sgtt.vn, 20.04.2011  
img Đọc báo theo ngày:
Ngày 19.04.2011, 16:52 (GMT+7)

Nhảy vào hôi của vì thiếu lòng tin?

SGTT.VN - Hình ảnh lợi dụng tình cảnh ngặt nghèo của người khác để chiếm đoạt tài sản (cướp bia, dưa hấu...) được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây bất bình trong dư luận. Hành động này xảy ra, đơn giản vì thiếu lòng tin. Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó.

Một chiếc xe tải chở dưa hấu bị tai nạn lật ngang, khiến dưa bị rơi vãi tung toé trên đường. Người đi đường xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ người lái xe gặp nạn, mà để tranh thủ nhặt dưa mang về nhà làm của riêng.

Thấy người gặp nạn không ứng cứu thì thôi, lại còn khai thác điều kiện khó khăn của người ta để trục lợi cho bản thân, thì đúng là không thể chấp nhận. Ảnh: N.V

Hình ảnh lợi dụng tình cảnh ngặt nghèo của người khác để chiếm đoạt tài sản được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây bất bình trong dư luận. Đáng nói nữa, đây không phải là lần đầu sự việc loại này xảy ra: cách nay không lâu và cách nơi đó cũng không xa, một chiếc xe tải chở bia gặp nạn làm nhiều thùng bia văng tứ tung, đã tạo cơ hội cho nhiều người có bia uống thoải mái mà không phải trả tiền.

Hiện tượng số đông đi “hôi của” được lặp đi lặp lại tất yếu sẽ làm hình thành định kiến xấu của dư luận về một nhóm người, một cộng đồng. Nhiều ý kiến bày tỏ nỗi hổ thẹn trước sự bộc lộ tính cách thấp kém của những người được gọi là đồng bào, đặc biệt trong bối cảnh những tấm gương về tinh thần tương trợ, tình đoàn kết và ý thức sẻ chia trong hoạn nạn của người Nhật được phổ biến rộng rãi.

Thấy người gặp nạn không ứng cứu thì thôi, lại còn khai thác điều kiện khó khăn của người ta để trục lợi cho bản thân, thì đúng là không thể chấp nhận. Hành vi đó rất sai, đáng lên án, tẩy chay.

Song, thử bỏ qua một bên các khía cạnh phân tích xã hội, pháp lý hoặc đạo đức đối với hành vi, thì còn lại một góc nhìn cho phép nhận ra một điều quá đơn giản: người ta nhặt dưa, bia về để ăn, uống hoặc để bán lấy tiền, nói chung là để đáp ứng các nhu cầu cho cuộc sống của mình.

Suy cho cùng, mỗi hành vi có ý thức của con người, kể cả việc làm bậy, đều được thực hiện dưới sự thôi thúc của lợi ích. Con người ta, theo đúng bản năng, muốn lấy bất kỳ thứ gì mình thích và muốn thụ hưởng mọi thứ theo ý mình.

Trong xã hội nguyên sơ, để thoả mãn mong muốn cá nhân trong điều kiện có những cá thể cùng quan tâm chiếm giữ một thứ gì đó, thì tất nhiên phải có sự tranh giành và ai mạnh hơn thì thắng. Chính trong quá trình vươn lên từ sự mông muội, con người mới dần dần nhận ra sự cần thiết của việc tổ chức phân phối lợi ích cho phép mỗi người thoả mãn hợp lý các nhu cầu mà không cần phải loại trừ nhau bằng vũ lực.

Hệ thống quy ước xã hội ra đời như là kết quả của các nỗ lực dung hoà giữa các lợi ích đối lập nhằm đạt được mục tiêu đó. Tuỳ theo nguồn gốc hình thành, tính chất, mức độ ràng buộc. Các quy ước mang những tên gọi khác nhau, như thói quen của cộng đồng, phong tục, tập quán hay luật pháp. Độ chặt chẽ, tinh vi và hữu hiệu của các quy ước xã hội là căn cứ chủ yếu để đánh giá trình độ tổ chức, trình độ văn minh của xã hội đó.

