Trung Quốc có thể tôn trọng Luật Biển không?
Những tham vọng của Trung Quốc có thể dẫn các nước láng giềng đặt câu hỏi liệu Trung Quốc thực sự có trách nhiệm không khi tham gia vào công việc quốc tế, đặc biệt khi nước này tham gia vào công cuộc an ninh trên biển.
* Tác giả Chu Khắc Nguyên là giáo sư về Luật Quốc tế tại Khoa Luật, đại học Lancashire Anh quốc. Ông chuyên về luật quốc tế công, đặc biệt chuyên về luật biển và luật môi trường quốc tế. Ông là thành viên các ban biên tập của hai tờ báo nhiều uy tín về luật biển trên thế giới: tờ International Journal of Marine và tờ Coastal Law and Ocean Development and International Law. Bài viết: Trung Quốc có thể tôn trọng Luật Biển không? - Đánh giá các hiệp ước về biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng được in trong Seri đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề "The Disputed Sea - Maritime Security in East Asia" tháng 12/2010.
DẪN NHẬP
Ở đâu có con người, ở đó có xung đột và hợp tác. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á, hình như các xung đột ở vùng biển xảy ra thường xuyên hơn. Một điềm báo cho nhận định này là việc Hải quân Nhật Bản bắt giữ ngư dân Trung Quốc, trong khi Hải quân Trung Quốc đổi lại đã bắt giữ ngư dân Việt Nam.
Có nhiều nhân tố khác nhau kích hoạt cho các xung đột trên vùng biển tại khu vực Đông Á. Một nhân tố liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ nảy sinh từ những xung đột trong lịch sử. Những tranh chấp về đảo Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc và tranh chấp đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi bằng đảo Senkaku - ND) giữa Trung Quốc và Nhật Bản phần lớn đều được coi là di sản của chế độ thuộc địa Nhật Bản từ trước Thế Chiến II. Việc bắt giữ ngư dân Trung Quốc mới đây xảy ra tại vùng biển sát đảo Điếu Ngư hiện vẫn nằm trong tay Nhật Bản.
Một nhân tố khác liên quan tới luật trong việc phân định đường biên giới trên biển đã được đề ra trong các hiệp nghị quốc tế. Sau khi Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (Công ước LOS) có hiệu lực pháp lý năm 1994,1 thì những tranh chấp đường biên giới lại gia tăng và có cường độ mạnh. Bản Công ước cho phép các quốc gia ven biển được mở rộng vùng lãnh hải thuộc quyền tài phán của họ tới 200 hải lý tình từ đường cơ bản để đo lãnh hải của họ. Quyền tài phán này phân chia vùng lãnh hải 12 hải lý và thềm lục địa và Vùng kinh tế độc quyền (Exclusive Economic Zone (EEZ) với 200 hải lý. Trong một vài trường hợp, thềm lục địa có thể mở rộng ra tới 350 hải lý. Rất đáng ghi nhớ điều này rằng thềm lục địa và Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) là hai (khái niệm về) vùng biển mới được tạo ra theo Công ước LOS. Nếu như các vùng biển này vẫn không được xác lập, thì hẳn là sẽ chẳng có tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên Biển Đông Trung Hoa, vì vùng nước này ngăn đôi hai quốc gia bằng một khoảng cách là 360 hải lý. Trong những trường hợp này, xung đột về biển lại đã bị làm cho trầm trọng thêm bởi cuộc chạy đua đi tìm nguồn năng lượng tại các vùng biển. Trong cuộc đeo đuổi phát triển kinh tế nhanh chóng, các quốc gia ven biển bắt gặp nhu cầu ngày càng gia tăng về năng lượng.
Việc mở rộng các vùng biển thông qua các hiệp nghị quốc tế càng làm phức tạp hóa thêm các xung đột. Công ước LOS đưa các điều khoản đặc biệt về các Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) cho các đảo với các kích cỡ khác nhau. Theo tính toán, một hòn đảo không duy trì được cuộc sống của con người có thể có lãnh hải là 1.550 km2, trong khi một hòn đảo lớn có khả năng duy trì cuộc sống kinh tế hoặc nơi cư trú cho con người có thể là một Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) khoảng 420.000 km2.2 Đây là một trong những lý do tại sao lại có những đòi hỏi ngày càng gia tăng những hòn đảo nhỏ; ngay cả những vùng đá tảng nhỏ cũng gây ra tranh chấp giữa các quốc gia. Đá tảng tự nó không quan trọng đến thế - nhưng có những nguồn sống bên trong các vùng biển chung quanh những hòn đá tảng đó.
