Thứ Ba, 26/04/2011 - 12:09

Lèn Cờ, chuyện u sầu kể nốt...
Lèn Cờ bé đến mức lãnh đạo xã không tin là có ngày nó sẽ sập và vùi chết một lúc tới 18 “phu đá” tội nghiệp, kèm theo 6 người khác trọng thương. Từ đấy, khu vực có một ngày giỗ chung cho 18 con người chết bất toàn thây....
 >> Sập mỏ đá ở Nghệ An, 18 người tử nạn

Lèn Cờ chỉ là một mỏm đá vẻn vẹn 3ha, trông xa nó như cái thúng tròn úp trên ruộng đồng làng mạc của xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ai có thể ngờ Lèn Cờ lại trở thành biểu tượng bi ai, từng nóng rẫy trên các phương tiện truyền thông trong suốt tháng 4/2011.

 

Gần 1 tháng sau thảm hoạ, chúng tôi trở lại Lèn Cờ, núi sập vẫn tan hoang, nhang cắm đỏ các triền đường vào khai trường lạnh lẽo. Tiếng khóc vẫn rền vang trong những ngôi nhà xập xệ, lãnh đạo xã vẫn chạy như cờ-lông-công để đón các đoàn từ thiện đang chung lưng khoả lấp nỗi đau cho các gia đình bị nạn. Đó cũng là lúc, thời gian “lùi” đã đến độ đủ chín, để nhiều câu chuyện cay đắng lòi thêm ra.

 



“Trụ sở” của công ty khai thác đá có kẻ biển “An toàn là bạn, tai nạn là thù” đỏ chót, rất oách; nhưng cơ quan điều tra đã chứng minh rõ ràng sự coi thường mạng sống người lao động của họ. Giám đốc Chín đã bị bắt giam sau đó.

 

Sắt thép còn nát huống chi thịt da con người.

 

Ông bố nhiều đêm nằm canh mộ 2 con trai

 

Người sa sẩy thì đã đem chôn rồi, người trọng thương - có khi tan nát hai chân và đùi, lúc lôi ra khỏi lèn đá, không còn cả quần lẫn các bắp thịt dọc từ đùi... xuống ngón chân - thì cũng đã bạc phận rồi. Chủ tịch UBND xã Nam Thành - ông Phan Thế Trung - nói chuyện rành rọt, sành sỏi như một “tuỳ viên báo chí”, bởi từ ngày vụ tày trời xảy ra, ông phải “đối phó” với quá nhiều cuộc gặp gỡ rồi. Ông thở hắt: “Lỗi là do doanh nghiệp Chín Mến phá đá kiểu hàm ếch từ dưới lên, cho đỡ tốn mìn mà lại được nhiều đá hơn. Lỗi nữa là bà con mình mất cảnh giác, đến như việc đội mũ bảo hộ lao động, bà con cũng kêu nóng nực vướng víu không bao giờ chịu đội.

 

Chủ doanh nghiệp có khi phải vào nhắc nhở họ mới đội. Chủ đi thì họ lại bỏ mũ. Đơn vị phá đá (doanh nghiệp Chín Mến) được cấp phép năm 2007 đến năm 2010, vừa rồi họ được gia hạn giấy phép đến năm 2012. Đấy, đã nhắc nhở làm ăn phải cẩn thận, huyện lên xử phạt bằng văn bản hẳn hoi, nhưng rồi đâu lại vào đó. Lỗi cũng là do cơ quan chức năng làm chưa nghiêm nữa”.

 

Chúng ta đã có quá nhiều kẽ hở để mở đường cho thảm hoạ kéo đến. Xã không phạt, chỉ nhắc nhở rồi họ cùng... mặc kệ, “bởi xã có phạt cũng chỉ ở mức 200-500 nghìn đồng”, bởi nữa “chỗ Lèn Voi mấy chục hécta núi đá, 4 công ty thành lập (khai thác đá) ở đó, thì mới lo. Ai ngờ nó lại sập chỗ Lèn Cờ” - lời ông chủ tịch xã.

