Facebook, Twitter: 'Vũ khí' mới của các bộ trưởng Singapore

Mọi đảng phái chính trị Singapore đang sử dụng Facebook, Twitter, blog và các trang web cá nhân để quảng cáo cương lĩnh tranh cử, lí lịch trích ngang, thành tích ứng viên.


Singapore với chế độ quản lý chặt chẽ đang đối mặt với một trong những chiến dịch vận động bầu cử lớn nhất trước ngày 7/5, nhờ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận động tranh cử chính trị trực tuyến và sự “xâm nhập” mạnh mẽ của mạng xã hội với các tầng lớp cư dân.

Bầu cử sớm với mạng xã hội

Khi quảng cáo bầu cử từ lâu bị cấm trên các phương tiện truyền thông truyền thống như in ấn và truyền hình, thì phe đối lập - chỉ chiếm hai trong 84 ghế ở quốc hội sắp mãn nhiệm - đang nỗ lực sử dụng Internet để truyền đi thông điệp của mình tới toàn bộ 2,35 triệu cử tri.

Ảnh: Servicist
Trong lúc đó, PAP - đảng Nhân dân Hành động cầm quyền tại Singapore từ năm 1959, lại đang dùng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội để giữ lại quyền lực của mình, với hơn 200 video đăng tải trên website của đảng, còn các bộ trưởng thì tranh thủ đưa lên Facebook những hình ảnh thơ bé.

Mặc dù chiến dịch bầu cử chưa chính thức bắt đầu cho đến tuần tới, nhưng mọi đảng phái chính trị đã và đang sử dụng Facebook, Twitter, blog và những trang web cá nhân trong nhiều tháng này để quảng cáo cương lĩnh tranh cử, hay lí lịch trích ngang, thành tích của ứng viên.

"Các chính trị gia và đảng phái nói chung đang hoạt động tích cực với truyền thông xã hội, đặc biệt là trên Facebook và Twitter - những mạng tương đối phổ biến tại Singapore", Kelly Choo, người đồng sáng lập hãng kinh doanh tin tức trực tuyến Brandtology nói.

"Người dân có các thông tin chính trị một cách trực tiếp hoặc thông qua các mạng xã hội, và các chính khách kết nối với cử tri thông qua nhiều kênh đa dạng”.

Facebook ước tính có 3 triệu thành viên tại Singapore - nghĩa là mạng xã hội rất phổ biến với một cộng đồng cư dân chỉ gồm hơn 5 triệu người. Twitter thì được ưa chuộng trong thế hệ trẻ, với ước tính hơn 900.000 người sử dụng.

Bên cạnh đó, các thành viên phê bình chính phủ còn thiết lập nhiều trang web khác để “chống lại” truyền thông chủ đạo ủng hộ PAP, thu hút các công dân mạng có quan điểm tương tự mà báo chí địa phương hay truyền hình bỏ qua.

Ngoại trưởng dùng Facebook

Một trong những chính trị gia hoạt động tích cực nhất trên Facebook là Ngoại trưởng George Yeo, người giữ vị trí có thể trở thành một trong những mục tiêu tranh luận nóng nhất trong bầu cử. George Yeo là ngoại trưởng đầu tiên của ASEAN mở trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook.

Nhờ đó, George Yeo đã giành thế chủ động để nói về đất nước, về công việc và về bản thân ông. Người ta thích hình ảnh ông tươi cười bắt tay các ngoại trưởng ASEAN bên lề các cuộc họp hơn là hình ông nghiêm nghị tại bàn hội nghị. Đọc các chú thích, các bài viết của chính ông cảm thấy ngắn gọn và dễ tiếp nhận hơn là những bản tin dài trên báo chí.

Sẽ có nhiều thách thức khi hòa vào thế giới ảo, nhất là với một chính trị gia, nhưng Ngoại trưởng Singapore chấp nhận thách thức đó. Cái được là sự chủ động, và sự quan tâm của rất nhiều người đến những gì George Yeo muốn nói.

Theo một trong những thông tin đăng tải, Ngoại trưởng Yeo - người có trang Facebook được rất nhiều người ưa thích (hơn 18.500 người tính đến 21/4) - đã phải thiết lập một trang khác vì tài khoản cả nhân đã viết quá giới hạn 5.000 bạn bè.

Nhiều thành viên cấp cao khác trong nội các cũng có các trang Facebook riêng.

Tổng thư ký phe đối lập - Đảng Dân chủ Singapore (SDP) Chee Soon Juan cho rằng, các phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp họ “đi đường vòng” với báo chí, phát thanh truyền hình ủng hộ PAP. "Với SDP, điều này sẽ rất quan trọng để tiếp cận cử tri”, ông nói và thừa nhận ảnh hưởng của truyền thông xã hội sẽ có thể bị hạn chế trong ngắn hạn. "Đây là lần đầu tiên rất nhiều công cụ như vậy được cho phép sử dụng, vì thế, nó rất mới mẻ, và sẽ trở thành phần quan trọng trong bối cảnh bầu cử”.

Người quản trị trang web của Đảng Công nhân Singapore Koh Choong Yong - chịu trách nhiệm giám sát các tài khoản Facebook và Twitter cũng như trang web của đảng này - cũng nhất trí như vậy. "Nó rất hiệu quả vì tốc độ và sự thuận lợi trong bày tỏ thông điệp, nhưng nó không thể so sánh với mật độ tiếp cận của truyền thông truyền thống”, Koh nhấn mạnh. "Các phương tiện truyền thông mới chỉ có thể phục vụ cho một phân khúc đặc biệt trong dân số… Nó giúp chúng tôi tiếp cận với nhiều người hơn có thể, nhưng có lẽ nó không phải là nhân tố chính xác định thắng lợi trong bầu cử”.

Arun Mahizhnan, phó giám đốc Học viện Nghiên cứu chính sách - một tổ chức tư vấn của chính phủ, cho rằng, truyền thông xã hội ở Singapore vẫn “kém phát triển so với nhiều môi trường hoạt động chính trị”. "Một phần là do sự thiếu thực tiễn trong diễn thuyết chính trị, mặt khác là các quy định hạn chế với Internet”, Arun nói.

Thái An (Theo singaporebusiness)


E-mail người nhận:
Họ tên người gửi:
E-mail người gửi:
Nội dung:
Ý kiến của bạn
E-mail |  Bản In |  Chia sẻ  
Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và không quá 1000 chữ
Tin khác
,
,
© Báo VietNamNet, số 4 Láng Hạ , Quận Ba Đình, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng Biên Tập: Bùi Sỹ Hoa.
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,