Xử lý hàng rong: "Cho em nộp phạt, đừng lấy tất cả!"
25/04/2011 09:35:43
- Sau khi đăng bài "Khóc, cười cùng hàng rong" phản ánh tình trạng bán hàng rong tràn lan, lấn chiếm đường phố. Lực lượng công an cũng rất vất vả đối với việc "xử lý tang vật" và thực tế việc xử lý đang cũng có những sai phạm. Vậy phải làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quan điểm của cơ quan chức năng
LS Triệu Trung Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội): Không được tịch thu hàng hóa
Khi xử lý vi phạm hành chính là hành vi lấn chiếm đường phố để bày bán hàng hóa mà phải thu giữ tang vật, phương tiện, kể cả tang vật là hoa quả thì người có thẩm quyền phải lập biên bản và ra quyết định tạm giữ. Sau đó, người có thẩm quyền ký quyết định phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chứ không được tịch thu hàng hóa nêu trên.
Mặc dù, khoản 5, Điều 15 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: "Phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm chiếm dụng đường phố để: Kinh doanh dịch vụ ăn uống; Bày bán hàng hóa; Kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng; Sản xuất, gia công hàng hóa; Làm nơi trông, giữ xe; Sửa chữa hoặc rửa xe; Đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; Làm mái che; Thực hiện các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông...".
LS Triệu Trung Dũng |
Nhưng trưởng công an xã (phường) chỉ có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm tại điều này khi giám đốc Sở Công an hoặc thứ trưởng Bộ Công an huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP trong trường hợp cần thiết như: Trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị - xã hội, hoạt động văn hoá, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương. Các đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hoặc của giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp. Trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trong các trường hợp này thì mức xử phạt cao nhất theo thẩm quyền của trưởng công an xã (phường) cũng chỉ tới 2 triệu đồng chứ không phải là 20.000.000 - 30.000.000đ. Trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà người chủ sở hữu hợp pháp không đến giải quyết để nhận lại thì phải thông báo ít nhất 2 lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan người có thẩm quyền tịch thu. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng mà những người này không đến nhận thì ra quyết định tịch thu.
Đối với các loại hàng hoá sau khi bắt giữ dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền quyết định tịch thu tổ chức bán theo hình thức bán trực tiếp. Số tiền thu được từ việc bán tang vật, sau khi trừ chi phí theo quy định phải nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc Nhà nước.
Ông Đào Hoài Nam (Công an phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội): Mức phạt không phù hợp với người buôn bán nhỏ
Theo quy định tại Nghị định 34/2010, hành vi chiếm dụng đường phố để bày bán hàng hóa được áp dụng mức phạt từ 20.000.000 - 30.000.000đ. Mức phạt này không phù hợp đối với những người buôn bán nhỏ, lẻ. Khi giải quyết những trường hợp vi phạm này, thực sự rất khó cho chúng tôi. Tịch thu phương tiện, dụng cụ về trụ sở công an cũng chẳng có nơi cất giữ. Thủ tục thanh lý phức tạp, mất rất nhiều thời gian và công sức, hàng hoá thực phẩm thu về để lâu thì hỏng, tiêu huỷ thì lãng phí... Chúng tôi chỉ mong có một quy định cụ thể, phù hợp thực tế để thực thi pháp luật. Như hiện nay, mỗi phường áp dụng xử phạt một kiểu, nơi thì tịch thu không trả lại, nơi thì cho nộp phạt vài trăm nghìn để lấy hàng về... không có sự thống nhất, đồng bộ.
Hàng rong vi phạm bị lực lượng giữ trật tự thu hồi. |
Ông Phạm Hoài Nam (Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội): Nguyên nhân gốc chưa được giải quyết
Có thể thấy nguyên nhân gốc chưa được giải quyết. Đó là nhu cầu của người dân trong điều kiện hiện nay về giá cả leo thang, đồng lương còn hạn chế, nên người ta tìm mọi cách để mua được chỗ nào giá rẻ, thuận tiện. Tôi đã đứng quan sát nhiều lần, thấy thực tế người dân đứng xách làn chờ lực lượng chức năng rút đi để được mua hàng của người bán hàng rong.
Hàng rong bày tỏ ý kiến
Chị Nguyễn Thị Minh (32 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội): Chúng em biết thân biết phận
Em đã bán hàng rong ở Hà Nội 10 năm nay rồi. Chồng em mất sớm, em phải một mình nuôi hai đứa con nhỏ. Em biết chúng em ở nhà quê ra đây bán hàng lung tung thế này là không đúng. Nhưng không bán thì chết hết cả nút. Em chỉ mong các anh công an có bắt hàng của em thì cho em nộp phạt xin lại hàng và xe đạp, chứ đừng lấy tất cả của chúng em. Chúng em biết thân biết phận, có dám bán vào giờ cao điểm hay đứng dưới lòng đường đâu. Chỉ dám đứng trên vỉa hè bán vào giờ trưa cho các chị làm văn phòng đi ăn trưa về mua hoa quả hoặc đến tối mới dám bán.
Chị Vương Thị Lan (34 tuổi, huyện Ân Thi, Hưng Yên): Ô tô, xe máy dúi tiền thì được, chúng em xin nộp phạt thì không!
Em biết bán hàng thế này là sai rồi. Nhưng cách đây một tuần, em chưa bày hàng ra bán, mới để trong bao tải dựng sát tường nhà dân, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè tí nào mà công an cũng đến thu cả bao hàng đấy, không cho em cái giấy tờ biên bản gì.
Chị Vương Thị Lan |
Vào xin lại hàng thì quát không cho nói, lôi kéo như em là ăn trộm ăn cướp không bằng. Một cái xe máy Tàu có khi còn không bằng tiền bao hàng của chúng em. Cái thắc mắc của chúng em là ô tô xe máy dúi tiền thì được mà chúng em vào tận nơi xin nộp phạt đừng thu trắng hàng và xe của chúng em thì không được!
KH&ĐS đã phát 100 phiếu điều tra đến những người bán hàng rong. 4 câu hỏi trong phiếu gồm: 1. Anh (chị) có biết việc bán hàng rong tại những nơi cấm là vi phạm không? 2. Trong trường hợp bị bắt thì muốn bị hình thức xử phạt nào: nộp tiền phạt hay tịch thu đồ. 3. Tại sao không lựa chọn một hình thức buôn bán khác để tránh rủi ro. 4. Các câu trả lời khác. Kết quả: 1. 100 phiếu biết sai phạm 2. 100% muốn nộp được phạt để được lấy lại "đồ hành nghề" 3. 30 người đưa ra lí do vì không có học, không biết làm gì nên phải đi chợ. 66 người đưa ra lí do ruộng đất ít, bố mẹ có ruộng nhưng các con không được chia ruộng nên không đủ tiền ăn học cho con. 3 người đưa ra lí do không có nghề phụ gì khác. 4. Bán hàng rong bỏ vốn ít, nhanh thu tiền về nên những người nghèo như chúng tôi lấy việc bán hàng rong làm kế sinh nhai. Nếu công an đuổi thì chạy, bắt thì xin, không xin được thì chịu nộp phạt, cùng lắm bị tịch thu hàng hoá thì sắm lại từ đầu mà đi bán, tuy thiệt hại nhưng chăm chỉ buôn bán thì cũng kiếm lại được. Dù sao nghề này vẫn tiện lợi, kiếm được hơn là đi làm lao động hay làm ruộng. |
Việt Nga - Hồng Xiêm (thực hiện)
.