 

Với cái nhìn như vậy, có thể thấy Lèn Cờ đã bị bỏ mặc suốt một thời gian dài. Vi phạm của doanh nghiệp đã rõ ràng, Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phạm Văn Chín - Giám đốc Cty TNHH Chín Mến. Xuất thân làm nghề bán thịt chó, không một thứ bằng cấp chứng chỉ gì liên quan đến phá đá khai mỏ, nhưng ông này đã lập công ty, đăng ký khai thác mỏ đá Lèn Cờ rồi bán “mỏ” cho người khác thu lời hàng trăm triệu đồng. Suốt bao năm, sai phạm cứ sờ sờ trong tiếng đinh tai nhức óc của mìn, máy móc thô sơ và đá lớn vỡ đổ.

 

Những kẻ coi thường mạng người và luật pháp đã làm việc động trời là nổ mìn từ chân núi nổ... lên, móc hàm ếch vào núi để đỡ tốn mìn và được nhiều đá. Doanh nghiệp kia cần thứ duy nhất là tiền, người dân nghèo cũng cắm mặt làm cho xong ngày xong buổi ngõ hầu kiếm cái ăn chống đói (có khi 40.000 đồng/ngày xúc đá). Lúc đó, nếu mà cơ quan chức năng làm ngơ, hay phạt “phủi bụi”... thì dĩ nhiên là tai hoạ sẽ ập đến. Và sự thật là tai hoạ đã đến một cách khủng khiếp nhất.

 

Sau nhiều ngày tìm kiếm, nhiều phần thi thể người vẫn nằm trong hàng nghìn khối đá kia. Có người được mang từng phần thi thể về để mai táng. Có người nhận xác thân nhân về, nhờ cái vòng bạc người xấu số đeo ở cổ, mới phát hiện ra là... nhầm xác. Có nhà 4 người thân chết, có nhà 2 con trai chết, có nhà 2 con dâu chết, có nhà 2 mẹ con cùng bị đá vùi. Có người như bà Nguyễn Thị Nhung, tỉnh dậy khi hai chân bê bết máu, tiếng máy khoan đá vẫn gầm réo bên tai, những khối đá lớn đến mức suốt đời họ chưa nhìn thấy bao giờ chồng lấn lên nhau, ánh sáng ngày chỉ còn le lói trên đỉnh nóc của “biển đá” vừa sập - thế là bà phải tự bò ra.

 

Bà Nguyễn Thị Nhung, người may mắn nhất trong vụ sập mỏ đá, bà đã tự bò ra được khỏi các khối đá to như nhà 4 tầng đè lên nhau, dĩ nhiên, ngón chân và nhiều phần thịt da bà đã vĩnh viễn nằm lại trong đất đá Lèn Cờ. Nay, bà đang kiến nghị xin cho… nổ mìn trở lại.

 

Ra khỏi hầm sập, suốt 1 tuần bà Nhung không mở miệng được câu nào, bởi nỗi ám ảnh hãi hùng. Có ông bố (bố của hai nạn nhân là anh em ruột Hoàng và Vũ), nhà cách mỏ đá vài... mét, hai con trai chết cùng lúc, đó cũng là hai thi thể cuối cùng được lôi ra khỏi mỏ đá (sau 3 ngày), chôn con xong, hằng đêm ông cứ ra bãi tha ma ngồi canh mộ con cho đến sáng. Giọng ông thổn thức, tắc nghẹn khi tôi thắp nhang bên ban thờ con ông: “Hai đứa (Nguyễn Thọ Hoàng - SN 1984, Nguyễn Thọ Vũ - SN 1990) đi làm từ sáng đến tối ngoài mỏ đá, nó làm như vậy từ năm 10 tuổi, đói quá, đang học phải bỏ đi làm đá. Mỗi ngày về, hai tay tứa máu, được 60 nghìn đồng/ngày.

 

Cặp vợ chồng này đã mất một lúc 2 người con trai là Vũ và Hoàng trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ

 

Ảnh nạn nhân Nguyễn Thọ Vũ trên bàn thờ, Vũ chết thê thảm, khi mới 21 tuổi đầu.

 

Vợ chồng tôi đều bị bệnh rất nặng, bí mật đi khám, không dám nói với con, để nó yên tâm đi làm. Nó bảo, con cố làm, cóp tiền sửa nhà sau này thờ phụng bố mẹ. Không ngờ, trong một tích tắc, bố mẹ phải thờ cúng hai con!”.