NHỮNG CUỘC TRANH CHẤP BIỂN
Nói một cách tổng quát, có ba loại tranh chấp biển ở Đông Á: những tranh chấp lãnh thổ đối với những hòn đảo nhỏ; những tranh chấp về phân định đường biên giới trên biển giữa các nước láng giềng; và những tranh chấp đối với sự phân chia vị trí và sử dụng bền vững các nguồn lợi biển. Liên quan đến loại tranh chấp thứ nhất, ta không thấy hé ra một giải pháp đáng tin cậy nào trong tương lai gần, bởi vì các quốc gia đang tranh chấp đều khẳng định chủ quyền của mình đối với các hòn đảo nhỏ đang tranh chấp, và không thấy có dấu hiệu nào cho thấy một bên sẽ nhượng bộ. Điều còn phức tạp hơn nữa là việc những đòi hỏi lãnh thổ lại gắn chặt với những phong trào dân tộc chủ nghĩa. Điều này có thể thấy qua những cuộc phản đối đông người lúc lúc lại nổ ra ở Trung Quốc về vấn đề đảo Điều Ngư và ở Nam Triều Tiên là về đảo Dokdo, trong cả hai trường hợp đều nhắm vào Nhật Bản. Hơn nữa, vào tháng 12 năm 2007, những đám đông biểu tình chống Trung Quốc cũng diễn ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để phản đối hành động đơn phương của Hải quân Trung Quốc tại vùng các hòn đảo đang có tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông - ND). Cứ cái đà của những tình cảm này thì sẽ chẳng thể nào có dàn xếp gì cho những tranh chấp lãnh thổ trên biển đó có thể thành một khả năng trong tương lai xa xôi.
Vùng kinh tế độc quyền trên Biển Đông Trung Hoa do Nhật Bản và Trung Quốc tuyên bố. |
Việc phân định giới hạn đường biên giới trên biển như đã đề ra trong Công ước LOS cũng đã là một nguồn căng thẳng, nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Trung Quốc đã thừa nhận là họ có những tranh chấp và họ chưa giải quyết được việc vạch đường biên giới với hai nước Triền Tiên, với Nhật Bản, với Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia, và Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đã ký Hiệp định về việc vạch đường biên giới trên biển ở vùng Vịnh Bắc Bộ, song vẫn không có thỏa thuận gì thêm nữa về Hiệp định có nội dung đó giữa Trung Quốc và nước láng giềng (Việt Nam). Một vài cuộc thương thảo liên quan vẫn đang còn diễn ra, như giữa Trung Quốc và Hàn Quốc; thường nghe báo cáo là đã đạt được thỏa thuận chung chung nào đó giữa hai quốc gia, nhưng chưa từng khi nào đạt được tiến bộ đáng kể nào về phương diện này.3 Mặc dù các nước có bờ biển chỉ được hưởng chủ quyền và các quyền tài phán tại vùng thềm lục địa và Vùng kinh tế độc quyền (EEZ), hai vùng biển đó là vô cùng quan trọng vì chúng có vô vàn nguồn lực tự nhiên và có thể dần dần được chuyển đổi thành lãnh thổ có chủ quyền. Một sự biến chuyển tương tự đã từng xảy ra trong trường hợp vùng biển truyền thống - tức là vùng biển đã thành vùng lãnh thổ - đã được mở rộng tới 12 hải lý tính từ cái bề rông quy định ban đầu chỉ có 3 hải lý.
Thêm vào những đòi hỏi chồng chéo nhau về các hòn đảo nhỏ, những lập trường pháp lý khác nhau về việc phân định biên giới cũng dựa trên các Hiệp định về đường biên giới trên biển. Tại vùng Biển Đông Trung Hoa, nước Trung Quốc tìm cách mở rộng phạm vi thềm lục địa với Nhật Bản, nhưng Nhật Bản kiên trì đường phân định ở giữa. Cho đến nay, chưa thấy dấu hiệu hòa hợp nào về vấn đề này.
May sao, trong việc quản lý các nguồn lực biển lại đã có nhiều tiến bộ với kết luận của Hiệp định đánh cá Trung-Nhật năm 1997, Hiệp định đánh cá Trung Quốc- Hàn Quốc năm 1998. Những Hiệp định này được xác lập để quản lý các nguồn lợi cá ở Biển Đông Trung Hoa, Hoàng Hải, và Biển Nhật Bản.
Theo các Hiệp định đó, các vùng cùng quản lý đánh bắt cá đã được xác lập và bảo trì. Mặc dù vậy, các nguồn lực biển vẫn còn là một nguồn xung đột. Những biện pháp đơn phương của một quốc gia có thể bị một quốc gia khác coi là có dụng ý xấu. Thí dụ, khi Trung Quốc ra Nghị định tuyên bố đóng cửa mùa đánh cá ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông - ND) trong mùa hè, việc này được Việt Nam coi như là sự can thiệp vào chủ quyền của họ.
Về việc quản lý và phát triển các nguồn lực bất động, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên, thì tình hình có phưc tạp hơn. Chúng ta cần nhớ lại rằng, vào năm 1974, một Hiệp nghị giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cùng phát triển dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông Trung Hoa đã gây ra những phản đối dữ dội từ phiá Trung Quốc. Quyền lợi của Trung Quốc trong tư cách phía thứ ba trong cùng vùng biển đó đã được đem dùng để làm tê liệt các cuộc thương lượng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản đã cãi cọ nhau về vùng có dầu thô và khí đốt Xuân Kiều nơi chỉ nằm cách đúng 5 kilomet vùng Nhật Bản đơn phương coi là đường biên giới nằm giữa Biển Đông Trung Hoa. Vụ tranh chấp ít ra đã được giải quyết một phần bởi một Hiệp nghị giữa Trung Quốc và Nhật Bản hồi tháng bảy năm 2008: hiệp nghị này tạo ra một vùng cùng phát triển ở Biển Đông Trung Hoa sát với vùng Nhật Bản coi là đường biên giới nằm giữa, và cho phép các doanh nghiệp Nhật phát triển bãi dầu Xuân Kiều theo đùng luật pháp Trung Quốc.4 Kết luận của Hiệp nghị này phù hợp với tinh thần và các điều khoản dự phòng của Công ước LOS khuyến khích các quốc gia đưa ra những điều dự phòng trong khi chờ đợi giải quyết đường biên giới trên biển của họ. Tuy nhiên, thật không may là, những sự kiện gần đây đã dẫn tới việc chậm trễ thực hiện Hiệp định.
