Thứ Sáu, 25/03/2011, 16:37 [GMT+7]
.
.

Backstreet Boys– Niềm tin đến muộn!

(Phunudoisong) - Thật ra Backstreet Boys chẳng mang được niềm tin gì trong chuyện này. Chỉ là họ đến quá muộn, quá muộn để chứng minh rằng mảnh đất Việt đủ sức tổ  chức những show diễn thật sự chất lượng. Chất lượng có nghĩa là có bán vé và có thu tiền.

3
 
À ơi Backstreet Boys

Ngay thẳng mà  nhìn nhận thì tối hôm qua 4 chàng trai nước Mỹ  mang đến Việt nam những thứ như sau: Giọng hát (không lẽ chơi playback?), một tay DJ có nghề  và… chấm hết. Không ban nhạc, không vũ công, không chiêu trò sân khấu (có nhưng không hay), tất cả những thứ đó đều do phía Việt Nam đảm trách. Điều đó nói lên chuyện gì? Tức là, với hành trang gọn nhẹ như thế, anh có thể xách vali đi bất cứ đâu trên thế giới, anh có thể dễ dàng ký kết hợp đồng với bất cứ ai và bất cứ đâu (không đặt nặng lắm chuyện tổ chức). Nếu nguồn tin không sai, thì tối hôm qua, sau show diễn, Backstreet Boys đã đi diễn thêm ở một club ở Sài Gòn (miễn là có tiền).

Vậy tại sao một show diễn mang tính gọn nhẹ như thế lại thành công (chỉ khổ phía Việt Nam trây mình làm như điên)? Đơn giản là tại danh tiếng. Nhưng danh tiếng cũng có tùy mức. Khi Madonna mới đây sang Israel trình diễn, bầu đoàn của cô lên đến cả trăm người, từ quản lý đến ban nhạc và chưa kể vài chục tấn âm thanh mang theo. Tất cả thuê hẳn hai lầu của một khách sạn hạng sang để ở… Madonna đã vào tuổi 50, hào quang đã qua nhưng danh tiếng chưa mất. Cái quan trọng là cô rất coi trọng tên tuổi của mình.

Sự xuất hiện của cả 100 con người nó khác với 19 người đến Việt Nam, nó thể hiện một đẳng cấp thật sự, một sự coi trọng người hâm mộ thật sự, cho dù anh đi show ở bất cứ nơi nào. Không biết trong vòng 1 năm rưỡi qua Backstreet Boys đi thu phục những trái tim ngây ngất ở khắp nơi ra sao và với công nghệ tổ chức đình đám thế nào nhưng việc họ xuất hiện ở Việt Nam giống như một chương trình giao lưu quốc tế nhưng ở hàng trung cấp.

Những đỉnh cao của giới tổ chức show thường tập trung vào những boysband danh tiếng nhưng điều này không thấy ở Việt Nam. Ca sĩ Thanh Lam từng kể có lần cô đi xem show Madonna ở Czech, cầm vé trong tay nhưng phải xếp hàng 8 tiếng đồng hồ mới được vào sân. Nhưng khi xem xong, mọi sự mong chờ dường như được trả đủ, không thể phấn khích hơn với công nghệ biểu diễn và tài năng giọng hát của Madonna.

Tối hôm qua khán giả đến sân vận động QK7 xem Backstreet Boys có lẽ cũng ngang ngửa khán giả đi xem Madonna ở Israel, giá vé tuy chênh lệch nhưng hạng trung bình gần như bằng nhau (50-70 USD) nhưng cách thức họ nhận về có giống nhau không? Khác đấy, nhưng cái khác có thể hiểu được rằng mô hình tổ chức của Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu xây dựng lại. Nếu bạn đã một lần đi xem show ở Thái Lan hay Singapore bạn sẽ thấy mình được đối xử ngang bằng như công chúng Mỹ. Những show của Eagles hay Maroon 5 đầy ắp khán giả, công nghệ tổ chức đỉnh cao, chất lượng âm thanh, ánh sáng miễn bàn. Đó là bởi công nghệ tổ chức biểu diễn của họ đã đi từ rất lâu, đi liên tục và phát triển.

Mai Quốc Việt, một bầu show máu mặt đã từng làm nhiều show đình đám ở Việt Nam (Bryan Adams, Sting, John Denver, Air Supply…) cho rằng nếu cứ còn manh mún, cẩn trọng thái quá, sân khấu tồi tàn… thì đừng nghĩ nữa. Công chúng thì có nhưng suốt ngày được nuôi dưỡng tinh thần bằng các show truyền hình miễn phí, các live-show đi bằng vé tài trợ… thì dù Michael Jackson có sống lại cũng chẳng dám sang Việt Nam.

