Tranh luận Online

Vừa làm nông, vừa làm công: tại sao không?

(VEF.VN) - Đại sứ New Zealand đã chia sẻ kinh nghiệm của của quốc gia vừa nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, vừa có những trung tâm trí tuệ, nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao.

Nhà báo Lan Hương: New Zealand đất nước của những đồng đô la Kiwi dường như vẫn còn là một ẩn số với đa số người Việt. Ít ai biết rằng hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 6/1975 nhưng tới năm 1995 thì New Zealand mới mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

Kể từ tháng 7/1994 khi Việt Nam và New Zealand kí Hiệp định thương mại tự do thì thương mại hai nước đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Gần đây nhất là Hiệp định thương mại mậu dịch tự do New Zealand - Australia - ASEAN đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 tạo nên cơ hội mới trong quan hệ song phương, di cư, hỗ trợ và xây dựng năng lực hai nước. Hiện nay Việt Nam và NZ cũng thuộc 9 quốc gia đang tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam cũng là đối tác viện trợ chính của chương trình viện trợ của New Zealand.

Cuối năm 2010, New Zealand đã tổ chức cuộc họp của Ủy Ban hỗn hợp giáo dục có các quan chức của các bên liên quan để thảo luận những cách  thức để thúc đẩy mảng hợp tác song phương rất năng động này. Để hiểu rõ hơn về quan hệ hai nước, cơ hội đầu tư cũng như cơ hội học tập tại New Zealand, hôm nay Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã mời bà Heather Mhairi Riddell, Đại sứ của New Zealand tại Việt Nam. Trước tiên chúng tôi xin gửi lời hỏi thăm sâu sắc tới đất nước New Zealand, nhất là đến những gia đình các nạn nhân của cuộc động đất hồi cuối tháng 2 tại thành phố Christchurch. Mong rằng nhân dân New Zealand có thể nhanh chóng khắc phục được hậu quả của cuộc thiên tai này.

Bà Heather Mhairi Riddell: Chúng tôi rất cảm ơn sự chia sẻ của các bạn. Đây là một thảm họa lớn đối với đất nước chúng tôi. Khi xảy ra thảm họa này chúng tôi đã nhận được rất nhiều chia sẻ, động viên từ tất cả các nước trên thế giới.

Nhân dịp này tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Việt Nam vì đã viện trợ cho New Zealand để khắc phục hậu quả của trận động đất vừa rồi. Nhân đây chúng tôi cũng muốn gửi lời chia sẻ đến nhân dân Nhật Bản, những người đã phải gánh chịu những hậu quả còn ghê gớm hơn chúng tôi, họ đã phải chịu rất nhiều mất mát tang thương vì trận động đất sóng thần vừa qua. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự cảm phục của mình tới những người dân đã phải trải qua những thời khắc khó khăn đó.

Tôi hài lòng với mọi việc đã làm

Nhà báo Lan Hương: Xin bà cho biết những điểm nhấn trong quan hệ hai nước trong thời gian qua?

Bà Heather Mhairi Riddell: Có rất nhiều điểm nhấn trong quan hệ song phương giữa hai nước trong thời gian qua. Tôi rất may mắn được tới Việt Nam vào giữa năm 2009. Điểm nhấn đầu tiên trong quan hệ hai nước là chuyến thăm New Zealand của nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh thế mạnh trong mối quan hệ về chính trị giữa hai nước.

Năm 2010 là năm có dấu ấn rất quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước vì đó là năm đánh dấu mốc kỉ niệm 35 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước. Trong năm này Thủ tướng New Zealand John Key đã tới thăm Việt Nam vào tháng 7/2010 và cuối năm 2010 để tham dự Hội nghị Đông Nam Á. Đây là một sự kiện rất đặc biệt vì hiếm khi một Nguyên thủ quốc gia lại tới thăm một đất nước tới hai lần trong cùng một năm.

Năm 2009, lãnh đạo hai nước đã quyết định nâng quan hệ hai nước lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Năm ngoái, chúng tôi đã kí một quyết định để đẩy mạnh quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực không chỉ là kinh tế, thương mại đầu tư mà cả trong hải quan, cảnh sát, khoa học công nghệ, viện trợ...

