"Rùa Hồ Gươm là một loài mới ở Việt Nam"
(Phunutoday) - Chuyện cụ "rùa" Hồ Gươm là con gì, đang là vấn đề gây tranh cãi không chỉ của các nhà khoa học trong nước với các nhà khoa học thế giới, mà ngay cả những vua bếp cũng đã lên tiếng trong vụ này. Trong khi các nhà khoa học còn đang tranh cãi, thì sáng nay tại buổi chữa trị bệnh cho cụ rùa, Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa bệnh cho cụ Rùa đã đưa ra kết luận phân tích mẫu ADN và kết luận: Rùa hồ Gươm là loài mới ở Việt Nam.
Baba hay con giải?
Trước những tranh luận của các nhà khoa học, người thì cho rằng rùa Hồ Gươm là ba ba, người lại khẳng định đó là rùa giống mới. Anh Trịnh Hoàng Hưng, chủ quán đệ nhất baba 372 Lạch Tray nổi tiếng ở Hải Phòng, bằng kinh nghiệp 14 năm tay dao, tay thớt cũng cho rằng: “Rùa Hồ Gươm chính là baba".
Là một đầu bếp lão làng chuyên các món về baba, anh Hưng chia sẻ: “mỗi ngày tôi làm thịt 25 con baba, với con vật này tôi nhìn cái có thể biết ngay. Khi còn làm bếp trưởng ở Hà Nội, mấy lần được nhìn thấy rùa Hồ Gươm nổi, chỉ cần nhìn đầu tôi khẳng định ngay đó là baba”, anh Hưng nói.
Rùa Đồng Mô. Ảnh: VTC |
Theo anh Hưng, rùa có thể sống được ở trên cạn, người ta còn mang về để trong nhà bắt muỗi, riêng baba thì sống dưới nước, tầng bùn, thỉnh thoảng nổi đầu. “Cụ” rùa Hồ Gươm có sống lâu được trên cạn không? - anh Hưng đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Gia Khánh, Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hải Phòng, cũng khẳng định: làm gì có rùa sống ngâm trong nước, chỉ có thể là baba thôi.
Là một người chuyên đi bắt rùa và baba từ nhỏ, anh Khánh cho biết, rùa bắt quá dễ vì đa phần chúng “lộ thiên”, nhưng baba thì khó hơn, khi nhìn thấy nó lặn xuống nước, cứ theo hàng tăm sủi là tóm…
Quay trở lại chuyện rùa Hồ Gươm là “con gì”, anh Mai Văn Quang đầu bếp nổi tiếng được mệnh danh là vua baba đất Cảng cho rằng, “nói rùa Hồ Gươm là “rùa” thì đúng là không biết gì”. Tuy nhiên, anh Văn cũng khẳng định, rùa Hồ Gươm không phải là baba, mà là một con giải.
Anh Văn kể, năm 2001, anh có được nhìn thấy một con giải nặng 170kg từ một ông chủ người Tàu mang sang để làm thịt, đầu nó y hệt đầu “rùa” Hồ Gươm, anh Văn nói.
Như vậy cả hai đầu bếp nổi tiếng về baba ở Hải Phòng đều cho rằng, “rùa” Hồ Gươm không phải là rùa. Nhưng nếu khẳng định đó là đúng, thì còn những tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước từ hàng 20 năm qua thì sao?
"Một loài mới ở Việt Nam"
PGS. Hà Đình Đức, người coi rùa Hồ Gươm là thánh thần và ông đã có bộ sưu tập từ 20 năm nay vẫn khẳng định đó chính là loài rùa mới. Tuy nhiên, một số nhà khoa học trong nước, nhất là các nhà khoa học nước ngoài thì không đồng ý với kết luận này và đều cho rằng rùa Hồ Gươm cùng loài với giải Thượng Hải.
Ông Peter Richard - chuyên gia bảo tồn quốc tế, nhà khoa học hàng đầu thế giới về loài Rafetus Swinhoei - cũng khẳng định: rùa Hồ Gươm chính là giải, cùng loài với rùa Đồng Mô, tiêu bản ở Hòa Bình và giải Thượng Hải.
Vẫn chưa kết luận được Rùa Hồ Gươm thực sự là con gì. Nguồn ảnh: 24h |
Đã từng mang 2 bộ xương rùa từ Việt Nam sang Trung Quốc để so sánh và xác định chúng cùng một loài. Như vậy, cả so sánh hình thái, xương sọ, xét nghiệm ADN, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã khẳng định “cụ” rùa Hồ Gươm là loài giải nước ngọt khổng lồ.
Thạc sĩ Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cho rằng, rùa Hồ Gươm từng được tìm thấy ở Thanh Hóa, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Tây (cũ). Nó cũng không phải là loài mới mà được phát hiện từ khá lâu với tên gọi là giải Thượng Hải, có tên khoa học là Refetus Swinhoei.
Trong luận án thạc sĩ mà anh bảo vệ thành công, có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về loài giải. Căn cứ vào mẫu xương mai và sọ của loài rùa ký hiệu HN01 lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội, thu tại Hồ Gươm vào năm 1968; mẫu xương mai ký hiệu T91 lưu giữ tại Bảo tàng động vật (Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội thu tại sông Mã, Thanh Hóa); Mẫu sọ ký hiệu NQT85, lưu giữ tại Viện sinh thái thu tại xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, vào tháng 6-2001, và thấy tất cả những con rùa "chủ nhân của các mẫu này" đều thuộc một loài có tên là giải Thượng Hải.
Trước kết luận của một số nhà khoa học trong nước và thế giới, một nhóm các nhà khoa học trong nước và PGS. Hà Đình Đức đã phản ứng lại quyết liệt, không bao giờ chấp nhận kết luận này. Các nhà khoa học trong nước khẳng định 2 cá thể rùa ở Việt Nam là loài mới, không liên quan gì đến Rafetus Swinhoei, gọi là rùa nước ngọt mai mềm khổng lồ. Còn PGS. Hà Đình Đức thì cho rằng, “rùa Đồng Mô có là giải Thượng Hải đi chăng nữa, thì cũng chẳng liên quan gì đến rùa Hồ Gươm”.
Trong cuộc tranh cãi xem Rùa Hồ Gươm là con gì vẫn chưa ngã ngũ thì sáng nay (9/4), trong buổi chữa trị bệnh cho cụ rùa, Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa bệnh cho cụ Rùa đã kết luận: Rùa Hồ Gươm là loài mới ở Việt Nam.
Tiến sĩ Tề cho biết, qua phân tích ADN cho thấy, Rùa Hồ Gươm là loài mới ở Việt Nam và khác hẳn loài rùa mai mềm ở Thượng Hải, Trung Quốc”, Tiến sĩ Tề khẳng định.
- Lam Nguyễn – Đặng Tuyền