Thứ trưởng Ngoại giao Anh:
'Hãy cứ mở lòng với ý kiến của dân'
- Trò chuyện với VietNamNet, Thứ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Browne, người vừa có chuyến thăm Việt Nam, cho rằng "làm chính trị cũng như phục vụ nhà hàng", muốn làm tốt, chính trị gia cần coi ý kiến của công chúng quan trọng như ý kiến của chính mình.

Trong chuyến thăm 3 ngày đến Việt Nam tuần qua, Thứ trưởng Jeremy Browne đã làm việc với các quan chức cấp cao Việt Nam về đối ngoại, an ninh, thương mại. Ngày 6/4, ông Browne đã cùng Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn nói chuyện với sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền về chủ đề "Vai trò của báo chí trong xã hội".

Phát biểu trước các nhà báo tương lai, ông Browne nhấn mạnh: "Chúng ta đều thấy rất ấn tượng về sự tăng trưởng số lượng đầu báo và số người sử dụng Internet ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng sẽ không có giá trị mấy nếu không đi kèm với gia tăng về chất lượng. Chúng ta cần đảm bảo rằng việc khuyến khích sự phát triển của báo chí ở Việt Nam được đo bằng cả chất lượng của nội dung và phạm vi đưa tin lẫn số lượng đầu báo".

Cởi mở với thế giới, VN sẽ phát triển mạnh mẽ

- Vì sao ông lại chọn các nhà báo tương lai của Việt Nam để đối thoại?

Khi đến một đất nước, tôi không chỉ muốn gặp gỡ các quan chức cấp cao để trao đổi về quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ, mà còn muốn gặp người dân bình thường, đặc biệt là những người trẻ, những người có vai trò lớn trong tương lai của Việt Nam với tham vọng và mong muốn cống hiến cho đất nước của họ. Dân số Việt Nam rất trẻ, vì vậy, được gặp những người  trẻ là một điều tuyệt vời.

  Ông Jeremy Browne trò chuyện với sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền chiều 6/4 tại Hà Nội.

Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hoá, các nước đều phụ thuộc vào nhau. Thành công phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, giáo dục và cả thông tin truyền thông. Với sự bùng nổ của Internet và các thiết bị di động, xã hội ngày càng cởi mở hơn, truyền thông càng phát triển thì nền kinh tế càng phát triển, đất nước càng thịnh vượng.

Trong bối cảnh hiện nay, không quốc gia nào có thể phát triển thịnh vượng một mình. Kinh tế thế giới đang ngày càng hội nhập, quốc gia nào cởi mở với thế giới, đồng thời tạo cơ hội điều kiện cho các công dân của mình sáng tạo, đổi mới, năng động, quốc gia đó sẽ vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.

Tiếp cận cởi mở và hướng ngoại hơn với thế giới, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ một thế giới đang toàn cầu hóa mạnh mẽ.

Tôi muốn nhắn nhủ đến các sinh viên báo chí một thông điệp: các bạn là những người đảm bảo cho đất nước được trang bị đầy đủ để thành công, bởi các bạn chính là một phần của truyền thông thế giới đang thay đổi không ngừng.

Chính trị thực sự là vì dân

- Vậy theo ông, truyền thông đang thay đổi chính trị như thế nào?

Truyền thông đang thay đổi cách các chính trị gia giao tiếp với công chúng. Ví dụ ở Anh, tất cả các thông tin về hoạt động của Quốc hội hay các cơ quan Chính phủ đều được công khai. Điều này thực tế đã diễn ra hàng trăm năm nay, song khoảng 20 năm trước thôi, việc tra cứu những thông tin như thế trong thư viện rất bất tiện và mất thời gian. Còn bây giờ, với Internet, bất cứ ai cũng có thể tra cứu các thông tin này chỉ trong vòng vài giây và từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Ví dụ chỉ cần tìm kiếm tên tôi, cử tri sẽ thấy toàn bộ thông tin và văn bản liên quan đến 6 năm làm chính trị của tôi: những bài phát biểu, số lượng phiếu bầu…

Muốn các công dân, đặc biệt là những người trẻ, quan tâm hơn đến chính trị, trước hết các chính trị gia phải cho họ thấy chính trị thực sự là vì dân, để người dân hiểu những gì Chính phủ đang cố gắng đạt được.

Bản thân các công dân cũng cần tự trang bị thông tin, tri thức, chủ động tham gia nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước. Nhất là trong thời đại Internet, không ai có thể nói rằng họ không có điều kiện cập nhật thông tin về tình hình chính trị nước nhà. Chính phủ Anh công bố báo cáo về ngân sách trên website của mình và người dân không khó khăn gì để đọc được toàn bộ báo cáo đó hoàn toàn miễn phí, hoặc họ có thể tìm đọc bình luận, phân tích về báo cáo đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Vậy bản thân ông ứng xử thế nào với những nhận xét của công chúng về những thông tin họ tìm được trên mạng về mình?

Làm chính trị gia có lẽ phải hơi “mặt dày” một chút trước phản hồi của dư luận vì không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người, mọi nơi, mọi lúc. Điều tôi học được rất nhanh khi bước chân vào chính trường là luôn cởi mở với kiến nghị, đề xuất của công chúng. Làm chính trị cũng như phục vụ nhà hàng, luôn có những khách hàng lịch sự và những khách hàng không lịch sự. Không nên lo lắng, cứ mở lòng và suy nghĩ theo hướng phản biện: ý kiến của công chúng cũng quan trọng như ý kiến của chính mình.

Đôi khi chính trị gia phải thay đổi cách làm của mình vì công chúng chê đúng, đôi khi họ phải thuyết phục công chúng rằng những gì họ đang làm là đúng. Dù có những ý kiến khác nhau, quan trọng là làm cho công chúng hiểu được nguyên nhân và mục đích những việc Chính phủ đang làm.

Nhờ truyền thông, người dân ngày càng có nhiều cơ hội hiểu hơn công việc của Chính phủ. Truyền thông đang thay đổi thế giới, quốc gia nào tận dụng được truyền thông sẽ vẽ nên con đường phát triển thịnh vượng cho mình trong tương lai.

Thủy Chung

E-mail người nhận:
Họ tên người gửi:
E-mail người gửi:
Nội dung:
Ý kiến của bạn
E-mail |  Bản In |  Chia sẻ  
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và không quá 1000 chữ
Tin khác
,
,
© Báo VietNamNet, số 4 Láng Hạ , Quận Ba Đình, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng Biên Tập: Bùi Sỹ Hoa.
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,