Kịch bản cho vụ nhà 5 tầng đổ sập ở Hà Nội

07/04/2011 06:55:12
- Nguyên nhân ngôi nhà 5 tầng mặt phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) bỗng dưng bị đổ sập vẫn đang được các cơ quan có trách nhiệm điều tra làm rõ. Tuy nhiên, sự cố này cũng dấy lên hồi chuông báo động tình trạng cơi nới, sửa chữa bừa bãi các công trình xây dựng riêng lẻ của người dân.
TIN LIÊN QUAN

Đổ sập do thay đổi kết cấu chịu lực

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, với trường hợp ngôi nhà 5 tầng bị sập, theo những gì mô tả, trước khi đổ ngôi nhà này bị lệch tâm, nghiêng sang một bên sau đó mới sập xuống. Như vậy, nhiều khả năng ngôi nhà này bị sập không phải do nền đất yếu, mặc dù nền đất ở khu vực này (Thành Công - PV) cũng bị liệt vào khu vực có nền đất không tốt.

Có thể có hai kịch bản cho sự cố này. Kịch bản thứ nhất là  đổ nghiêng cả khối. Kịch bản thứ hai là  đổ sập do mất ổn định tổng thể. Kịch bản thứ hai có nhiều khả năng hơn. Ngôi nhà này sau nhiều lần cải tạo đã thay đổi bản đồ kết cấu chịu lực ban đầu. Rất có thể việc đua ban công ra, hay xây bể nước trên trần lệch về phía ngoài cũng có thể là một trong những yếu tố làm tăng thêm hiện tượng lệch tâm. Việc lắp đặt thang máy cũng là một yếu tố làm biến đổi cấu trúc chịu lực ban đầu.

d
 Hiện trường vụ sập nhà 5 tầng

Ngoài ra, tầng 1 không chịu được tải trọng còn là do người ta đã thay đổi kết cấu chịu lực như phá vỡ các bức tường chịu lực để mở rộng không gian tiện cho việc kinh doanh. Mới đầu, lún một bên (nghiêng từ tầng 2 trở đi) khiến cho trọng tâm của ngôi nhà bị lệch (hiện tượng lệch tâm). Lúc này các kết cấu chịu lực tầng dưới, nhất là các cột, sẽ phải ở trạng thải chịu lực phức tạp hơn: không chỉ chịu lực thẳng đứng nữa mà phải gánh thêm momen uốn. Kết cấu bên dưới sẽ không chịu được tải trọng này dẫn đến phá hủy các cột biên trước rồi đến các cột chịu lực khiến cho ngôi nhà bị sập.
Từ năm 2009 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 39/2009/TT-BXD hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ. Thông tư quy định rõ, đối với nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên thì bắt buộc chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định và việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thiết kế xây dựng thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Quang Viên, Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích thêm: Nguyên nhân dẫn đến việc sập nhà ở  đường Huỳnh Thúc Kháng là do quá trình sửa chữa từ một ngôi nhà để trở thành một cửa hàng. Trong quá trình sửa chữa, người ta đã cắt bỏ các bức tường ngăn cách làm ngôi nhà mất độ cứng ngang khiến nó trở nên mất cân bằng dẫn đến đổ sập.

Hiểm họa từ sự thiếu hiểu biết

PGS.TS Hùng cho hay, ở nước ta, sự hiểu biết về an toàn xây dựng rất thấp. Những chủ thầu, thợ xây không có kiến thức và chuyên môn về xây dựng nhưng vẫn vô tư  nhận những công trình xây dựng lớn. Mặc dù các quy chuẩn, quy định đã khá bài bản và chặt chẽ, tuy nhiên, nhiều khi vì lý do này khác, tình trạng làm ẩu, làm sai quy trình vẫn tồn tại. Không chỉ có những người làm xây dựng, ngay cả người dân cũng thiếu sự hiểu biết về an toàn xây dựng. Không ít người "hồn nhiên" giao phó cho những người chủ thầu không có chuyên môn xây dựng những ngôi nhà 5 tầng, 6 tầng mà không biết rằng, chỉ một tính toán sai cũng có thể trở thành hiểm họa.