Đại sứ New Zealand Heather Mhairi Riddell tại studio của VietNamnet. Ảnh: Phạm Hải

Thực ra để nói về mối quan hệ thương mại thì tôi sẽ trả lời chi tiết hơn vào phần sau nhưng tôi muốn nói là trong năm 2010 đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand. Điều này đã tạo ra một khuôn khổ trong quan hệ giữa hai nước.

Giáo dục luôn là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand. Chúng tôi đang tiếp tục phát triển mối quan hệ đó thông qua việc khong chỉ cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang New Zealand du học mà ngày càng có nhiều sinh viên tự túc sang New Zealand, chọn đây là điểm đến của họ. Mối quan hệ giữa các trường học tại Việt Nam và New Zealand  cũng ngày càng được tăng cường.

Hợp tác giữa hai nước được tăng cường không chỉ trong những lĩnh vực mà tôi vừa nêu mà cả trong quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, mối quan hệ viện trợ. Chúng tôi tiếp tục tăng cường mối quan hệ này thông qua việc cung cấp những cơ hội học bổng, đào tạo tiếng Anh, các dự án mà chúng tôi đã triển khai như ở Bình Định hay Gia Lai.

Nhà báo Lan Hương: Bà có thể chia sẻ những ưu tiên của bà trong nhiệm kỳ là Đại sứ của mình? Trong suốt 18 tháng đảm nhiệm vai trò Đại sứ tại Việt Nam bà thấy tâm đắc nhất với việc gì và có thể chia sẻ những việc gì sẽ được thực hiện cho tới khi hết nhiệm kỳ?

Bà Heather Mhairi Riddell: Tôi tâm đắc với mọi thứ mà tôi đã làm ở Việt Nam. Tại Việt Nam mối quan hệ làm việc rất năng động. Tôi nhận thấy mối quan hệ giữa hai nước rất nồng ấm và thân thiện. Mặc dù hai nước khác nhau nhưng lại có sự tương đồng trong cách nhìn nhận nhiều vấn đề. Tôi có thể nói ưu tiên lớn nhất của tôi cũng như nhiều nhà ngoại giao khác là thúc đẩy mối quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước đặc biệt là trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand.

Điều tôi mong muốn là làm sao doanh nghiệp của cả hai nước hiểu và tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định này mang lại cho họ.

Tôi xin được nói thêm về lĩnh vực giáo dục. Vì đây là nền tảng rất quan trọng cho mối quan hệ song phương giữa hai nước. Tôi rất mong sẽ mở rộng mối quan hệ đó, khuyến khích các cơ sở đào tạo của Việt Nam và New Zealand thiết lập những chương trình hợp tác đào tạo. Hơn nữa cũng cần có sự giao lưu giữa những nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực giáo dục từ đó chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy mối quan hệ hơn nữa.

Chúng tôi cũng mong muốn nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn về nhân dân New Zealand và ngược lại.

Chúng tôi hi vọng qua việc hợp tác giáo dục thì sinh viên hai nước có thể nâng cao được kiến thức. Sắp tới đây, trong một khoảng thời gian ngắn, chương trình "Kì nghỉ làm việc" giữa Việt Nam và New Zealand sẽ được thực hiện. Chương trình này giúp cho những sinh viên hai nước vừa có thể học tập, vừa có thể tìm hiểu những kiến thức khác về đất nước bạn.

Về du lịch, tôi hi vọng cho tới hết nhiệm kỳ của mình tôi có thể thúc đẩy được nhiều người New Zealand tới Việt Nam du lịch vì theo thống kê của tôi mỗi năm có khoảng 15.000 người New Zealand đến Việt Nam du lịch và tôi hi vọng con số du khách New Zealand sẽ tiếp tục tăng nữa.

Ưu tiên cuối cùng trong nhiệm kỳ của tôi đó là New Zealand mong muốn sẽ hợp tác với Việt Nam như một thành viên của ASEAN. Năm ngoái Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN rất thành công, trong dịp đó New Zealand cũng tổ chức lễ kỉ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam- New Zealand và New Zealand- ASEAN.

Việt Nam và New Zealand cũng thuộc 9 nước đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì thế tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ thúc đẩy được mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực này.

Nhà báo Lan Hương: Hiện nay toàn thế giới đang đối mặt với khủng hoảng. Bà có cảm nhận được sự thay đổi của Việt Nam kể từ lần đầu tiên bà đến Việt Nam tới bây giờ? Theo bà sự thay đổi, biến động về kinh tế, chính trị trên thế giới có tác động như thế nào tới kinh tế của Việt Nam?

