Thứ Ba, 26/04/2011 - 00:09

“Dư luận vẫn muốn làm rõ hơn trách nhiệm vụ Vinashin”
(Dân trí) - “Vụ Lã Thị Kim Oanh, Bộ trưởng NNPT&NT can thiệp chậm nên bị kiểm điểm. Vụ PMU 18, Bộ trưởng GTVT bị xử lý. Vụ Vinashin lớn hơn nhiều nên dư luận muốn làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý”, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình nói.
 >> Không lập UB xử lý sai phạm ở Vinashin
 >> Vụ Vinashin: Bộ Chính trị quyết định không xử lý kỷ luật

Việc xử lý trách nhiệm vụ Vinashin và việc dự luật Thủ đô bị bác đã được đề cập sâu trong phiên họp thứ 39 của UB Thường vụ QH về đánh giá kết quả kỳ họp cuối cùng QH khóa XII vừa qua.

“Ăn nên làm ra lại giữ hết khoản thu, anh em khác đói”
 
Không đồng thuận vì cơ chế đặc thù áp cho thủ đô.
 
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề, Luật thủ đô không được thông qua vì việc chuẩn bị chưa kỹ, nhưng Chủ nhiệm UB Dân nguyện Trần Thế Vượng và một số ý kiến khác lại cho rằng, đó không phải nguyên nhân.
 
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật – Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận tự nhận là “người trong cuộc” khẳng định, luật được chuẩn bị rất kỹ, “anh em vắt óc ra mà viết”. Theo ông Thuận, có 2 điểm băn khoăn là cơ chế chính sách xây dựng riêng cho thủ đô, nhưng chưa thấy “chất đặc thù”. Một chính sách đang thí điểm như tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, chưa được tổng kết mà đã mang áp dụng cho 5 - 6 lĩnh vực khác.

Cụ thể hơn, cơ chế tài chính đặc thù dự kiến cho thủ đô quyền giữ lại toàn bộ nguồn vượt thu ngân sách không được đồng tình. Ông Thuận phân tích, cả nước có 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM, tạo ra nguồn thu chung cho cả nước, không thể “ôm” hết về mình.

“Nhà có 5 - 6 người con, chỉ có 2 anh ăn nên làm ra, mà là do cha mẹ để lại, lại cậy mình này kia giữ lại các khoản thu thì để anh em khác đói hết à” – ông Thuận ví von.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình lại cho rằng, việc không thông qua luật thủ đô cũng là một dấu ấn của kỳ họp và của QH khóa XII. 2 lần QH bỏ phiếu bác dự án đường sắt cao tốc và dự luật Thủ đô là thể hiện không khí dân chủ, cần coi là việc bình thường, không nên nặng nề suy xét.

Không kỷ luật không có nghĩa bỏ qua kiểm điểm trách nhiệm

Về việc xử lý trách nhiệm trong vụ Vinashin, Chủ nhiệm UB Dân tộc K’sor Phước nhận xét thẳng là dư luận nhiều bất đồng, không thể “êm” được. Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn phản ánh, cử tri chưa yên tâm với kết luận, để xảy ra sai phạm tại tập đoàn này chưa đến mức kỷ luật.

“Trong khi phía dưới, cơ quan điều tra đã khẳng định vi phạm hình sự, trên lại cho là không có khuyết điểm trầm trọng. Người dân thắc mắc vì điểm mâu thuẫn này” - ông Sơn nêu.
 
Giải trình quá đơn giản vụ Vinashin gây phản ứng tâm lý

Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền cũng cho rằng, việc giải trình quá đơn giản về vụ Vinashin gây bức xúc về tâm lý “như là một sự phản ứng”.

Chủ nhiệm UB quốc phòng an ninh Lê Quang Bình trao đổi, nhiều cử tri so sánh, cách đây mấy năm Cà Mau để xảy ra cháy rừng, Chủ tịch tỉnh đã bị kỷ luật. Trước đó nữa, vụ Lã Thị Kim Oanh, dư luận thấy có dấu hiệu tiêu cực, thanh tra vào cuộc yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT chấn chỉnh nhưng Bộ can thiệp chậm để xảy ra hậu quả nên Bộ trưởng cũng bị xử lý. Tương tự, vụ PMU 18, Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình bị xử lý.

“Không ai nghi ngờ các thành viên Chính phủ tiêu cực, nhưng vụ Vinashin còn lớn hơn những vụ trước đó nhiều nên dư luận muốn làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý”  - ông Bình phân tích.  

Chủ nhiệm UB pháp luật, Nguyễn Văn Thuận nhận xét: “Báo cáo về việc xử lý Vinashin của Chính phủ chuẩn bị hơi chủ quan. Nó gần như một thông điệp nói là việc này đã quyết rồi, không bàn đến nữa. Chính vì thế báo cáo không nhận được sự đồng tình”. Theo ông Thuận, việc quyết định không kỷ luật ai khác hẳn việc kiểm điểm trách nhiệm. Ông Thuận cho rằng, Chính phủ vẫn nên tự kiểm điểm và báo cáo trách nhiệm cụ thể.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải thích, Chính phủ tới đây sẽ công bố kết luận thanh tra về tập đoàn này, sớm đưa ra xét xử những cá nhân vi phạm pháp luật. “Từ kết quả thanh tra, xét xử sẽ quy trách nhiệm cụ thể với cấp dưới” - ông Phúc khẳng định.

Kết luận vấn đề, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng xác nhận, nhiều đại biểu chưa đồng tình, chưa thấy thuyết phục, nhất là việc xem xét trách nhiệm. Ông Trọng nhấn mạnh: “Cần phải nói cho đúng việc Bộ Chính trị thấy không cần xử lý kiểm điểm”.

Theo Chủ tịch QH, Bộ Chính trị đề cập 4 vấn đề, trong đó việc UB kiểm tra TƯ chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm cán bộ thuộc TƯ quản lý chỉ là một nội dung. Bộ Chính trị cũng chỉ đạo thanh tra, xử lý theo pháp luật các cá nhân trực tiếp bên dưới. Báo cáo của Chính phủ mới nói về kết luận của UB Kiểm tra TƯ nên dễ dẫn đến nghi ngờ có sự “cho qua”, để sự việc chìm xuồng.

“So sánh những vụ trước đó, ít nghiêm trọng hơn, đã xử lý vậy mà thậm chí dư luận còn chưa hoàn toàn đồng tình nữa là…” - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói.  

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: CPI tháng 5 chưa hi vọng thay đổi
 
Chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 4 lên mức cao nhất 16 năm qua, đẩy CPI 4 tháng đầu năm lên tới 9,64% (nhưng vẫn dưới 10%). Chính sách kiềm chế lạm phát cũng cần có độ trễ cần thiết. Tháng 5 tới cũng chưa hi vọng tình hình tiến triển nhiều nhưng tháng 6, 7 chắc chắn tình hình sẽ chuyển biến, nếu tất cả các biện pháp được thực hiện nghiêm túc, nhất là việc cắt giảm đầu tư công, quản lý tiền tệ tốt.

 P.Thảo