'Đắng lòng' nghe 'phận bạc' của nữ tiếp viên cafe bikini Việt ở Mỹ
Cập nhật lúc :6:01 AM, 02/04/2011
Thời gian qua, báo chí trong nước và nước ngoài đã lên tiếng khá nhiều về hệ thống dịch vụ giải trí “café bikini” của người Việt ở Mỹ. Ít ai  biết rằng đằng sau những bộ trang phục mát mẻ, hở hang, những pha khoe da thịt không ngại ngần là những phận má hồng nơi xứ lạ.

Một ngày mưa dầm cuối tháng 3 ở miền bắc California, tôi tình cờ gặp Tuyền, một trong những tiếp viên “đinh” của Café Bikini của người Việt ở Mỹ. Cô trông khá trẻ với thân hình “bốc lửa”, nhưng nồng nặc mùi rượu, nước hoa… rất khó tả. Chỉ thoáng nhìn, ai cũng có thể đoán được thân phận của cô bởi bộ bikini hồng đang diện.

Muôn nẻo sa cơ

Quán vãn khách, Tuyền có thời gian tiếp chuyện tôi. Với đôi mắt đượm buồn, Tuyền kể về những buồn tủi của mình từ ngày đặt chân lên đất Mỹ. “Tôi đã phải đánh đổi rất nhiều để tồn tại trước quyền lực của những đồng dollar nơi đây”, cô nói.

Tuyền vốn sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo duyên hải Nam Trung Bộ. 18 tuổi, bố cô qua đời. Biết rõ thân phận nghèo, Tuyền luôn mơ ước một ngày nào đó đổi đời. Nhờ chút nhan sắc và duyên ăn nói khéo léo nên năm 19 tuổi, qua lời giới thiệu mai mối của người họ hàng cùng quê, cô kết hôn với một Việt kiều Mỹ, hơn cô gần 30 tuổi.

Cứ tưởng cuộc đời Tuyền sẽ trang sang mới khi đến “thiên đường Mỹ quốc” với người chồng già nhưng ai biết được chữ ngờ, chồng cô vốn là người cổ hủ và vô cùng khắc nghiệt, từ lúc chung sống, cô chỉ được phép ra khỏi nhà 3 ngày trong tuần để làm nail tại tiệm của bạn ông ta. Cô không được phép đi làm nhiều mà phải ở nhà phục vụ. Với đồng lương ít ỏi, cô không thể giúp đỡ gia đình và bị lệ thuộc vào chồng ghê gớm.

Không thể tiếp tục cuộc sống tù túng, trói buộc, Tuyền quyết định ly hôn. Trong túi chỉ còn vài trăm USD, cô mướn một căn phòng nhỏ lao vào làm việc. Ngày đầu, cô làm thuê cho các hiệu nail, rửa bát, bưng bê cho các quán ăn Việt Nam. Làm việc quần quật tối ngày mà vẫn chẳng có chút tiền để dành, Tuyền ứa nước mắt khóc cho thân phận bạc bẽo côi cút của mình nơi xứ người.

Một lần, đi uống café cùng nhóm bạn, Tuyền được biết quán café bikini của những người đồng hương đang có nhu cầu tuyển người, thế là cô nhập vào đoàn quân của quán.

Tuyền cho biết, hầu hết các chị em tiếp viên ở quán đều có số phận éo le và xuất thân trong những gia đình nghèo ở Việt Nam. Ai cũng từng mơ về cuộc sống thiên đường ở nước Mỹ nhưng hầu như đều vỡ mộng và sa cơ tới đây.

Uống rượu, thức đêm, tiếp khách và… làm bồ nhí

Tuyền cho biết, dù thời tiết nóng hay lạnh, mùa đông hay hè, cô và các tiếp viên khác chỉ được phép mang trên người 2 mảnh vải che những chỗ nhạy cảm trên cơ thể và đi đôi giày cao gót hơn 10 cm, trang điểm son phấn loè loẹt để “hút khách”. Có những ngày mùa đông, thời tiết xuống chỉ còn 4-5 độ C, năn nỉ lắm thì chủ quán mới chấp nhận cho các cô khoác thêm chiếc đầm ngủ bằng voan, mỏng tanh, trong suốt.

Công việc của các cô là bưng bê café và chịu khó trò chuyện, đánh bài, hát karaoke; thậm chí là “đi khách”. Trong đó, khách của Tuyền đa phần là đàn ông Việt Nam, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần của xã hội Mỹ.

Rồi cô gặp một người đàn ông đồng hương tuổi trung niên, chủ chuỗi tiệm nail ở miền Nam Cali, goá vợ. Cô chấp nhận làm “ghệ” (bồ nhí) của ông. Từ ngày cặp kè bên người tình già, cuộc sống của cô bận rộn hơn bởi ban ngày, cô phải bưng bê phục vụ cả trăm người đàn ông trong quán với bộ đồ hở hang 2 mảnh, tối về lại phải tận tình phục vụ “ông chủ’ ngay trong căn phòng trọ của mình.