Một chiếc xe tải chở dưa hấu bị tai nạn lật ngang, khiến dưa bị rơi vãi tung toé trên đường. Người đi đường xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ người lái xe gặp nạn, mà để tranh thủ nhặt dưa mang về nhà làm của riêng. Ảnh: N.V

Thực ra, quy ước xã hội tự nó không phải là chất liệu kết dính con người trong các mối quan hệ xã hội đa dạng. Để việc theo đuổi lợi ích trong không gian chung được thực hiện bằng hành vi ứng xử đúng mực và trên căn bản tự nguyện, trước hết con người phải chấp nhận nhau, cho phép cùng nhau tồn tại và thừa nhận năng lực, giá trị của nhau cũng như sự cần thiết đối với nhau. Sự chấp nhận, cho phép, thừa nhận đó là biểu hiện của cái được gọi là lòng tin.

Nhờ có lòng tin mà trong trường hợp có nhiều người cùng quan tâm tìm kiếm một lợi ích, người ta có đủ kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình. Nó lý giải việc những nạn nhân động đất và sóng thần tự nguyện xếp hàng nhận lương thực trong vòng trật tự. Nó cũng giúp người ta hiểu tại sao có em bé (người Nhật) đã từ chối nhận phần bánh mì trước những người lớn tuổi: đơn giản, em tin chắc rằng mình sẽ không bị bỏ đói, bỏ rơi.

Cả việc thực thi pháp luật, muốn đạt được kết quả tốt nhất, ổn định nhất, cũng phải dựa chủ yếu vào lòng tin, chứ không phải vào sự cưỡng chế của bộ máy nhà nước. Niềm tin đối với sức mạnh của luật thể hiện thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và ý thức phê phán đối với hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu không ai tin ai, thì chuẩn mực sẽ bị xếp xó. Khi dó, theo đúng quy luật tự nhiên hoang sơ “ mạnh được, yếu thua”, mọi người sẽ xông lên phía trước để giành thế thượng phong trong quá trình tìm kiếm lợi ích. Người ta sẽ giẫm đạp nhau ở nơi công cộng để mua vé, mua bánh mì, sẽ giành đường bằng mọi cách, kể cả lấn làn, vượt đèn đỏ, leo lên lề, cũng như sẽ tìm cách thu gom của cải nhiều nhất về cho mình để phòng hậu hoạn. Với kiểu sống đó, thì ai chậm chân đến sau sẽ chẳng còn gì mà hưởng.

Tóm lại, lòng tin hỗ tương, chứ không phải là thứ gì khác, là cái thúc đẩy con người ta tìm đến nhau, dựa vào nhau để sống và mưu cầu hạnh phúc trong không gian chung trên cơ sở tuân thủ một hệ thống chuẩn mực chung.

Là người chịu trách nhiệm tổ chức cuộc sống xã hội, nhà chức trách, nhà quản lý phải là người đi đầu trong việc xây dựng và củng cố lòng tin đó, trước hết bằng cách tỏ ra mẫu mực trong việc tôn trọng các chuẩn mực được xã hội đề ra, cũng như trong việc xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật.

Tấm gương của người nắm quyền lực sẽ tạo sức mạnh cổ vũ để toàn xã hội làm theo.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện

 

Đánh giá bài viết:  

(30 điểm,6 lần)

Các ý kiến (4)
Frendship
Vấn đề không phải là thiếu lòng tin mà là thiếu ý thức hệ quả của việc thiếu giáo dục, đành rằng:"Tấm gương của người nắm quyền lực sẽ tạo sức mạnh cổ vũ để toàn xã hội làm theo". Nhưng muốn có những tấm gương thì phải có sự đào luyện, bởi vì không trồng làm sao hái được quả. Xã hội Nhật có trật tự vì công tác giáo dục và đạo đức xã hội luôn được kế thừa như tinh thần võ sỹ Samurai nó tác động và chi phối hành vi và ý thức của con người
Nguyễn Huy

Sự tự giác chỉ có thể hình thành, uốn nắn theo khuôn phép, lề luật. Luật công minh phải áp dụng bất luận giai cấp quý hiển hay nghèo hèn và công pháp bất vị tư, ai cũng bị trừng trị như nhau mới khiến mọi người tâm khẩu đều phục. Lâu dần nó tạo nên nền tảng của Lễ Nghĩa, Đạo Đức thấm nhuần trong mọi giai tầng XH. Nếu không thì nó hoàn toàn phản tác dụng.