Trung Quốc cũng đã phản đối mạnh mẽ những yêu sách về biển của Nhật Bản đối với Okinotorishima, một đảo nhỏ đá ngầm nằm ở 20025' Bắc và 136005' Đông so với đầu cực Nam của Nhật Bản. Do bào mòn của nước biển, bề mặt của đảo đá ngầm nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên đã dần dần thu hẹp lại. Kết quả là đảo nhỏ phía Bắc (Kitakojima) chỉ nhô lên có 16 centimet và đảo nhỏ phía Đông (Higashikojima) chỉ nhô lên có 6 centimet bên trên mực nước biển khi thủy triều lên.5 Nếu cứ để yên mặc nó, đảo đá ngầm này có thể bị nước biển nuốt gon.
Kể từ năm 1987, Nhật Bản bắt đầu bỏ vốn đầu tư lớn (khoảng US$300 triệu) để gia cố, nâng cao đảo đá ngầm lấy đó làm cơ sở đòi hỏi thêm chế tài biển. Nếu thành công, Nhật Bản có thể đòi thêm một Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) rộng khoảng 400,000 km2 và một thềm lục địa rộng khoảng 740,000 km2 xung quanh đảo đá ngầm.6 Trung Quốc tuyên bố quan ngại việc thừa nhận đòi hỏi thềm lục địa của đảo Okinotorishima của Nhật Bản "sẽ tạo ra một tiền lệ khả dĩ dẫn tới sự xâm lấn biển ngoài khơi xa trong Khu vực ở mức độ lớn hơn nữa".7 Nhìn bề ngoài thì yêu sách biển của Nhật Bản có thể tác động xấu tới các quyền lợi của Trung Quốc trong việc đánh bắt cá và nghiên cứu khoa học biển tai các vùng biển liền kề quanh đảo đá ngầm.
VẤN ĐỀ BIỂN NAM TRUNG HOA (Biển Đông)
Ở vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), tranh chấp về quần đảo Trường Sa là vấn đề gai góc nhất. Nó dã được kéo dài lâu rồi, và nó dính dáng đến Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippines, và Brunei. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, thật rất không bình thường việc có nhiều nước cùng đỏi chủ quyền cho những hòn đảo bé tí như thế.
Với tư cách là quốc gia quân bài chủ chốt, những nỗ lực của Trung Quốc và sự hợp tác là cần thiết để giải tỏa các căng thẳng trong vùng này. Khi mới đầu đến bàn thương lượng về quy tắc ứng xử, Trung Quốc rất miễn cưỡng tham gia thương lượng đa phương với khối ASEAN mặc dù Trung Quốc đã đạt tới quy tắc ứng xử song phương với Philippines năm 1995. Dẫu sao, Trung Quốc cũng dần dần từng bước thay đổi thái độ và bắt đầu xem xét khả năng và những mối lợi của việc thương lượng quy tắc ứng xử cấp khu vực. Sự thay đổi có thể là do hai thế lực thúc đẩy từ cả bên trong lẫn bên ngoại.
Từ bên trong Trung Quốc, có sự thúc đẩy hướng tới một chính sách đối ngoại thực dụng "ổn định chu biên" (ổn định các vùng lân cận) được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu. Dựa trên điều đó, Trung Quốc phải duy trì một môi trường ổn định trong vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Từ bên ngoài, những áp lực và nỗ lực của các quốc gia ASEAN đã thuyết phục được Trung Quốc rằng hợp tác với ASEAN là tất yếu nếu Trung Quốc muốn có một môi trường ổn định ở các vùng nước này. Kết quả là Trung Quốc đã đưa ra đề nghị của riêng mình về quy tắc ứng xử năm 1999 như là đáp ứng lại đề nghị của ASEAN. 8 Hệ quả là, Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã tiến hành nhiều vòng thương lượng để phác thảo ra Quy tắcỨng xử Chung cho vùng Biển Nam Trung Hoa (Code of Conduct for the South China Sea (COC).9
Tàu tuần tra Hoa Kỳ trên vùng biển Đông |
Ngày 4 tháng Mười 2002, tại Phnom Penh, Campuchia, Trung Quốc và toàn thể các nước thành viên ASEAN ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại vùng Biển Nam Trung Hoa (2002 DOC).10 Có lẽ đây là tư liệu đáng kể nhất chưa bao giờ ký giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Bản Tuyên bố được soạn ra nhằm củng cố và phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình ở vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Nó được xây dựng trên các nguyên tắc và mục tiêu như trong Tuyên bố chung 1997 của các người đứng đầu chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Tuyên bố tái khẳng định sự tham gia các bên vào việc sử dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước LOS để xây dựng lòng tin cậy và hợp tác. Các bên bảo đảm tự do đi lại cho các phương tiện tại và trên bầu trời Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Các bên mong muốn hợp tác trên các lĩnh vực sau:
- Bảo vệ môi trường biển
- Nghiên cứu khoa học biển
- An toàn giao thông trên biển
- Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ
- Chông tội phạm quốc tế, bao hàm nhưng không chỉ giới hạn trong buôn bán ma túy, cướp biển có vũ trang và buôn lậu vũ khí.
