“Không thể phát ấn trong một cái lồng sắt”!

29/03/2011 15:35:38
- Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền lý giải, việc phát ấn Đền Trần hình thành cùng quá trình Thánh hóa Trần Hưng Đạo. Đó là tín ngưỡng, vì thế, không nên cấm. Trong khi, theo TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, dứt khoát nên dừng hẳn việc phát ấn vì đây là cải biên lịch sử.

LTS: Dừng hay không dừng phát ấn Đền Trần, nếu vẫn phát ấn thì nên làm như thế nào…, đó là những vấn đề chính các nhà chuyên môn cũng chưa thống nhất. Để rộng đường dư luận, Bee xin đăng những ý kiến này.

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền: Không dừng phát ấn nhưng phải giữ tính thiêng

Đến thời điểm này, chưa tìm được cứ liệu lịch sử nào chứng tỏ sự tồn tại của lễ phát ấn Đền Trần. Tuy nhiên, nếu vì thế mà quyết định dừng phát ấn Đền Trần, sẽ rất khó thực hiện.

Hiện tượng này dù không có nguồn gốc rõ ràng trong lịch sử nhưng không thể phủ nhận nó đã tồn tại trong lịch sử. Trong tâm linh dân gian, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm, mà Ngài đã được Thánh hóa, trở thành Đức Thánh Trần cứu giúp dân lành, đặc biệt là phụ nữ thoát khỏi sự quấy ám của tà ma, gây ra nạn vô sinh hay hữu sinh vô dưỡng. Ông còn được cho là thần chữa bệnh, sát quỷ, cầm cân nảy mực trong việc buôn bán và cả là thần nông nghiệp… Cùng với sự phát triển của xã hội, ước vọng của người dân bị chuyển hóa quá đà, nhuốm màu mê tín dị đoan, dẫn tới cả việc mong muốn chuyện thăng quan tiến chức.

Phòng phát Ấn được dựng khung sắt khá kiên cố
Phòng phát ấn được dựng khung sắt kiên cố

Việc phát  ấn Đền Trần hình thành trong quá trình Thánh hóa Trần Hưng Đạo. Nó tồn tại trong lịch sử theo yêu cầu của tín ngưỡng.

TIN LIÊN QUAN
Nhưng xin ấn không có nghĩa là tranh cướp, chộp giật, chen lấn nhau như mấy năm gần đây. Đã là một hiện tượng thuộc tín ngưỡng thì cần phải tạo cho nó sự thiêng liêng. Đối những người phát ấn, họ đại diện cho Đức Thánh Trần ban phúc lành cho nhân gian, không thể lấy tiền vô tội vạ như thế được. Một cái ấn tính ra giá chừng 5 đến 10 ngàn đồng, lại thu tiền gấp quá nhiều lần như hiện nay là không được.

Khi phát ấn, phải có sự chứng giám của thần thánh. Như nghi thức lên đồng phải thực hiện trước bàn thờ Mẫu thì việc phát ấn phải có sự chứng giám của Đức Thánh Trần, phải thực hiện ở trước bàn thờ. Không thể phát ấn trong một cái lồng/cũi như hiện nay được.

Đối với người muốn xin ấn, nên đăng ký trước và chỉ  định thời gian nhận ấn. Cũng không nhất thiết chỉ phát ấn trong một ngày cố định. Nhu cầu của người dân là có thật, thay vì cấm (mà có cấm cũng rất khó vì người ta có thể giấm giúi phát ấn, như vậy còn dễ dẫn tới những tiêu cực khác nữa), hãy tổ chức phát ấn đàng hoàng và trật tự hơn.

TS Trần Đức Anh Sơn: Nên dừng hẳn

Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, sử liệu không đề cập tới nghi lễ này. Dường như, chúng ta chỉ nghe một vài giai thoại, huyền tích rồi phục dựng một nghi lễ không rõ gốc tích. Như vậy, chúng ta cải biên lịch sử chứ không phải tái hiện lịch sử. Mà lịch sử thì chỉ có một, không nên bịa đặt, xuyên tạc và làm méo mó lịch sử.

Thứ hai, việc phát  ấn Đền Trần trong những năm qua đã để lại biết bao hệ lụy: nạn mê tín; nạn tôn sùng tệ mua quan bán tước; nạn chen lấn xô đẩy làm mất an ninh trật tự, mất vẻ mỹ quan của di tích, không gian thờ tự linh thiêng bị đám người trần mắt thịt háo danh làm cho ô uế… Và nguy cơ xảy ra thảm họa là rất cao. Đó là chưa kể đến các tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, móc túi, lợi dụng nơi đông người để sàm sỡ…

Vì thế, theo tôi, nên dừng phát ấn Đền Trần, dừng hẳn chuyện phát ấn Đền Trần.

P.V (ghi)
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.