Thứ Tư, 27/04/2011, 13:23 [GMT+7]
.
.

Chiều cao người Việt và khoảng cách từ đầu tới trời

Có câu nói vui là thế giới này được quyết định bởi những người lùn. Cơ sở của câu nói đó là chiều cao khiêm tốn của nhiều vĩ nhân trong lịch sử.

Mô tả ảnh.
Mai Phương Thúy là Hoa hậu Việt Nam có chiều cao ấn tượng nhất: 1m84,5.

Thực ra câu nói đó, cũng như câu lý luận rằng tầm vóc của con người không phải tính từ chân đến đầu mà từ đầu tới trời (ý nói phụ thuộc vào trí tuệ) chỉ có ý nghĩa triết lý và chuyển sang một phạm trù khác. Ở đây nếu chúng ta nói về thể trạng của con người, và nhất là sức khỏe của giống nòi thì chiều cao vật lý rõ ràng là rất quan trọng.

Cách đây vài năm, chương trình tầm cỡ quốc gia để cải thiện chiều cao của con người đã truyền một cảm hứng lớn cho cả xã hội. Bài học về người Nhật bị mang tiếng là "lùn" trong suốt chiều dài lịch sử, đã "đại nhảy vọt" về chiều cao trong thời hiện đại khiến người ta vô cùng thèm muốn. Cộng thêm khuynh hướng thẩm mỹ coi chiều cao là tất cả (thậm chí trên cả vẻ đẹp của khuôn mặt) khiến người ta càng ao ước có được vóc dáng người mẫu, nhiều khi là bằng mọi giá.

Thông tin vui được đưa ra là trong những thập kỷ gần đây, chiều cao của người Việt Nam được cải thiện, trung bình tăng thêm từ 1 đến 2 cm sau mỗi thập kỷ. Từ tốc độ đó, khó có thể tả được niềm kiêu hãnh của tất cả mọi người khi sau một thập kỷ nữa chiều cao của các nam thanh, nữ tú đất nước chúng ta được đầu tư để có bước tăng “nhảy vọt” tới 4cm, và đạt tiêu chuẩn... thi hoa hậu (1m65cm).

Thế nhưng từ vài năm trước, khi tôi đem câu chuyện tăng chiều cao này trao đổi với một vị giáo sư đầu ngành về dinh dưỡng, ông rất thận trọng khi phát biểu. Ông cho rằng chiều cao chỉ là một “chỉ số” về thể trạng sức khỏe của con người. Việc cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng là nhằm đến mục tiêu tổng thể để giống nòi khỏe mạnh hơn, cường tráng hơn, và tất nhiên đẹp đẽ hơn nữa.

Nhưng mục tiêu thẩm mỹ không phải là tất cả. Cao hơn chưa chắc đã khỏe mạnh hơn, nếu chỉ số chiều cao không “tương đồng” với hàng loạt chỉ số khác. Chính vì thế không nên chú trọng quá nhiều đến chỉ số này và đặt ra như một tiêu chuẩn phải đạt được bằng mọi giá. Hãy chú trọng vào các tiêu chuẩn về thể lực người Việt.

Một chuyên gia khác phát biểu: “Chúng ta có lí do để tin rằng chiều cao người Việt Nam sẽ còn tăng trong tương lai, nhưng chúng ta không kì vọng đạt cho bằng chiều cao của người Tây phương, vì cấu trúc di truyền của chúng ta khác họ”.

Chiến lược phát triển nhân lực đến năm 2020 của Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành đã đưa ra những chỉ tiêu tổng thể, trên nhiều lĩnh vực, còn chỉ số về chiều cao tăng lên chỉ là một. Đó còn là: Tuổi thọ trung bình đạt 75 tuổi, tăng 2 tuổi so với hiện nay; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 5%, bằng 1/3 so với năm 2010 (17,5%). Tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 sẽ đạt 70%, tăng rất cao so với hiện tại chỉ 40%. Số lao động qua đào tạo nghề cũng nâng lên 55% (hơn gấp đôi so với năm 2010 ở mức 25%). Tỉ lệ sinh viên CĐ-ĐH/10.000 dân tăng gấp đôi so với hiện nay, ở mức 400 sinh viên/10.000 dân (hiện đạt 200 sinh viên/10.000 dân).

Rõ ràng tăng 4cm chiều cao không phải là tất cả. Vì thế hy vọng dư luận sẽ nhìn trên tổng thể chiến lược này để phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, chứ đừng quá chú trọng đến mỗi một tiêu chí chiều cao.

  • Ngô Khởi - TTVH
;
;
.