 



Mỏ đá Lèn Cờ, khi vụ việc đã lắng lại, đó cũng là lúc nhiều bài học, nhiều chuyện “khó hiểu” dần lộ ra. Ảnh: Đ.D.H

 

Bài viết “khổng lồ” không được đăng báo

 

Hàng trăm năm trước, bà con trong khu vực đã có “nghề” khai thác đá ở Lèn Cờ về làm cối, làm giằng tuốt lúa, làm đá kê chân cột. Họ dùng búa thủ công, khoét rãnh rồi dùng nêm bẩy từng miếng đá ra, dùng xe trâu chở đá ra khỏi lèn. Cái nghề đó cứ lành lẽ vậy, cho đến khi doanh nghiệp vào cuộc, họ xin cấp mỏ, có kho mìn rồi, họ “bán” lại cho các chủ “bến” (mỏ nhỏ). Mỗi “bến” là một “mặt tiền” chân núi rộng vài đến vài chục mét. “Bến” được tính chạy dọc từ chân lên... đỉnh núi. Ai có máy khoan, có máy nghiền, có thợ nổ mìn và nhân công thì mua cái “bến” đó, tự làm, tự bán, cứ nộp thuế tài nguyên, tiền mua “mìn” cho doanh nghiệp “đứng thầu”. Cứ thế, mạnh ai nấy làm, ai tử tế thì đánh từ trên xuống, ai ngược đời thì khoét hàm ếch vô tư. Đúng là người ta có phạt nhẹ, có nhắc nhở, nhưng lúc đó vẫn đang là “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”!

 

Chủ tịch UBND xã Nam Thành - ông Trung - thừa nhận: “Trước khi tai nạn xảy ra, có người viết báo còn vào tận uỷ ban gặp tôi, nói về nguy cơ sập mỏ đá. Tôi đã gọi ông Chín (giám đốc) lên nhắc nhở”. Nhiều nhà báo ở Nghệ An xác nhận: Một phóng viên thực tập ở đài huyện Yên Thành có viết bài về đáng sợ trong khai thác đá cẩu thả, vô lối với chừng 80 người không đội mũ bảo hộ bên những hàm ếch chết người ở Lèn Cờ, anh này tiếp xúc với Giám đốc doanh nghiệp Chín Mến, viết bài và ảnh đã gửi báo Q và báo T ở  trung ương.

 

Các báo này không đăng. Anh ta gửi tiếp báo nọ ở N.A, cũng không đăng. Lý do không đăng thì không ai dám chắc. Chỉ biết, ngay sau khi anh ta gửi bài vài ngày, một tờ báo ở N.A còn đăng một bài... ca  ngợi mỏ đá Lèn Cờ. Tìm trên Google, trước mặt Chủ tịch Trung, ngay lập tức chúng tôi có được bài viết trên. Số ra ngày 25/11/2010, bài “An toàn lao động ở mỏ đá Lèn Cờ” (tác giả N.V.Q), thấy tràn trề cảm hứng ca tụng: “Với 60 lao động”, Công ty Chín Mến, “ngoài việc mua bảo hiểm lao động cho 100% công nhân chuyên nghiệp, hằng ngày công ty thực hiện nghiêm túc việc nổ mìn theo giờ quy định (...). Nhờ chú trọng an toàn lao động, nên khai thác 3 năm qua, công ty chưa để xảy ra một vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào”.

 

Đọc xong, tôi rùng mình, thốt lên: “Giá mà bài viết của bạn trẻ mới vào nghề kia được đăng báo, cảnh tỉnh cơ quan chức năng; nếu mà ngay lập tức người viết nào đó không quay lại ca ngợi sự an toàn của mỏ đá mất an toàn, thì chắc gì đại tang đã trắng ngập Lèn Cờ? Và đó sẽ là một bài viết “khổng lồ” của một sinh viên báo chí thực tập”. Chủ tịch xã Nam Thành nghe xong chuyện này, chỉ im lặng.

 

Đá vùi, bị tàn phế vẫn xin cho Lèn Cờ tiếp tục nổ mìn!