Các quốc gia ký kết cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp quyền tài phán bằng các phương tiện hòa bình, cam kết tiếp tục các thương lượng về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và thực hiện kiềm chế để tránh các hành động khiêu khích.
Trong tài liệu cam kết 2002 DOC chứa đựng nhiều yếu tố từ đề xuất của Trung Quốc đưa ra trước đó. Chữ ký của Trung Quốc có thể coi như một cử chỉ thiện chí. Một dấu hiệu của việc đó là sau khi ký Tuyên bố DOC, Trung Quốc và Philippines giảm bớt tầm quan trong của các cuộc tập trận Hải quân gần vùng biển tranh chấp, tuyên bố những vùng đó không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có những bước thụt lùi làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện Tuyên bố DOC 2002. Trước hết, có những quốc gia vẫn tiếp tục những hành động đơn phương trái với những điều đã nêu trong Tuyên bố. Những hành động như việc Trung Quốc và Philippines nâng cấp cơ sở hạ tầng trên các đảo. Hai là, chương trình chung ba bên giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam sau khi thực thi phần thứ nhất thì nay đã ngừng các hoạt động, và có lẽ hình như khó có thể thấy chương trình đó sẽ được nối lại trong một tương lai gần.
Thứ ba là, mới đây phía Trung Quốc có sự thay đổi thái độ, họ đã từ hành vi đa phương trở lại hành vi song phương. Như đại sứ Trung Quốc tại ASEAN phát biểu năm 2009, do chỗ các thành viên khối ASEAN gồm hai thành phần, loại có yêu sách và loại không có yêu sách, nên khối ASEAN không thể là diễn đàn thích hợp cho việc thảo luận vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Do đó, chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua các thương thuyết song phương.11
Sự quay ngoắt này có chút gì đó gây ngạc nhiên vì Trung Quốc trước đó không lâu vẫn ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố DOC, coi như đó là cử chỉ thiện chí phù hợp với cách hành xử đa phương. Thậm chí Trung Quốc còn cho mượn địa điểm trên đất mình để tổ chức nhiều hội nghị thực thi Tuyên bố DOC. Câu hỏi lớn là liệu phương thức song phương có thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Trung Quốc là tác nhân quan trọng nhất trong vấn đề an ninh khu vực. Sẽ có những lo sợ như liệu Trung Quốc có chọn con đường cứng rắn cho vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) không. Trong một điều trần tại Hạ Viện Hóa Kỳ ngày 13-1-2010, tư lệnh quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đô đốc Robert Willard nói rằng Hải quân Trung Quốc đã tăng cường tuần tra trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và đã "cho các nước trong vùng thấy một ý muốn ngày càng gia tăng được đụng độ với họ trên các vùng biển xa và tại các vùng có những hòn đảo đang tranh chấp." 12 Nếu như cái kịch bản được mô tả này là đúng, thì các quốc gia Đông Nam châu Á có chuyện phải quan tâm đó. Và ngược lại, điều này sẽ phá hoại lời văn và tinh thần Tuyên bố DOC.
May sao, các quốc gia ASEAN và Trung Quốc mới đây đã thỏa thuận mở lại đối thoại về việc thực thi hữu hiệu Tuyên bố DOC. Họ đang làm điều này theo hướng chấp nhận Quy tắc ứng xử ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) (COC).13
HỢP TÁC CHỐNG CƯỚP BIỂN TRONG KHU VỰC
Cướp biển là mối đe dọa thường xuyên nền an ninh trên biển của toàn thể thế giới. Số liệu mới nhất cho thấy năm 2009 toàn thế giới có 406 vụ cướp biển, nhiều nhất kể từ năm 2003. Cướp biển trong vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) cũng tăng lên vào năm 2009 - từ Tháng 1 đến tháng 9 năm 2009, số vụ tăng hơn mười vụ so với năm 2008.
Trung Quốc đã thấy rõ họ không thê một mình chống lại cướp biển ở các vùng biển liền kề với họ. Việc hợp tác trong vùng là cần thiết thì mới có hiệu quả. Nhằm mục tiêu này, tháng 11 năm 2001, Trung Quốc đã ký với tổ chức các nước ASEAN Tuyên bố chung về Hợp tác trong lĩnh vực các vẫn đề an ninh không truyền thống (Joint Declaration on Cooperation in the Field of Non-Traditional Security Issues). Hiệp nghị này bao gồm sự hợp tác toàn diện giữa các nước ASEAN và Trung Quốc và định nghĩa các kiểu hợp tác ưu tiên. Các ưu tiên đó bao gồm "chống buôn bán ma túy, buôn lậu người kể cả phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm tin học." Trong việc hợp tác đa phương và song phương, có các mục tiêu sau:
- Tăng cường trao đổi thông tin
- Tăng cường trao đổi nhân sự và huấn luyện và nâng cao việc đào tạo năng lực công tác
- Tăng cường hợp tác thực tiến với các vấn đề an ninh không truyền thống
- Tăng cường hợp tác cùng nghiên cứu vấn đề an ninh không truyền thống
- Khảo sát các lĩnh vực khác và các kiểu hợp tác khác 14
- Thêm vào đó, Tuyên bố 2002 DOC15 nhằm vào việc tiêu trừ cướp biển và cướp bóc có vũ trang trên biển.
