Thứ tư, 30/3/2011, 09:54 GMT+7

Bộ trưởng Tư pháp: 'Bất ngờ vì dự luật thủ đô bị bác'

Chiều 29/3, vài phút sau khi dự luật thủ đô không được thông qua, trao đổi với báo chí Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đồng thời là Trưởng ban soạn thảo dự luật, cho biết ông hơi bất ngờ trước quyết định này, nhưng cũng thấy Quốc hội rất dân chủ.
> Quốc hội không thông qua dự luật thủ đô

Ảnh: Tiến Dũng.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Tiến Dũng.
- Với tư cách là trưởng ban soạn thảo dự luật thủ đô, tâm trạng của ông ra sao khi Quốc hội không thông qua dự luật này?

- Tôi cho quyết định này có 2 mặt. Thứ nhất, với trách nhiệm của ban soạn thảo, trách nhiệm với thủ đô, và đặc biệt là gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đương nhiên là tôi không vui, hơi bất ngờ. Còn với tâm trạng khác, tôi lại thấy Quốc hội rất dân chủ, thể hiện chính kiến bằng lá phiếu của mình.

- Nhiều đại biểu cho rằng luật này vẫn còn non nên dẫn đến kết quả ngày hôm nay. Ông đánh giá thế nào về nhận định đó?

- Tôi cho là hoãn đến kỳ họp này còn non gì nữa.

- Dự luật này không được thông qua đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước dành cho công tác biên soạn luật bị lãng phí. Ông nghĩ gì về điều này?

- Cũng không hoàn toàn như thế. Một đạo luật không được thông qua cũng là điều bình thường khi Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ. Hơn nữa, ngân sách dành cho xây dựng pháp luật đâu có gì ghê gớm. Tổng cộng ngân sách nhà nước chi chỉ 400 triệu đồng cho dự luật thủ đô. Còn công sức những người soạn thảo, chi phí hành chính… cộng vào tất nhiên là nhiều. Tôi nghĩ, càng nhiều công sức, càng gia công nhiều, sau này Quốc hội thông qua thì cũng xứng đáng.

Ảnh: Tiến Dũng.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội bấm nút biểu quyết dự luật thủ đô. Ảnh: Tiến Dũng.

- Luật thủ đô đã một lần bị hoãn và nay lại không được thông qua. Ông thấy có hướng nào để luật này thuyết phục được Quốc hội khóa tới?

- Điều này còn phụ thuộc vào Hà Nội cũng như quan điểm của Chính phủ. Tới đây, với trách nhiệm của ban soạn thảo, chúng tôi sẽ phải báo cáo với Chính phủ. Hà Nội cũng phải báo cáo ý kiến xem tiếp tục dự luật này thế nào. Khi Chính phủ thảo luận, cho ý kiến, cũng phải xem Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ra sao. Nhưng tinh thần tôi hiểu Quốc hội không thông qua dự luật thủ đô lần này, chứ không phải là vĩnh viễn không thông qua.

- Ban soạn thảo đã rút ra bài học gì sau việc này?

- Tôi cho là các ngành của Hà Nội đã hết sức cố gắng. Mình phải trân trọng sự cố gắng đó. Còn một đạo luật không được Quốc hội thông qua, không có nghĩa là mọi việc đã mất đi, đã lãng phí, không có nghĩa là trách cứ anh em.

Tiến Dũng ghi

Ý kiến bạn đọc () Sắp xếp theo:

Nhìn nhận vấn đề phải khách quan, thực tế

Khi một công trình không được chấp nhận người xây dựng công trình phải biết chấp nhận và phải tự đặt ra câu hỏi tại sao ý tưởng của mình quá "tốt", quá thiết thực sao lại không được công nhận. Nếu như việc mình làm có ích thật sự thì ta phải bảo vệ nó đến cùng, làm rõ vấn đề hơn, nó phải được chấp nhận. Mà riêng về luật có tác như thế nào trong đời sống xã hội, khi được đưa ra bàn luận trước bàn dân thiên hạ mà không được chấp nhận, phải nghiên cứu thật kỹ thật khách quan, đừng nên chủ quan thái quá?

(Võ Thành Công)


Không có gì bất ngờ

Việc luật không được thông qua không có gì là bất ngờ cả. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, với tư cách Trưởng ban soạn thảo, phải xem lại vì sao không được thông qua. Đà Nẵng, TP HCM đâu có cần luật riêng mà vẫn làm tốt.

(uan)


Can cớ gì Hà Nội lại có luật riêng

Không rõ luật riêng cho Hà Nội là "thắt" để quản lý cho chặt, hay "thoáng" hơn để dễ bề tung hoành phát triển. Nhưng xét cho cùng, cả thái hai cực ấy đều không thể chấp nhận. Nếu "chặt" hơn để tránh sai sót, tiêu cực trong điều hành, thì đâu chỉ áp với một thủ đô. Còn như rộng rãi hơn để dễ bề phát triển, thì càng nên áp cả cho các địa phương khác chứ. Đã là luật phải nghiêm cho cả nước, cho mọi người, mọi tổ chức trên mọi địa bàn. Vậy can cớ gì, Hà Nội lại có luật riêng.

(ngyen viet)


Hoan hô Quốc hội

Dù không phải người Hà Nội hay đang sống và làm việc tại Hà Nội nhưng tôi thấy, thêm một lần nữa Quốc hội đã làm thuận lòng dân. Đây là nền tảng của việc lấy dân làm gốc. Vì không chỉ riêng gì Luật Thủ đô mà tất cả các dự luật khác cũng nên xem xét kỷ lưỡng trước khi thông qua.

(Nguyễn Xuân Tánh)


Quá nhiều luật

Chúng ta đã có quá nhiều bộ luật rồi. Nhưng nhìn chung là chưa đâu vào đâu cả, còn rất nhiều kẽ hở. Thay vì ban hành những bộ luật mới, chúng ta nên làm cho những bộ luật hiện có hoàn chỉnh hơn. Quan trọng hơn nữa, Luật Thủ đô hình như sẽ gây cho người dân một cảm giác gì đó ngăn cách, giống như câu phát biểu của một đại biểu Quốc hội: "Đừng biến thủ đô thành khu tự trị".

(truongluy)


Một thủ đô mạnh khi có các địa phương mạnh

Tôi rất vui vì Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm trước nhân dân khi không thông qua dự luật thủ đô. Tôi nghĩ, có rất nhiều điều cần làm liên quan đến công tác lập pháp, đặc biệt là việc thường xuyên rà soát, ban hành các bộ luật để thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương còn khó khăn hơn là xem xét dự luật trên. Thật sự một thủ đô mạnh khi có các địa phương mạnh.

(Huynh Minh Kiet)


Tại sao bất ngờ?

Nếu dự luật này thông qua, một ngày nào đó đến Hà Nội cần phải xin visa quá. Không thông qua là một quyết dịnh đúng.

(Ng Nam)


Phiến diện một dự luật

Quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc tôi nhớ không nhầm nó có trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy dự luật thủ đô tôi chưa được thấy nhưng có vi phạm vào quyền của người dân không?

(Hue)

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
 
 
 
 
Sự kiện nhiều người quan tâm
Lien he quang cao