Bà Heather Mhairi Riddell: Mặc dù trong thời gian qua nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng cao, và nếu đem so sánh tương quan thì Việt Nam là một nước có tốc độ phát triển mạnh. Trải qua những biến động thì chúng ta càng thấy được rõ hơn tầm quan trọng của những nền kinh tế ở châu Á. Việt Nam là một nền kinh tế nằm trong khu vực châu Á. Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất mạnh, vươn lên trở thành một nước có mức thu nhập trung bình.

Bài học mở cửa từ New Zealand

Nhà báo Lan Hương: Độc giả Nguyễn Khánh Ngọc có câu hỏi là Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand đã có hiệu lực hơn 1 năm. Vậy New Zealand đã có đánh giá gì về khoảng thời gian thực hiện hiệp định này chưa và có sự chuyển biến nào trong quan hệ thương mại giữa hai nước chưa?

Bà Heather Mhairi Riddell: Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và New Zealand có sự tăng trưởng về khối lượng. Năm 2010 kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 63%, tăng trưởng về hàng xuất khẩu từ New Zealand sang Việt Nam tăng hơn 50%, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 67%. Nếu so sánh tương quan với các đối tác thương maiị có cùng quy mô và diện tích như New Zealand thì đây có thể coi là sự tiến bộ đáng kể.

Nhà báo Lan Hương: Để thực thi Hiệp định FTA Hàn Quốc đã có những chương trình hợp tác hỗ trợ các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam để triển khai. Vậy New Zealand có chính sách hỗ trợ năng lực thực thi Hiệp định thương mại ASEAN - Australia - New Zealand hay không?

Bà Heather Mhairi Riddell: Trong Hiệp định đó có một chương về hợp tác kinh tế, thời hạn thực thi là 5 năm trong đó có số tiền hỗ trợ thực thi hiệp định này cho các nước đang phát triển, tổng kinh phí hỗ trợ là từ 20-25 triệu AUD. Khi có hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand, nhiều cơ hội được mở ra cho các doanh nghiệp nhưng liệu các doanh nghiệp có thể nắm bắt được những cơ hội đó hay không thì còn rất nhiều việc phải làm.

Hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand là một hiệp định hướng tới tương lai, ở trong hiệp định này không chỉ đề cập tới vấn đề tự do hóa thương mại, giảm thuế mà còn bàn đến các lĩnh vực đầu tư thương mại, dịch vụ. Còn rất nhiều cơ hội trong hiệp định này mà chúng ta chưa khai thác.

Theo số liệu thống kê, New Zealand xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là sữa, Việt Nam xuất sang New Zealand chủ yếu là quần áo may mặc hay đồ gia đình. Chúng tôi nghĩ cơ hội mở ra là rất nhiều cho các doanh nghiệp của hai nước và cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tôi nghĩ hiện tại là quá sớm để có thể nói hết được về những cơ hội có thể mở ra cho chúng ta.

Nhà báo Lan Hương: Trong những năm gần đây nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời cảnh báo cho Việt Nam về bẫy thương mại tự do. Có thể hiểu là những nước đi sau, kém hơn về công nghệ, nếu không nhanh chóng tăng được năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp tiềm năng thì khi dỡ bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan và phi thuế quan thì hàng xuất khẩu của các nước phát triển hơn sẽ tràn vào. Vậy những nước như Việt Nam không còn cơ hội tiến sâu hơn, để chuyển dịch kinh tế. Bà có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Bà Heather Mhairi Riddell: Hiệp định ASEAN - Australia - New Zealand cho phép các nước đang phát triển có lộ trình cắt giảm thuế linh hoạt. New Zealand được coi là một nền kinh tế mở cửa tự do. Những năm 80, New Zealand vẫn là một nền kinh tế khép kín nhưng sau đó chúng tôi đã mở cửa, thực hiện tự do hóa thương mại và bây giờ New Zealand đã trở thành một nền kinh tế mở cửa và cạnh tranh nhất trên thế giới. Chúng tôi đã tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh.

Tôi biết là với Việt Nam cũng có ưu tiên điều chỉnh thuế tới năm 2020 trong hiệp định này. Còn rất nhiều việc phải làm nhưng thông điệp của chúng tôi muốn nói là chúng ta thực hiện được việc gì thì nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Nhà báo Lan Hương: Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand hiện tại chủ yếu là nông sản hoặc các sản phẩm gia công. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam đang có một khao khát là được tham gia cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, điều này có nghĩa là Việt Nam mong muốn phát triển những ngành công nghệ cao. Theo bà Việt Nam nên tập trung vào các ngành nào?