Quan trọng nhất vẫn là công chúng. Công chúng hò hét khản cổ trong đêm hôm qua khi Backstreet Boys (họ chỉ mới 20 tuổi nếu tính từ 18 năm trước), hò hét, chen lấn khiến đám an ninh đổ hết cả mồ hôi. Sức mạnh ấy là có thật nhưng con đường nào cho các show diễn quốc tế có thu tiền có thể hiện diện liên tiếp ở Việt Nam? Sắp tới đây sẽ là Bob Dylan (công chúng trẻ Việt Nam nên nghe thêm nhạc của tên tuổi này), tới nữa sẽ là Super Junior, Linkin Park (nghe đồn)... 2011 có thể xem là cột mốc mới cho việc tổ chức show quốc tế tại Việt Nam. Nó đã từng bắt đầu từ 1994. 17 năm sau, đã có tất cả bao nhiêu show quốc tế đình đám (nhắc lại: có thu tiền vé) đã hiện diện ở Việt Nam?

c
 
Vĩ  thanh Backstreet Boys

Người Việt tình cảm, người Việt hay xúc động những kỉ niệm cũ. Và nhiều người Việt đã rơi nước mắt trong đêm diễn của Backstreet Boys tối hôm qua ở Sài Gòn. Khi mà công chúng thế giới được ăn hàng tươi sống bằng những show ca nhạc nổi tiếng đương thời thì chỉ cần sự xuất hiện của một nhóm nhạc đã lui về vườn gần 10 năm mà vẫn lấy được nước mắt thì đủ hiểu người Việt thích đi xem ca nhạc thế nào. Thiếu thốn quá mà ra như thế. Nhạc sĩ Thanh Tùng từng nói “Đã hết thời ăn để no mà giờ là ăn để ngon” nhưng những món ngon vẫn chưa xuất hiện dù tiền đã có sẵn trong tay.

Thực tâm bình luận thì 4 chàng trai (vẫn phải nhắc lại: họ là  những chàng trai của 20 năm trước, giờ là 4 quý  ông) đến từ nước Mỹ đã hát không còn chất như ngày xưa. Những bài hit của họ được pha giảm đi chất cuồng nhiệt, họ không dám hát hết bài mà chơi theo kiểu medley (liên khúc). Vũ đạo của họ cũng chẳng còn sexy (cho dù nhiều fan nữ vẫn cứ gào rú lên khi thấy A.J. lắc hông), giọng hát thì đã tỏ ra mệt mỏi…

c
 
Thực tâm bình luận thì khán giả Việt vẫn rất tuyệt. Những ông bố bà mẹ dắt con đi xem (con còn khá nhỏ), có cả những ông cụ bà cụ (hy vọng không phải đi bằng vé mời), có cả teen (10 năm trước khoảng chừng 3, 4 tuổi) hát khản giọng những bài mới nhất (xin cũng được nhắc lại: đừng phê phán teen không biết xem Backstreet Boys, họ có tiền và cũng có cả kiến thức cập nhật. Ví dụ ở Mỹ, teen hát thuộc nằm lòng nhiều bài của nhóm Jackson 5 vốn đã ra đám từ 30 năm trước. Ở Việt Nam nhiều teen cầm đàn hát Beatles rất có chất…).

Thực tâm bình luận là vẫn nên đánh giá cao sự xuất hiện của Backstreet Boys ở Việt Nam. Vì nó chỉ ra rằng khán giả vẫn sẵn sàng bỏ tiền đi xem nghệ sĩ trình diễn. Vì nó chỉ ra rằng, muốn ăn ngon thì phải trả tiền. Và nó cũng chỉ ra rằng, các show quốc tế đều có thể thành công nếu biết tổ chức và khai thác hiệu quả. Mà tổ chức thế nào và khai thác ra làm sao thì… chịu. Showbiz Việt đã từng có những ngày tháng thăng hoa và sau đó là băng giá, giải thích được điều ấy mới vực lại được. Backstreet Boys đến Việt Nam như một niềm tin đến muộn nhưng thà muộn còn hơn không. Vả lại với tình yêu, chẳng khi nào là muộn.

  • Minh Cường
;
;
.