Trước tình trạng sử dụng công nghệ thông tin làm vũ khí tấn công như gửi tin nhắn đe dọa, tung ảnh nóng, clip sex của người khác lên mạng, đưa số điện thoại của nhau vào các diễn đàn gay, gái gọi, lập blog giả để nói xấu nhau...ngày càng gia tăng, VietNamNet đã trao đổi với chuyên gia về giải pháp phòng chống, khắc phục hiện tượng này.
Quy trách nhiệm, xử lý nghiêm (TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học):
Cũng giống như các vấn đề khác của đời sống, việc sử dụng công nghệ thông tin để nói xấu, xúc phạm, khủng bố tinh thần nhau xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Người ta vẫn tranh giành, kì thị nhau khi chưa có internet. Bây giờ dùng internet như một công cụ để giải quyết mâu thuẫn, khủng bố nhau.
TS. Trịnh Hoà Bình (Anh VietNamNet) |
Những hành vi xấu, đi trái với chuẩn mực đạo đức như vậy nếu không trừng phạt, răn đe thì đương nhiên nó sẽ tiếp tục gia tăng. Cái tốt không được thường xuyên biểu dương, tôn vinh, còn cái xấu lại ít bị lên án, nếu không gọi là có cơ hội để nảy nở phát triển thì ít nhất cũng là dung túng.
Sự dung túng ở đây mang tính cách vô hình, bởi vì chúng ta chưa chỉ ra được ai phải chịu trách nhiệm cho điều này.
Trước kia tung clip, nói xấu lên mạng xã hội tràn lan ít khi bị xử lý. Nhưng sau khi một số blogger tung clip bị bắt hoặc xử phạt thì rất nhiều người phải giật mình. Nếu bây giờ có trường hợp một người tung ảnh nóng bị phạt tù 5 năm, thì những kẻ xấu khác sẽ phải cân nhắc trước khi hành động.
Những bài học này ở các quốc gia khác cũng có, người ta dùng tiện ích của Internet để bôi xấu nhau, để tranh giành ảnh hưởng, đặc biệt trong làm ăn thương mại, hoặc tranh giành ảnh hưởng của ngôi sao,… Nhưng trong một trật tự xã hội mà mọi cái đòi hỏi sự minh bạch, đúng sai phải có xử phạt phân minh thì nó sẽ bị ngăn chặn.
Biện pháp kỹ thuật? (Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkis):
Thông tin hình ảnh lan truyền trên internet với tốc độ nhanh đến chóng mặt, ngay cả việc tìm ra người phát tán đầu tiên cũng mất một khoảng thời gian tương đối lớn vì vậy để chặn hoàn toàn 100% là không khả thi.
|
Giám đốc TT An ninh mạng Bkis Nguyễn Minh Đức |
Các biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là trang blog và trang mạng xã hội không phải do Viet Nam quản lý, nó là dịch vụ của các công ty toàn cầu, đặt máy chủ ở khắp nơi, bất kỳ ai cũng có thể truy cập.
Mọi dấu vết để lại sẽ lưu trữ ở các công ty đó chứ không phải công ty Việt Nam nếu muốn can thiệp thì các cơ quan điều tra phải có yêu cầu hợp tác từ các công ty đó.
Thứ hai, việc tạo ra các tài khoản cũng rất đơn giản và nhanh chóng, gỡ cái này thì lại lập cái khác. Ngoài ra các biện pháp che dấu địa chỉ IP hoặc ngồi ở nhiều nơi khác nhau cũng gây khó khăn. Giống như tội phạm ở ngoài đời, nó cũng có nhiều hình thức để che dấu dấu vết, nhưng điều tra vẫn có thể tìm ra.
Tuy nhiên, theo chiều hướng cộng đồng mạng trong thời gian gần đây phần lớn cá nhân hay ban quản trị các forum đều ủng hộ việc hạn chế đăng những ảnh riêng tư, họ sẽ hạ xuống nếu có yêu cầu.
Giải pháp chặt chẽ nhất là có sự kết hợp giữa nhiều cơ quan, giữa sự răn đe của pháp luật và yếu tố kỹ thuật.
Về mặt kỹ thuật có thể dùng biện pháp ngăn chặn bằng từ khóa. Áp dụng một số công nghệ để phát hiện những video, ảnh có nội dung không lành mạnh nhưng mất thời gian và tính chính xác chưa cao. Cần có người kiểm duyệt nội dung hoặc báo cáo của người sử dụng, dựa vào những báo cáo ấy người ta kiểm lại nội dung một lần nữa.
Ngoài ra, nếu việc xác thực được áp dụng bằng cách gắn mỗi tài khoản với một số điện thoại thì việc tạo ra các tài khoản rác sẽ hạn chế hơn, người sử dụng cũng sẽ có trách nhiệm với tài khoản của mình.
Và khi có sự cố xảy ra các cơ quan chức năng phải nhanh chóng ngăn chặn bằng các yếu tố kỹ thuật, phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ để giải quyết nhanh chóng nhất. Điều tra tìm ra nguồn phát tán và xử lý nghiêm minh bằng pháp luật mới có tính răn đe.
Tất cả các biện pháp trên cũng không thể hạn chế được tất cả. Quan trọng nhất vẫn là người sử dụng có ý thức tự bảo vệ mình. Phần lớn những vụ việc tung ảnh nóng lên mạng là do chúng ta để lộ máy tính, điện thoại. Chính vì vậy việc lưu trữ giữ liệu phải hết sức thận trọng. Điện thoại di động, máy tính xách tay hay ổ cứng rời là một trong những yếu tố thuận lợi để cho kẻ xấu lợi dụng.
Trong tình huống bị tấn công thì nên báo với các cơ quan chức năng, các cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao của bộ công an, cơ quan ứng cứu sự cố máy tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan kỹ thuật như Bkav để xử lý kịp thời.
Ts. Nguyễn Kim Quý (Ảnh Dantri) |
Các hình thức đe dọa, nói xấu trực tiếp ảnh hưởng đến tinh thần, tạo sức ép về tâm lý cho người bị hại, ảnh hưởng đến hình ảnh của họ trong mắt người khác, thậm chí còn xảy ra hiện tượng tống tiền.
Với những bạn teen chưa có được sự chín chắn, khi rơi vào trường hợp bị nói xấu, trước tiên cần bĩnh tĩnh, nên tâm sự với bạn bè, người thân, không nên giữ kín chuyện, có thể quá stress dẫn đến ảnh hưởng đến tâm lý, thần kinh.
Ngăn chặn tung tin đồn thất thiệt hoặc tung ảnh riêng tư thì tốt nhất là chúng ta không nên có những bức ảnh ấy. Trước khi quay phim, chụp ảnh một sự kiện nào đó phải lường trước trường hợp có thể một ngày nào đó nó được công bố.
La Hoàn - Thùy Thơm (thực hiện)