Thứ Hai, 04/04/2011, 07:21 [GMT+7]
.
.

Bát phở 850K thời bão giá, tại sao không?

(Phunutoday)- Không hiểu vì sao cũng là tiêu tiền, tiêu nhiều là đằng khác, nhưng những cách tiêu tiền ấy lại không bị lên án như chuyện ăn bát phở 850 ngàn đồng. Chả nhẽ, đã ăn phở thì phải ăn phở bình dân, còn muốn xài sang thì... tiêu chỗ khác? 

0
Bát phở 850K

Câu chuyện bát phở "đại gia" giá 750.000 đồng/bát tưởng đã lắng đi, bỗng trở lại đúng những ngày dư luận đang xôn xao vì bão giá. Bão giá nên bát phở cũng chịu ảnh hưởng, tăng thêm 100.000 đồng để bát phở đắt nhất có giá lên đến 850.000 đồng. Nhiều người thậm chí không biết rõ bát phở giá cao ấy là phở bò Kobe nhập khẩu từ Nhật, mà cứ gọi luôn là phở 750.000 đồng, phở 850.000 đồng. 

Dư luận lại được dịp mổ xẻ, chủ yếu theo hướng phê phán, thậm chí lên án những người dám bỏ số tiền lớn đến như vậy cho một bát phở, gán ngay cho họ mác đại gia, với những suy nghĩ hiển nhiên là không được tích cực cho lắm.
 
Để so sánh thì đương nhiên sẽ là những lập luận không khó đoán, rằng nước ta còn rất nghèo, một bộ phận rất lớn người dân còn khó khăn để ngày có đủ 3 bữa ăn, thì lại có những người sẵn sàng xài sang đến thế. Rồi có những người rất có thiện tâm, nghĩ ngay lẽ ra những đại gia giàu có nên dành tiền để làm từ thiện thay vì ăn phở, cứ như thể đã ăn bát phở 850.000 đồng thì chắc chắn không thể làm từ thiện được nữa.
 
Lần tìm lại những thông tin đầu tiên về bát phở cao cấp này, mới thấy chuyện đời cũng... lạ.
 
Mấy năm trước, quán phở được biết đến với tên Phở Cali, được ca ngợi vì chủ nhân là Việt kiều gốc Bạc Liêu, sau hành trình dài đưa phở vào Nam, rồi qua Mỹ, giờ trở về lại đất Bắc, vừa giữ được cái gốc đặc trưng nhưng cũng có thêm hương vị mới. Không dám chắc ở thời điểm đó đã có phở bò Kobe chưa, vì không thấy nhắc tới.
 
Đến tháng 10/2009, bát phở bò Kobe được giới thiệu, nhưng rất nhẹ nhàng trong một bài viết về phở lạ trên kênh 14, đọc lại thì thấy giá bát phở lúc ấy được giới thiệu là 250.000/bát, dù có phản hồi ngay rằng giá phải là 450.000/bát mới đúng, nhưng chưa thấy ai phê phán gì những thực khách ăn phở cả.
 
Gần 1 năm sau, 8/2010, thêm một bài viết giới thiệu phở bò Kobe, lúc này có giá 450.000 đồng/bát và 650.000 đồng/bát, vẫn chưa tạo "sóng gió" gì trong dư luận cả.
 
Chỉ đến đầu năm nay, phở bò Kobe trở lại trên báo chí, lần này bát  phở đắt tiền nhất có giá 750.000 đồng/bát, bỗng nhiên lại bị dư luận "đập" tơi tả. Không lẽ phở 650.000 đồng/bát thì không sao, nhưng phở 750.000 đồng/bát lại là có tội? hay vì lần này bát phở dù chỉ tăng giá 100.000 đồng, nhưng đã được gắn với đại gia (trong bài viết có tựa đề Đại gia Hà Nội chi gần chục triệu đồng ăn sáng), nên mới tạo phản ứng đến thế?
 