Bà Heather Mhairi Riddell: Cách đây 20 năm, New Zealand cũng từng trải qua chặng đường tương tự như Việt Nam hiện tại, nhưng để phát triển một nền kinh tế sáng tạo cần rất nhiều yếu tố. Không chỉ là việc thực hiện tự do hóa thương mại hay dỡ bỏ các hàng rào thương mại, dỡ bỏ các biện pháp cản trở nền kinh tế mà chúng ta cần phải tạo ra sự cạnh tranh trong nền kinh tế, đấy là một trong những việc phải làm trong lộ trình cụ thể của chúng tôi.

Nền kinh tế sáng tạo phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố giáo dục, chúng ta phải phát triển giáo dục  như thế nào để khuyến khích sự sáng tạo, sự trao đổi ý tưởng, về việc phát triển những tiêu chuẩn  đánh giá quốc tế.

Điều then chốt để có được nền kinh tế sáng tạo là phải phát triển việc nghiên cứu, xóa bỏ sự điều tiết bảo hộ, tăng cường cạnh tranh của các doanh nghiệp, buộc họ phải sáng tạo để có thể tồn tại trên trường quốc tế.

Nhà báo Lan Hương: Hiện tại có nhiều doanh nghiệp New Zealand đầu tư vào Việt Nam không, họ đầu tư vào những lĩnh vực nào và họ đánh giá như thế nào về mội trường đầu tư tại Việt Nam?

Bà Heather Mhairi Riddell: Thực ra đầu tư của New Zealand vào Việt Nam vẫn còn thấp. Tôi có thể kể tới dự án đầu tư chính của New Zealand là đầu tư về giáo dục dưới hình thức là có một trường quốc tế tại TP HCM với tổng trị giá 35 triệu USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của New Zealand  trên lĩnh vực giáo dục. Tôi nghĩ đây là dự án giáo dục nước ngoài được đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam.

Đối với mỗi doanh nghiệp New Zealand khi quyết định đầu tư vào đâu thì họ thường xem xét đến các yếu tố thuận lợi cho đầu tư, ở đó có tồn tại quan liêu, tham nhũng không, ở đó có gì bất lợi cho công việc đầu tư, kinh doanh của họ hay môi trường đầu tư có cạnh tranh lành mạnh hay không, có minh bạch hay không.

Tóm lại các nhà đầu tư New Zealand cũng như các nhà đầu tư của các nước khác khi nhìn nhận môi trường đầu tư ở bất kỳ đâu, chứ không chỉ ở Việt Nam, họ đều mong muốn có một sân chơi bình đẳng. Ngoài ra, họ cũng xem xét đến tiêu chuẩn chất lượng lao động ở môi trường đó như thế nào/ Đó là những tiêu chí đánh giá cơ bản của các nhà đầu từ New Zealand khi nhìn nhận và đánh giá môi trường đầu tư.

Nhà báo Lan Hương: Doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào New Zealand thì cần tìm hiểu thông tin ở đâu?

Bà Heather Mhairi Riddell: Đây là một câu hỏi rất hay. Chúng tôi rất khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào New Zealand bởi vì môi trường đầu tư ở New Zealand rất thông thoáng và chúng tôi là một trong những môi trường đầu tư hàng đầu thế giới về việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp khi họ đầu tư vào. Chúng tôi rất khuyến khích doanh nghiệp Việt vào New Zealand đầu tư vào nhiều lĩnh vực và cơ quan NZTE là cơ quan xúc tiến thương mại và phát triển doanh nghiệp của New Zealand có văn phòng đại diện ở TP HCM. Ở đó có tổng lãnh sự quán và văn phòng cơ quan xúc tiến thương mại và phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời địa chỉ thứ 2 mà các doanh nghiệp có thể liên hệ là Hội đồng đầu tư khu vực ở Singapore. Chúng tôi có thể cung cấp chi tiết email, điện thoại, fax đối với bất kỳ độc giả nào và trả lời bất kỳ câu hỏi của độc giả nào quan tâm đến vấn đề này tôi sẽ gửi thông tin chi tiết để liên hệ.