Cũng như việc xếp hàng mua vé, nếu có ai đó PHÁ LUẬT chen ngang thì người bán vé kiên quyết không bán cho dẫu đó là người thân của mình thì xem ra còn có ai dám làm nữa hay chăng?. Lễ luật là gốc rễ văn hóa nếu không chăm bón cho gốc mà chỉ quơ quét đầu ngọn chỉ hoài công hoài của mà thôi.

Le Anh Tuan
Tôi đồng ý với bài viết và ý kiến cuả PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, trong thời buổi hiện nay cả thế giới ngày càng hiện đại và văn minh lên, ý thức giúp đỡ, chia sẻ và sống vì cộng đồng cuả người dân trên thế giới đều cao, nhưng đáng buồn thay những điều tốt đẹp đó đã không được một số người dân Việt Nam ta tiếp thu, học hỏi. Tôi thấy PGS.TS Điện phân tích rất đúng và cụ thể, thiết nghĩ chúng ta phải nâng cao hơn nữa nhận thức cuả người dân qua những việc làm thật cụ thể, thực tế và có ích lợi chuứ không phải cứ mãi hô hào vận động, tuyên truyền suông như hiện nay, vừa không có tác dụng vừa tốn kém thời gian, tiền bạc cuả ngân sách quốc gia. Tôi cũng ủng hộ quan điểm cuả PGS.TS Điện, đó là người nắm quyền lực phải nên gương mẫu, thực thi công việc vì lợi ích cuả cộng đồng nhiều hơn là nói suông và cũng nên làm thật nhiều việc cho xã hội, đất nước chứ không nên vì lợi ích cá nhân và nên là tấm gương để mọi người dân học tập, làm theo nhằm đảm bảo kỷ cương phép nước. Có như vậy mới thay đổi được nhận thức, hành động cuả người dân.
võ thành công

Nói thẳng ra là do ý thức mỗi cá nhân thôi, lúc xe dưa hấu đó đổ tôi có chạy ngang qua mà hơi đâu vào lượm nhặt, bản thân của cải đó không phải của mình, mình lượm thành ra mình là người trộm, cắp, người xấu. Còn lòng tin thì thôi xin đi. Ví dụ: ra đường chỉ cần hai người đứng cãi cọ nhau, thiên hạ cũng bu lại xem gây ách tắc giao thông => ý thức kém; vượt đèn đỏ gây ách tắc giao thông, tai nạn => ý thức kém.

Trộm cắp, giật đồ của người khác chắc cũng do không có lòng tin à? đơn giản là do người sống chỉ nghĩ đến mình, khi hành sự chẳng thèm quan tâm người ta ra sao. Họ nhặt dưa đó rồi phần của cải đó ai đền, những người làm công phải gánh chịu, lúc nhặt xong về ăn xong chắc họ cũng chẳng thèm nghĩ một giây đến người phải chịu trách nhiệm cái của cải đó.

ý kiến bạn đọc
Nội dung (Đề nghị gõ tiếng Việt có dấu)  
Kiểu gõ:
Họ và tên  
Địa chỉ email    
Nhập mã bảo vệ:  
Tài liệu đính kèm: (.doc, .jpg, .gif, .zip, .rar, .pdf)
 Thông báo cho tôi qua email khi có phản hồi mới
SGTT.VN - Trận mưa lớn vào đêm 18 và rạng sáng 19.4, khiến một số trường học tại quận Tân Phú, TPHCM phải cho học sinh tạm nghỉ vì nước ngập quá sâu. Điển hình như trường PTTH Trần Phú bị ngập nặng đến gần 1m, thiết bị dạy học bị nước nhấn chìm, ban giám hiệu nhà trường quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ học, đợi nước rút; nhiều tuyến đường cũng bị ngập nặng.

Xem thêm »

08:09 ngày 20.04.2011
SGTT.VN - Ngày 1.6.2011 tới đây, khi nghị định số 25/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành, thì số phận của Mobifone và Vinaphone sẽ ra sao?
'; ABDZone[1] = ''; rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone);