Nhà sập: 'lỗi không của chính quyền'
Cập nhật lúc :9:16 AM, 11/04/2011
“Mọi việc phải theo hợp đồng, trách nhiệm thế nào cũng dựa vào hợp đồng, từ người thi công đến tư vấn thiết kế, đến kiến trúc sư. Chủ nhà là người giám sát toàn bộ. Còn nhà nước giám sát chủ nhà có làm đúng các thủ tục, quy định của nhà nước không”.

Đó là ý kiến của tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi đề cập trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân đối với những ngôi nhà bị sập, nghiêng xảy ra gần đây. 

Ông Liêm nói: Theo quy định, muốn xây nhà, chủ nhà phải xin giấy phép xây dựng, trong đó phải kèm hồ sơ thiết kế, kết cấu có vững chắc không, hình thức ngôi nhà có hòa hợp với môi trường xung quanh… Đơn vị thẩm định hồ sơ (quận, huyện) phải xem thiết kế. Kết cấu chịu lực của công trình cũng thể hiện trên bản thiết kế. Còn thực hiện kết cấu đó thì bộ phận thi công đảm bảo.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
- Dường như đơn vị cấp phép mới chỉ quan tâm việc quy hoạch, chiều cao, mỹ thuật của căn nhà. Còn kết cấu chịu lực, chất lượng công trình thì ai giám sát?

Trong quá trình xây dựng, có thanh tra xây dựng, nếu cần thì đơn vị này thực hiện giám sát, nhưng chủ yếu là chủ nhà giám sát bên thi công xây dựng. Chủ nhà đưa bản thiết kế, giám sát bên thi công có thực hiện đúng thiết kế không, nếu chủ nhà không đủ sức giám sát có thể thuê tư vấn giám sát.

- Nghĩa là chất lượng những công trình dân sinh phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhà?

Đúng vậy, bởi nếu không đủ khả năng thì chủ nhà thuê tư vấn. Không thể ỷ lại chính quyền, không chính quyền nào làm hết được. Thông thường, người dân hay thuê một kiến trúc sư vẽ bản thiết kế, kiến trúc sư chịu trách nhiệm với chủ nhà về thiết kế, kết cấu. Bên thi công cũng phải chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng bản vẽ. Nói chung, trong thị trường, mọi việc phải theo hợp đồng, trách nhiệm thế nào cũng dựa vào hợp đồng, từ người thi công đến tư vấn thiết kế, đến kiến trúc sư… Chủ nhà là người giám sát toàn bộ. Còn nhà nước giám sát chủ nhà có làm đúng các thủ tục, quy định của nhà nước không.

- Vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát chất lượng các công trình dân sinh như thế nào, thưa ông?

Chính quyền địa phương làm sao đi làm thay hết được, thị trường phải tự quản nữa chứ. Nhà nước quản lý thủ tục là nhằm quản lý chất lượng trên cơ sở thiết kế, kết cấu có đủ chịu lực không, không thể nói “ông cho phép rồi, giờ nhà đổ thì ông nhà nước phải đền” vì đơn vị cấp phép chỉ xem xét người thiết kế có đủ năng lực thiết kế không, có đủ độ tin cậy không, kết cấu chịu lực của căn nhà, diện tích đất có nằm trong quy hoạch… Nếu đủ điều kiện, đủ thủ tục thì họ cấp phép xây dựng. Còn bên thiết kế phải chịu trách nhiệm với chủ nhà. Nếu bên thiết kế không đủ tiềm lực, có thể mua bảo hiểm nghề nghiệp để khi có chuyện bất trắc như vụ nhà sập hay nghiêng vừa qua, bảo hiểm sẽ đứng ra đánh giá và đền bù. Như vậy, không thể đổ trách nhiệm cho đơn vị cấp phép.

Các “thần đèn” thực hiện chống nghiêng cho ngôi nhà 5 tầng số 14, ngõ 91, đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Ảnh: Th.Thuận)

- Trong trường hợp nhà bị nghiêng, đổ như xảy ra gần đây thì trách nhiệm thuộc về ai?

Việc ngôi nhà 5 tầng đầu ngõ 49 phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) bị sập, tôi nghe nói, chủ nhà thuê một công ty thiết kế, sau đó còn thuê một công ty xây dựng, nghĩa là họ làm bài bản, nghiêm túc. Ngôi nhà vẫn bị sập thì chủ nhà phải chịu thiệt và nếu việc sập nhà gây thiệt hại cho hàng xóm thì chủ nhà cũng phải chịu trách nhiệm đền bù. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chủ nhà có quyền hỏi bên thiết kế “tại sao ông thiết kế sai, gây thiệt hại cho tôi và ông phải đền”. Bên thiết kế cũng có thể xem xét bên thi công, có thực hiện công việc đúng thiết kế, nếu thi công tùy tiện, không đúng như thiết kế thì bên thi công cũng có lỗi, phải đền cho chủ nhà vì họ làm thuê theo hợp đồng.

- Như vậy, về mặt luật pháp là chặt chẽ, nhưng qua sự cố sập nhà vừa nêu và những ngôi nhà bị nghiêng, gây lo lắng cho người dân gần đây, ông có thấy cần có bộ phận giám sát những công trình này?

Tôi nghĩ, những quy định hiện nay là đầy đủ, vấn đề là có hiểu biết để thực thi và có khả năng giám sát kiểm tra việc thực thi đó hay không.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Đồng (thực hiện)
Ý kiến của bạn In bài này
THỜI LUẬN
Có cảm giác là ngay từ đầu những người có trách nhiệm xử lý vụ việc đã muốn vụ việc kết thúc trong êm ắng: không có xử lý hình sự, không có bồi hoàn…
Dành cho quảng cáo
Bạn truy cập Đất Việt Online bao nhiều lần một ngày?