Cần những trung tâm trí tuệ

Nhà báo Lan Hương: Việt Nam có  lực lượng lao động rất trẻ và dồi dào. Vậy liệu New Zealand có phải là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng cho VN hay không và cần những điều kiện như thế nào?

Bà Heather Mhairi Riddell: New Zealand không có chương trình tiếp nhận lao động tay nghề thấp hoặc lao động nhập cư. Chúng tôi có những quy định và tiêu chí cụ thể. Quý vị có thể vào trang web của Đại sứ quán NZ để xem xét, trong đường dẫn làm việc tại NewZealand. Ở đó các bạn sẽ có thể xem xét những tiêu chí cụ thể đối với từng ngành nghề mà chúng tôi yêu cầu đối với lao động khi sang NZ.

Trong Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand, chúng tôi có những điều khoản song phương cụ thể. Ví dụ như với Việt Nam là tôi xin làm rõ một chút vì ở đây thường hay có sự hiểu nhầm. Đó là chúng tôi có thể cấp visa cho tối đa là 100 đầu bếp và 100 kỹ sư sang New Zealand làm việc trong thời gian 3 năm. Nhưng để tham gia được vào chương trình này thì điều kiện là người lao động đó phải nhận được thư đề nghị việc làm cố định, chính thức và chắc chắn của 1 nhà tuyển dụng của New Zealand. Thứ nữa là người đó phải đáp ứng đc những tiêu chí đặt ra của nhà tuyển dụng.

Nhà báo Lan Hương: Cơ hội việc làm với sinh viên sau khi tốt nghiệp hoặc học cao học ở New Zealand như thế nào?

Bà Heather Mhairi Riddell: Thật khó đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này bởi vì điều đó còn tuỳ thuộc vào bản chất khoá học của SV Việt Nam. Nếu SV tham gia vào khoá học tiếng Anh thì ko thể kiếm việc đc ở New Zealand nhưng nếu SV đó tham gia vào một khoá học chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể nào đó thì mới có cơ hội việc làm ở New Zealand. Ở New Zealand, chúng tôi cho phép thị thực làm việc ở New Zealand khi SV tốt nghiệp có thể ở lại New Zealand tối đa là 1 năm để tìm việc và ngoài việc tuỳ thuộc vào bản chất khoá học mà SV đó lựa chọn ở New Zealand thì còn phụ thuộc vào yêu cầu về nguồn nhân lực bên phía New Zealand nữa.

Nhà báo Lan Hương: New Zealand đã từng phải đối mặt với nạn chảy máu chất xám (brain drain) nhưng những năm gần đây có một xu hướng đảo chiều là New Zealand ngày càng thu hút nhiều nhà khoa học, trí thức từ Châu Á và Châu Âu (brain gain). Vậy bà có thể chia sẻ kinh nghiệm thu hút nhân tài của New Zealand ko?

Bà Heather Mhairi Riddell: Đây là một câu hỏi rất hay nhưng tôi nghĩ là khó có thể đưa ra một câu trả lời ngắn gọn và đơn giản. Tôi cũng rất vui khi thấy xu hướng đảo chiều New Zealand ngày càng thu hút được nhiều nhà khoa học và trí thức tới làm việc.

Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi cũng chỉ trả lời câu hỏi này một cách phỏng đoán thôi. Để thu hút được nhiều nhân tài thì New Zealand đã phát triển những trung tâm chất lượng cao, trung tâm trí tuệ. Tôi nghĩ đó là tập hợp các yếu tố.

Vừa làm nông nghiệp, vừa làm công nghệ

Nhà báo Lan Hương: Được biết là New Zealand luôn coi Việt Nam là đối tác chính trong các chương trình viện trợ. Cách đây một vài tuần thì Chính phủ Anh đã tuyên bố cắt viện trợ song phương với Việt Nam tới năm 2016 vì theo quan điểm của Chính phủ Anh là Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt là việc Việt Nam đã gia nhập các quốc gia có thu nhập trung bình. Nhưng rõ ràng là kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và chúng tôi mới chỉ là nước có thu nhập trung bình thấp thôi (khoảng hơn 1000 USD). Vậy thì sắp tới Chính phủ New Zealand có điều chỉnh gì đối với Việt Nam hay ko?

