Thất vọng với 'Lệnh xóa sổ'
Cập nhật lúc :6:00 AM, 17/04/2011
Mở hàng cho mùa phim hè 2011, Lệnh xóa sổ được kỳ vọng là một bộ phim hành động gay cấn, hấp dẫn, rốt cuộc chỉ là một chú “ngựa non háu đá”, bởi còn thiếu quá nhiều thứ để có thể trở thành một tác phẩm “trưởng thành”.

Là một võ sư kick boxing nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà sản xuất Hoàng Trần quyết định dựng một bộ phim võ thuật.

Quá ngô nghê

Tuy nhiên, từ ý tưởng cho đến thành phẩm là cả một quãng đường dài không hề đơn giản, mà có lẽ chính ông không lường trước được. Ý tưởng của Trần Kim Hoàng được Bùi Chí Vinh chắp bút, hiện hình là một tác phẩm quá sơ sài, chủ yếu là những đoạn đánh võ, được chắp nối nhau một cách rời rạc, thông qua câu chuyện một gã giang hồ hoàn lương nhưng gặp phải sự truy lùng của một băng đảng xã hội đen.

Một cảnh trong phim Lệnh xóa sổ.

Phim mở đầu bằng một cảnh đua xe giữa hai tay anh chị, ở đó có bọn đàn em mặt ngầu cùng các cô nàng ăn mặc tươi mát, đứng uốn éo trong tiếng nhạc xập xình để cổ vũ, khiến khán giả dễ dàng liên tưởng đến phim Fast and Furious 4. Không chỉ về cách thể hiện, Lệnh xóa sổ còn “trùng lắp” với siêu phẩm của Mỹ ở chỗ cũng có một cảnh sát chìm tìm cách xâm nhập băng đảng xã hội đen bằng việc tham gia nhóm đua xe. Có điều, nếu mục đích và hành động của chàng cảnh sát trong phim Mỹ nhất quán bao nhiêu thì trong phim Việt lại… lãng xẹt bấy nhiêu. Sau màn thi tài với Hoàng (Trần Kim Hoàng), chàng cảnh sát chìm tên Hải (Hoàng Phúc) coi như đã có thể lọt vào hàng ngũ của đại ca Trần, không hiểu vì động cơ gì lại “dụ” Hoàng đua một lần nữa để rồi rơi vào mai phục của cảnh sát và bị bỏ tù. Điều này xét cả về mục đích và nghiệp vụ đều không ổn. Mục đích của Hải là xâm nhập băng đảng của ông Trần chứ không phải nhằm bắt một kẻ tay chân như Hoàng. Và ngay cả muốn bắt Hoàng thì cách “gài bẫy” đó cũng là một hành động không chấp nhận được.

Cả phim, khán giả chỉ thấy ông Trần (Chánh Tín đóng) ngồi một chỗ và cặp kè với gái. Chỉ đến khi nhân vật này bị bắt, công an đọc lệnh, khán giả mới biết đó là... ông trùm xã hội đen.

Cứ như thế, các tình tiết phi logic cứ nối tiếp nhau. Cả phim không hề thấy băng nhóm ông Trần làm gì mờ ám ngoại trừ việc ông ngồi quan sát sòng bài qua màn hình ti vi hay cặp kè với mấy em chân dài bên hồ bơi. Chỉ đến cuối phim, khi ông Trần hỏi “Tôi bị bắt vì tội gì” thì khán giả mới biết ông ta buôn bán vũ khí và ma túy. Tương tự như vậy, không ai biết được vai trò của cô trung úy công an giả mù trong chuyên án xóa sổ băng đảng là gì. Người xem chỉ thấy cô (Đinh Ngọc Diệp) lướt qua ở một phân đoạn bị bọn du côn xé quần áo, thoáng một chút ở đoạn chụp hình lén, là đã thấy cô xuất hiện cuối phim, được giới thiệu là một chiến sĩ “đóng một vai trò quan trọng trong chuyên án” như lời của một cán bộ công an giới thiệu với đồng nghiệp. Tương tự, vai trò của Hải cũng không nổi bật, chỉ thấy thi thoảng anh ta ra vào vũ trường, đánh nhau với mấy tay du côn mà không hề thấy anh phát hiện ra điều gì trong quá trình che giấu thân phận để đột nhập vào băng đảng.

Lúc ra mắt đoàn phim, nhà sản xuất tiết lộ việc để Minh Nhí đóng vai ông chủ ga ra xe nhằm tạo tiếng cười làm dịu đi căng thẳng của những cảnh chiến đấu. Tuy nhiên, dụng ý này đã không thành khi vai diễn của Minh Nhí quá nhạt, không tạo được tình huống nào đáng cười. Trong khi đó, khán giả lại cười rần rần với những câu nói ngô nghê, thừa thãi của anh công an Hải như “Giơ tay lên đầu!”, “Úp mặt vào tường”, “Vì phải che giấu thân phận nên tôi không thể cho anh biết được”.

Trong phim, siêu mẫu Vĩnh Thụy làm khán giả phát mệt với những tiếng hú, huýt sáo và điệu bộ loi choi.

Lạm dụng đánh đấm

Vì muốn phát huy tối đa sở trường võ nghệ cho vai chính mà phim của Trần Kim Hoàng đã dành phần lớn thời gian cho những pha đánh đấm. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều cảnh võ thuật đã đẩy bộ phim đến chỗ không còn đất để thể hiện nội dung, tình cảm. Các nhân vật trong phim không có số phận riêng.

Không những thế, việc lồng những pha hành động vào phim cũng thiếu tự nhiên, khiến người xem thấy rõ bàn tay sắp đặt của đạo diễn chứ không phải điều tất yếu phải xảy ra. Chẳng hạn, cảnh Hoàng chở My đuổi bắt kẻ giật túi xách của một phụ nữ, đáng lẽ trận tỉ thí giành giật chiếc túi phải diễn ra ngay trên đường thì đạo diễn để họ dựng xe đàng hoàng, vào một quán cafe rồi mới đánh nhau. Trước khi công chiếu, vai diễn của siêu mẫu Vĩnh Thuỵ cũng ít nhiều gây chú ý. Nhưng trong phim, chàng siêu mẫu này khiến người xem phát mệt với những tiếng hú, huýt sáo, trong khi điệu bộ thì loi choi không giống ai.

Những pha hành động trong phim bị đánh giá là thiếu tự nhiên.

Tuy nhiên, những pha võ thuật nói riêng cũng không đến nỗi tệ. Cảnh đua xe tốc độ cao trên đường cũng được quay khá tốt, mặc dù còn thiếu những cản trở trên đường đua, khiến cho cuộc đua dù có tốc độ vẫn chưa đủ sức tạo ra những gay cấn cần có.

Kim Vân
Ý kiến của bạn In bài này
Dành cho quảng cáo

Làm thế nào để chống in lậu sách?

Việc in, mua, bán sách lậu tràn lan hiện nay khiến nhiều nhà xuất bản, nhà sách, người viết, thậm chí độc giả thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, uy tín của không ít cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí của quốc gia, bị ảnh hưởng.

Mời bạn đọc Đất Việt hiến kế phòng chống in lậu sách tại đây . Bài viết đăng trên báo in và báo điện tử sẽ được trả nhuận bút.


Ý KIẾN ĐỘC GIẢ:
>> Chống sách lậu: Sách giả là sách độc
>> Chống sách lậu: Giảm giá sách 'xịn', tăng hình phạt
>> Chống in lậu sách: Ý thức và hình phạt