Nghĩ cũng lạ, lần theo thông tin từ trước đến giờ thì nhà hàng không chỉ bán một loại phở với mức giá tăng từ 650K, 750K, rồi giờ là 850K. Còn rất nhiều loại phở giá "mềm" hơn nhiều lần, với bò xuất xứ từ Mỹ, từ Úc... nhưng dư luận đã dễ dàng mặc định rằng, khách đã vào nhà hàng đó nghĩa là ăn bát phở đắt tiền nhất, những người nhanh nhạy còn quy ngay ra tiền đô Mỹ để khẳng định bát phở này... đắt nhất thế giới.

Việc bát phở này có đắt nhất thế giới hay không thực chất không quan trọng, quan trọng hơn là chúng ta thử nhìn thông tin theo một cách khác. Vì sao dư luận lên án những người ăn bát phở 850.000 đồng? Hiển nhiên, họ là những người giàu có, nhưng giàu có nào phải cái tội? Chẳng phải mỗi người đều được quyền tiêu xài trong mức thu nhập của mình sao? Hay dù có giàu có, thì cũng chỉ được tiêu trong giới hạn...bình dân mới là hợp lẽ? Vậy bao nhiêu là giới hạn? Phải chăng, trong khi những người nghèo chật vật chạy bữa ăn vài ngàn thì ta có thể ăn bát phở gần đến 100.000 đồng, chứ không thể ăn với giá cao hơn thế?  
 
Những người ăn bát phở 850.000 đồng bị phê phán, còn những người xài hàng hiệu, quần áo, giày dép, túi xách... cả ngàn USD, thậm chí vài chục ngàn USD thì sao? Liệu có thể dùng kiểu lập luận tương ứng, rằng trong khi nhiều đồng bào ta chưa có quần áo để mặc, thì ta không thể dùng hàng hiệu?
 
Nếu cứ theo cách lập luận ấy mà suy ra thì những người đi xe hơi triệu đô chắc chắn phải bị lên án, vì trong khi nhiều người dân nghèo chưa thể sắm cho mình một chiếc xe đạp! Nếu tính mức tương đương như chuyện bữa ăn và bát phở, thì thậm chí chỉ cần đi xe vài trăm ngàn đô là đã là... không phải chút nào rồi.
 
Rồi nữa, trên cả dải đất hình chữ S đang mọc lên ngày một nhiều những khách sạn, những resort cao cấp, chắc chắn có những căn phòng trong đó giá vài ngàn đô/ngày, vậy những công dân Việt Nam ở trong đó có đáng bị lên án không, khi bao người còn chưa kiếm nổi một tấc đất cắm dùi...
 
Cứ liên tưởng kiểu đó thì sẽ thấy vô số những chuyện tiêu xài đáng lên án, nào nhà hàng sang trọng vài chục triệu đồng một bữa ăn, nào những căn nhà triệu đô, rồi la liệt những thứ đồ đắt tiền vẫn được giới thiệu la liệt trên các tạp chí... Với cùng lập luận y hệt như nhau, những lập luận mới nghe sẽ rất dễ đồng cảm theo tinh thần lá lành đùm lá rách. Chỉ không hiểu vì sao cũng là tiêu tiền, tiêu nhiều là đằng khác, nhưng những cách tiêu tiền ấy lại không bị lên án như chuyện ăn bát phở giá cao, chả nhẽ muốn tiêu sang thì... đi chỗ khác mà tiêu, miễn là đừng tiêu tiền cho bát phở giá cao?
 
Từ xưa đến giờ, ai cũng hiểu quyền lựa chọn ăn gì, mặc gì, ở đâu, tiêu tiền ra sao...là việc của cá nhân. Tiêu tiền công khai trước mắt thiên hạ chả nhẽ không tốt hơn tiêu tiền của mình mà cứ như ăn vụng ăn trộm hay sao? Không lẽ chỉ vì nước ta còn nhiều người nghèo nên phải đặt ra hạn mức tiêu tiền cho toàn dân, và cứ trên mức đó là phải bị lên án?
 
Điều đáng phải quan tâm hơn, lẽ ra phải là số tiền đó ở đâu ra. Nếu tiêu tiền không phải của mình làm ra, hoặc làm ra bằng những cách thức không trong sạch, thì dù chỉ ăn bát phở dưới một trăm nghìn vẫn đáng phê phán. Còn ngược lại, xin hãy cho mỗi người quyền tự do!
;
;
.