Bà Heather Mhairi Riddell: Chúng tôi đang xem xét kỹ chương trình hỗ trợ phát triển của New Zealand để phù hợp với ưu tiên cho Việt Nam, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên việc đó đang được xem xét và còn tuỳ thuộc vào sự đối thoại của chúng tôi với các cơ quan hữu quan của Việt Nam.

Bên cạnh mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với New Zealand thì chúng tôi cũng nhìn tổng thể mối quan hệ giữa ASEAN và New Zealand vì Việt Nam là thành viên của ASEAN. Chính vì vậy mà chúng tôi đã có chương trình học bổng ASEAN - New Zealand. Chương trình này đã tập trung vào nhiều lĩnh vực ưu tiên của VN và chúng tôi mở cho tất cả các đối tượng. Các bạn có thể nộp đơn xin học bổng này.

Có thể nói là ngoài việc cung cấp học bổng cho SV, nghiên cứu sinh sau ĐH của VN thì chúng tôi còn có những chương trình viện trợ khác như quản lý rủi ro, thảm hoạ hay ngoại giao nông nghiệp. Đây là 1 sáng kiến mới. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải tìm hiểu khả năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này vì chúng tôi biết nông nghiệp cũng là một lĩnh vực quan trọng với Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn là New Zealand đem những kỹ thuật nông nghiệp của mình sang áp dụng và trao đổi với Việt Nam.

Nhà báo Lan Hương: Một số chuyên gia cho rằng thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, nhưng hiện nay Việt Nam lại muốn đầu tư vào những ngành công nghệ cao. Có một số ý kiến phản biện cho rằng tại sao chúng ta không đầu tư vào nông nghiệp để phát huy thế mạnh này trong khi đầu tư vào công nghệ cao khó cạnh tranh với các nước khác. Vậy theo bà điều này như thế nào và VN sẽ nhận đc hỗ trợ gì từ phía New Zealand?

Bà Heather Mhairi Riddell: Thực ra tôi ko muốn nói là Việt Nam nên đầu tư vào cái này hay cái kia. New Zealand cũng xuất phát từ ngành nông nghiệp. Nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu của New Zealand  và chúng tôi cũng đã trải qua quá trình hiện đại hoá và phát triển nông nghiệp để có thể cạnh tranh trên thế giới.

Theo tôi nghĩ thì việc chúng ta củng cố, tăng cường và phát huy thế mạnh của mình cũng là 1 việc làm tốt. Nếu có những đầu tư phù hợp với ngành nông nghiệp thì tôi nghĩ nó sẽ đem lại những lợi nhuận, lợi ích đáng kể cho VN thông qua các sản phẩm nông nghiệp.

Như các bạn biết thì hình ảnh của New Zealand là hình ảnh của 1 nước xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp và chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực đó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đầu tư phát triển những ngành công nghệ mới, những ngành công nghệ cao. Chúng tôi cũng được biết đến như là một nước có môi trường xanh, sạch. Chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và cũng đã có những lợi thế so sánh nhất định trên thế giới và chúng tôi khuyến khích cách tiếp cận đa dạng hoá thay vì chỉ đầu tư vào ngành nông nghiệp. Tôi nghĩ như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Nhà báo Lan Hương: Trong quá trình phát triển, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn đề môi trường. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo: Nếu không tính toán kỹ, Việt Nam có thể chấp nhận một sự đánh đổi của việc phát triển và vấn đề ô nhiễm môi trường. Vậy bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm của New Zealand trong việc vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường?

Bà Heather Mhairi Riddell: Tôi nghĩ đây là vấn đề rất phức tạp. Bản thân tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực này nhưng tôi nghĩ đây là một vấn đề mà chúng ta có thể bàn bạc chi tiết hơn khi chúng tôi có những chuyên gia về lĩnh vực này để có thể trao đổi và toạ đàm cùng quý vị.

Tôi nghĩ là Việt Nam và các nước phát triển khác cũng phải cố gắng tìm cách tránh việc phải đánh đổi như vậy để làm sao hướng tới sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Chúng ta phải luôn luôn xem xét những giải pháp để có thể giải quyết đc tình trạng đó.

Với New Zealand thì vấn đề bảo vệ môi trường rất quan trọng. Động lực cơ bản khi chúng tôi hoạch định chính sách là việc bảo vệ môi trường nhưng cũng hạn chế tối đa những áp lực gây ra cho doanh nghiệp.

New Zealand cũng luôn luôn tìm cách cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là làm sao tìm thấy sự cân bằng. Một mặt là giảm tối đa việc gây ô nhiễm môi trường, mặt khác là tăng trưởng kinh tế.

Ở đây tôi muốn nói tới vấn đề là sự hợp tác giữa chính phủ hai nước dựa trên sáng kiến của New Zealand. Đó là sáng kiến thành lập Liên minh nghiên cứu toàn cầu về cắt giảm khí thải hiệu ứng nhà kính. Mục đích là cắt giảm tối đa lượng khí mà hiệu ứng nhà kính thái ra. Nhưng chúng tôi cũng phải ghi nhận 1 thực tế là sản xuất nông nghiệp cũng hết sức quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Chính vì vậy mà tôi muốn nhấn mạnh việc chúng ta luôn luôn phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Rộng mở cơ hội học bổng

Nhà báo Lan Hương: Hiện nay có rất nhiều SV VN có ước mơ đến New Zealand du học. Bà có thể cho biết những lĩnh vực nào là lĩnh vực đào tạo thế mạnh của New Zealand?

Bà Heather Mhairi Riddell: Thực ra mảng đào tạo ĐH của New Zealand nhỏ hơn so với Việt Nam vì chúng tôi chỉ có 8 trường ĐH. Mặc dù chúng tôi có ít trường ĐH như vậy thôi nhưng chúng tôi cũng có rất nhiều cơ hội học tập cũng như nhiều lĩnh vực học tập cho SV quốc tế.

Tôi thấy chất lượng tại 8 trường ĐH tại NZ đều rất tốt. Vì thế thật ko công bằng nếu như nói trường nào hơn trường nào vì mỗi trường có một thế mạnh riêng của họ.

Các bạn trực tiếp vào trang web của các trường tra xem đâu là thế mạnh của trường đó. Bởi vì có trường có thế mạnh về những môn liên quan đến kinh tế, kinh doanh hay có những khoa nghiên cứu chuyên môn về nông nghiệp. Vì vậy, câu trả lời tốt nhất của chúng tôi là các bạn vào trang web của các trường để tham khảo

Tôi nghĩ là các bạn có thể tra Google tìm địa chỉ trang web của Đại sứ quán New Zealand, trong đó chúng tôi có 1 đường dẫn là học tập ở NewZealand. Các bạn có thể vào đó, tiếp theo có những đường dẫn cụ thể để tra cứu những trường học và khoá học mình quan tâm hoặc có thể trực tiếp liên hệ với chúng tôi để chúng tôi có những hướng dẫn cho các bạn

Nhà báo Lan Hương: NewZealand có những học bổng nào đối với SV quốc tế nói chung và SV Việt Nam nói riêng?

Bà Heather Mhairi Riddell: Chúng tôi có 1 số chương trình học bổng nằm trong chương trình viện trợ của New Zealand, như tôi vừa nói là chúng tôi có chương trình học bổng ASEAN - New Zealand. Quý vị quan tâm có thể liên hệ với Đại sứ quán New Zealand để tìm hiểu về chương trình học bổng này. Hãy liên hệ sớm với chúng tôi. Các bạn có thể liên hệ qua email hoặc gặp gỡ trực tiếp chúng tôi để trao đổi thông tin về học bổng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có chương trình cấp học bổng cho cán bộ, công chức của Việt Nam tham gia các khoá đào tạo tiếng Anh ở New Zealand. Để biết rõ hơn về chương trình này cũng như lĩnh vực nào mình có thể tham gia thì quý vị có thể liên hệ với chúng tôi.

Nếu quý vị muốn biết chi tiết hơn hoặc muốn trao đổi kỹ hơn về bất kỳ nội dung nào trong những vấn đề chúng ta vừa trao đổi, quý vị có thể liên hệ với Đại sứ quán. Chúng tôi luôn sẵn lòng và rộng mở chào đón quý vị.

Nhà báo Lan Hương: Xin cảm ơn bà đại sứ Heather Mhairi Riddell vì buổi trò chuyện thú vị ngày hôm nay. Qua buổi bàn tròn trực tuyến này, chắc chắn độc giả đã có thêm nhiều thông tin về đất nước, những cơ hội đầu tư và cơ hội học tập tại New Zealand.

Bà Heather Mhairi Riddell: Xin cảm ơn các độc giả đã quan tâm và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Xin cảm ơn VietNamNet đã tạo cơ hội để tôi được tham gia buổi bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay.

 

* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu