'Vàng tặc' bức tử đầu nguồn sông Chàng
Tại xã Thanh Quân (Như Xuân, Thanh Hoá), nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị đào xới nham nhở, nguồn nước đầu nguồn sông Chàng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tất cả chỉ vì nạn khai thác vàng trái phép rộ lên mấy năm nay.
> Đổ xô đi khai thác vàng trái phép
Những ngày đầu tháng tư, huyện miền núi Như Xuân mưa rả rích. Đây chính là thời điểm thuận lợi để phu vàng hoạt động vì ít bị lực lượng chức năng tuần tra xử lý.
Tại trung tâm mỏ vàng Thanh Quân nằm ngay sát đường lớn, không khí náo nhiệt như một đại công trường đang vào đợt tăng ca sản xuất. Từng nhóm người dựng lều, lán giữa cánh đồng, ven bờ sông Chàng rồi đưa máy xúc, máy nổ, đánh cả ôtô đến chở đất mang đi đãi vàng. Tiếng máy nổ, tiếng phu vàng cười nói vang cả một vùng.
|
Nhiều máy móc, phương tiện cơ giới đã được huy động đến đây để đào xới lòng đất mong tìm vận đổi đời. Ảnh: Lê Hoàng. |
Tại bản Ná Cà 1, xã Thanh Quân, hàng trăm chiếc hố lớn đã bị đào bới nham nhở. Nhiều diện tích đất trồng lúa, ao vườn đã bị xới tung để tìm vàng. Cả khu đất ngay sát trường mầm non Thanh Quân cũng đã bị “vàng tặc” viếng thăm.
Một người dân ở bản Ná Cà 1 cho biết, tình trạng khai thác vàng trái phép đã diễn ra từ nhiều năm nay. Máy móc chạy ầm ầm suốt ngày đêm. Phu vàng đến đây khai thác chủ yếu là người Nghệ An, có nhóm đến từ Hà Nội, Nam Định... Nhiều thanh niên bản đã bỏ việc đồng áng để đào đãi vàng.
Không chỉ ở bản Ná Cà 1, mà hiện nay tại các khu vực của bản Ná Cà 2, Thanh Nhân và bản Lâu Quán (Thanh Quân) cũng là điểm tập kích khai thác vàng trái phép của các nhóm “vàng tặc”. Việc khai thác ồ ạt, quy mô lớn đã khiến dòng nước ở các con suối và thượng nguồn sông Chàng ngầu đục, đỏ quạch. Cuộc sống của dân bản bị đảo lộn.
“Thấy tình trạng khai thác vàng làm ô nhiễm môi trường, khiến cá cũng chết, người dân không có nước để tắm giặt, đặc biệt ảnh hưởng đến đất trồng lúa, bà con đã nhiều lần kéo nhau ra ngăn chặn các nhóm đào vàng, nhưng được dăm ba bữa rồi đâu lại vào đấy”, một người dân phản ánh.
|
Từ khi nạn “vàng tặc” xuất hiện, dòng nước nơi thượng nguồn sông Chàng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hoàng. |
Trao đổi với báo chí, ông Vi Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân khẳng định: “Không có việc khai thác vàng quy mô lớn, mà chỉ là những điểm nhỏ lẻ. Bà con không có việc làm nên một vài người mang rổ, rá, cuốc, xẻng ra khe suối đào, đãi thủ công để kiếm ngày vài chục nghìn thôi”.
Tuy nhiên, khi xem những hình ảnh ghi được ở nơi đào vàng, ông Long mới phân bua rằng: “Mấy hôm trước, có một nhóm người đến địa phương cư trú bất hợp pháp để thăm dò, đào đãi vàng. Chúng tôi đã cử Ban công an xã đến giải quyết và trục xuất họ khỏi địa phương”.
Ông Dương Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân lại thừa nhận, tình trạng khai thác vàng trái phép quy mô lớn tại xã Thanh Quân là có thật. “Hiện huyện đã chỉ đạo lực lượng công an tập trung giải quyết và xử lý triệt để”, ông Mạnh khẳng định.
Cũng theo ông Mạnh, tỉnh Thanh Hóa chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào vào khai thác vàng sa khoáng ở huyện Như Xuân. Cuối năm 2010, cơ quan chức huyện cũng đã làm gắt gao, nhưng các nhóm khai thác vàng trái phép vẫn lợi dụng địa bàn xa trung tâm để hoạt động.
Lê Hoàng