Thứ Hai, 18/04/2011 - 08:09

Bạn đọc viết:

Cấm xe theo ngày: “Nghĩ đã thấy ớn!”
(Dân trí) - Mấy ngày nay tôi đọc và nhận khá nhiều thông tin về việc sẽ cấm xe ô tô vào thành phố theo biển chẵn lẻ, và nó dường như trở thành chủ đề được quan tâm nhất của cánh tài xế chúng tôi mỗi khi tụ tập.
 >>  Người dân vẫn phản ứng với "ý tưởng chẵn - lẻ"
 >>  TPHCM: Ô tô sẽ lưu thông theo ngày chẵn - lẻ?

Chỉ cần nghĩ về việc những phiền hà có thể xảy ra khi quy định này được áp dụng, tôi đã thấy ớn hết cả người.  Không biết vị lãnh đạo đề xuất quy định này đã suy nghĩ thấu đáo chưa, hay chỉ là để giải quyết mục đích “hoàn thành nhiệm vụ” mà không thể nghĩ ra cách hay hơn? 

 

Tôi không hiểu sẽ thế nào nếu như ngày hôm nay công ty cử  nhân viên đi công tác mà vào ngày xe không được lưu thông, thì chẳng nhẽ phải thuê xe, mà thuê xe thì khi về vào ngày cấm thì đỗ xe ở ngoài thành phố rồi lại thuê xe khác vào? Xe buýt thì quá nhiều hạn chế như không được nhiều đồ, chuyến nhanh chuyến chậm, giờ cao điểm hay quá tải...

 

Hay như công ty “con” ở tỉnh về công ty “mẹ” để làm việc hôm sau, về vào ngày cấm cũng phải để xe lại thuê xe về hay ở lại thêm chờ ngày xe được lưu thông mới đi? Hay như những công ty chỉ có một xe, nhân viên lái xe sẽ chỉ làm việc vào ngày xe được lưu thông và nghỉ vào ngày xe bị cấm sao? ... Có quá nhiều vấn đề mà tôi không thể nói hết để chứng tỏ rằng: Không thể cấm!.

 

Ở Việt Nam tình trạng vi phạm luật giao thông quá phổ biến, ai cũng có thể thấy: xe máy đi không theo làn, khi xảy ra tắc đường ô tô thường kéo thành những hàng dài, hoặc dàn hàng 3, hàng 4... Còn xe máy thì như giọt nước, bất cứ chỗ nào chảy được là  len vào, không cần quan tâm đến làn đường cho phép. 

 

Tuy luật giao thông rất chặt và rõ ràng, nhưng ở ta người dân hình như có thể vi phạm luật giao thông ở bất cứ đâu. Nhưng hễ có lực lượng chức năng tuần tra giám sát, thì hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông lại đi rất đúng luật. Điều đó thể hiện họ biết luật nhưng không tự giác. Vậy làm sao để họ tự giác? Chẳng nhẽ chỉ vì không yêu cầu được người dân đi theo luật để tránh ùn tắc, thì ta lại... cấm để giảm lượng phương tiện lưu thông?

 

Tôi cũng được biết có dẫn chứng việc nước ngoài đã áp dụng luật này rồi, nhưng tôi xin đặt câu hỏi: Nước họ có bao nhiêu xe, phương tiện công cộng ở nước họ thế nào? Quả thực nếu ở Việt Nam phương tiện giao thông công cộng hoàn thiện như những nước đó thì tôi cũng sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng và không phàn nàn gì. Nhưng mong các vị lãnh đạo hãy thử dùng phương tiện công cộng đi làm một thời gian, chắc chắn sẽ thấy những phiền hà mà trong phạm vi bài viết nhỏ này không thể kể hết.

 

Thực tế ô tô chỉ là một phần nguyên nhân của việc ùn tắc ở khu đô thị, nhưng không phải là tất cả. Việc các công trình giao thông, đào đường, chất lượng đường kém… kèm thêm xe máy đi không theo luật cũng là nguyên nhân lớn gây nên việc ùn tắc.

 

Tôi rất mong muốn những vị lãnh đạo có thẩm quyền quyết định suy xét thật kỹ, trước khi đưa ra những quy định làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người dân.

 

Lâm Trí Long