nước đi sau. Nếu chúng ta đi vào những lĩnh vực mà các cường quốc đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cả thế kỷ nay thì chẳng còn cách nào khác, chúng ta phải đi tắt và mạo hiểm."

"Chính phủ, bộ KHCN sẽ sẵn sàng mạo hiểm cũng doanh nghiệp nếu như, sự mạo hiểm đó có căn cứ để thành công", Thứ trưởng Lạng nhấn mạnh với TGĐ TOSY.

Sự mạo hiểm, ý chí và tham vọng của những doanh nghiệp như TOSY hay Naiscorp có thể sẽ làm thay đổi hình ảnh Việt Nam trong tương lai, một quốc gia không dậm chân tại chỗ là nước gia công, lắp ráp và xuất khẩu thô.

* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu