Mê Bác Hồ, sinh viên tự ứng cử Quốc hội
- Bạn bè hay gọi đùa là “cụ Nghị” không chỉ vì Nghị lớn tuổi và chín chắn hơn bạn bè trong lớp mà còn vì ở đâu, lúc nào chàng sinh viên 26 tuổi này cũng chỉ thích nói chuyện chính trị, Quốc hội và các vấn đề xã hội hiện đại.

Những ngày này, bạn bè, người dân xung quanh khu Ký túc xá Đống Đa, Huế đang xôn xao chuyện của chàng sinh viên năm 4 Nguyễn Tiến Nghị (sinh viên năm 4 ngành triết học, khoa lí luận chính trị, ĐHKH Huế) có tên trong danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu quốc hội vừa được Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất.

Nghị say sưa nói chuyện chính trị.

“Từ nhỏ, mình đã rất thích nghe chuyện chính trị, nể phục các tấm gương của các nhà chính trị tài ba, đặc biệt thích theo dõi các vấn đề luận bàn của của Quốc hội. Sau này lớn lên, mình thường xuyên tìm hiểu nắm luật pháp hiến pháp, bầu cử Quốc hội.

Cho nên việc ứng cử vừa qua là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài và chín chắn về tư tưởng. Hơn nữa mình cũng được sự động viên rất lớn của thầy cô, gia đình và bạn bè” - Nghị nói.

Học từ Bác Hồ

Trong căn phòng trọ nhỏ, ngoài những tập sách vở xếp chật kín giá sách, trên chiếc bàn học nhỏ, tấm ảnh Bác được đặt ngay ngắn, và lá cờ tổ quốc trở thành vật bất li thân.

Nghị thấy mình có duyên với các hoạt động Đoàn – Đội. Những năm còn học phổ thông, cậu thường xuyên tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Lên ĐH, Nghị lại được bầu làm bí thư của lớp.

“Mình đã học được rất nhiều từ những hoạt động đó, nhất là việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến mọi người xung quanh một cách có chọn lọc và quyết đoán trong công việc” – Nghị chia sẻ.

Đọc sách trở thành thói quen hằng ngày không thể bỏ của Nghị

Những tấm giấy khen của khoa, trường và các cấp, Nghị cất giữ cẩn thận và nhắc nhở cố gắng hơn. Trong những hoạt động của khoa, trường hay các hoạt động xã hội từ thiện khác, hiếm khi thấy chàng sinh viên này chịu “bỏ cuộc” hay kém nhiệt tình.

Là con cả trong gia đình ba anh em, ba mẹ Nghị đều làm nông nên việc học hành là do tự ý thức.

Nghị cười: “Mình rất thích đọc sách nhưng vì không có điều kiện nên chủ yếu “săn” sách cũ thôi”.

Ngoài ba công trình nghiên cứu khoa học (cấp khoa, cấp trường và cấp quốc gia) được công nhận, những công trình khác chất đầy trên những kệ sách. “Bác Hồ nói: Lao động là vinh quang mà!” – Nghị cười.

“Ông Nghị” cấp phường


Bạn bè vẫn trêu Nghị là già trước tuổi bởi những suốt 4 năm học trong những cuộc ăn chơi tụ tập của giới trẻ chưa bao giờ có mặt cậu.
“Cứ làm đi, làm sai thì sửa, sai nữa thì sửa lại tới khi đâu đúng thì thôi” – Nguyễn Tiến Nghị

 Ngoài giờ học chính ở lớp, Nghị “săn” các điểm bán sách cũ để tìm tòi, sưu tầm những cuốn sách chuyên ngành, sách về chính trị, ngồi cả ngày để nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê nin, các học thuyết triết học hay tham gia các hoạt động trong khu phố.

Chàng sinh viên này còn sắm ấm pha trà nóng để dành riêng cho khách là các cụ ông quanh khu phố muốn tìm hiểu các vấn đề thời sự trong nước, quốc tế. Cứ mỗi tối đến, căn phòng nhỏ lại sôi nổi trao đổi các vấn đề thời sự xã hội.

Với ước mơ muốn trở thành một nhà chính trị, một thời gian sau khi ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc, Nghị quyết định chuyển sang ôn thi vào ngành triết học.

Nghị chia sẻ quan điểm sống của mình: “Cứ làm đi, làm sai thì sửa, sai nữa thì sửa lại tới khi đâu đúng thì thôi”.

Bài, ảnh: Tâm Anh
E-mail người nhận:
Họ tên người gửi:
E-mail người gửi:
Nội dung:
Ý kiến của bạn
E-mail |  Bản In |  Chia sẻ  
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và không quá 1000 chữ
Tin khác
,
,
© Báo VietNamNet, số 4 Láng Hạ , Quận Ba Đình, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Anh Tuấn.
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,