 

Bà Nguyễn Thị Nhung là người may mắn nhất trong số các nạn nhân của vụ sập núi Lèn Cờ. Đứt gân, vỡ chân, vĩnh viễn bỏ lại cả mấy ngón chân trong bể đá mênh mông chất ngất và nhuộm máu kia,  nhưng bà đã tự tỉnh dậy, tự bò ra trong sự ngạc nhiên kinh sợ của hàng nghìn người có mặt. Bà biết rằng sự tàn phế hiện nay, dù điều trị cỡ nào, cũng không thể đưa bà ra tiếp tục phá đá, nghiền đá nữa. Nhưng bà vẫn rất hàm ơn với nghề phá lèn, nghiền đá. “Bà con 3 xã nhiều năm qua sống nhờ cái Lèn Cờ này. Giờ Nhà nước bắt đóng cửa, thì họ kiếm ăn bằng cái gì?” - Chủ tịch Trung nói.

 

Đây là bà Kính, vợ ông Viên, trưởng thôn ở gần Lèn Cờ nhất. Dù tàn tật bởi nghề xúc đá thuê, bà vẫn ao ước Lèn Cờ sẽ mở cửa trở lại, bởi bà không có cách kiếm ăn nào khác.

 

“Từ hôm có tai nạn, an táng người thân xong, đàn ông, trai tráng, đàn bà khoẻ mạnh đi làm ăn xa hết. Làng xóm quạnh quẽ. Ráo mồ hôi là hết tiền. Sự sai lầm trong khai thác và quản lý gây ra tai hoạ, đúng thế. Nhưng, điều đó không có nghĩa là cấm vĩnh viễn cái nguồn kiếm ăn suốt nhiều năm qua của bà con cả 3 xã. Vẫn có thể khai thác và đảm bảo an toàn thật sự” - bà Nhung kiến nghị. Chồng bà Nhung (nhà bà Nhung có hai vợ chồng và 2 đứa con ngày ngày làm việc ở mỏ đá) cùng nhẩm tính: “Tôi là một chủ bến đá. Máy móc đầy nhà đây. Ở Lèn Cờ có chừng 30 giàn xay đá, 36 máy khoan. Tính ra tiền tỉ đấy. Ngân hàng xiết nợ là chết”.

 

Chồng nạn nhân Dương Thị Thanh (chị Thanh bị nát hết hai ống chân và đùi, không còn chút thịt nào) - hiện đang nằm ở BV tỉnh Nghệ An - gặp tôi, nói thản nhiên: “Tai hoạ thì đã đau rồi, vợ tôi đã tàn phế rồi. Nhưng tôi vẫn ước ao Nhà nước cho mở lại mỏ đá. Nếu không thì dân tôi không biết phải làm sao”.

 

Đóng cửa mỏ, những cỗ máy đắt tiền đành nằm hoen ghỉ, trong khi ngân hàng đang tiến hành xiết nợ những người nghèo mưu sinh nhờ Lèn Cờ.

 

Anh Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thành - tỏ vẻ lo lắng: “Chúng tôi nghe nhiều kiến nghị về việc, sau thảm hoạ, cơ quan chức năng nên tạo công ăn việc làm cho dân, mở lại mỏ đá để bà con mưu sinh. Hoặc dãn nợ ngân hàng vì máy móc của họ bỗng dưng bị đắp chiếu. Đất nước này có hàng nghìn, hàng vạn mỏ đá, chúng vẫn hoạt động. Lèn Cờ bị sập là do cả cơ quan quản lý, chủ mỏ và người dân cùng bất cẩn. Khi chuyện đau lòng xảy ra, thấy “không quản được thì cấm”, bất chấp cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của người nghèo, đó là một cách hành xử thiếu công bằng”.

 

Một xã, một ngày có 8 đám tang, người đàn ông Nguyễn Duy Long mất một lúc 4 người thân trong vụ sập mỏ Lèn Cờ, trong tích tắc, 18 lao động chính cùng ra đi thảm khốc, để lại 30 đứa trẻ mồ côi. Đau đớn ngần ấy, có lẽ chưa đủ, nếu như ta còn biết thêm những bí mật của bài báo rơi vào im lặng kia, biết rằng trong đau thương, người nghèo ở Yên Thành vẫn đau đáu cái ước mơ được làm phu trong những “mỏ đá giết người”...   

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng

 Lao Động