KS Nguyễn Văn Dũng, Công ty Cổ  phần Đầu tư Phú Lộc cảnh báo, công trình nhà 5 tầng bị đổ sập cho thấy, việc quản lý  kém, không kiểm soát được tình hình xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng của người dân. Ngoài ra, ý thức của người dân cũng rất kém. Để xây dựng mới hay sửa chữa cần phải làm đúng lộ trình. Trước hết, cần có giấy phép xây dựng, trong đó nêu rõ kiểu cách, kết cấu, cách sửa... Hiện tồn tại tình trạng cố tình làm sai nhiều, chủ yếu do ngại xin giấy phép, làm tắt bằng cách chịu phạt... Cũng vì không được giám sát chặt chẽ nên nguy cơ sập đổ cũng cao hơn.
Không chỉ có ngôi nhà  này mà hiện nay, nhiều hộ dân ở Hà  Nội vẫn có thói quen cơi nới, cải tạo nhà mà không xin phép. Ví dụ, ở những chung cư cũ, nhà chật thì vô tư cơi nới thêm ban công, đập các bức tường trong nhà để sửa chữa mà không có sự kiểm tra nào. Có lẽ các cơ quan quản lý cũng cần phải bổ sung quy định  trong việc người dân tự cải tạo nhà, nhất là đối với nhà nhiều tầng trong tương lai.

Hơn nữa, vì để lấy diện tích nên khi cơi nới không chú trọng đến dầm trụ của căn nhà. Với nhiều căn nhà, tường được xây làm trụ chịu lực nhưng vì chủ sau không biết nên đã bỏ đi. "Điều đáng nói, khâu sửa chữa cải tạo nhà dân thường chỉ tự làm hoặc thuê thợ là những người ít hiểu biết về đập phá và xây dựng, rất ít khi thuê kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư giám sát sửa chữa. Vì thế, vô hình trung đã làm sai lệch một cách đáng kể kết cấu căn nhà dẫn đến nguy cơ xảy ra đổ sập". 

Xem lại hồ sơ thiết kế cũ để biết rõ kết cấu

KTS Nguyễn Tiến Hùng, Công ty Phú Lộc khuyên: Người dân, trước khi cải tạo nhà cần xem lại hồ sơ thiết kế cũ để biết rõ kết cấu. 

Cụ thể, xem nhà cũ  chịu lực bằng hình thức gì. Hiện nay, có 3 loại chịu lực chính gồm: Khung chịu lực tức có cột, dầm bằng bê tông cốt thép. Nhà này thể hiện khi xây chủ yếu là đổ cột trụ từng sàn sau đó mới ghép gạch vào tường. Loại dùng tường chịu lực, tức nhà không có cột mà một số vách chính gánh lực cho căn nhà. Cách xây nhà này triển khai theo kiểu xây đến đâu mới đổ mái đến đó. Còn loại nhà chịu lực thứ ba là vừa kết hợp cả khung lẫn tường để chịu tải. Với mỗi loại nhà có kết cấu theo mỗi hình thức chịu lực riêng khi thay đổi, phá dỡ sẽ có những tác động ảnh hưởng khác nhau. Vì thế, khi tiến hành sửa chữa cần tìm hiểu cụ thể nhằm có biện pháp thi công phù hợp.

d
 

Ví dụ, nhà chịu lực bằng khung, dầm, trụ thì không được đập bất cứ cột nào khi sửa chữa. Còn tường chịu lực thì không những không được đập tường chính mà khi làm thêm tầng hoặc cơi nới sửa chữa cần gia cố thêm các trụ cột hoặc dầm giúp căn nhà vững chãi hơn. Đối với nhà chịu lực bằng khung và gạch, nếu đập một trong hai phần đó đi nguy cơ đổ sập là rất cao.

Điều cần thiết khi lên tầng hoặc thêm phòng, đặt các loại bể nước lên trần nhà... cần tìm hiểu móng. Trước đây, người ta thường làm móng rất đơn giản, không sâu, chỉ xây gạch đơn giản. Khi lên thêm tầng tức căn nhà sẽ tăng thêm sức nặng vì thế cần gia cố thêm móng. Hiện nay, có các cách gia cố móng như đổ thêm dầm móng hay khoan ép cọc giúp móng vững chắc.

Các cách trên chỉ là  các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật khi sửa chữa nhà. Tùy vào điều kiện thực cần có các biện pháp hợp lý. Tuy nhiên không nên dựa dẫm vào các cách thức hỗ trợ này để cải tạo sai với kết cấu căn nhà quá nhiều dẫn đến nhiều nguy cơ.  


Cải tạo cũng phải xin phép


Người dân luôn quan niệm rằng, chỉ có xây nhà thì mới phải xin phép chứ sửa chữa nhà thì không cần phải xin phép. Ngay trong luật xây dựng cũng ghi rằng, sửa chữa nội bộ không cần phải xin phép. Tuy nhiên, thực chất, đây không thể gọi là sửa chữa nội thất mà là phá kết cấu. "Tôi cho rằng, nếu chúng ta sửa chữa mà không ảnh hưởng tới kết cấu như thay cửa sổ, quét lại màu sơn...thì sửa thoải mái. Nhưng cải tạo mà đụng đến kết cấu thì bắt buộc phải xin phép, nhất là đối với những ngôi nhà nhiều tầng".

PGS.TS Nguyễn Quang Viên

 

 

Nhóm PV (thực hiện)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.