Thực ra, dựa cơ sở trên Tuyên bố này, Trung Quốc đã bảo trợ nhiều hội thảo về vấn đề an ninh không truyền thống. Thí dụ Viện Nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa vào tháng 12-2007 đã tiến hành hội thảo huấn luyện về an ninh biển tại vùng eo biển Malacca cho các viên chức chính quyền các nước Đông Nam Á.
Những nỗ lực ở khu vực này lên tới đỉnh điểm trong Hiệp định rất có ý nghĩa khu vực về chống cướp biển ký vào tháng 11-2004, co nội dung sau: Hiệp nghị Hợp tác trong Vùng về chống Cướp biển và cướp bóc có vũ trang đối với tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP). Hiệp nghị này có hiệu lực từ tháng chín năm 2006. Hiệp nghị bắt buộc các nước ký kết phải:
- Ngăn chặn và tiêu diệt cướp biển và cướp bóc có vũ trang đối với các tàu biển
- Bắt giữ cướp biển hoặc những kẻ phạm vào việc cướp bóc có vũ trang đối với các tàu biển
- Bắt giữ tàu biển hoặc máy bay dùng vào việc cướp biển hoặc cướp bóc có vũ trang đối với các tàu biển
- Cứu hộ những tàu biển nạn nhân và những nạn nhân của cướp biển hoặc cướp bóc có vũ trang đối với các tàu biển 16
- Ngăn chặn cướp biển hoặc cướp bóc có vũ trang đối với các tàu biển tới hết mức có thể làm được phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế và quy chế, phù hợp với nguồn lực và năng lực của mình
- Cung cấp phương tiện hỗ trợ cũngnhw dẫn độ nhằm tiêu diệt và trừng trị cướp biển.
Ngoài các điều khoản đó ra, hiệp định còn cho thành lập một Trung tâm Chia sẻ Thông tin (Information Sharing Center (ISC). Trung tâm ISC chính thức ra mắt tháng 11 năm 2007 tại Singapore.17
Hiệp nghị ReCAAP là loại hiệp nghị đặc thù đầu tiên nhằm ngăn chặn và xóa bỏ cướp biển. Bởi chỗ nó mới mẻ nên nó trở thành khuôn mẫu cho các giàn xếp khu vực khác. Có tin là một Bộ ứng xử mẫu tương tự cũng đã được xây dựng cho vùng phía Tây Ấn Độ Dương.
Để xử lý riêng với vùng eo biển Malacca, chính phủ Singapore và Tổ chức IMO (Tổ chức biển quốc tế - International Maritime Organisation) đã cùng triệu tập "Hội nghị về Eo biển Malacca và Singapore: Nâng cao An toàn, An ninh và Bảo vệ Môi trường". Đó là Hội nghị đầu tiên tạo ra Bộ máy Hợp tác cho vùng Eo biển Malacca và Singapore vào năm 2007. Bộ máy gồm có Hội thảo về Hợp tác, Dự án Ủy ban Hợp tác, và Quỹ Hỗ trợ Giao thương. Trung Quốc là một nước trong vùng đã tỏ rõ sự ủng hộ mạnh mẽ cho sáng kiến này.
PHÂN ĐỊNH ĐƯỜNG BIÊN GIỚI TRÊN BIỂN
Thỏa thuận chính thức duy nhất liên quan đến việc phân định đường biên giới trên biển giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng là Hiệp định phân định đường biên giới trên biển giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng ở Vịnh Bắc Bộ. Để hiểu được chuyện "vì sao" của trường hợp này, cần xem xét toàn cảnh quan hệ biên giới Việt-Trung.
Hai quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 11 năm 1991, sau một thời gian dài căng thẳng tiếp theo cuộc Chiến tranh Biên giới Trung-Việt năm 1979. Các vấn đề biên giới tiếp tục là một vấn đề nhạy cảm trong các quan hệ song phương; thực ra thì, cuộc Chiến tranh Biên giới Trung-Việt đã bắt đầu với vô số vụ va chạm có vũ trang dọc theo biên giới. Chình vì vậy mà cả hai bên đều lấy chuyện biên giới làm ưu tiên số một để giải quyết các tranh chấp sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tháng 10 năm 1993, hai bên ký kết một hiệp nghị đưa ra những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề lãnh thổ biên giới. Theo đó, hai bên tuyên bố không tiến hành các hoạt động có khả năng làm phức tạp hóa thêm nữa các tranh chấp trong khi các cuộc thương lượng vẫn đang tiến hành.
Ta cũng nên nhớ lại rằng, trong khi Hòa ước Hoa-Pháp năm 1887 phân chia ước lượng tạm thời đường biên giới Trung -Việt, khi đó thực ra vẫn chưa có đường phân giới chính xác nào được dựng ra. Đây chính là nguồn gốc căng thẳng và xung đột. Năm 1999, cuối cùng thì hai quốc gia đạt tới một thỏa thuận về biên giới trên đất liền. Đến cuối năm 2008, đường phân định đã hoàn thành.
Hiệp nghị Vịnh Bắc Bộ chỉ ra rằng hai phía đã cùng có những nỗ lực như nhau để phân định đường biên giới trên biển. Hiệp nghị này được ký kết trong năm 2000 sau nhiều thương thuyết. Theo Hiệp nghị này, chiều dài của đường phân định khoảng 500 km. Trên đường này có 21 mốc địa lý, trong đó mốc 1 và 9 phân chia lãnh thổ biển và các điểm từ 9 đến 21 xác định các Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) và các thềm lục địa của hai quốc gia tại vùng Vịnh Bắc Bộ. 18 Do chỗ Hiệp nghị này là lần đầu tiên nên Trung Quốc đồng ý với các quốc gia làng giềng rằng Trung Quốc có thể nêu gương tốt. Với Việt Nam, Hiệp nghị phân định biên giới biển cũng được đánh giá đầy đủ nhất vì đây là hiệp định đầu tiên nước này từng ký kết. Song, trong trường hợp này, nó lại chỉ là cái thứ nhì trong ba hiệp nghị biên giới Việt Nam đã ký với các quốc gia láng giềng.
Ảnh minh họa: xinhua.net |
Trung Quốc và Việt Nam cũng ký một hiệp nghị mới về quản lý nghề đánh bắt cá trong vùng Vịnh Bắc Bộ. Hiệp nghị này quy định sự phát triển hợp lý và bền vững của nguồn lợi cá và xác lập Vùng đánh cá chung rộng khoảng 30.000 km2. Căn cứ theo một khảo sát khoa học, việc đánh bắt cá bền vững ở vùng vịnh là 600.000 tấn mỗi năm; song trong những năm gần đây, việc đánh bắt cá tổng hợp các cách của Trung Quốc và Việt Nam đã vượt quá một triệu tấn. Sự quản lý bền vững song phương các nguồn cá từ đó là một biện pháp được đón nhận để ngăn ngừa suy kiệt nguồn cá và nghề cá.
Vịnh Bắc Bộ là một vùng biển chung nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bằng cách ký kết các hiệp nghị nói trên, hai quốc gia lao vào một giai đoạn mới cùng hợp tác trên biển qua các mối quan hệ song phương. Nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp nghị, người Việt Nám đã tiến hành tuần tra chung và khảo sát khoa học. Thêm vào đó, các bên cũng đã ký một nghị định khung về hợp tác để khảo sát khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên ở vùng Vịnh (Bắc Bộ).
QUẢN LÝ CÁC NGUỒN LỢI NGHỀ CÁ
Bên cạnh việc ký kết với Việt Nam, Trung Quốc cũng ký kết hiệp định cá với Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Mặc dù các hiệp nghị này mới nhìn thoáng qua có thể không có vẻ có giá trị cao, song trên thực tế chúng có đóng góp lớn đề nâng cao các mối quan hệ ngoại giao trên vùng biển.
Trong trường hợp Trung Quốc và Nhật Bản, hiệp nghị về nghề cá là một bước quan trọng tiến tới giải quyết vấn đề dai ngoách là phân định đường biên trên biển. Việc Công ước LOS có hiệu lực vào năm 1994 dẫn tới kết quả là một sự hỗn loạn hoàn toàn. Do chỗ nơi rộng nhất của Biển Đông Trung Hoa cũng chỉ dưới mức 400 hải lý, nên chiều dài của các Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) theo hiệp nghị trên thực tế có nghĩa là các khu vực biển của Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên sẽ phải giao thoa chồng chéo vào nhau. Tình hình như vậy là không bền vững; các bên cần điều chỉnh nhằm tránh các xung đột quyền lợi trong nghề cá.
Sau nhiều vòng thương lượng, Trung Quốc và Nhật Bản đi tới một Hiệp nghị về quản lý nghề cá ở Biển Đông Trung Hoa vào tháng chín năm
1997.19 Hiệp nghị này có hiệu lực vào tháng sáu năm 2000. Hiệp nghị có một số điều khảon dự phòng nhằm đáp ứng tình hình thay đổi. Trước hết, nó khẳng định nguyên tắc duy trì và bảo vệ nguồn cá. Đây là sự đeo đuổi các điều khoản tương tự trong Công ước LOS và những đòi hỏi của môi trường theo Agenda 21. Cả hai bên đồng ý hợp tác để tiến hành nghiên cứu khoa học về nghề cá và bảo tồn các nguồn lực sống ở biển.20 Khi tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá tại Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) của một nước khác, ngư dân phải tôn trọng các biện pháp bảo tồn và các luật lệ liên quan khác của nước khác. Các quốc gia cần thông tin cho nhau về các luật lệ và quy chế tương ứng về bảo tồn nghề cá.21
Hai là, Trung Quốc cho ngư dân Nhật Bản quyền được đánh bắt cá trên Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) của Trung Quốc và ngược lại. Nhà chức trách có thẩm quyền của mỗi quốc gia cấp giấy phép đánh bắt cá cho người và tầu đánh cá của nước bên kia và có thể đòi trả phí khi cấp các giấy phép đó. Việc cấp các giấy phép đó cần theo đúng các khoản của Hiệp định.
Tuy nhiên, cần phải cấp bao nhiêu giấy phép và bao nhiêu tấn cá được phép đánh bắt là một vấn đề khó khăn và phức tạp khác đòi hỏi có những thương lượng tiếp tục. Ngoài ra, Hiệp định cũng không kể tới khu vực Vùng kinh tế độc quyền (EEZ) nằm ở phía nam 270Bắc và phía bắc của 125030' Đông trong Biển Đông Trung Hoa, là các vùng có Đài Loan và các đảo Điếu Ngư.
