Người nặn hình nhân thế mạng cho ngư dân mất tích
"Tính đến giờ này, lão là đời thứ 8 của dòng họ Võ ở huyện đảo Lý Sơn. Dòng họ này đã nặn hình nhân bằng đất sét để thế xác cho những ngư dân mất tích". Câu chuyện của cụ Võ Văn Toại (72 tuổi), ở thôn Đông (xã An Vĩnh) bắt đầu như thế.
Làm hình nhân thế mạng để chỉ một lần chết
Cụ Toại vẫn rất khỏe, dù đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hi". Cụ kể: "Có một nghi thức không thể thiếu trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là việc dùng hình nhân để thế mạng cho những người lính trước khi được cử đi Hoàng Sa. Nghi thức có nguồn gốc từ những hiểm họa của hải trình".
Theo cụ Toại, lúc bây giờ, chỉ với chiếc xuồng chèo tay, người đi phải lênh đênh trên biển cả mênh mông đến nửa năm trời, đối mặt với gió, bão... Ai đi cũng biết khó có cơ may trở về. Vì thế, mỗi người đi sẽ được nặn một hình nhân bằng bột gạo, hoặc đất sét. Hình nhân được đặt vào một chiếc thuyền làm bằng bè chuối và thả ra biển.
|
Hình nhân thế mạng cho thuyền trưởng Tân |
"Họ tin rằng, hình nhân kia đã thế mạng cho những người sắp ra đi. Đã một lần "chết", họ không thể chết lần nữa, dù phải đối mặt với bao hiểm họa thiên nhiên" - Cụ Toại kể tiếp, vẫn bằng giọng đều, trầm và chậm rãi.
Nhưng rồi đôi mắt của cụ hơi tối lại. Khi cụ nói về những ngư dân trên đảo gặp nạn giữa biển khơi mà không tìm thấy xác. "Những hình nhân đó sẽ giúp linh hồn người chết không phải lưu lạc giữa đại dương mà tìm được đường về với quê hương".
Những hình nhân trong mộ gió
Nguyên liệu để làm hình nhân có sẵn trên đảo. Nhưng nguyên liệu phải được lấy đúng ở những nơi qui định. Đất sét lấy từ núi Giếng Tiền, giã thật nhuyễn cùng với bông gòn. Cây dâu tằm tước bỏ vỏ để làm xương sườn, đàn ông 7 cái, đàn bà 9 cái.
"Phổi và tim của hình nhân phải lấy đất ở ngã 3. Phải cột một con gà trống ở khoảng đất đó. Chờ gà mổ chỗ nào thì lấy đúng đất nơi đó, sau đó, trộn đất với trứng gà... để nặn. Cây thầu dầu (đu đủ tía) được dùng để làm gan. Trước kia dùng kén tằm làm ruột hình nhân. Gần đây dùng chỉ màu" - Cụ Toại nói.
|
Cụ Toại và người con “truyền nhân" của mình đang “làm” tàu cho ngư dân mất tích |
Cụ bảo, sau khi nặn xong hình nhân, người ta dùng giấy vàng cắt thành quần áo để mặc cho nó. Những “pháp sư”, còn gọi là “thầy pháp” (người có thể điều khiển được linh hồn) được mời về thực hiện nhiều nghi lễ rất công phu như: Cúng lên cốt (thực hiện trước khi lấy đất sét về); Mời Bà mụ về chứng giám (trước khi bỏ đất cùng với bông gòn để giã nhuyễn); nặn xong cúng khai khoang nhập cốt (gọi hồn nhập vào hình nhân)....
Theo quy định từ xưa truyền lại, việc nặn hình nhân phải thực hiện vào đêm, thông thường bắt đầu khoảng 22 giờ và kéo dài đến khoảng 4 giờ ngày hôm sau. Mỗi hình nhân có trọng lượng trung bình khoảng 10 - 20 kg. Khi hình nhân hoàn thành, người thân sẽ cử hành nghi lễ mai táng như người bình thường.
"Cũng đắp mộ, nhưng bên trong không có xác người đã khuất mà chỉ là hình nhân. Những ngôi mộ này được gọi là mộ gió" - Cụ Toại bùi ngùi.
Chỉ mong thất nghiệp
Hành nghề từ năm 17 tuổi, cụ Toại không nhớ mình đã nặn được bao nhiêu hình nhân. "Nhưng năm nào cũng phải nặn, chỉ là nhiều ít khác nhau thôi" - Cụ Toại nói. Riêng năm nay, 6 ngư dân trên tàu đánh cá Q.Ng 66192 Ts, của ông Lê Minh Tân, ra khơi khai thác rau chân vịt tại khu vực đảo Hoàng Sa vào ngày 22/12/2010 đã mất tích. Cụ Toại tặng hình nhân cho 5 người.
"Mỗi lần như vậy, người thân các gia đình đều “trả công” cả triệu đồng. Thế nhưng tôi vẫn luôn ao ước rằng mình được thất nghiệp" - Cụ Toại tâm sự.
Nói về người kế "nghiệp”, cụ Toại bảo, trong số 8 người con, chỉ chọn người con trai thứ 5 là Võ Nhành (Sinh năm 1969) để tiếp tục công việc này.
Theo P.H.O
Bee.net.vn