Đổi lại, cô có tiền tiêu rủng rỉnh, ăn mặc đẹp, xài hài hiệu và có nhiều tiền gởi về cho gia đình. Tuyền khẳng định, việc vừa chạy bàn vừa đi khách đêm và cặp kè thêm “ghệ già” là sự lựa chọn và “phấn đấu” của hầu hết các tiếp viên bikini như cô.

Chứng minh lời khẳng định của mình, Tuyền đưa ra dẫn chứng bằng các đồng nghiệp. Tuyền cho biết, tuy mới vào nghề được 2 năm nhưng với cách đó, Ái Lan, đồng hương với Tuyền, đã mua được xe hơi đời mới, mặc đồ toàn hàng hiệu; Diễm My, quê gốc Hải Phòng, hằng tháng gửi cả ngàn USD về nuôi cha mẹ già và sắp tới còn dự định mua nhà bên tiểu bang Texas để cho thuê; Hồng Vân, người Quảng Ninh, người chủ quán café mà Tuyền đang làm, có nhà hơn nửa triệu USD cũng từ những ngày “buôn son bán phấn” lúc làm tiếp viên.

Khúc Vỹ thanh buồn

Nhưng chính Tuyền và không ít cô gái cũng tự nhận ra rằng, nghề tiếp viên bikini rất "bạc". Tiền bạc, vật chất nói chung có thể thừa nhưng hạnh phúc đích thực thì dường như chẳng bao giờ có được.

Kết cục của Tuyền là một minh chứng rõ ràng. Cặp kè với “ghệ” được chừng nửa năm, Tuyền bị ông thẳng thừng “đá đít” để về Việt Nam chung sống cùng người vợ cũ, an dưỡng tuổi già. Người tình già bỏ đi, số tiền được chu cấp hằng tháng của cô cũng bị cắt giảm. Đã thế cô còn mắc phải căn bệnh lậu do quá “phong tình”. Thế là bao nhiêu tiền tích cóp; thậm chí chiếc xe Lexus mà hằng tháng ông “ghệ” khi xưa mua cho, cô cũng phải bán để chữa trị. Tuyền lại chơ vơ giữa đất khách quê người.

Hiện, Tuyền đã xin nghỉ ở quán café để dưỡng bệnh. Không đủ tiền thuê 1 căn phòng master room (khép kín, tiện nghi), cô đành đi mướn phòng trọ giá rẻ để ở. Tôi hỏi tại sao không về Việt Nam, Tuyền chỉ nghẹn ngào cho biết vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình. “Em đã cố giấu gia đình bệnh tật của mình và vẫn gửi tiền về nhà vì không muốn mất mặt với bà con lối xóm nhưng không biết còn có thể gắng gượng được bao lâu ”, cô nói.

Nghe những lời tâm sự của cô, tôi chợt thấy xót xa cho những thân phận má hồng bạc mệnh trong những quán café bikini ở nơi vốn được nhiều người coi là thiên đường này. Không biết cuộc sống của họ rồi sẽ đi đâu, về đâu…

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Dòng tin bài khác:
>> Sự thật 'đau lòng' về 'Đô thành Sài Gòn' xưa
>> 'Lạnh người' nghe chuyện 'hồ ma' ở Bình Dương
>>  Người Mỹ ngỡ ngàng với một Việt Nam mới
>> 48 giờ 'quên sầu' ở Hà Nội
>> Teen trải lòng về nỗi ám ảnh 'đường sắt'
>> Trần Thủ Độ 'ép duyên' vua Trần Thái Tông

Long Vi
Ý kiến của bạn In bài này
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội là một yếu tố tạo nét tinh hoa đặc sắc của văn hiến Việt Nam. Thế nhưng, sự xuất hiện ngày càng nhiều từ lóng trong giới trẻ khiến yếu tố này ít nhiều mai một.
Dành cho quảng cáo

Bạn nghĩ gì về việc sờ tay vào tượng phật; nhét tiền vào tay, miệng thánh thần?

Vào dịp đầu năm, người Việt vốn có thói quen đi lễ chùa. Song song với việc làm này là hành động sờ tay tượng phật, tượng thánh thần; nhét tiền vào hòm công đức, các ban thờ, thậm chí cài vào tay, miệng tượng phật, thánh thần…

Xin mời độc giả chia sẻ suy nghĩ về hành động này. tại đây . Mọi chia sẻ tốt, có nội dung hay sẽ được sử dụng và hưởng chế độ nhuận bút theo quy định của báo Đất Việt..


Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
>> Đừng hạ thấp sự tôn nghiêm của bậc tôn kính
>> Sờ đầu, nhét tiền miệng ngựa thánh cầu may
>> Đầu năm ‘đi vay’ nơi không bị phàn nàn
>> Thói tùy tiện của Phật tử làm thánh thần hoảng sợ