Thứ ba là, Hiệp định xác lập một Ủy ban liên hợp Trung-Nhật để thực hiện nó. Ủy ban này gồm có bốn thành viên do mỗi bên cử ra hai. Các quyết định của Ủy ban này dựa trên đồng thuận của các thành viên, Các quốc gia của cả hai bên phải tôn trọng các khuyến nghị của Ủy ban đưa ra và tiến hành các biện pháp phù hợp với các quyết định đó. Ủy ban có thể được triệu tập hàng năm họp hoặc ở Trung Quốc hoặc ở Nhật Bản. Nếu cần, cũng có thể có những cuộc hội nghị bất thường.22 Những dàn xếp tương tự cũng có trong các thỏa thuận đánh bắt cá giữa Trung Quốc và Nam Triều Tiên và giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cuối cùng, Hiệp định đánh bắt cá cũng có một số bước tiến trong việc phân định biên giới trên biển bằng cách đưa ra một vùng thực thi các giải pháp dự phòng (Provisional Measures Zone (PMZ). Vùng PMZ nằm ở giữa Biển Đông Trung Hoa, cách đường lãnh hải cơ bản ở bờ biển lục địa Trung Quốc và bờ biển đảo Ryukyu 52 hải lý. Giới hạn phía Bắc của đường này là vĩ tuyến 30040'Bắc và giới hạn phía Nam của đường này là vĩ tuyến 270 Bắc. Hai bên đồng ý bảo vệ các nguồn hải sản sống trong khu PMZ dựa trên các quyết định của Ủy ban Liên hợp đánh bắt cá. Mỗi quốc gia chịu trách nhiệm đối với người của nước mình đánh bắt cá trong vùng PMZ, nhưng không nên áp đặt các biện pháp đối với người của nước bên kia đang hoạt động ở đó.
Xây dựng một khu vực đánh bắt cá chung là một dạng thức điển hình về hợp tác đánh bắt cá được thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Theo tinh thần đó, khu PMZ Trung-Nhật chẳng có gì mới. Cái mới của nó là khu PMZ này là điều mới có giữa Trung Quốc và Nhật Bản - nó cho thấy việc hợp tác ở biển giữa hai quốc gia đã đi vào một thời kỳ mới.
KẾT LUẬN
Công ước LOS đã ổn định hóa một chế độ hoạt động theo pháp luật cho các đại dương.
Trong các mối quan hệ quốc tế, xung đột và hợp tác chung sống với nhau. Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của nó không có gì khác. Ta chỉ có thể hy vọng rằng xung đột trong vùng có thể được thu hẹp đến tối thiểu và sự hợp tác đó có thể được nâng cao và đi vào chiều sâu hơn nữa.
Công ước LOS đã xác lập một chế độ hoạt động theo pháp luật cho các đại dương. Nó được mô tả như là một bản "hiến pháp cho các dại dương".23 Tuân thủ luật pháp quốc tế là một trong những đòi hỏi đối với các quốc gia trong tương tác với các quan hệ quốc tế, Công ước LOS làm được nhiều hơn là chỉ đưa ra những điều luật. Một chương dự phòng đặc biệt đòi hỏi các quốc gia ký kết phải phối hợp các hoạt động bảo tồn và nghiên cứu khoa học của mình trong vùng. 24 Rất có thể điều khoản dự phòng này rồi sẽ được mở rộng sang toàn bộ an ninh biển.
Trung Quốc không giấu diếm tham vọng trở thành cường quốc trên biển. Ảnh minh họa: Xinhua.net |
Trung Quốc đang trỗi dậy, tất yếu phải hình dung trước những quyền lợi quốc gia của nó trong phạm vi biển. Ta nên biết rằng vào năm 2005, Trung Quốc kỷ niệm 600 năm sinh của Thông Hòa (Zheng He) 25 , một nhà hàng hải vĩ đại triều Minh (1368-1644) người đã đặt dấu chân Trung Quốc qua bảy cuộc viễn du tới Tây Phi châu đầu thế kỷ thứ 15. Làm lễ kỷ niệm Thông Hòa biểu hiện ý định của chính phủ Trung Quốc thanh xuân hóa vinh quang xưa của sức mạnh hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc hiện nay đang mở rộng hoạt động sang vùng "nước xanh" và đang bàn nhau xem liệu nên có tàu sân bay không. Rõ ràng là Trung Quốc hạ quyết tâm lại trở thành cường quốc trên biển.
Tuy nhiên, những tham vọng này có thể dẫn các nước láng giềng đặt câu hỏi liệu Trung Quốc thực sự có trách nhiệm không khi tham gia vào công việc quốc tế, đặc biệt khi nước này tham gia vào công cuộc an ninh trên biển. Một hình ảnh quá quyết đoán có khả năng phá hoại mục đích của Trung Quốc định biến cả Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa thành những vùng biển của hòa bình, hợp tác và hài hòa. Vì lý do đó mà cần đề xuất một kiểu "quyền lực thông minh" vào chính sách biển của Trung Quốc. Nếu làm được điều này, Trung Quốc có khả năng tạo thành một tấm gương tốt cho các quốc gia khác ở châu Á noi theo. Nếu các quốc gia trong vùng cùng phối hợp hành động thì hòa bình và an ninh trên biển có thể được duy trì dài lâu.
