Dân lo phải sắm thêm xe nếu thông "đề xuất chẵn, lẻ"
- Đã có nhiều ý kiến phản đối kiến nghị của Sở GTVT TP lên UBND TP.HCM về quy định biển số chẵn lẻ đối với xe ô tô khi vào khu vực trung tâm TP.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau khi Bee thông tin về ý kiến của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM kiến nghị với UBND TP trong việc quy định biển số xe ô tô chẵn lẻ khi vào trung tâm TP đăng ngày 6/4, tòa soạn đã nhận được hàng loạt ý kiến góp ý từ độc giả.
Chiều ngày 7/6, PV Bee cũng đã ghi nhận thực tế từ những người dân sử dụng xe ô tô đến các doanh nghiệp ngành vận tải trên địa bàn TP.
Mua thêm xe để đủ biển chẵn, lẻ
Anh Hồ Xuân Thắng (ngụ 58/24 Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp) chia sẻ: Do tính chất công việc phải đi nhiều, đặc biệt vào trung tâm TP để nắm diễn biến tin tức hàng ngày về bất động sản nên nhiều năm nay, ngày nào cũng phải dùng chiếc xe Civic 4 chỗ. Nếu đề xuất của Sở GT VT được thực hiện, không biết phải di chuyển bằng phương tiện gì đi làm? Công việc chắc chắn xáo trộn nhiều.
"Đó là chưa kể, hầu hết các nhà có điều kiện sẽ mua thêm xe để có được 2 loại biển nói trên, gây ra tình trạng bùng nổ xe ô tô, nghiêm trọng hơn khi việc đăng ký biển số xe khó mà minh bạch. Biện pháp đưa ra giảm kẹt xe và ô nhiễm khí thải ngay lập tức phản tác dụng, chưa kể còn nhiều hệ lụy khó lường khác" - anh Thắng phân tích.
Doanh nghiệp vận tải càng lỗ nặng
Đồng tình quan điểm trên, anh Nguyễn Chí Dũng, tài xế dịch vụ chuyển phát nhanh thuộc Tổng công ty bưu chính Việt Nam, cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ làm khó dịch vụ chuyển phát nhanh.
"Nếu vì ưu tiên ngành bưu chính thì có được không? Và liệu công ty tư nhân có chấp nhận ưu tiên công ty nhà nước. Không loại trừ tình trạng lắp biển số giả để lách luật?" - anh Dũng băn khoăn.
Nhiều doanh nghiệp taxi trên địa bàn TP.HCM phản đối với đề xuất kiểm soát biển số xe chẵn lẻ khi vào trung tâm từ Sở GTVT TP. Ảnh chụp taxi đậu trên đường Hồng Hà, Q.Tân Bình, chiều ngày 7/4 |
Một tài xế taxi Mai Linh bức xúc, nếu kiến nghị trở thành chủ trương, các doanh nghiệp taxi dễ rơi vào tình trạng lỗ nặng.
"Hiện mỗi ngày tính trung bình một taxi chạy được khoảng gần 2 triệu tiền cước, thêm vào đó, trả cho tài xế khoảng 500 ngàn đồng, chưa kể phí hao mòn xe. Nếu một chiếc xe nằm yên một ngày là DN mất đi khoản tiền trên dưới 3 triệu đồng" - tài xế này giải thích.
Trong khi đó, ông Thái Văn Chung – Tổng thư ký hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, khẳng định, quy định trên sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp vận tải. Riêng đối với các xe hạng nặng như container phải chịu quy định giờ giấc vào TP nữa, nếu áp dụng ngày được vào TP chắc họ sẽ đóng cửa sớm vì tính ra nếu hoạt động lỗ trên 50% giá trị hàng hóa vận chuyển.
Nên khoanh vùng thử nghiệm
PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết, việc quy định biển số chẵn lẻ không mới ở các nước trên thế giới. Kiến nghị trên cũng đã được Sở GTVT TP đề xuất lên UBND TP vài năm trước.
"Tập tục văn hóa (thói quen), điều kiện cơ sở hạ tầng lẫn quy hoạch đô thị tại TP.HCM nói riêng cũng như nước ta nói chung chưa thể cho phép áp dụng quy định biển số chẵn lẻ trên diện rộng.
Ngoài ra, việc thiếu các văn bản, quy chế cụ thể về quy định trên cũng là một phần cản trở đề xuất này. Chưa kể phải chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật ví dụ như khi áp dụng phải có hệ thống camera ghi hình, chụp lại biển số xe cùng hệ thống máy tự động kiểm soát tại vành đai cửa ngõ ra vào TP. Đồng thời, lập các bãi giữ xe và nhà chờ lớn ở cửa ngõ trung tâm để phòng khi người đi biển số chẵn vào các thứ lẻ gửi xe để đi xe buýt, tạo nên nhiều người tham gia vận tải hành khách công cộng" - ông Phạm Xuân Mai nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp hạn chế xe ô tô vào TP bằng cách trên để giảm kẹt xe không thỏa đáng, trong khi các bãi giữ xe dọc đường cũng là một trong số nguyên nhân làm tắc đường. Ảnh chụp bãi giữ xe ô tô trên đường Nguyễn Huệ, Q.1 |
Theo ông Phạm Xuân Mai, hiện TP. HCM vẫn áp dụng được đề xuất trên, tuy nhiên cần phải khoanh một vùng trung tâm cụ thể nào đó để tiến hành áp dụng thử nghiệm. Sau khi có đánh giá kết quả, mới tiến hành lập kế hoạch cụ thể.
"Việc này cần phải có lộ trình, không được đốt cháy giai đoạn. Phải đặt ra tất cả các tình huống, mọi giả định có thể, kể cả góp ý từ người dân để tiến hành thử nghiệm và nhân rộng ra. Khi đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện thì đề xuất trên mới thực hiện thành công, còn không sẽ chưa áp dụng được vào thực tế. Tuy vậy, đây là đề xuất mang lại nghĩa tích cực trong nỗ lực giảm kẹt xe trong khu vực trung tâm TP.HCM" - PGS.TS Mai đánh giá.
Chiều cùng ngày, PV Bee đã liên hệ với ông Dương Hồng Thanh – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM và được ông cho biết, kiến nghị trên chỉ để xin TP chủ trương. Nếu được UBND TP thông qua, Sở GTVT mới lập đề án và tiến hành khảo sát, khoanh vùng thử nghiệm.
Hà Tuấn – Văn Tính