Người dịch: Đại Phúc
* Bản gốc tiếng Anh: ZouKeYuan_HAQ
--
Ghi chú:
1 Toàn văn tại: http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/texts/unclos/closindx.htm, 4-11- 2010.
2 Li Haiqing, "Suy nghĩ về chiến lược của chúng ta đối với sự phát triển đại dương tại các vùng biển Đông Á," tạp chí Ocean Development and Management (tiếng Hoa) 1 (2005): 10.
3 Hội nghị lần thứ 13th Trung Quốc và Nam Triều Tiên họp ở Thanh Đảo 4-7-2008.
4 Toàn văn Hiệp định, coi: http://www.chinadaily.com.cn/china/2008-06/18/content_6774860.htm,
5 Yann-huei Song, "Okinotorishima: "Một hòn đá hay một hòn đảo?" Mâu thuẫn gần đây về phân định biên giới biển giữa Nhật Bản và Đài Loan," Trong cuốn Maritime Boundary Disputes, Settlement Processes, and the Law of the Sea, ed. Seoung-Yong Hong and Jon M. Van Dyke (Leiden: Martinus Nijhoff, 2009), 148.
6 Qin Jize, Li Xiaokun và Cheng Guangjin, "Bành trướng đảo của Nhật Bản xâm phạm tới lân bang," China Daily, February 11, 2010 http://www.chinadaily.com.cn/world/2010-02/11/content_9461259.htm
7 "Đề xuất bổ sung vào chương trình nghị sự Hội nghị lần thứ 19 các nước: ghi chép phát biểu miệng ngày 21-5-2009 của Phái đoàn Thường trú Trung Quốc tại LHQ gửi Tổng thư ký", SPLOS 196, 22-5-2009, 14-10-2010, http://daccess-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N09/346/61/PDF/N0934661.pdf?OpenElement
8 Hai đề xuất này được in lại trong Selected Foreign and Chinese Articles on the South China Sea (2001), ed. Hainan Research Institute for the South China Sea (Hainan: Haikou, 2002) (in Chinese), 180-183.
9 Các bản dự thảo Quy tắc ứng xử ASEAN và Trung Quốc in lại trong Collection of Selected Foreign and Chinese Papers on the South China Sea, 180-183.
10 Toàn văn coi: http://www.aseansec.org/13163.htm,
11 "Bắc Kinh: những tranh chấp lãnh thổ vùng Biển Nam Trung Quốc," VOA News, 21-10-2009,
http://www.voanews.com/english/2009-10-21-voa20.cfm,
12 "Những vùng nước bập bỗng: Đông và Nam, Trung Quốc làm bắn tóe nước," Báo Economist 21-1- 2010, http://www.economist.com/world/asia/displaystory.cfm?story_id=15331153.
13 Coi "Thông cáo báo chí về Hội nghị nguyên thủ lần thứ 13 ASEAN - Trung Quốc." Hà Nội, 29-10- 2010, http://asean2010.vn/asean_en/news/36/2DA9D9/Press-release-on-the-
13th-ASEAN-CHINA-summit
14 Coi "Thông cáo chung ASEAN Trung Quốc về Hợp tác trong những vấn đề không truyền thống. Hội nghị nguyên thủ ASEAN-Trung Quốc," 4-11-2002, http://www.aseansec.org/13185.htm
15 "Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Nam Trung Quốc"
http://www.aseansec.org/13163.htm
16 Điều khoản 3 trong ReCAAP. Toàn văn tại "Regional Cooperation
Agreement on Combating Piracy and Armed Robbery against
Ships in Asia," http://www.recaap.org/about/pdf/ReCAAP%20Agreement.pdf
17 Thông tin về các hoạt động này: http://www.recaap.org/index_home.html
18 Chi tiết coi Chu Khắc Nguyên "Hiệp định Trung-Việt về phân định biên giới trên biển vùng Vịnh Bắc Bộ," Tạp chí Ocean Development and International Law 36 (2005): 13-24.
19 Hiệp nghi đánh bắt cá giữa CHND Trung Quốc và Nhật Bản, 11-11-1997. Bản dịch không chính thức trong Chu Khắc Nguyên: Law of the Sea in East Asia: Issues and Prospects (London: Routledge, 2005), 175-180.
20 Điều 10 Hiệp nghị đánh bắt cá Trung-Nhật.
21 Điều 4 Hiệp nghị đánh bắt cá Trung-Nhật.
22 Điều 11 Hiệp nghị đánh bắt cá Trung-Nhật.
23 Coi Tommy Koh, "Môt bản hiến pháp cho các đại dương", trong The Law of the Sea: United Nations Convention on the Law of the Sea
with Index and Final Act of the Third United Nations Conference
on the Law of the Sea (New York: United Nations, 1983), xxxiii.
24 Điều 123 Công ước LOS.
25 Chi tiết, coi: "Sứ giả hòa bình: kỷ niệm 600 năm các chuyến du hành lớn của Thông Hòa (1405-1433)", 16-2- 2010, http://www.chinaculture.org/gb/
en_focus/node_2478.htm. Khi thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại
đại học Cambridge tháng hai 2009, ông mô tả Thông Hòa là "một sứ giả đích thực của tình yêu và hữu nghị", Coi: "Premier Wen Says Cooperation Top Priority to Tackle Financial Crisis", 3-2- 2009,
http://au.china-embassy.org/eng/xw/t535003.htm